Hai bài haiku xuân của Buson- Cao Ngọc Thắng

alt

Xuân đang qua

chầm chậm, ngập ngừng

trên những cánh anh đào nở muộn

A passing spring

how low and hesitant

late cherry blossoms

alt

Một gốc anh đào

xem chừng lơ đễnh

khi mùa xuân sang

One cherrytree

appearing to neglect

the spring time

Hai bài thơ trên đây của thi sỹ Nhật Bản Buson (1716-1783), do Đinh Nhật Hạnh dịch và giới thiệu, đều có hình ảnh mùa xuân-hoa anh đào và một tâm trạng ẩn sâu trong đó.

Ta chưa nói tâm trạng đó là gì.

Trước hết, cả hai bài thơ đều đem đến cho ta “cái nhìn thấy được”. Ở bài thứ nhất: mùa xuân đang qua – đang dần đi đến kết cục, chuẩn bị chuyển mùa, khác với khi mùa xuân sang ở bài thứ hai – sự bắt đầu của tiếp diễn. Hai khung cảnh khác nhau về thời điểm, nhưng vẫn là xuân – mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, mùa của tươi xanh mơn mởn, của sức sống trỗi dậy. Dù đọc riêng từng bài, ta vẫn thấy cả không gian và cả thời gian dịch chuyển, bởi ở từ đang hoặc từ khi. Đó chính là cái khoảnh khắc của thiên nhiên (đối tượng) mà thi sỹ “thấy có vấn đề” để ghi nhớ vào tâm khảm của mình. Chỉ khác một điều, khoảnh khắc xuân ấy được cảm nhận lúc mở đầu (bài 1) hay khi kết thúc bài thơ (bài 2).

Dụng ý của nhà thơ đặt vào “cái thấy được” tiếp theo: cánh (hoa) anh đàogốc (cây) anh đào – một hình ảnh của tươi non, còn hình ảnh kia nhắc tới già cỗi đến gần. Cả hai hình ảnh đều có thật, song không phải ai cũng để ý, cũng “chớp” được. Chúng cũng là những khoảnh khắc khuấy động tâm hồn thi sỹ trong Buson.

Xuân đang qua/…/trên những cánh anh đào nở muộnMột gốc anh đào/…/khi mùa xuân sang là những hình ảnh khi đặt vào cấu trúc mỗi bài thơ đã chuyển hóa các đối tượng trong mối quan hệ ràng buộc, tạo nên “tứ” sinh động, có sức liên tưởng sâu xa. Nếu, xuân đang qua trên gốc cây anh đào, hoặc mùa xuân sang trên những cành anh đào, thì chẳng có gì để bàn, vì nó thông thường đến thông tục, và, nếu như vậy sẽ không bật ra tâm trạng nhà thơ.

Vì không có “cái nếu” ấy nên mới có câu thứ hai trong mỗi bài thơ với các cụm tù ngập ngừng hoặc lơ đễnh. Chính câu thứ hai trong mỗi bài là nơi thi sỹ gửi gắm cái tình, cái tâm trạng và có vai trò “đưa đẩy”, gắn kết các ý thơ thành bài thơ hoàn chỉnh.

Ở bài thứ nhất, cái chầm chậm, ngập ngừng chia cho cả hai (theo thiển ý cá nhân, chỉ nên chọn cặp từ “ngập ngừng” là đủ, là bao hàm và xúc tích). Xuân cũng ngập ngừng không muốn/không thể trôi nhanh, mặc cho sự kết thúc đang hối thúc, vì “nó” không nỡ để những cành đào nở muộn kia chưa kịp vươn tới đỉnh cao của sắc đẹp mà cả loài anh đào được hưởng. Những cánh anh đào, vì nở muộn, cũng ngập ngừng, không biết xuân có đợi mình không, có hiểu cho nỗi chậm chạp của mình không. Chỉ một khoảnh khắc, hai đối tượng – mùa xuân và những cánh anh đào, hiện ra đã khiến nhà thơ rung động và bật ra trạng thái tâm tư lan tỏa cả ba dòng thơ.

Ở bài thứ hai, trạng thái lơ đễnh cũng thật đặc sắc. Gốc anh đào cũng lơ đễnh. Mùa xuân cũng lơ đễnh. Thực ra cả hai, xuân và gốc anh đào, đều cần đến nhau, cần nương tựa vào nhau để xác định giá trị đích thực của mình trước người mẹ thiên nhiên. Song, cái lơ đễnh ấy nảy sinh bởi sự thờ ơ, có thể đi đến hắt hủi trong thế sự, trong nhân tình thế thái. Ở đây, hai từ xem chừng, tức là chưa khẳng định sự lơ đễnh, đã xóa đi cái mặc cảm “hắt hủi” ấy.

Hai bài thơ trên đây của thi sỹ Buson cách chúng ta hơn ba thế kỷ – người tiếp tục thi sỹ Basho khẳng định vị thế thể haiku trong nền thơ Nhật Bản và vươn ra thế giới – cho thấy sự thâm trầm, sâu sắc của thể thơ haiku. Dù ngày nay thơ haiku đã nhiều cải tiến, nhưng cách cấu trúc ba dòng-ba ý vẫn thu hút sự sáng tạo hướng tới sự tinh tế. Cách cấu trúc này, mà câu thứ hai – cũng là một ý độc lập, luôn là chất kết dính hai ý bên cạnh thành bài thơ hoàn chỉnh, vững vàng. Nó, câu thứ hai, có giá trị làm bật lên tâm trạng chung của cả bài thơ mà nhà thơ gửi một cách kín đáo vào từng ý/từng dòng/từng câu thơ.

Từ hai bài thơ này mới thấy: người làm công việc dịch thơ nói chung, dịch thơ haiku nói riêng, qua một ngữ thứ hai quả là khó và nhọc nhằn.

C.N.T


Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt