Khao khát vời vời trong một khúc thơ- Lý Viễn Giao

alt

Anh viết thư pháp. Con chữ dưới tay anh có hồn có vía, có hình dáng và màu sắc như một bức tranh nên người đời gọi anh là Nhà thư họa. Còn tác phẩm của anh, người ta bảo đó là Tranh chữ! Anh cũng là người làm thơ Haiku. Thơ anh viết không nhiều nhưng chín chắn vừa độ, sâu và cao đúng tầm. Khi đi làm công việc của một con ong thợ tìm kiếm chất liệu để xây tổ, tôi đã gặp bài thơ anh trên một trang viết. Nó gợi ra trước mắt nhiều điều về hồn cốt của một phiến khúc Haiku.

alt

Cá xuống nước

mây về trời

ta thả ta vào chân không

Về cốt cách, khúc thơ rõ mồn một ba hình ảnh. Đứng riêng rẽ, mỗi hình ảnh đã đủ nói lên một hiện tượng và tự mình gợi mở ý tứ. Ôm lấy nhau trong khúc thơ, chúng tạo nên ý tưởng rộng lớn mà ta phải nhìn thật tinh tế mới nhận chân được. Nếu ai đó còn băn khoăn rằng thơ Haiku là Thơ ba câu có thể viện dẫn bài thơ này. Quả thật ở đây mỗi dòng là một câu hoàn chỉnh nhưng chỉ là sự ngẫu nhiên trùng hợp. Thực chất thơ Haiku không cần đến như vậy. Xin được nói nhiều hơn về phần hồn bài thơ. Với hai hình ảnh cá xuống nước và mây về trời, tác giả đã khẳng định cái tự nhiên tất yếu của sự sống. Không có bầu trời thì mây nhởn nhơ sao đây? Không có nước, cá làm sao vùng vẫy? Trời nước là nơi đích thực tạo nên sự sống. Vậy hãy trả lại sự sống cho mọi thứ mà mây và cá được dùng làm vật chỉ thị tượng trưng. Cũng đâu chỉ có vậy. Trong cuộc sống này thử hỏi thứ gì là cốt lõi, là động lực và vĩnh viễn? Tình yêu đấy! Bỗng nhiên tôi nhớ về một khúc ca dao xưa:

… Cái ngọn sông đào vừa trong vừa chảy

Anh đi kén vợ mười bẩy năm nay

Tình cờ bắt gặp nàng đây

Như cá gặp nước như mây gặp rồng

Mây gặp rồng, phát phong phát vũ

Cá gặp nước con ngược con xuôi …

Thế đấy, cá gặp nước đâu phải chỉ để bơi lội kiếm ăn mà “Con ngược con xuôi” quấn quýt yêu thương nhau, hạnh phúc cùng nhau… Mây gặp rồng là không có thật. Hình ảnh hư cấu về rồng thường ở trên trời nên cứ hiểu mây gặp trời cũng không khác xa nhau là mấy. Mây gặp trời có thể bảng lảng nhẹ nhàng trôi, cũng có thể “Phát vũ” với mưa Ngâu thương nhớ, phát tia sét ái tình đầy cuồng nhiệt. Vậy nên “Cá xuống nước/Mây về trời” là ước vọng tình yêu nữa chứ đâu chỉ đơn thuần là sống thôi. Khi mây đã về trời, mây chẳng ở yên mà được gió đưa đẩy phiêu du, và ấy là tự do, là tình yêu đấy. Khúc dân ca này có phải như thế không thì ai mà chẳng rõ:

Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi

Anh ơi em vẫn đợi, bèo… í… a dạt

Mây í… ì… i trôi…

Đọc những câu sau của Xuân Diệu:

Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi…

Ta thấy khúc tình si được đẩy lên tột độ để hành vi gần như chạm ngưỡng cực đoan. Thế nhưng gió đã buộc lại thì mây làm sao trôi, bèo có dạt không để nỗi nhung nhớ bời bời thốt lên thành lời day dứt? Trong khúc Haiku của Thiện Niệm, anh chỉ cho mây về trời thôi để mây tự do lang thang hay phát phong phát vũ gì tùy ý. Cũng là dùng tương tác với thiên nhiên để giãi tình nhưng mỗi người một vẻ, mỗi cách đeo mang một nét hay riêng!

Với hình ảnh thứ ba “Ta thả ta vào chân không” dường như ý tứ có một bước nhảy nâng tầm. Bây giờ là người rồi. Mà người thì không thể dùng thứ gì cụ thể, thiếu tế nhị để thỏa nỗi khao khát sống và yêu được. Chân không là lựa chọn độc đáo có nội hàm rộng. Nếu khoa học chỉ coi chân không là môi trường không chứa gì nên không có sự cản trở. Ở đó sợi bông rơi giống hệt viên bi. Thì văn chương mở rộng, trừu tượng hóa chân không thành cả một xã hội tự do và yêu thương. Nơi này không có hoài nghi và đố kỵ, không có tham lam và ích kỷ, bất công và áp bức làm vẩn đục. Nó trinh nguyên, trong veo như tự do và tình yêu. Cuộc sống như thế thực vô giá như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng dạy “Không có gì quý hơn độc lập và tự do!”. Nhưng ai mang ta đến “Chân không”? Lời khẳng định đã rõ mồn một ngay trong câu thơ rồi đó. Đến đây, ta không thể không nhắc đến lời bất hủ của Các Mác: “Hạnh phúc là tranh đấu!”. Chỉ có tự ta khổ luyện, vươn lên mới có thể “Thả ta vào chân không” được.

Tính hàm súc của thơ Haiku đã được cho là không phải bàn. Nếu dùng lăng kính thơ mà nhìn sẽ thấy nhiều bài thơ khác cũng óng ánh bảy sắc cầu vồng như khúc thơ ngắn này. Thiện Niệm, người đi bằng hai chân thư họa và sáng tác. Chân nào anh cũng vững trãi. Mong và tin ở những bước đi tiếp của anh.

L. V. G

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt