Hãy đọc để lấy lại niềm tin- Ts Lê Đăng Hoan

 (Nhân đọc quyển sách “Để nhớ để thương – Hồi ức của một thầy giáo”
của tác giả Lê Văn Truyền- CLB Haiku Việt Hà Nội)

Cảm ơn anh Lê Văn Truyền! Anh đã cho tôi thêm niềm tin về những người thầy thuốc, những người sản xuất thuốc có tâm!

Cha tôi cũng là một thầy thuốc y học cổ truyền được bà con tặng một danh xưng giản dị: Lương y. Và bây giờ mấy người em tôi cũng đang nối nghiệp cha. Tấm gương của Cha tôi đã truyền cho các em tôi tấm lòng thiện lương, chữa bênh cứu người trong cơn hoạn nạn.

Anh cũng có một người Cha đã tạo cho anh niềm tin và đạo đức làm người, tạo nền móng cho anh đạt được những thành công trong nghề nghiệp, tuy Ông không hành nghề y – dược. Một người Cha liêm khiết, tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu và luôn dõi theo từng bước đi của con cái, vẫn lo lắng cho đứa con đã trưởng thành, ngay cả khi con đã trở thành “nghị sĩ”.

Anh may mắn được sinh trưởng một gia đình “nề nếp, gia phong” từ Ông nội, luôn coi chiếc roi mây là “bảo vật cùa gia đình” đề đưa con cháu vào “hệ thống lề thói và gia pháp” từ “nết ăn, nết ở, lời thưa gửi chào hỏi, học hành, vui chơi…”. Anh đã được làm học trò và noi gương những bậc thầy tầm cỡ từ trường làng, trường trung học cho đến trường đại học và ở nước ngoài sau này…Thừa hưởng một nền tảng giáo dục như vậy anh đã được hun đúc thành một người có tâm cả trong cuộc sống và nghề nghiệp.

Tôi là người rất yêu Huế, quê hương thân yêu của anh. Tôi cũng không biết tại sao? Tôi đã có lẽ hơn 10 lần đến Huế, vì công việc, nhưng lần nào tôi cũng háo hức, cũng thấy bồi hồi. Có thể vì xứ Huế thanh bình, người Huế nhẹ nhàng, tình cảm và phong cảnh Huế thanh tịnh phù hợp với tâm hồn tôi. Tôi có một đĩa video “Nhớ Huế” là những bài hát về Huế vô cùng hấp dẫn. Người đạo diễn đã tạo nên một tác phẩm chân thực mà ai nghe cũng thấy Huế gần gũi và thân thiết. Các bài hát “Nhớ Huế”, “Nhớ về Cố Đô”, “Mưa trên phố Huế”… tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao lần.

Đọc quyển sách của anh, tôi thấy anh và tôi gần nhau hơn, khi biết rằng thân phụ của anh đã có thời gian làm thẩm phán Tòa án quân sự Liên khu IV ở Đô Lương, quê hương tôi. Và đến khi đọc quyển sách tôi mới biết kỹ sư luyện kim Lê Văn Kiều, sau này là Chánh thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ, chính là đồng nghiệp cùng phòng Nghiên cứu luyện kim với tôi ở Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyên kim. Có thời gian (1976) chúng tôi đã cùng đi “nghiên cứu về xử lí quặng Chì – Kẽm” ở Tiệp Khắc một năm. Lê Văn Kiều thua tôi 3 tuổi, một người nhỏ nhắn, thanh lịch và điềm đạm vẫn còn lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Tiếc rằng anh ấy không còn nữa.

“Để nhớ để thương” Vâng! Chỉ những điều đó thôi, anh cũng đã để cho tôi “nhớ thương” rồi.

Anh là một nhà khoa học, một nhà quản lí giỏi, qua biết bao gian khổ, đáng tự hào đảm nhiệm bao nhiêu nhiệm vụ: từ trưởng Đoàn sinh viên dược khoa đi phục vụ chiến trường ở Quảng Bình ngay sau khi tốt nghiệp đại học, đến cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Dược khoa Hà Nội, Giám đốc Xí nghiệp liên hợp dược Thừa Thiên – Huế cho đến Trợ lý Bộ trưởng, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Quốc hội. Anh cũng đảm nhiệm Trưởng Ban, Phó Ban chỉ đạo bao nhiêu chương trình, đề án nghiên cứu khoa học. Trong một thập kỷ, anh đã giúp việc lần lượt cho ba Bộ trưởng y tế mà vẫn vững vàng không sa vào “thói thường” của một số cán bộ xa dân.

