Thơ haiku có 17 âm tiết theo ngắt nhịp 5-7-5 âm, là thể thơ ngắn nhất của Nhật Bản. Thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản và đang tiếp tục phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia. Vào mỗi thời đại của lịch sử phát triển, thơ haiku có các tên gọi khác nhau như hokku発句, haikai俳諧, haiku俳句. Ngày nay, khi nói đến thơ haiku vào bất kỳ giai đoạn nào, hầu như ai cũng quen thuộc với một tên gọi là “thơ haiku”. Với bề dày lịch sử hơn 400 năm, có những lúc thơ haiku tưởng chừng như đang đứng bên bờ vực suy vong. Song, thơ haiku luôn vượt qua các thử thách của thời đại, trở thành hòn ngọc lấp lánh đủ màu, đủ sắc. Từ sự phát triển thần kỳ và với tính độc đáo vốn có, thơ haiku trở thành niềm kiêu hãnh của Nhật Bản, sản sinh ra các bậc đại thi hào lừng danh cùng những vần thơ bất hủ.
Từ lúc mới hình thành, thơ haiku có các phong cách khác nhau, chủ yếu thiên về trào lộng, mang tính giải trí. Đến khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, với sự xuất hiện của Basho, thơ haiku trào lộng truyền thống được thổi thêm tính tao nhã, đánh dấu bước tiến phát triển mới của một thể thơ haiku độc lập.
Thơ haiku thời Basho
Basho tên thật là Matsuo Munefusa松尾宗房 (1644-1694), sinh ra trong gia đình võ sĩ cấp thấp tại vùng Ueno Iga nay thuộc tỉnh Mie. Cơ duyên đưa Basho đến với thi ca khi ông đến làm phụ bếp cho gia đình lãnh chúa Todo Ryosei藤堂良精 trong vùng, kết thân với Todo Yoshitada藤堂良忠 (1642-1666), vị con trai của lãnh chúa. Cùng với Yoshitada, Basho theo học nhà thơ lừng danh Kitamura Kigin北村季吟 (1624-1705), người ủng hộ phái Teimon. Năm 18 tuổi, với bút hiệu Sobo宗房 (Tông phòng, là tên Basho đọc theo âm Hán – Nhật), Basho bắt đầu viết những vần thơ đầu tay theo phong cách sáo mòn của phái Teimon.
春やこし |
haru ya koshi |
Đêm trừ tịch |
年や行きけん |
toshi ya iki ken |
năm cũ bước qua |
小晦日 |
kotsugo mori |
mùa xuân chớm dậy. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Đoàn Lê Giang dịch) |
Năm 1666, Yoshitada mất khi mới 24 tuổi, Basho rời nhà đi Kyoto học văn học Nhật Bản cổ đại, tìm hiểu văn học Trung Quốc, tiếp xúc với những trang sách của Lão Trang, thi nhân Trung Hoa như Đỗ Phủ, Lý Bạch. Mùa xuân 1672, Basho rời quê đi Edo (nay là Tokyo), làm nhiều ngành nghề khác nhau và mang tham vọng trở thành thầy dạy thơ haiku. Nhắc đến thời kỳ này, Basho viết: “Có lúc cảm thấy mệt mỏi với chuyện làm thơ và muốn từ bỏ nó, lúc thì lại muốn trở thành nhà thơ cho đến khi gầy dựng được danh tiếng hơn bất cứ thứ gì. Sự tranh đấu cứ giằng co trong tâm trí khiến cuộc đời tôi không lúc nào ngơi nghỉ”[1].
Hình: Matsuo Basho (chụp tại Bảo tàng Basho tại Tokyo, năm 2015)
Trong cuộc đời làm thơ, Basho thực hiện nhiều chuyến du hành khắp đất nước, tìm ra những đề tài, phong cách mới cho thơ haiku. Những dấu ấn của hành trình phiêu lãng, được Basho ghi lại vào các tuyển tập kỷ hành. Ngay cả khi đối diện với lằn ranh giữa sự sống và cái chết, hồn thơ của Basho vẫn khao khát một chuyến phiêu lưu mới. Mùa xuân năm 1694, trên đường về phương Nam khi đã ngã bệnh, Basho ra đi để lại hơn 1000 bài thơ, với bài thơ cuối cùng đầy nỗi khao khát được đi tiếp con đường “Thi Đạo” của mình.
旅に病んで |
tabi ni yande |
Lữ thứ, |
夢は枯野を |
yume wa kareno wo |
thân nằm bệnh |
かけ巡る |
kakemeguru |
hồn lang thang đồng khô. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Nam Trân dịch) |
Nhờ sự sáng tạo của Basho, thơ haiku từ thơ hài hước, tầm thường trở nên tao nhã, mang đầy tính triết lý về cảm xúc đối với thiên nhiên và nỗi bi ai cô đơn của con người. Thành quả đó là nhờ ngay từ lúc mới tiếp cận với thơ haiku, Basho luôn biết lưu giữ những giá trị tao nhã của thơ waka truyền thống, tinh tế kết hợp chúng một cách sáng tạo với các phong cách thơ đang lưu hành.
Thời gian đầu đến Edo học thơ haiku, Basho nhanh chóng ảnh hưởng phong cách khẩu ngữ, hài hước của phái Danrin. Sau đó, Basho nhận ra phong cách thơ của phái Danrin chỉ mang tính giải trí mua vui, trào phúng, hoa lệ kiểu thành thị, và đó không phải là lí tưởng thơ ca mà ông muốn đeo đuổi. Khác với phái Danrin chỉ xem kigo季語 (quý ngữ) như một công cụ để chơi chữ, Basho đã khéo léo kết hợp tính khôi hài của phái Danrin với tính tao nhã của thơ renga, làm nên một thể thơ haiku độc lập có tính nghệ thuật cao.
きてもみよ |
kitemo mi yo |
Cứ mặc thử |
甚べが羽織 |
jinbega haori |
tấm áo |
花ごろも |
hanagoro mo |
mùa hoa anh đào. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Quỳnh Như dịch) |
Đây là bài thơ trong hợp tuyển thơ haiku Kai Oi貝おほひ (Trò chơi của sò) do Basho và các đồng môn hoàn thành năm 1672 gồm khoảng 30 bài để dâng tặng ngôi đền ở Ueno. Basho rất tinh tế khi chơi chữ “kitemo来ても” (đến đây) đồng âm dị nghĩa với “kitemo着ても” (mặc áo). Bài thơ thật dung dị, hài hước nhẹ nhàng, không tả cảnh nhiều lời, vẫn đủ để người đọc liên tưởng đến tâm trạng háo hức, chờ đợi ngày đi xem hoa anh đào mãn khai (nào đến đây, mặc áo hanagoromo – loại áo mặc vào mùa hoa anh đào). Makoto Ueda đã nhận xét về tác phẩm Kai Oi: “Giá trị của cuốn sách Kai Oi là những lời bình luận, phê phán của Basho về thơ haikai cho thấy sự sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, hiểu biết sâu rộng của Basho về thi ca bình dân, lối diễn đạt hợp thời, là những con đường mới của thế giới nói chung”[2].
Năm 1680, Basho đến sống tại một cái am ở vùng hẻo lánh bên bờ sông Sumida, nơi có trồng cây chuối tên Basho芭蕉 (ba tiêu), sau đó trở thành bút hiệu của chính ông. Tại đây, Basho thả hồn cảm nhận cái uyên nguyên vốn có của thế giới thiên nhiên, viết nhiều bài thơ theo phong cách do ông sáng tạo gọi là shofu 蕉風 (tiêu phong) – kêu gọi trở về với thiên nhiên. Khi ấy, con người và thiên nhiên là nhất thể. Basho cho rằng “Sự biến chuyển của thiên địa tự nhiên là động cơ, chất liệu của thơ haikai”[3] và đưa ra quy định:“Trong thơ hokku phải có kidai季題 (quý đề) tức đề tài về thiên nhiên hoặc phải có từ về mùa (sau này được gọi là kigo)”[4].
芭蕉野分して |
Basho no waki shite |
Lá chuối tả tơi |
盥に雨を |
tarai ni ame wo |
đêm nghe mưa tí tách |
聞夜かな |
kiku yo kana |
xuống chậu sàn không ngơi. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Đoàn Lê Giang dịch) |
Thời gian này, Basho theo học Zen (Thiền) từ nhà sư Butcho 佛頂 (1642-1715) sống gần nhà. Từ đây, phong cách thơ Basho thấm đẫm tính u hoài tĩnh lặng về sự vô thường của cuộc đời: nhẹ nhàng, không kỹ xảo thái quá, đưa thơ haiku đến với thế giới u huyền, đầy tính chân không. Đây cũng là tính chất rất phong nhã trong thơ haiku của Basho, thể hiện cái đẹp vô ngôn, nhẹ nhàng thấm nhẹ vào cảm xúc của người đọc mà không cần nhiều lời miêu tả.
Hàng loạt các phạm trù mĩ học không thể kể hết về cảm xúc con người, nỗi buồn tàn phai, héo úa của vạn vật đã được Basho khai sáng và với ông, đó là linh hồn của thơ haiku. Basho cho rằng thi ca không phải là trò tiêu khiển, mà là sự sáng tạo theo đúng nghĩa của nó. Nhà nghiên cứu Hiekata đã quy tụ các tính chất trong thơ haiku của Basho thành “Mĩ học Basho” bao gồm “Mĩ học tĩnh lặng”, “Mĩ học phiêu lãng” và “Mĩ học hoài cổ”[5]. Tất cả những cảm thức mĩ học này chính là cảm xúc cô đơn của chính Basho trước vũ trụ, trước thiên nhiên và con người. Những xúc cảm ấy thể hiện cái đẹp hoài niệm về thời gian, và về nỗi buồn nhạy cảm trước vạn vật (mono no aware物哀れ). Đây cũng chính là đặc trưng cái tôi trữ tình của Basho, luôn hướng tới vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người.
Để phát triển nguồn thi liệu cho thơ haiku, Basho luôn thôi thúc với tâm nguyện thực hiện các chuyến du hành. Đi là để khám phá, tìm đề tài mới cho thơ haiku. Năm 1684, Basho mở đầu bước đường phiêu lãng sáng tác thơ haiku.
風流の |
fuuryu no |
Phong lưu khởi đầu |
はじめや奥の |
hajime ya oku no |
bài ca trồng lúa |
田植うた |
taue uta |
nơi miền quê thâm sâu. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Nhật Chiêu dịch) |
Basho cho rằng cuộc đời là một cuộc lữ hành, ông đã không mệt mỏi đi khắp nẻo đường đất nước để tìm nguồn thi liệu sống cho thơ haiku, bất chấp những khó khăn, bệnh tật, cô đơn. Liên tục với các chuyến đi từ Edo đến Kyoto, đến chân núi Fuji, bờ hồ yên bình Biwa, băng ngang bao nhiêu dòng sông lớn của Nhật Bản, đến thăm những ngôi đền nổi tiếng tại tỉnh Ise, Nara rồi quay trở về quê Ueno… đã đem lại cho Basho những trải nghiệm về thế sự, làm giàu chất liệu sống động cho thơ haiku.
旅人と |
tabibito to |
Mưa đầu đông |
我が名呼ばれん |
wa ga na yobaren |
hãy gọi ta là |
初時雨 |
hatsu shigure |
lữ nhân. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Quỳnh Như dịch) |
Trong tiếng Nhật, tabi nghĩa là du hành. Theo nhà ngôn ngữ học Nhật Bản Kindaiichi Haruhiko “Đối với người Nhật Bản, tabi 旅có nghĩa là ra đi với trạng thái thấm thía nỗi trơ trọi cô đơn, bán tín bán nghi về nơi sẽ đến và ý nghĩa này trở thành quan điểm chủ đạo trong “văn học tabi 旅” của Nhật Bản”[6]. Quan niệm về tabi đã từng xuất hiện trong thơ tanka.
旅人の |
tabibito no |
Thân thể |
体もいつか |
karada mo itsuka |
Lữ nhân này |
海となり |
umi to nari |
Bao giờ về với biển |
五月の雨が |
gogatsu no ame ga |
Mưa tháng năm ơi |
降るよ港に |
furu yo minato ni |
Hãy rơi xuống cảng. |
(前田夕暮) |
(Maeda Yugure, 1883-1951)(Quỳnh Như dịch) |
Còn với Basho, tabi là phương tiện để ngược dòng lịch sử, trải nghiệm thi ca với những gì các bậc tiền bối đã để lại. Basho đưa ra quan niệm “tính chân thật của thơ haikai” (haikai no makoto俳諧の誠 ) và cho rằng tabi là dịp gặp gỡ các nhà thơ mới, kết nối các vần thơ của họ lại với nhau, là những chuyến du hành lang thang khám phá những vùng xa xôi hẻo lánh, cảm nhận đầy đủ hơn về bản chất tự nhiên của cuộc sống, con người, xã hội, thiên nhiên vạn vật và “mô tả như chúng tự tại” (ari no mamaありのまま). Thời kỳ Edo, tuy chưa xuất hiện các thuật ngữ “tả sinh” (shasei写生), “tả thực” (shajitsu写実) như thời kỳ cận đại, nhưng với quan niệm của Basho, cho thấy thuyết tả sinh khách quan đã từng manh nha từ thời kỳ Edo.
稲妻や |
inazuma ya |
Trên mặt biển |
海の面を |
umi no men wo |
ánh chớp |
ひらめかす |
hiramekasu |
lóe sáng. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Quỳnh Như dịch) |
Basho đã nâng tầm các chuyến du hành lên thành “Đạo” của thơ haiku, cũng giống như những thể loại văn hóa truyền thống khác được gắn với Đạo: Hoa đạo, Trà đạo, Kiếm đạo, Thư đạo…và thơ haiku là Thi đạo. R. H. Blyth nhận ra rằng, với Basho “Mỗi bông hoa là một mùa xuân, mỗi nỗi đau là một cơn đau đẻ, mỗi con người là một nhà thơ haiku, và mỗi con đường là Đạo của thơ haiku”[7]. Trong văn hóa Nhật Bản, “Đạo” không chỉ là đường đi, mà đó là con đường tu tâm, tập luyện để thành thục, trưởng thành.
Qua các chuyến du hành, Basho đã để lại hàng loạt tác phẩm ghi lại phong cảnh gợi hứng cho thơ trên mỗi chặng đường, những trải nghiệm và sự trưởng thành trong phong cách thi ca của Basho: Fuyu no hi 冬の日 (Ngày đông, 1684), Nozarashi Kiko野ざらし紀行 (Kỷ hành lang thang đồng nội, 1684), Haru no hi 春の日 (Ngày xuân, 1686), Kashima kiko 鹿島紀行 (Nhật ký kỷ hành Kashima, 1687), Oi no kobubumi笈の小文 (Đoản văn trong chiếc gùi, 1688), Sarashina kiko (Nhật ký kỷ hành thôn Sarashina, 1688), Arano阿羅野 (Cánh đồng không, 1689), Oku no hosomichi 奥の細道 (Nẻo đường Đông Bắc,1689), Hisago ひさご (Quả bầu, 1690), Sarumino 猿蓑 (Áo rơm cho khỉ, 1691), Saga nikki嵯峨日記 (Nhật ký Saga, 1691). Makoto Ueda đã nhận xét tuyển tập đầu tiên Fuyu no hi 冬の日 (Ngày đông): “Phong cách của Basho đã bớt mô phạm về từ ngữ, nhiều tính trữ tình hơn”[8].
Trong các tác phẩm để lại, Oku no hosomichi được xem là kiệt tác, đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp thi ca của Basho. Tác phẩm được hoàn thiện “dựa trên ý tưởng cảm thức sabi”[9], thể hiện sâu sắc vẻ đẹp cao nhã của thiên nhiên, cảm xúc vô thường của con người trước vạn vật. Theo Ozawa Katsumi, tác phẩm là “Văn học điển cố (tenko bungaku典拠文学), Văn học kỷ hành (Kiko bungaku紀行文学), Kỷ hành thời gian (Jikan kiko時間紀行), Kỷ hành danh thắng (Utamakura kiko歌枕紀行), Truyện Kỷ hành (monogatari kiko物語紀行), Kỷ hành tư tưởng (Shiso kiko 思想紀行), Kỷ hành hội ngộ nhân tình (jinnjo to no fureai kiko 人情との触れ合い紀行)”[10].
Đầu năm 1686, trên đường về Edo, Basho đã để lại bài thơ sáng giá nhất, chỉ đơn giản với hình ảnh của con ếch bên một bờ ao cũ, được truyền tụng lại qua bao nhiêu thế hệ, đến với mọi tâm hồn thơ haiku khắp nơi trên thế giới.
古池や |
furu ike ya |
Ao xưa |
蛙飛び込む |
kawazu tobikomu |
ếch nhảy vào |
水の音 |
mizu no oto |
tiếng nước. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Quỳnh Như dịch) |
Chỉ đơn sơ với âm thanh của tiếng nước tại một không gian thật u hoài tĩnh mịch, bài thơ đã toát lên tinh thần “cái động trong tĩnh” thể hiện “tính chân thật của phong nhã” trước những gì đang xảy ra trước mắt. Tác giả chỉ ghi lại khoảnh khắc bắt gặp được trong thiên nhiên xảy ra ngay trước mắt “ếch nhảy” và âm thanh do chú ếch tạo ra. Không tính từ mô tả hình ảnh chú ếch đang nhảy vào hồ và âm thanh của tiếng nước, chỉ cô đọng lại bằng danh từ “tiếng nước” – âu cũng là đặc trưng biểu hiện của thơ haiku – tĩnh chứ không động. Bài thơ được Hiekata đánh giá là “thể hiện được cái đẹp trong cái tĩnh mịch nhất”, “là tác phẩm tiêu biểu nhất của mĩ học tĩnh lặng Basho”[11]. Động từ “ếch nhảy” được các nhà thơ haiku thời bấy giờ đánh giá là một cách sử dụng từ đầy sáng tạo, khác hẳn với các thuật ngữ thường được sử dụng trong thơ haiku. Chính nhờ đó, đã đưa bài thơ “con ếch” vang vọng nổi bật đánh thức cách sử dụng ngôn từ mang tính mới lạ trong thơ haiku.
Những năm tháng cuối đời, Basho sống trong cô tịch. Cũng từ lúc này, phong cách thơ của Basho phát triển theo cảm thức karumi軽み (nhẹ nhàng, thanh thoát). “Karumi” là vứt bỏ cái tôi, ứng xử nhẹ nhàng, làm giảm đi nỗi buồn rầu, cô đơn tuyệt vọng của con người. Ngày nay tính karumi trong thơ haiku của Basho được nhắc đến và ví von như văn hóa“motenashiもてなし” (thanh lịch) đang được thế giới ngưỡng mộ.
この秋は |
kono aki wa |
Thu này |
何で年寄る |
nande toshiyoru |
sao già nhanh hơn thế |
雲に鳥 |
kumo ni tori |
cánh chim khuất trên mây. |
(松尾芭蕉) |
(Matsuo Basho) |
(Đoàn Lê Giang dịch) |
Một Basho đi nhiều, nghe nhiều, trải nghiệm nhiều từ cuộc sống đời thường của trần thế đã làm nên thành công trong sáng tạo nghệ thuật cho thơ haiku. Qua các chuyến du hành, Basho đưa ra thuyết tương phản “Bất dịch lưu hành” (fueki ryukou不易流行)[12]. Bất dịch là vĩnh hằng. Lưu hành là luồng gió mới. Trong thiên nhiên, trực giác cho ta thấy rằng vạn vật luôn biến đổi nhưng tính chất của vạn vật thì lại bất dịch, không bao giờ thay đổi. Với lý luận này, Basho bộc lộ khát khao đi tìm chân lý vĩnh hằng của nghệ thuật thơ haiku bằng cách gắn kết những biến thiên của hiện thực với giá trị bất biến trong truyền thống. Cả hai dù là tương phản, đối lập nhưng lại là những tố chất không thể thiếu trong sáng tác thơ haiku. Thơ haiku là thế. Thống nhất ngay trong những mặt đối lập.
Với những thành tựu tột bậc, Basho trở thành nhà thơ haiku kiệt xuất của Nhật Bản. Nhờ công lao của Basho, thơ haiku được định hình và hoàn thiện tính nghệ thuật độc đáo, thoát khỏi sự dung tục hưởng lạc tầm thường trong văn chương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của xã hội.
TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
(Bài viết có sử dụng một số nội dung từ sách của đồng tác giả “Nguyễn Vũ Quỳnh Như – Thơ Haiku Nhật Bản: Lịch sử phát triển và đặc điểm thể loại”, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.HCM, 395 trang, 2015)
[1] Makoto Ueda (2008), The Master Haiku Poet – Matsuo Basho (普及版) 英文版 松雄芭蕉, Kodansha International, Japan, tr.32.
[2] Makoto Ueda (2008), The Master Haiku Poet – Matsuo Basho (普及版) 英文版 松雄芭蕉, Kodansha International, Japan, tr.22.
[3] Yamashita Kazumi (1998), 俳句への招待 (Xin mời đến với thơ haiku), Shogakukan, Japan, tr. tr.55.
[4] William J. Higginson (2008), The Haiku handbook – How to write, share, and Teach Haiku, Kodansha Intl.com, Japan, tr.91.
[5] Hiekata Tomizo (2009), 日本人の美学ÂÂÂÂ (Mĩ học của người Nhật), Waseda Shuppan, Japan, tr.37.
[6] Kindaiichi Haruhiko (2001), 日本語の特徴 (Đặc trưng tiếng Nhật), Nihon hoso Shuppan Kyoukai (NHK Book), Japan, tr.160.
[7] R.H. Blyth (1981-1982), Haiku Volume 1~4: Eastern Culture, Spring, Summer-Autumn, Autumn-Winter, The Hokuseido Press Tokyo, Heian International South San Francisco, tr.292.
[8] Makoto Ueda (2008), The Master Haiku Poet – Matsuo Basho (普及版) 英文版 松雄芭蕉, Kodansha International, Japan, tr.26.
[9] Makoto Ueda (2008), The Master Haiku Poet – Matsuo Basho (普及版) 英文版 松雄芭蕉, Kodansha International, Japan, tr.30.
[10] Ozawa Katsumi (2007), 「奥の細道」新解説と (Oku no hosomichi – Nẻo đường Đông Bắc “Chuyến du hành của hiện thực và chân lý”), Toyo Shuppan, Japan, tr.11-18.
[11] Hiekata Tomizo (2009), 日本人の美学ÂÂÂÂ (Mĩ học của người Nhật), Waseda Shuppan, Japan, tr.37.
[12] Ozawa Katsumi (2007), 「奥の細道」新解説と (Oku no hosomichi – Nẻo đường Đông Bắc “Chuyến du hành của hiện thực và chân lý”), Toyo Shuppan, Japan, tr.16.