Gặp anh, kể cũng đã được năm năm, không phải trong bệnh viện, trong hội nghị khoa học hay nhờ anh tư vấn thuốc này thuốc nọ, mà tôi đã gặp anh trên con đường thơ ca khi cùng sinh hoạt trong “Câu lạc bộ Hai ku Việt Hà Nội”. Từ đó anh đã để lại trong tôi ấn tượng một người bạn dễ gần, dễ mến. Nhưng biết anh đã từng là Thứ trưởng nên tôi cũng hơi “dè chừng”, vì tôi rất ít tiếp xúc hay nói đúng hơn là ít dịp được gặp các cán bộ lãnh đạo từ thứ trưởng trở lên. Cho nên… cứ giữ khoảng cách. Nhưng từ khi trang Web của Câu lạc bộ Haiku Việt Hà Nội ra đời, anh viểt rất nhiều thơ và nhiều bài bình luận, tôi mới thấy “Là nguyên Thứ trưởng y tế, nhưng anh có tâm hồn thơ, tâm hồn văn học”. Rồi năm 2019 ta cùng đi Huế tham dự sự kiện “Hội ngộ Haiku Cố đô”, rồi ta gần nhau hơn trong những cuộc bàn luận về thơ ca…và đến hôm nay thì anh đã chinh phục tôi bằng văn học, bằng quyển sách “Để nhớ để thương: Hồi ức của một thầy giáo”.

Có thể nói đây là một quyển tự truyện có giá trị nhân văn và có giá trị giáo dục cao. Đó là một người viết văn kể về quê hương và những nơi mình đã gắn bó: “Đêm huyền ảo, lặng lẽ và đẹp đến nao lòng, bóng cây xen lẫn bóng trăng tỏa xuống sân trường. Mà hình như thời đó, trăng thường sáng hơn, trời thường cao hơn, có lẽ vì không khí ít ô nhiễm”. Đó là một đoạn tả về sân trường 13 Lê Thánh Tông, nơi anh đã từng học tập trong năm năm trời và trở thành cán bộ giảng dạy vào năm 1965, khi bắt đầu cuộc chiến tranh Chống Mỹ cứu nước ở Miền Bắc…

Tôi rất thích đọc những đoạn anh nói về tình cảm con người với nhau: “Có người chỉ gặp một lần đã thành tri kỷ, có người hàng ngày gặp nhau, mà nhiều khi muốn tránh mặt”. Tôi rất ấn tượng về tình cảm của Đoàn sinh viên dược khoa Khóa 15 cùng anh đi bộ 600 km từ Quảng Bình về Hà Nội trong suốt 19 ngày đêm, từ ngày 1-5 cho đến ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5. Tôi không nói về gian khổ, đói ăn đói ngủ, vì như anh đã suy nghĩ “so với những người lính hành quân qua dải Trường Sơn từ Bắc vào Nam chiến đấu vẫn chưa thấm vào đâu”. Điều tôi muốn nói đến là sự trong sáng vô tư, tình cảm nam nữ như anh em ruột thịt trong nhà của các anh các chị, không có một ý nghĩ tầm thường nào trong quan hệ, mặc dù hồi đó các anh, các chị đang tuổi tráng niên! Cái đẹp của những con người thời đó là thế, biết hy sinh cho nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ không phải cho riêng mình, mà vì nghĩa lớn đối với đồng bào, đất nước. Cho nên các anh chị đã vượt qua được những ham muốn tầm thường. Thật sự cảm động khi anh miêu tả sự trong sáng này một cách chân thành, có thể làm cho thế hệ thanh thiếu niên sau này khâm phục.

Tôi cũng rất ấn tượng với những cảm xúc của anh khi qua Bắc Kinh bằng đường sắt về lòng nhiệt tình, yêu mến Việt Nam của các nhân viên đường sắt Trung Quốc thời đó, về những màu sắc ngập tràn đất nước Trung Hoa những năm 1964 – 1967… Tôi cũng đã từng trải qua những cảm xúc như anh vào mùa hè năm 1964. Nhân viên đường sắt Trung Quốc chào đón tiếp đãi, chăm sóc tận tình từ giấc ngủ, đến bữa ăn, kèm theo là “tặng” cho chúng ta những quyển “Mao tuyển” đỏ chói và không quên nhắc đi nhắc lại cần phải chống “Chủ nghĩa xét lại Liên Xô”. Tôi đã vinh dự được hưởng thụ những sự ưu đãi tuyệt vời đó anh ạ. Nhưng năm 1976 -1977, khi tôi lại có dịp đi tàu hỏa qua Bắc Kinh trên đường đến Tiệp Khắc (có cả em trai anh Lê Văn Kiều cùng đi), thì “thịnh tình” đó đã biến mất. Phục vụ chúng tôi trên tàu là những khuôn mặt lạnh lùng không một lời chào hỏi. Đi lại không nhìn mặt nhau! Chắc anh hiểu vì sao!

Những cảm tưởng của anh về Liên Xô thời đó và cả sau khi Liên Xô sụp đổ cũng giống như cảm nghĩ của tôi. Thế giới có thay đổi gì đi nữa thì Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết trước đây, nước Nga ngày nay và con người Nga luôn để lại trong tôi tình cảm trân trọng và yêu quí!

Anh đã nói hộ cho tất cả sinh viên, nghiên cứu sinh thực tập sinh Việt Nam ở nước ngoài về tinh thần học tập, ý chí phấn đấu (cả phấn đấu vào Đảng và phấn đấu trong sinh hoạt hàng ngày) đã làm cho các giáo sư, giảng viên đều yêu quý, sinh viên các nước khâm phục. Và câu chuyện về “Viên thuốc Glutamin – mỳ chính” là câu chuyện vừa vui, vừa đáng để nhớ một thời. Nhiều lúc tôi vẫn tự mình suy ngẫm, nếu hồi đó không có sự “khắc khổ” như vậy, những người như chúng ta có được như ngày nay hay không. Tiền nhà nước, ngồi trên lớp để được nhận kiến thức, đế học làm người, trong lúc bạn bè ta phải đổ xương máu trên chiến trường! Lớp học sinh, sinh viên bây giờ nghe ta kể lại, các bạn ấy chỉ cười và hình như có pha chút thương thương cho chúng ta! Anh có tự ái với suy nghĩ của họ không anh?

Về công tác của anh, tôi biết anh không muốn nói nhiều, chỉ điểm qua vài việc từ khi về nước sau khi nhận bằng tiến sĩ, tiếp tục công tác giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học rồi trở về quê hương làm việc ở Xí nghiệp Liên hợp Dược Bình Trị Thiên. Nhưng chỉ từng ấy thôi cũng đủ thấy khả năng sáng tạo, nhậy bén trong công cuộc chuyển đổi cơ chế kinh tế của đất nước để phát triển cả ngành công nghiệp dược mà anh phụ trách rồi từ đó gặt hái được những thành công.

Anh không nói nhiều về cuộc sống riêng tư, gia đình, chỉ một vài điểm xuyết về “cô bé say tàu” sau này là vợ anh, vài nét về hai cô con gái… nhưng cũng cho người đọc cảm nhận được tình thương yêu của một gia đình hạnh phúc.

Để giải thích trong Lời kết của quyển sách, anh đã dẫn câu của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Quá khứ là “khu vườn bí mật” của tâm hồn”.

Nhưng thú thật, khi đọc xong quyển sách tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng! Viết sách mà người đọc thấy còn hụt hẫng có thể cũng là một thành công, vì người ta còn muốn đọc nữa, muốn những câu chuyện được kể lại dài hơn nữa.  “Để thương để nhớ” tôi còn muốn được đọc thêm về quãng đời tham gia “chính trường” của anh, mà tuyệt nhiên anh không nhắc một chi tiết nào. Một người ở vị trí “tam phẩm” như vậy, có nhiều chuyện đời, chuyện người, chuyện chính trường để nói lắm. Một người suốt một thập kỷ tham chính và còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chắc có nhiều sự kiện và con người để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời anh. Vả chăng, hiện nay đang là Chủ tịch “Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký thuốc và nguyên liệu làm thuốc” của Bộ Y tế, chắc chắn anh và các đồng nghiệp thành viên Hội đồng phải lao tâm khổ tứ rất nhiều để tư vấn đúng đắn cho lãnh đạo Bộ Y tế giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng, cấp bách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong hai năm gần đây. Thế mà tôi không thấy anh viết một dòng nào. Trong hoàn cảnh ấy, sao anh không cho chúng tôi biết, giữa bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu cạm bẫy mà anh và các đồng nghiệp vẫn cố gắng giữ mình, luôn chỉ với một mục đích vì sự an toàn và sức khỏe của nhân dân.

Hãy đọc để lấy lại niềm tin! “Để nhớ để thương: Hồi ức của một thầy giáo”. Vâng! Anh đã viết quyển sách với tư cách của một thầy giáo, với mục đích vận dụng những kiến thức mình đã được truyền trao từ bao thế hệ thầy giáo để tạo ra những thành quả cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho mọi người và để trả ơn cuộc đời.

Con người ta có hai điều quý giá nhất đó là tri thức và sức khỏe, thì anh là người luôn tận tâm cống hiến, nhằm đưa đến cả hai điều đó cho họ! Một vinh dự không gì sánh được!

Chúc mừng thành công của tác giả trong cuộc đời và đã dày công dành bao tâm huyết để viết quyển Hồi ức này!

Lâm Du- Bồ Đề- Những ngày đầu năm, tháng 1- 2022,  Hà Nội đang nóng bỏng vì dịch Covit.

L.Đ.H

 

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt