Tuyển tập “Haiku Mind” của Patricia Donegan- Lê Văn Truyền dịch

alt

TINH THẦN HAIKU

HAIKU MIND

Patricia Donegan

alt

Giới thiệu Tác phẩm và Tác giả:

Tuyển tập “Haiku Mind” của Patricia Donegan do Nhà Xuất Bản SHAMBHALA (Boston – London) ấn hành năm 2010 là một tuyển tập ghi lại những cảm thụ của tác giả đối với 108 khúc Haiku của các haijin: từ Basho và các bậc thầy haiku Nhật Bản cho đến các haijin hiện đại, từ các haijin phương Đông đến các haijin phương Tây, các haijin nam và haijin nữ…. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn con số 108 khúc Haiku. Theo giáo lý nhà Phật, 108 là số khổ nạn mà Đức Phật phải trải qua để đạt đến Giác Ngộ. Đó cũng là số 108 hạt trong tràng hạt mà các Phật Tử hàng ngày sử dụng khi đọc Kinh, niệm Phật..

Cor Van Den Heuvel, biên tập viên “The Haiku Anthology” (Hợp Tuyển Haiku) bình luận: “Haiku Mind gồm các bài tiểu luận sâu sắc nhất về thơ haiku kể từ sau tác phẩm nổi tiếng của R. H. Blyth. Nếu bạn muốn hiểu haiku là gì, một khúc haiku có thể làm được điều gì và tại sao thơ haiku lại quan trọng, bạn hãy đọc quyển sách này. Patricia nhìn thấu vào “trái tim” của haiku thông qua những kinh nghiệm cá nhân đặc sắc bằng một nhãn quan rộng mở, thấu hiểu và nhạy cảm”.

Tạp chí “Spirituality & Practice” bình luận: “Một trong những quyển sách đầy trí tuệ hay nhất trong năm 2008. Donegan khuyên chúng ta nên sống chậm lại và hãy quan tâm đến thời khắc hiện sinh, đến những gì đang ở ngay trước mắt chúng ta, để trải nghiệm sự phù du của cuộc đời, để chuyển sự chú ý đối với bản thân thành mối quan tâm đến mọi người, coi sự hài hước như một ân huệ cứu rỗi, tôn trọng cảm xúc cô đơn, lưu tâm đến tính bất khả xâm phạm của Thiên Nhiên, để suy nghĩ, cân nhắc về những điều trái ngược: những gì cần níu giữ và những gì cần buông thả, và cuối cùng, để thấu hiểu về chân giá trị và vẻ đẹp của những sự vật bé bỏng”.

Patricia Donegan là một nhà thơ, nhà biên dịch đồng thời là người đề xướng việc coi haiku như là một phương tiện để “thực hành nhận thức”. Bà là thành viên của Hội Nhà Thơ Đông – Tây (Đại Học Naropa) của Allen Ginsberg và Chogyam Trungpa; Bà cũng là môn đệ của bậc thầy haiku Seishi Yamaguchi và là nghiên cứu viên của quỹ Fulbright ở Nhật Bản. Các tác phẩm haiku của Bà gồm có: “Love Haiku” (Haiku Tình Yêu), “Chiyo-ni: Woman Haiku Master” (Chiyo-ni: Nữ Sỹ Haiku Bậc Thầy) đồng tác giả với Yoshie Ishibashi và tác phẩm “Haiku: Asian Art for Creative Kids” (Haiku: Nghệ thuật Á Đông cho Trẻ Em Sáng Tạo). Các tuyển tập Haiku của Patricia Donegan gồm có: “Without Warning”, “Bone Poems”“Hot Haiku”.

Mặc dù vốn tiếng Anh văn học còn rất hạn chế, cũng xin mạnh dạn trích dịch và giới thiệu với các haijin của Câu Lạc Bộ Haiku Việt Hà Nội nhằm cung cấp sự tiếp cận với cách cảm thụ haiku của một haijin phương Tây. Mong các thành viên Câu Lạc Bộ nhiệt tình góp ý, nhận xét.

Lập Đông, năm Ngọ

Láng Hạ, Hà Thành

Lê Văn Truyền

2014

1*

Nghỉ Ngơi

pausing

halfway up the stair

white chrysanthemums

nghỉ ngơi

giữa những bậc thang

đóa cúc trắng

Elizabeth Searle Lamb*

Nghỉ ngơi là con đường dẫn đến sự nhận thức. Khúc haiku này là hình ảnh thu nhỏ thời khắc thường vẫn xẩy ra trong của cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống gấp gáp, vội vàng và phù phiếm. Cảm thụ haiku là cách đơn giản nhất để chúng ta sống chậm lại, để chúng ta điều chỉnh cuộc sống phù phiếm, để nhận thức đúng đắn những gì đang hiển hiện trước mắt chúng ta. Và sự nghỉ ngơi không chỉ cần thiết đối với thể xác mà cả với tâm hồn. Đôi khi chúng ta có thể tập trung và nhiều khi không thể tập trung sự chú ý, tất cả điều đó không hề chi vì thời khắc sắp đến sẽ cho ta cơ hội nghỉ ngơi để ta cảm nhận cuộc sống. Không có gì phải nghĩ ngợi, không có việc gì phải bận tâm, chỉ đơn giản được nghỉ ngơi, thư giãn trong khoảnh khắc trọn vẹn của bản thân. Khoảnh khắc “trần trụi” này báo cho ta biết tâm hồn ta cần nghỉ ngơi. Chúng ta cần biết một sự thật này: giữa cuộc sống bận rộn, gấp gáp hàng ngày, luôn luôn có cơ hội để chúng ta sống chậm lại, nghỉ ngơi và cảm nhận. Trong một khoảnh khắc, ta hãy nghỉ ngơi, ngắm nhìn ánh sáng mặt trời rọi lên tấm ga khi ta trải giường, cảm nhận tia sáng mặt trời ấm áp ẩn náu trong chén trà buổi sáng ta đang nhấm nháp hay để ý đến bóng sáng mờ ảo trên tấm rèm cửa khi ta bước vào phòng. Rồi chúng ta hít một hơi và … thở phào. Nghỉ ngơi.

*ELIZABETH SEARLE LAMB (1917-2004). Là haijin nổi tiếng nhất của Mỹ đã cống hiến suốt cả cuộc đời cho Haiku, được mệnh danh là “Đệ Nhất Phu Nhân Haiku Hoa Kỳ”. Lamb là một trong những người sáng lập, vào năm 1968, cùng với Harold G. Henderson, Hiệp Hội Haiku Hoa Kỳ (HAS) và là chủ biên tạp chí “Frogpond” (Ao Con Ếch) của Hiệp Hội này. Bà cũng là Chủ Tịch của Hiệp Hội Haiku Hoa Kỳ (HAS), đồng thời là người quản lý của Kho Lưu Trữ Haiku Hoa Kỳ (AHA: American Haiku Archives). Tập sách cuối cùng của bà có tên “Across the Windharp: Collected and New Haiku” (Phía bên kia cây hạc cầm của gió: Những bài haiku tuyển chọn và mới)

2*

Cửa Sổ Tâm Hồn

to see Void vast infinite

look out the window

into the blue sky

để thấy khoảng không vô tận bao la

hãy nhìn vào bầu trời xanh trong

ngoài cửa sổ

Allen Ginsberg*

Đây là khúc haiku trước lúc từ trần (death haiku) của Allen Ginsberg, viết khoảng một tuần trước khi chết. Theo truyền thống Nhật Bản, khi đau ốm hoặc trước khi chết, các haijin và các bậc Thiền sư thường viết “death haiku” như là một cách để bày tỏ nhận thức của mình, bằng cách viết ra những dòng thơ cuối cùng phản ánh suy nghĩ của mình về cái chết. Là người thực hành Thiền và là một haijin, Ginsberg nhiều lần cho tôi biết rằng nhà thơ rất thích truyền thống này của người Nhật và hy vọng một ngày nào đó ông có thể thực hiện được điều này. Khúc haiku này là một trong những thực nghiệm của cái mà Ginsberg gọi là “haiku Mỹ”, chỉ viết trong một dòng.

Khúc haiku này nhắc ta nhớ đến một thực hành trong Phật Giáo Tây Tạng là “Thiên Thiền” (sky meditation): nhìn lên bầu trời xanh cao mênh mông, tưởng tượng đến không gian rộng mở và hãy làm cho trí não ta quên đi những bận tâm hiện hữu. Bầu trời luôn luôn gợi mở cho ta về sự phóng khoáng trong tâm hồn mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể chạm đến. Bất kỳ ở đâu, chúng ta đều có thể dừng lại, nhìn lên bầu trời cao trong xanh vời vợi, hay tưởng tượng ra một bầu trời để … hít một hơi dài rồi … thở ra. Và cứ như thế, trong một khoảnh khắc, chúng ta có thể trở lại với bản thể của tâm hồn, cũng rộng mở bao la như bầu trời xanh; những suy tư và cảm xúc sẽ trôi qua như mây bay, như gió cuốn. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể trở lại với tâm hồn rộng mở như bầu trời xanh trong.

*ALLEN GINSBERG (1926-1997). Một người khai phá xuất sắc, một trong những nhà thơ trường phái tưởng tượng lớn nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Allen nổi tiếng về những bài thơ phản kháng nền chính trị Hoa Kỳ, bắt đầu với tập thơ “Tiếng Gào Thét” (Howl) năm 1955. Hơn nữa, trong suốt cuộc đời Allen còn là một người sáng tác haiku theo cách gọi là “thực hành nhận thức” (awareness practice) đúng với thực hành Thiền của nhà Phật. Các khúc haiku của Allen được xuất bản trong tập “Haiku Thiền Định” (Mostly Sitting Haiku) hoặc trong “Tuyển Tập Thơ 1947-1980” (Collected Poems: 1947-1980). Những khúc Haiku thể nghiệm mà Allen gọi là “American Sentences” được in trong tập thơ cuối cùng của ông trước khi chết “Death and Fame: Last Poems: 1993-1997” (Cái Chết và Danh Tiếng: Những Bài Thơ Cuối Cùng: 1993-1997).

3*

Lòng Trung Thực

I kill an ant …

and realize my three children

were watching

tôi giết một con kiến

và bỗng nhận ra

ba đứa con tôi đang đứng nhìn

Shuson Kato*

Khúc haiku nói về thế giới nhỏ nhoi của một con kiến đang bò ngang qua mặt sàn nhà và cách ứng xử của ta với con kiến. Một lần, tôi hỏi một bậc thầy haiku Nhật Bản, nữ haijin Teijo Nakamura, đâu là nguyên tắc cơ bản nhất của haiku. Bà trả lời: “Hãy trung thực với bản thân và hãy viết về những gì đang tồn tại ngay tại đây và vào lúc này”. Thoạt đầu, tôi nghĩ câu trả lời của Bà không đúng vì quá đơn giản, nhưng sau đó khi bắt đầu tập thực hành nguyên tắc ấy tôi mới hiểu câu trả lời sâu sắc đến nhường nào. Khúc haiku này phản ảnh chúng ta cần phải dũng cảm như thế nào để có thể trung thực với bản thân, để trở thành một con người chân chính luôn luôn sống một cách sáng suốt. Như chúng ta đều biết, không làm hại ai là cơ sở để tạo dựng sự an lành cho bản thân mình, cho những người xung quanh và cho cả thế giới. Nhưng điều này chỉ có được khi chúng ta trung thực vì trung thực là cội nguồn của sự chuyển hóa này. Bắt đầu với thời khắc dù có gì xẩy ra chăng nữa, nhìn mọi điều với một trái tim dịu dàng, không quan tâm đến sự muộn phiền, rắc rối, đớn đau: đấy là một cuộc hành trình nhân bản.

*SHUSON KATO (1905-1993): Một trong những haijin hiện đại lớn của Nhật Bản, Kato là một trong những môn sinh của Basho. Năm 1930 ông gia nhập thi phái Abishi và tạp chí của thi phái này, do Shuoshi Mizuhara sáng lập, nhấn mạnh đến chủ nghĩa nhân văn. Những năm 1940’ Kato sáng lập tạp chí “Kanrai” (Tiếng Sấm giữa Mùa Đông) và tuyển tập haiku của ông cũng mang tên này.

4*

Lòng Trắc Ẩn

don’t hit the fly

he prays with his hands

and with his feet

xin đừng giết chú ruồi

đang van lạy chúng ta

bằng cả tay và chân

Issa Kobayashi*

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần khuyên chúng ta phải dạy dỗ trẻ con về tình thương trong cái thế giới đầy bạo lực và bất khoan dung này. Ngài nhắc đi nhắc lại rằng: “Hãy dạy trẻ yêu thương loài vật!”. Từ đó, chúng ta có thể học yêu thương, chăm sóc những sinh vật bé xíu, xa lạ, gần như không liên quan gì đến ta, để sau đó, ta bỗng nhận ra rằng các sinh linh nhỏ bé này, giống như tất cả những gì hiện hữu trong Mẹ Thiên Nhiên, cũng có một cuộc sống giống như chúng ta. Rồi chúng ta bỗng nhận ra rằng, tất cả mọi người – không chỉ những người thân thuộc của mình, của dân tộc mình – cũng cùng chia sẻ một cuộc sống như nhau. Haiku là cách để nhắc nhở chúng ta rằng mọi vật liên quan đến nhau như thế nào trong thế giới này, và nếu chúng ta cảm nhận được những mối liên hệ đó chúng ta sẽ không làm gì tổn hại mà trái lại phải chăm sóc chúng. Haiku thường nêu lên và quan tâm đến những điều nhỏ bé, đơn giản và khác với các nhà làm thơ haiku khác, Issa đặc biệt dành sự cảm thông của ông đối với các sinh linh bé nhỏ. Đó là do Issa rút ra được từ niềm tin của ông đối với giáo lý thanh khiết của nhà Phật (Pure Land Buddhism) rằng chúng ta không được sát sinh, từ con người cho đến con sâu, cái kiến, và chúng ta phải có lòng thương đối với chúng vì chúng ta cũng như các sinh linh bé nhỏ này đều cùng có sinh mệnh. Haiku nhắc nhở chúng ta rằng để nuôi dưỡng lòng nhân ái đối với đồng loại và với thế giới này, hãy bắt đầu bằng tình thương đối với các sinh vật trong Thế Giới Tự Nhiên, bắt đầu với những sâu bọ như chú ruồi tí hon kia. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.

*ISSA KOBAYASHI (1763-1828). Là một trong ba nhà thơ haiku vĩ đại của Nhật Bản, cùng với Basho và Buson. Là một người theo Phật Giáo Thanh Khiết (Pure Land Buddhism) ông chủ trương phải thương yêu mọi sinh vật, có thể vì ông đã trải qua một cuộc sống nghèo túng và đầy bi kịch. Xem Tuyển Tập Tự Truyện của Issa, Oraga Haru “Mùa Xuân của Đời Tôi” (The Spring of My Life) từ năm 1819.

5*

Phù Du

summer grasses –

all that remains

of warrior’s dreams

những ngọn cỏ mùa hè –

tất cả những gì còn sót lại

giấc mơ của những chiến binh

Basho Matsuo*

Chiến tranh: khúc haiku này nói lên sự thật trần trụi nhất về chiến tranh, đúng cho cả hiện tại và quá khứ. Khúc haiku này được Basho viết vào thế kỷ thứ XVII, trong những bài “habun” (những bài thơ lữ hành) khi nhà thơ thăm bãi chiến trường cũ của các samurai thuộc giòng họ Fujiwara. Khúc haiku này phản ảnh tâm trạng của Basho khi suy nghĩ đến thân phận của con người. Thực tế, Basho nói ông đã nghẹn ngào khi nhìn thấy cảnh hoang tàn ở đó. Khúc haiku đã phản ánh sâu sắc đến tột cùng một chân lý của thực tại: sự ngắn ngủi và sự phù du của Tạo Hóa. Một khi chúng ta không nhận thức được chân lý này, chúng ta sẽ cực kỳ đau đớn. Khi chúng ta công nhận sự thật này, ít nhất cũng đem lại cho chúng ta tình thương đối với con người, những người chắc chắn không thể tránh khỏi đã trải qua hoặc phải chứng kiến bao nỗi đau thương. Đây cũng là khái niệm mỹ học được người Nhật gọi là “mono no aware” (nỗi đau đớn của sự lụi tàn). Một số Thiền sư, như Chogyam Trungpa Rinpoche – nhà thuyết giáo Vajrayana Buddhism – đã dạy rằng nếu chúng ta có thể mở rộng tầm mắt và thấu hiểu sự thật trần trụi của Vô Thường, chúng ta có thể giải thoát khỏi sự u mê. Haiku có thể cho ta khả năng nắm bắt được thời điểm của sự lụi tàn, và giữ lại trong ta như một tấm gương. Chúng ta là những chiến binh, chúng ta có những giấc mơ, chúng ta là những ngọn cỏ: cuộc sống chúng ta là phù du.

*BASHO MATSUO (1644-1694). Là nhà thơ haiku vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản. Xuất thân từ tầng lớp samurai bậc thấp, ông nhanh chóng trở thành một bậc thầy renga với rất nhiều môn đệ, nghiên cứu Thiền và du hành khắp nơi. Basho nghiên cứu haiku đến trình độ uyên thâm, lấy “haikai no michi” (Con Đường Haiku: The Way ofHaiku) làm phong cách sống của mình và trở lại với Thiên Nhiên. Xem các tác phẩm “Sarumino” (Monkey’s Raincoat, tuyển tập Haibun) tập 1 và “Basho and His Interpreters” (Basho và Những Người Dịch Thơ Ông) của Makoto Ueda.

6*

Quên Lãng Bản Thân

rouged lips

forgotten –

clear spring water

đôi môi son

quên lãng –

nước suối trong veo

Chiyo – ni*

Một phút giây quên lãng bản thân. Đây là một trong những khúc haiku hiện thực đáng nhớ nhất của Chiyo – ni. Khúc thơ cho thấy Chiyo – ni đã quên mất đôi môi vừa tô son của nữ sỹ – việc trang điểm quan trọng với người phụ nữ thời ấy và cả bây giờ biết bao – khi uống một ngụm nước mát. Khúc haiku này kết tinh phong cách của nữ sỹ, kết hợp sự trong sáng thuần khiết với ham muốn trần tục, song điều quan trọng là nó thể hiện được nhận thức về những gì sẽ đến khi ta quên bản thể để sống trong thực tại. Nếu nhà thơ lo lắng, quan tâm đến đôi môi vừa trang điểm, nhà thơ sẽ không thể cảm nhận và thấy rõ được giá trị của ngụm nước suối trong veo từ giòng thác núi đổ về, không thưởng thức được đủ đầy khi hớp từng hớp nước suối bụm trong lòng đôi bàn tay. Trong thời khắc ấy, chỉ có thể phấn khích reo lên:”Ôi, làn nước suối trong mát làm sao!” Như lời của Dogen, Thiền Sư thế kỷ XIII: “Khi chúng ta quên bản thân mình, ta có thể nhớ đến 10.000 sự vật khác!” Thật là khó khăn nhưng điều đáng làm là hãy quên mình đi và hãy quan tâm đến những người khác, dù đó là khuôn mặt đau khổ của một kẻ vô gia cư mà ta gặp ở góc phố hay là những giọt mưa long lanh đang rơi qua ô cửa sổ. Thực hiện điều này chỉ trong giây phút mỗi ngày không chỉ để mở mang nhận thức của ta mà điều quan trọng hơn, nó nhắc nhở cho ta về nhân tính của chính mình.

*CHIYO-NI (1703-1775). Còn có tên Kaga no Chiyo, họ Fukumasuya. Bà là một trong những nữ nhà thơ haiku của nước Nhật. Sinh ra trong một gia đình có nghề làm giấy cuộn, bà theo học với hai môn đệ của Basho và trở thành một bậc thầy về cách tân thơ renga, một họa sỹ và một nữ tu sỹ Phật giáo. Bà xuất bản hai tập thơ: “Chiyo-ni Kushu” (Tuyển Tập Haiku của Chiyo-ni) và “Matsu no Koe” (Voice of the Pine: Tiếng của Rừng Thông). Xem “Chyio-ni: Woman Haiku Master” (Chyio-ni: Nữ Bậc Thầy Haiku) của Patricia Donegan và Yoshie Ishibashi.

7*

Vận Đen

violets here and there

in the ruins

of my burnt house

violet nở khắp nơi

trên đống tro tàn

ngôi nhà của tôi đã cháy rụi

Shokyu – ni*

Khúc haiku này luôn ám ảnh tôi: tác giả nói về bi kịch của bản thân và lời tựa đầu tiên của khúc thơ này hết sức truyền cảm: “Khi tôi từ Tsukushi trở về vào cuối tháng Ba, tôi thấy căn nhà tranh của tôi đã cháy rụi. Nhìn vào đống tro tàn, tôi đã viết nên khúc haiku này”. Khúc haiku này đã đặt ra một vấn đề muôn thuở chúng ta thường phải đối mặt: làm thế nào để chấp nhận vận đen trong cuộc sống của chúng ta, trong cái thế giới hỗn độn và không hoàn hảo quanh ta. Chúng ta không có khả năng kiểm soát những gì sẽ xẩy ra nhưng chúng ta có thể kiểm soát việc hồi đáp những gì đã xẩy ra. Điều đó nâng đỡ tinh thần cho mỗi người trong chúng ta. Chúng ta có thể khóc lóc, giận dữ hoặc không chấp nhận những gì đã xẩy ra, tất cả những thái độ đó là một phần của cách giải quyết và có thể đấy là cách giải quyết mà nhà thơ phải trải qua trước hoặc sau khi viết khúc haiku này. Dù sao, vận đen đôi khi lại là cơ hội hơn là một chướng ngại, nếu hàng ngày chúng ta biết cách giải quyết sự việc, can đảm và sẵn sàng xem xét những gì xẩy ra và suy nghĩ về nó như tác giả đã viết trong khúc haiku này. Cũng không cần phải luôn luôn lạc quan hoặc phải nhìn sự vật với niềm an ủi trong cơn bĩ cực mà chỉ cần nhìn sự vật như nó vốn có: tro than cháy đen của ngôi nhà tranh và những bông hoa nhỏ bé đang nở trên đống tro tàn – để thấy những nghịch lý, những phức tạp của cuộc sống: cái xấu và cái tốt luôn tồn tại song hành và quyện chặt vào nhau. Khúc haiku này nhắc nhở chúng ta về cách đối phó với những bi kịch cá nhân, phương cách để có thể tồn tại cùng với những thảm họa thiên nhiên và với chiến tranh – làm thế nào để ngắm những bông hoa tím trong đống tro tàn … bất chấp tất cả những gì có thể xẩy ra ở đó.

*SHOKYU-NI (1713-1781). Họ của bà là Yagi. Là một trong những nữ thi sỹ haiku nổi tiếng của Nhật Bản dưới thời Edo (1603-1868). Là một bậc thầy về renga, đã học thơ ca với nhà thơ Yaha, là môn đệ gần gũi của Basho. Sau khi chồng chết, Shokyu-ni đi tu và trở thành sư cô, thành một nhà hành hương và sáng tác tác phẩm chính của bà “Kohaku-an-shu” (White Lake Hermitage Collection).

8*

Bệnh Tật và Cảm Xúc

as my anger ebbs

the spring stars grow bright again

and the wind return

cơn giận dữ đã nguôi

những ngôi sao mùa xuân lại bừng sáng

và gió lại thổi về

Richard Wright*

Không nhiều người biết tiểu thuyết gia Richard Wright đã dùng haiku như là cách để khuây khỏa trong những ngày bị bệnh trong hơn một năm rưỡi. Ông đã để lại một di sản gần bốn ngàn khúc haiku – mà thật kỳ lạ là trước đó ông chưa bao giờ sáng tác một khúc haiku nào. Ông sáng tác haiku trong những quán café ở Paris hay trong khi ốm liệt giường … và như con gái ông đã nhận xét:  “Haiku đã giúp ông viết ra được những khúc thơ đầy ánh sáng từ trong bóng tối”. Trong những năm 1950’, khi thực hành thiền định chưa được phổ biến như bây giờ, Wright đã tìm thấy cách giải quyết những cảm xúc u ám của những cơn giận dữ và trầm cảm của ông, trong những cơn bệnh, những cảm xúc mà tất cả chúng ta lúc này hay lúc khác cũng đã từng phải đối mặt. Việc sáng tác haiku và tập trung vào Thiên Nhiên, giúp ta có thể đứng tách ra khỏi bản thân để nhận thức rõ được cái gì đang tồn tại ở đó. Haiku đã ghi lại một cách rõ ràng sự cảm nhận của nhà thơ về Thiên Nhiên bị che khuất bởi một lớp sương mù của những cảm xúc cá nhân như thế nào, và rằng Thiên Nhiên không bao giờ thay đổi mà chỉ có cảm nhận về Thiên Nhiên là thay đổi. Khi nhà thơ trở nên sáng suốt hơn, nhìn nhận sự vật sáng tỏ hơn: những ngôi sao, những cơn gió mát từ lâu đã lại ở bên người thi sỹ.

*RICHARD WRIGHT (1908-1960). Là một nhà tiểu thuyết Mỹ gốc Phi nổi tiếng, sinh ra ở vùng nông thôn Mississippi và chết ly hương ở Paris. Wright đã từng là người phát ngôn của cộng đồng những người Mỹ da đen; với tiểu thuyết “Native Son” (Đứa Con Trai Thổ Dân) năm 1940, ông đã trở thành một tiếng nói văn học quan trọng. Những tác phẩm khác của ông gồm có: “The Ousider” (Kẻ Ngoài Cuộc), “Black Boy” (Chàng Trai Đen) và “Black Power” (Quyền Lực Đen). Haiku được ông sáng tác trong những tháng lâm bệnh cuối đời, viết theo truyền thống 17 âm tiết, phản ánh mối quan hệ giữa tác giả với Thiên Nhiên với tính phổ quát không giống như trong các tác phẩm khác của ông. Xem tác phẩm: “Haiku: This Other World” (Haiku: Một Thế Giới Khác), 1998.

9*

Tri Ân

remembering those gone

thankful to be here

the pond of purple iris

tưởng nhớ những người đã khuất

biết ơn khi được ở đây

cái ao đầy hoa diên vĩ tím

Margaret Chula*

Lòng biết ơn: từ ngữ thể hiện cách nhìn thiêng liêng của mọi người rằng không chỉ cần sự thay đổi mà còn cần cả lòng thương để kiến tạo hòa bình. Khúc haiku này, bản thân nó đã bao hàm rất nhiều sự suy tưởng sùng kính như bất cứ khi nào trong ngày ta tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, đặc biệt mỗi buổi sáng khi ta thức dậy và mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Ngay trong nỗi thương tiếc những người thân yêu đã mất, ta có thể tưởng nhớ tới họ với lòng biết ơn: cha mẹ, con cái, vợ chồng, những bậc thần linh, tiên tổ hoặc những người vừa mới hy sinh trong cuộc chiến tranh. Tưởng nhớ đến họ là cách để thấy rằng không gì có thể chia lìa được chúng ta với họ, để thấy rằng ta luôn gắn kết chặt chẽ với họ; và chúng ta biết rằng nếu không có họ thì chúng ta không thể hiện hữu ở đây, ngay lúc này. Nghĩ đến những người đã khuất và đồng thời nhận thức sâu sắc rằng ta đang hiện hữu tại đây trong cuộc hồi sinh – đang sống và hít thở (dù rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo), đang đơn giản được ngồi trên một chiếc ghế, cảm thấy lưng mình đang được tựa vào lưng ghế và nghỉ ngơi, thế là đủ. Từ đây, với lòng biết ơn chân thành chúng ta có thể ngắm nhìn thế giới rộng lớn chung quanh – cái ao với những bông hoa diên vĩ tím. Khúc haiku này đẹp như một lời cầu nguyện giản dị: sự biết ơn đối với mọi người, với bản thân, với Thiên Nhiên và cả với thế giới bên kia.

*MARGARET CHULA (sinh năm 1947). Một trong những nhà thơ haiku nổi tiếng của Hoa Kỳ, được nhiều giải thưởng về haiku, haibun và tanka, ngoài các truyện ngắn. Chula sống ở Tokyo (Nhật Bản) trong 12 năm, điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính nhạy cảm trong thơ ca và các hoạt động quốc tế về haiku của bà. Tác phẩm chính của bà: “Grinding my Ink” (Mài Mực), “Shadow Line” (Hình Bóng), “The Smell of Rust” (Mùi Han Gỉ) và tác phẩm “What Remains: Japanese Americans in Internment Camps” (Những Gì Còn Lại: Người Mỹ gốc Nhật trong Trại Giam).

10*

Nhận Thức

bush warble

I rest my hands

in the wooden sink

tiếng chim hót trong khóm cây

tôi vẫn để đôi tay

trong chậu gỗ

Chigetsu-ni*

Tiếng chim hót đang giục giã ta ra khỏi nhà. Nhưng ta vẫn đang muốn nằm trong chăn và … tiếng chim vẫn giục giã. Ta lại đắm chìm trong những suy tư phiền não và … tiếng chim hót lại muốn đánh thức ta. Chúng ta thường đã trải qua tình cảnh muốn tự giam mình trong sự ấm cúng, dễ chịu, giam mình trong những suy nghĩ quen thuộc về điều này, điều khác – và rồi đôi khi như vẫn thường xẩy ra – phải rất lâu tiếng chim hót mới lọt được đến ta và mới đánh thức được ta. Điều này thường liên quan đến những thời khắc của sự thức tỉnh, nhưng thực tế đó là việc xảy ra thường xuyên, mà ta cảm thấy khác thường khi cuối cùng chúng ta trở lại với thực tại với tất cả những sinh động của nó. Trong khúc haiku này, trong những công việc vặt vãnh bếp núc nhàm chán hàng ngày, chỉ cần một khoảnh khắc nào đó, nhà thơ có thể được đánh thức bởi những âm thanh huyền ảo, kỳ diệu của tiếng chim hót trong khóm cây. Đấy là câu chuyện của Ikkyu, Thiền sư – Thi sỹ nổi tiếng thế kỷ XV – đã kể về việc ở tuổi 20, Ngài đã đạt đến sự Khai Sáng như thế nào trong khi thiền định trên một con thuyền ở hồ Biwa, khi nghe tiếng kêu của một con quạ. Luôn luôn hiện hữu khả năng để tiếng chim hót hay bất cứ một điều gì đó gọi ta, đưa ta về với thực tại.

*CHIGETSU-NI (1632-1708). Họ của bà là Kawai. Bà là môn đệ gần gũi nhất và là bạn thân của Basho, và là một trong những nữ sỹ haiku lớn nhất của Nhật Bản. Sau khi chồng chết, bà trở thành một ni sư và sống ở Otsu với em trai (và con nuôi) Otokuni, cũng là một nhà thơ và học trò của Basho. Bà là một trong những người có công đóng góp chính, cùng với Basho, cho tác phẩm nổi tiếng “Monkey’s Raincoat” (Áo Mưa của Khỉ).

11*

Nỗi Đau

this world of dew

is yes, a world of dew

and yet

vạn vật mù sương

đúng, trần gian mù sương

và dù sao chăng nữa

Issa Kobayashi*

Nỗi đớn đau vượt lên trên những dòng thơ. Trong bất cứ ngôn ngữ nào, từ “nỗi đau” đều bao hàm cùng một cảm xúc nhân bản cho tất cả mọi người, ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc – trong quá khứ, hiện tại và tương lai – trên trái đất này. Cảm xúc vượt lên trên những dòng thơ được Issa viết ra ở đây dựa trên bi kịch cá nhân của bản thân nhà thơ. Đây là khúc haiku nổi tiếng nhất của nhà thơ, được cho là đã viết sau cái chết của đứa em gái 1 tuổi Sato, mất vì bệnh đậu mùa năm 1818, như đã được ghi lại trong nhật ký haibun. Trong suốt cuộc đời mình, Issa đã chứng kiến những cái chết trẻ của 5 đứa con; và ngoài ra còn chứng kiến cái chết của 2 người vợ và chứng kiến ngôi nhà của mình bị thiêu rụi. Khúc thơ thật vang vọng bởi vì đó là thực tại: khúc haiku này có thể được viết ra cho tất cả chúng ta, những người đã từng trải qua những tai họa trong cuộc sống của mình như là một phần của hoàn cảnh, của sự sống, của cái chết và cả những lúc trái tim ta như tan vỡ. Nhà thơ hiểu rất rõ rằng tất cả mọi việc đều thoáng qua như “sương khói” và chúng ta cũng hiểu vạn sự cũng như “sương”, và … cứ như thế. Và khi chúng ta suy ngẫm về điều đó, hoặc cả khi không suy tư về điều đó, từ tận đáy sâu trong ta, trong tâm hồn ta, bỗng thấy cần thiết và muốn nói lên, dù gào thét hay thì thầm “và … dù sao chăng nữa!”

*ISSA KOBAYASHI (1763-1828). Là một trong ba nhà thơ haiku vĩ đại của Nhật Bản, cùng với Basho và Buson. Là một người theo Phật Giáo Thanh Khiết (Pure Land Buddhism) ông chủ trương phải thương yêu mọi sinh vật, có thể vì ông đã trải qua một cuộc sống nghèo túng và đầy bi kịch. Xem tuyển tập tự truyện của Issa, Oraga Haru “Mùa Xuân của Đời Tôi” (The Spring of My Life) từ năm 1819.

12*

Giản Dị

this spring in my hut

there is nothing

there is everything

mùa Xuân này trong túp lều của tôi

chẳng có gì

nhưng là tất cả

Sodo Yamaguchi*

Tôi luôn luôn ngường mộ Mahatma Gandhi về cuộc sống đơn giản của Ngài với những vật sở hữu ít ỏi: tấm áo vải thô, chiếc lược, cây bút máy, quyển sổ tay và một bản trích kinh Ấn Giáo – tất cả chỉ có vậy. Và Henry Thoreau, cũng với một ít vật dụng sở hữu như vậy cũng sống ở Walden Pond. Mặc dù vậy, họ không sống cuộc sống khổ hạnh đến mức lý tưởng: các tài liệu ghi chép lịch sử cho thấy lối sống khổ hạnh của Gandhi cũng dựa trên sự hỗ trợ tài chính của nhiều người và Thoreau vẫn dự các buổi ăn tối chủ nhật tại nhà mẹ trong thời gian ông sống ở Walden. Cả hai người đều biết được giá trị của sự đơn giản. Trong nền văn hóa hậu hiện đại ngày nay, có một khuynh hướng xem xét lại những giá trị này: từ bỏ chủ nghĩa tiêu dùng man rợ và quay về với sự đơn giản. Nhiều người trong chúng ta luôn phiền muộn bởi những điều vớ vẩn, bắt nguồn từ một nền văn hóa tiêu dùng cường điệu vấn đề “chúng ta không có những gì” so với việc “chúng ta cần có cái gì” và từ đó làm ta bất mãn. Đây đúng là một sự nghèo nàn về trí tuệ; trong khi sự nghèo túng thực sự lại là một vấn đề khác. Không cần phải thi vị hóa sự nghèo túng nhưng cần thuyết phục mọi người nên sống một cách đơn giản hơn và qua đó sẽ được hài lòng hơn. Dù nhà thơ có thật là “không có gì cả” hay không, khúc haiku này đã chỉ ra cách để đi đến sự đơn giản, để cảm thấy “không có gì cả” nghĩa là “có tất cả”, để có thể nhẹ nhàng hít thở làn không khí của mùa Xuân.

*SODO YAMAGUCHI (1643-1716). Sinh ra ở Kai và sau đó chuyển về sống ở Edo (Tokyo), Sodo quen biết Basho khi nghiên cứu cùng với Kigin. Ông rất được Basho kính trọng, đặc biệt về kiến thức của ông đối với văn học cổ điển Trung Hoa.

13*

Tương Thuộc

a heavy card

rumbles by

peonies tremble

chiếc xe ngựa nặng nề

chạy ầm ầm

vì những đóa mẫu đơn run rẩy

Buson Yosa*

Trong vạn vật, đóa mẫu đơn và con người là như nhau. Thấm nhuần truyền thống văn hóa Đông Á và là nhà tu hành Phật giáo khi còn trẻ, nhà thơ hiểu rất rõ thuyết lý về sự tương thuộc: Nhân Loại và Thiên Nhiên đan kết với nhau, phụ thuộc vào nhau, Nhân Loại và Thiên Nhiên là những phần không thể tách rời, Con Người không thể đứng trên Thiên Nhiên. Đó là ý thức sâu sắc về sinh thái, cho ta thấy tất cả đều tương thuộc lẫn nhau, hơn tất cả những gì chúng ta nhận thức được; ngay cả vật lý học hiện đại cũng coi Trái Đất của chúng ta và Vũ Trụ liên kết với nhau một cách năng động.  Chúng ta có thể thấy điều đó mỗi khi chúng ta dừng bước và quan sát những vật bé tí; khi đoàn tầu rầm rầm chạy hoặc khi cơn gió lướt qua, những chiếc lá trên cây lìa cành như thế nào, cũng như những sợi tóc trên đầu ta. Chúng ta luôn luôn chạm đến và đến lượt ta bị chạm đến. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng cánh bướm”, có nghĩa khi một chuyển động tạo ra do đôi cánh bướm khẽ đập ở  Amazon sẽ có lúc, trong một ngày nào đó, ở đâu đó và bằng cách nào đó, ta có thể cảm nhận được chuyển động ấy ngay cả ở Paris hay Cairo. Điều đó thật khó tin, nhưng đó là một thực tế mà chúng ta có thể đã trải qua và có thể nhận xét được hàng ngày. Nếu chúng ta nhận thức được điều đó, ta sẽ không bao giờ làm hại các sinh vật trong môi trường quanh ta, vì chúng ta cũng sẽ làm tổn hại đến bản thân, vì rằng không có gì chia cắt chúng ta với môi trường; chúng ta là một bộ phận của mối quan hệ nhân – quả mật thiết. Đấy là ý nghĩa sinh thái học đơn giản về sự run rẩy của nhành mẫu đơn …

*BUSON YOSA (1716-1784). Là một trong những nhà thơ haiku và renga vĩ đại của Nhật Bản (cùng với Basho và Issa), Buson đồng thời còn là một họa sỹ và là một bậc thầy trong việc sáng tạo những hình ảnh rực rỡ và tao nhã, có thể thấy rõ trong thơ haiku của ông. Buso cũng là người minh họa cho haiku của Basho. Sinh ra ở Osaka, trước tiên là học trò của Kikaku, một môn đệ gần gũi của Basho. Sau đó, Buson đề xướng khuynh hướng “phục hưng Basho” để đưa thơ haiku trở lại với trạng thái nguyên thủy của nó. Một số tác phẩm của Buson gồm có “Ake Garasu” (Con Quạ lúc Rạng Đông: A Crow of Dawn) và “Shin Hanatsumi” (New Flower Picking: Hái Hoa Tươi)

14*

Hài Hước

the warbler poops

on the slender

lumb branch

chú chim chích

thả những giọt phân

lên cành mận mảnh dẻ

Onitsura Uejima*

Hài hước luôn luôn là sự cứu rỗi cho những bi kịch trong cuộc sống và được coi là một trong những đặc tính độc đáo của loài người – có thể chúng ta có gène hài hước trong ADN. Người ta đã chứng minh được rằng tiếng cười không chỉ tốt cho tinh thần mà còn có lợi cho sức khỏe: cho các nội tạng, cho các tế bào và đặc biệt cho trái tim. Sự hài hước sẽ loại bỏ những ý nghĩ cố chấp và đem đến cho ta những phản xạ tươi mới để chúng

ta có thể thư giãn tâm hồn và cất lên tiếng cười. Không trêu chọc khéo những người chung quanh mà hãy chân thật chia sẻ sự nồng hậu, ấm áp. Cười vui để thấy rằng sau rốt chẳng có gì là không đổi thay hay mãi mãi chắc chắn, kể cả suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Quả thực, nhìn vào bản chất hão huyền của thực tế cũng là lý do để chúng ta có thể cười phá lên, để chúng ta có thể thư giãn với những điều chưa biết hoặc chính khi nhìn sự vật ở trạng thái “trần trụi” của nó. Cha tôi đã đưa ra một cách thức khác, thường có thể dễ dàng tuân theo. Cha tôi thường nói với tôi như với một đứa trẻ:”Con nhớ hãy tự cười mình và hãy khóc cho người khác!” Đấy là lời nhắc nhở hãy mở lòng với người khác và đừng bao giờ tự coi mình quá quan trọng. Khúc haiku này có thể làm thay đổi định kiến của nhiều người cho rằng haiku chỉ phản ánh những điều “nghiêm túc”; haiku luôn luôn chứng kiến tính bất ngờ của sự vật, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm thấy được một khúc haiku trong một thời khắc hài hước: “Ồ, những bông hoa mận và … những giọt phân của một chú chích chòe”.

*ONITSURA UEJIMA (1661-1738). Danh tiếng của ông ở Nhật Bản có thể sánh cùng Basho. Là con trai của một nhà nấu rượu sake phát đạt, ông đã sáng tác haiku từ tuổi thiếu niên và theo học Kiin và Soin, cả hai là môn đệ của Shiko và Shiko lại là môn đệ của Basho. Ông đã nâng haiku lên, coi sự chân thành là yếu tố quan trọng nhất của haiku, và ý tưởng này đã được Buson thán phục. Thơ haiku của Onitsura được đánh giá cao về tính đơn giản và khôi hài trần tục, như được thể hiện trong tập “Hitorigoto” (Talking to Myself: Chuyện Trò với Bản Thân) là quyển thơ bán chạy nhất năm 1718.

15*

Thông Thái

after the rain

bomb craters filled

with stars

sau cơn mưa

miệng núi lửa

tràn đầy những ngôi sao

John Brandi*

Đây là một câu trích dẫn từ Kinh Phật “The Sadhana of Mahamudra” đã giúp tôi qua bao tháng ngày: “Tốt hay xấu, hạnh phúc và bất hạnh, tất cả những suy nghĩ của chúng ta rồi cũng sẽ biến mất vào hư vô giống như bóng một con chim bay qua trên bầu trời”. Chúng ta càng không muốn thay đổi những đang tốt đẹp với chúng ta bao nhiêu thì chúng ta cần quý trọng bấy nhiêu sự thay đổi những gì không tốt đối với chúng ta. Như câu Kinh trên đã nhấn mạnh, chúng ta càng cảm thấy được an ủi bao nhiêu nếu chúng ta nhận thức được rằng mọi sự dù tốt hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh cuối cùng rồi cũng tàn phai, tùy thuộc vào cách suy nghĩ và suy xét của chúng ta và cuối cùng mọi sự vật đều cùng hiển hiện. Thông thường, không dễ dàng nhận thấy điều này, nhưng đôi khi chúng ta có thể cảm nhận được rất rõ ràng khi các sự cố diễn ra đúng như những gì khúc haiku này đã nói lên: ngọn núi lửa tạo ra những miệng hố mà ở đó trước đây đã có những ngôi nhà và có những người đã sống. Nhưng ngay trong cả sự tàn phá, vẫn có những điều đang xẩy ra: cơn mưa và những ngôi sao phản chiếu ngay trên sự tàn phá; ngày hôm sau, mặt trời xóa tan cơn mưa và những ngôi sao cũng biến mất, cũng giống như bóng chim biến mất trên bầu trời xanh. Và chúng ta dõi nhìn mọi vật, những ý nghĩ của chúng ta về mọi việc sẽ nảy sinh và rồi sau đó cũng sẽ … tàn phai.

*JOHN BRANDI (Sinh năm 1943). Sống ở vùng sa mạc New Mexican trong nhiều năm, ông điều hành tờ báo “Tooth of Times” và thỉnh thoảng đi du lịch Nam Mỹ hoặc Châu Á, Brandi đã viết về những gì gặp gỡ trong đời vào khoảng 30 quyển sách. Brandi là một trong những haijin hàng đầu của Hoa Kỳ đồng thời là một nhà văn du ký (đặc biệt là haibun). Ông đồng thời cũng là chủ bút, người viết tiểu luận phê bình, họa sỹ và nhà hoạt động xã hội. Ông đã được nhận một số giải thưởng, kể cả giải thưởng của Quỹ “National Endowment for the Art Poetry”. Trong số các tác phẩm của ông, có: “Weeding the Cosmos: Selected Haiku (Đám Cưới Vũ Trụ: Thi Tuyển Haiku), “In What Disappears” (Trong Những Gì Đã Mất) và “Water Shinning beyond the Fields” (Dòng Sông Sáng bên kia Cánh Đồng).

16*

Trùng Phước

the shell I take

the shell it takes

ebb tide

chiếc vỏ sò tôi bắt được

triều xuống

lộ ra chiếc vỏ sò

Vincent Tripi*

Sự kỳ diệu long lanh của cuộc sống luôn luôn hiện hữu. Mỗi ngày, sự trùng hợp xảy ra ngày càng nhiều, cũng như trong khúc haiku này, đó là dấu hiệu cho thấy tâm trí của chúng ta bắt đầu bớt hoạt động, thư giãn và sống với hiện tại. Khi chúng ta hiện sinh, những giác quan của chúng ta sẽ hòa hợp với môi trường xung quanh và môi trường xung quanh sẽ hòa hợp với chúng ta. Và chúng ta có thể thừa hưởng được năng lượng tinh tế của thủy triều để bắt được con sò lộ ra trên cát. Sakyong Mipham Rinpoche giải thích: “Vạn vật liên hệ với chúng ta khi chúng ta sẵn sàng mở lòng với vạn vật, cũng như đóa hoa giữa mùa Xuân. Khi đến thì, hoa sẽ nở. Sự từng trải và lòng trắc ẩn làm cho chúng ta hòa hợp với cuộc sống và rồi môi trường sẽ hồi đáp chúng ta”. Môi trường xung quanh luôn đem đến cho ta những tình huống mới, hoàn cảnh mới để chúng ta chiêm nghiệm, học hỏi. Có thể đó là một quyển sách, một chiếc vỏ sò trên bãi biển, một người yêu hay một người bạn. Chúng ta càng nhận thức được mọi sự vật liên hệ với nhau như thế nào thì tâm trí chúng ta càng rộng mở và khi đó cuộc sống chúng ta càng có được nhiều phước lành. Không phải chỉ quan sát dòng thủy triều đang trôi quanh những chiếc vỏ sò như trong khúc haiku này, mà chúng ta cần quan sát những trạng huống tạo nên sự “chín muồi” trong cuộc sống chúng ta khi đã đến thời điểm hành động: dạo bước với thiên nhiên, sơn lại ngôi nhà của mình, sinh một đứa con. Rinpoche đã tổng kết: “Hiện hữu là khi tất cả khả năng và sự kỳ diệu đã được sắp đặt”. Dù ở trong thành phố hay ngoài bãi biển đều có thể tìm thấy sự kỳ diệu.

*VINCENT TRIPI (Sinh năm 1941). Ông là một trong những nhà thơ haiku Hoa Kỳ, người thực hành lối sống theo “Con Đường Haiku” (Way of Haiku) như một người theo chủ nghĩa tự nhiên, giống Thoreau. Ông đứng đầu các nhà haiku ở Nam California, nhưng hiện nay ông sống ở vùng rừng núi tây bắc Massachusetts, là thành viên của cộng đồng các nhà văn theo trường phái duy linh. Ông cũng là chủ bút một tờ báo nhỏ được gọi là Tribe (Bộ Lạc). Ông là tác giả nhiều tập thơ haiku trong đó có: ”Haiku Pond: A Trace of the Trail and Thoreau” (Cái Ao Haiku: Dấu Vết Con Đường và Thoreau), “Tribe: Meditations of a Haiku Poet” (Bộ Lạc: Những Suy Ngẫm của Nhà Thơ Haiku) và “Snow Falling on Snow: A Collection of Poems about the Buddha”” (Tuyết rơi trên Tuyết: Hợp Tuyển Thơ về Đức Phật) và gần đây nhất là tập thơ “Monk & I” (Thượng Tọa & Tôi) và tập “Paperweight for Nothing” (Cái Chặn Giấy Vô Tích Sự).

17*

Khủng Bố

in the deep fires

I saw the way

a poeny crumbles

trong ngọn lửa đỏ

tôi trông thấy

đóa mẫu đơn tan nát

Shuson Kato*

Một đóa mẫu đơn tan nát, một chiếc đầu lâu vỡ tan, những thanh thép xoắn vặn trong ngọn lửa của một vụ nổ đẫm máu. Có thể là vụ nổ bom tự sát của một tên khủng bố; có thể là một vụ tấn công kinh hoàng bằng không lực; có thể là một cuộc tàn sát diệt chủng ở Darfur; có thể là cuộc tàn sát ở trại tử thần Auschwitz; có thể là cuộc thẩm tra của Tòa Án Dị Giáo, đốt sách vở và đốt những tín đồ Dị Giáo; có thể là vụ đánh bom nhà thờ Little Church; có thể là những vụ đốt thánh giá của Đảng 3 K; có thể là cuộc ném bom thành phố Hiroshima; đó có thể là những cuộc khủng bố và bạo loạn trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại. Ở đây, nhà thơ đang miêu tả những gì ông đã trải qua trong cuộc ném bom thành phố Tokyo trong Đại Chiến Thế Giới II, khi mà ngôi nhà của ông bị thiêu rụi, vợ chồng ông phải ly tán với con cái. Dù rằng đây có phải đúng là một đóa mẫu đơn hay chỉ là một cách nói ẩn dụ, thì đó vẫn là một hình ảnh không thể nào quên của sự kiện bi thảm này khi mà số dân thường bị giết chết còn nhiều hơn trận ném bom nguyên tử sau đó. Ngày nay, chúng ta vẫn tự hỏi ta phải đối mặt với những sự kiện bi thảm này như thế nào? Có thể bằng việc nhận biết chính xác cái cách sự kiện đã xẩy ra và vẫn còn sẽ xẩy ra. Có thể bằng cách ta phải hiểu rằng lửa không thể dập tắt được lửa. Có thể bằng cách lựa chọn làm sao để chúng ta không trở thành một mắt xích của cái vòng luẩn quẩn của sự trừng phạt, của cái chu trình hủy diệt. Có thể phải đứng lên chống lại bạo lực, trong chúng ta và ở những người khác, dù số đông hay số ít. Có thể bằng cách hãy nhìn xem một đóa mẫu đơn tan nát. Có thể, một ngày nào đó và bằng cách nào đó…

*SHUSON KATO (1905-1993). Một trong những nhà thơ haiku lớn và hiện đại, môn sinh của Basho. Năm 1930, ông tham gia trường phái Ashibi và tham gia tạp chí do Shuoshi Mizuhara sáng lập, cổ vũ cho chủ nghĩa nhân đạo. Sau đó, vào năm 1940, ông thành lập tạp chí “Kanrai” (Thunder in Midwinter: Tiếng Sấm giữa Mùa Đông). Tuyển tập haiku của ông cũng mang tên này.

18*

Lòng Tốt

first light

everything in this room

was already here

tia sáng đầu tiên

tất cả mọi vật trong gian phòng

đã sẵn sàng ở đấy

Christopher Herold*

Không có gì có thể lẩn trốn được ánh sáng – ánh sáng chiếu rọi đến mọi vật một cách công bằng, dù đó là ánh nắng mặt trời, ánh trăng hay ánh sáng của những vì sao. Ánh sáng chiếu rọi khi bầu trời ở đó, mặt đất ở đó và vạn vật ở đó. Ánh sáng được nói đến như là một “đặc ân” (goodness) hoặc như là một thứ “của cải vốn có” trong trạng thái nguyên thủy của Tự Nhiên. Không phải là “cái tốt” đối lập với “cái xấu”“tốt” là vì nó là “vô điều kiện” trong trật tự của Tự Nhiên. Đôi khi ta có thể thấy điều đó và đôi khi ta không thể thấy được điều đó; nếu ta có thể thấy được điều đó, trong ta sẽ trỗi dậy những cảm xúc như tác giả đã nêu lên trong khúc haiku – dưới ánh sáng ta sẽ thấy tất cả mọi vật suốt từ đầu đến cuối – vẻ đẹp tuyệt đối của sự đơn giản và của sự thật trần trụi. Khúc haiku nhắc tôi một sự kiện mới xẩy ra vài năm trước đây khi mẹ tôi xuất viện sau một cuộc phẫu thuật, trên đường trở về nhà, mặc dù đang còn rất yếu ớt, bà nhìn qua cửa xe hơi và kêu lên: “Ôi, đẹp làm sao! Hãy nhìn ánh nắng chiếu lên bức tường gạch!”. Đấy chính là khoảnh khắc của sự thưởng thức. Có thể đấy là lý do vì sao chúng ta chiêm ngưỡng và thưởng thức các bức tranh của các họa sỹ, ví dụ như của Vermeer, khi ông vẽ bóng đêm được soi sáng bởi một luồng ánh sáng thuần khiết; hoặc bức họa của danh họa Van Gogh “Đêm đầy sao trên dòng sông Rhône”, mà ánh sáng sinh động trong bức sơn dầu như xuyên thấu tất cả mọi vật, kể cả chúng ta. Và, rồi ta lại muốn ngắm nhìn bức tranh một lần nữa.

*CHRISTOPHER HEROLD (sinh năm 1948). Là một môn sinh của Shunryu Suzuki Roshi, ông đắm chìm vào thực hành Thiền trong nhiều năm và dạy học. Ông là một trong những nhà thơ haiku năng động và nổi tiếng của Hoa Kỳ, những tác phẩm haiku của ông gồm có: “Voices of Stone” (Tiếng Nói của Đá), “In Other Words” (Những Tiếng Nói Khác) và “A Path in The Garden” (Một Lối Đi trong Vườn).

19*

Nghịch Lý

picked

by an old woman’s hand

herbs green and glowing

được nhổ

bằng đôi tay của bà già

cỏ xanh và bừng sáng

Soen Nakagawa*

Nhà thơ haiku này là một bậc thầy về Thiền, nói về haiku của mình: “Thơ tượng trưng cho thế giới trong đó nhiều hơn hay ít hơn chỉ là một … thế giới mâu thuẫn tuyệt đối. Chết cũng có nghĩa là sống và ngược lại. Chết và sống không thể tách rời nhau mà chỉ khác nhau bằng tên gọi. Ở đây, một bà già đang nhổ cỏ. Ngay khi bà ta nhổ cỏ, sẽ có những chồi cỏ non lớn lên. Tôi không muốn viết một bài haiku mang quan điểm của Thiền, nhưng đấy là sự thật”. Cũng có thể nói như vậy về cái gọi là thế giới tâm linh. Tất cả mọi việc hòa quyện vào nhau. Có thể tìm thấy trích dẫn nổi tiếng về nghịch lý này trong tác phẩm Prajnaparamita Hrdaya Sutra (Heart Sutra) như sau: “Hình dạng là sự rỗng không, và sự rỗng không bản thân nó là hình dạng”. Không phải hình dạng chỉ là vật chất và cũng không phải sự rỗng không chỉ thuộc về tâm linh, mà hai lĩnh vực đó là “một”. Khi suy ngẫm về điều đó, ta có thể nhận thấy sự thật này một cách rất tinh tế tận sâu đáy lòng nhưng ta không thể diễn đạt được thành lời. Và chúng ta để lại những ngọn cỏ xanh trong đôi tay già nua.

*SOEN NAKAGAWA (1901-1984). Là một trong những bậc thầy về Thiền nổi tiếng của thế kỷ XX. Ông là trưởng tu viện Ryutaku và là nhân vật chính trong việc truyền bá Thiền Học từ phương Đông sang phương Tây. Trong số các môn đệ của ông có Eido Roshi, cũng như Robert Aitken và Phillip Kapleau, là hai trong những người phương Tây đầu tiên dạy về Thiền ở Mỹ. Nakagawa cũng nổi tiếng là một nhà thư pháp và haiku. Xem “Endless Vow: The Zen Path of Soen Nakagawa” (Lời Nguyền Bất Tận: Con Đường Thiền của Soen Nakagawa) của Kazuaki Tanahashi.

20*

Cái Nhìn

ah, in the corner

look again –

winter chrysanthemum, red

ồ, nhìn kỹ

ở góc vườn

bông cúc mùa đông mầu đỏ

Teijo Nakamura*

Mầu đỏ của mầu đỏ. Chogyam Trungpa Rinpoche thường nói về điều này trong những buổi nói chuyện về thơ và nghệ thuật Dharma: nếu chúng ta ngừng lại giây lát và chú ý quan sát chúng ta sẽ thấy được sự sinh động của cuộc sống thực tế trong từng khoảnh khắc. Hãy nhìn những gì đang tồn tại nơi đây mà không cần phải làm thay đổi hoặc tô điểm cho sự vật. Mỗi khúc haiku là một cách nhìn như vậy, nhưng khúc haiku này đặc biệt được sáng tác bởi một nữ bậc thầy haiku nổi tiếng về cách diễn đạt rất mộc mạc, nhắc nhở chúng ta “hãy nhìn sự vật một cách giản dị như nó vốn có” – một phẩm chất mà nữ sỹ này vẫn thường nói với tôi rằng đấy là điều cơ bản của haiku. Sau khi kết thúc một buổi thiền định, nhiều người nhận thấy mọi sự vật hình như sáng tỏ hơn, rõ ràng hơn, mầu sắc rực rỡ hơn; mầu đỏ không thay đổi, nhưng cái nhìn của ta thay đổi vì đầu óc ta đã quên đi những lo toan hàng ngày và ta có một khoảng lùi để nhìn sự vật như nó vốn có.  Bài thơ “Bánh xe cút kít mầu đỏ” của nhà thơ nổi tiếng William Carlos Williams đã nhen nhóm ngọn lửa của chủ nghĩa ấn tượng trong thơ ca ngay từ thế kỷ XX là hình ảnh cô đọng của điều đó. Nhận biết sự vật, nhận biết mầu sắc như chúng ta đang sống và ngay cả khi như ta đang chết; Rinopche đã nhấn mạnh, đôi khi ngay cả những người lính đang sống hay bị thương hoặc đang chết trên chiến trường, ngay cả trong những thời khắc đó, họ thường kể rằng họ đã nhận thấy mầu đỏ của bầu trời khói lửa như thế nào.

*TEIJO NAKAMURA (1900-1988). Một trong bốn nữ bậc thầy haiku Nhật Bản họ T cùng với Takako Hashimoto, Tatsuko Hoshino và Takajo Mitsuhashi. Cùng giòng dõi với Shiki, bà thụ giáo với Kyoshi và xuất bản thơ bà trong tạp chí “Hototogisu” (Chim cúc cu). Sau đó, bà xây dựng phong trào phụ nữ làm thơ haiku, như Tatsuko, con gái của Kyoshi. Tác phẩm haiku của Teijo gồm có “Kazahana” (Hoa Tuyết trong Gió), “Tuyển tập haiku của Teijo” và “Red, White Plum” (Hoa Mận Đỏ và Trắng”.

21*

Tìm Kiếm Thần Thánh

the taste

of rain –

why knell?

nếm trải

cơn mưa –

tại sao phải quỳ?

Jack Kerouac*

Anh chàng “hippy đầu bảng” Jack Kerouac này sáng  tác haiku và đồng thời mê say theo con đường tâm linh, trước tiên là một tín đồ trẻ Công Giáo, sau đó là Phật Giáo và Lão giáo. Anh ta theo đuổi những gì người xưa đã tìm kiếm, những gì mỗi con người tìm hiểu về vị trí của mình trong Vũ Trụ. Dù đã hàng triệu lần đến cầu nguyện ở các nhà thờ, các đền chùa hoặc hàng triệu lần thực hành Thiền Định, thực hành những tín ngưỡng và theo đuổi cả những luận thuyết khoa học khác nhau, hàng triệu người đã tìm thấy hoặc có thể tìm thấy sự thiêng liêng trong trong những điều huyền diệu thường ngày: trong những cơn mưa, trong tiếng hót của những con chim chiền chiện, trong ánh sáng của những con đom đóm trong trời đêm. Trong cái thời đại hình như là tăm tối này, chúng ta càng cần phải tìm ra một phương cách, một thực hành đơn giản để kết nối chúng ta với những gì là “thiêng liêng”, và khi tìm ra được con đường đó chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an trong tâm hồn và niềm vui sống. Trung thành với người cổ súy cho “lối sống lang thang”, khúc haiku này đặt vấn đề xem xét nghi lễ quỳ gối, vì tác giả của khúc haiku đã tìm thấy đầy đủ sự cầu nguyện và thiêng liêng trong khi “thưởng thức cơn mưa”. Điều này hòa điệu với câu phương ngôn của đạo Hồi, rằng “Trong một ngôi đền Hồi Giáo, có cả Thế Giới”, và rằng người ta có thể quỳ gối và cầu kinh ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất này. Cũng như truyền thống Sufi bí ẩn rất gần gũi với suy nghĩ của Kerouac, cho rằng “Thế Giới tồn tại, nhưng Thượng Đế che mờ” , vì vậy chẳng có gì là quan trọng nếu chúng ta quỳ gối, đứng thẳng hay nhảy múa. Sự thần thánh, sự linh thiêng, trong ngay chính trong thời khắc ấy, là sự liên thông với “nguồn năng lượng của Vũ Trụ”, như trong khái niệm về “golden eternity” (Sự Bất Diệt Vàng) của Kerouac.

* JACK KEROUAC (1922-1966). Một nhà tiểu thuyết trường phái Beat và là một biểu tượng của nền văn hóa Hoa Kỳ với phong cách văn xuôi bột phát, không gò bó. Trong tác phẩm “In The Road” (Trên Đường) và các tác phẩm khác, ông đã miêu tả “nền phản văn minh” (the counterculture) của Hoa Kỳ vào những năm 1950’, là sự pha trộn của tình dục, ma túy, nhạc jazz và Thiền. Ông đồng thời cũng là người thực hành sáng tác haiku trong suốt cả cuộc đời (viết hơn 1.000 bài haiku), sau khi haiku được Gary Snyder giới thiệu vào Hoa Kỳ vào năm 1955 (cũng giống như trường hợp của Ginsberg). Ông pha trộn truyền thống haiku Nhật Bản vào cái gọi là “haiku Hoa Kỳ” và với nhạc “pop” – tạo ra thể loại haiku phi âm tiết ba giòng – và ghi chép trong những sổ tay, thư từ, truyện ngắn trong số đó có 500 khúc haiku được xuất bản trong tuyển tập “Book of Haiku” (Tuyển Tập Haiku), một số bài được in trong tập “Scattered Poems” (Những Vần Thơ Tản Mạn) và một bản ghi âm nhạc Jazz và Haiku của ông trong tác phẩm “Blues and Haiku” (Nhạc Blues và Haiku).

22*

Sự Ngăn Cách

across a rose fence

a cat lover

a cat hater

hai bên bờ giậu hoa hồng

một con mèo yêu

một con mèo giận

Kazuo Sato

Khúc haiku này giúp ta phát hiện ra một nhà thơ sâu sắc, có viễn kiến và – có cái nhìn xa hơn bên kia bờ giậu hoa hồng. Là một trong những nhà thơ haiku hiện đại của Nhật bản, Sato là một trong những người, trong phần tư cuối của thế kỷ XX, có những đóng góp quan trọng nhất để hội nhập thơ haiku vào nền thi ca thế giới, để các nước cùng Nhật Bản thưởng thức thể thơ haiku (tôi có may mắn được làm học trò ông trong hơn 10 năm và đã được mở rộng hiểu biết về haiku). Vấn đề quan trọng đối với chúng ta là làm thế nào để có thể mở rộng tầm nhìn ra ngoài sự hạn chế của chúng ta, vượt qua khỏi những gì chúng ta thích và chúng ta không thích – tình cảm ủng hộ “pro” hoặc không ủng hộ “contre”, ở mức độ cá nhân hoặc ở mức độ quốc gia. Những giới hạn được bảo thủ thái quá này là nguyên nhân của sự không hòa hợp, tranh chấp và cuối cùng dẫn đến chiến tranh. Phương thuốc giải độc chính là hãy giống như bức giậu hoa hồng kia: hãy trung tính, mở rộng tầm mắt để nhìn xa ở cả ở hai phía của bức giậu. Khúc haiku này thể hiện sự thật phi lý đáng buồn của thế giới hiện nay và thúc dục chúng ta ít nhiều hãy tưởng tượng, như bài hát của John Lennen “Imagine” (Hãy Tưởng Tượng) … và hãy vượt qua cái thực tại phi lý này.

*KAZUO SATO (1927-2005). Là bậc thầy haiku hiện đại Nhật Bản và là người cổ động cho thơ haiku thế giới. Thụ giáo từ rất sớm với nhà dịch thơ haiku R. H. Blyth đã làm Sato bừng cháy sự thích thú haiku. Ông đã từng là giáo sư, biên tập thơ haiku bằng tiếng Anh cho tạp chí “Mainichi News” (Tin Tức Mainichi), và là một nhà sáng lập “Japan Haiku International Association” (Hiệp Hội Haiku Quốc Tế của Nhật Bản), là Trưởng Ban Quốc Tế của “Haiku Musem” (Bảo Tàng Haiku” ở Tokyo, Nhật Bản. Các tác phẩm của ông gồm có: “Can Mustard Flower Be Transplanted?” (Có Cấy Ghép được Hoa Cải Cay?), “Haiku Crosses the Sea” (Haiku Xuyên Qua Biển Cả) và “From Haiku to Haiku” (Từ Haiku Đến Haiku) và tuyển tập haiku “And the Cat Too” (Và Con Mèo). Ông đã được nhận được Phần Thưởng Haiku Trọn Đời của Hiệp Hội Haiku Hoa Kỳ và Giải Thưởng Quốc Tế Haiku Shiki.

23*

Tĩnh Lặng

saying nothing

the guest, the host

the white chrysanthemum

không nói gì

cả chủ lẫn khách

bông cúc trắng

Ryota Oshima*

Nền văn hóa hi-tech đã tác động với tốc độ phi thường đến Con Người, tạo ra một vết thương sâu sắc về sự chia cắt và sự không hài lòng giữa chúng ta. Chúng ta bỗng trở thành những sinh vật không thể chịu đựng được sự yên lặng. Nếu chúng ta có thể dừng lại một khoảnh khắc, tắt TV, máy tính, iPhone hoặc bất cứ một thiết bị nào ta đang sử dụng, để cảm nhận được hơi thở ta đang tràn đầy lồng ngực, hít thở hương thơm của làn không khí và ngắm nhìn cảnh vật chung quanh chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ sửng sốt với những gì chúng thấy. Nếu chúng ta chỉ làm điều đó trong năm đến mười phút mỗi ngày, việc đó có thể làm thay đổi chúng ta. Tôi nhớ lại, những năm ở Hàn Quốc, trong Công viên Hòa Bình, lần đầu tiên tôi đã cảm nhận như thế nào cái “văn hóa thường nhật”: “nào hãy cùng ngồi bên nhau!” với bạn bè trong một quán trà ở Seoul, trong yên lặng, không nói với nhau một lời nào; thoạt tiên, tôi cảm thấy hơi bực mình và buồn chán nhưng sau đó tôi cảm thấy thư giãn tinh thần và làm mới sự cảm thông. Khúc haiku này thể hiện khoảnh khắc như vậy, khoảnh khắc trong một buổi thưởng trà. Sen no Rikyu, bậc thầy trà đạo nổi tiếng của Nhật bản, thế kỷ XVI, người đặt nền móng cho Trà Đạo Nhật Bản, mà khoảnh khắc cảm thông trong yên lặng là phần cơ bản của  Nghi Thức Thưởng Trà, đã tạo ra thành ngữ “ichi-go, ichi-e” nghĩa là “one time, one meeting” (một cơ hội, một gặp gỡ) . Điều này đã trở thành một thành phần không thể thiếu không chỉ trong Nghệ Thuật Thiền mà cả cho văn hóa sống thường nhật: vì rằng mỗi khoảnh khắc gặp gỡ với một Con Người, hoặc thậm chí với một bông hoa đều rất đáng quý và thoáng qua nhanh, khoảnh khắc đầy hương vị, dù có thể chỉ trong lặng im.

*RYOTA OSHIMA (1718-1787). Là học trò của Ransetsu và là một trong những người đầu tiên trong thế hệ của ông đã “tái phát hiện” Basho. Ông là một bậc thầy haiku sáng tác nhiều và có ảnh hưởng nhiều, xuất bản hơn 200 quyển sách và có hơn 4.000 môn sinh, nhưng chỉ còn một ít thơ của ông được lưu lại. Tuy nhiên, khúc haiku này là một trong những bài haiku nổi tiếng trong toàn bộ haiku Nhật Bản. Ông lưu lại các ý tưởng của ông về haiku trong tác phẩm “Basho Schichibu Sagachi” (Gleanings from the Seven Collection of Basho: Lượm Lặt từ 7 Tuyển Tập Haiku của Basho).

24*

Lắng Nghe

stillness

piercing the rocks

the sound of cicadas

tĩnh mịch

tiếng ve ran

xuyên thấu tảng đá

Basho Matsuo*

Trong một mùa hè nóng bỏng, khi tôi thăm vùng núi phía bắc, nơi Basho đã viết khúc haiku này – và ở đó khúc haiku được khắc lên một tảng đá hoa cương, theo truyền thống của Nhật Bản – cuối cùng thì tôi cũng hiểu tại sao tiếng ve ran lại được ví theo nghĩa đen như đã xuyên thủng tảng đá. Đấy là tiếng than khóc của Thiên Nhiên để cho chúng ta có thể nghe thấy, giống như những bông hoa của Georgia O’Keeffé, mà nữ họa sỹ nói rằng bà phải vẽ thật to và thật rực rỡ để cho chúng ta có thể chiêm ngưỡng chúng một cách thực sự. Đôi khi, chúng ta cần nhớ phải mở rộng các giác quan để chúng ta có thể lắng nghe, có thể nghe thấy càng nhiều càng tốt. Ấy là vào năm 1952, khi John Cage gây sốc người đương thời bằng cách tổ chức một buổi hòa nhạc có tên “Four: 33”. Thính giả không được thưởng thức một buổi “hòa nhạc truyền thống” mà chỉ được nghe sự yên lặng của thính phòng, và sau đó bị buộc phải nghe (trong bốn phút và ba mươi giây) những “tiếng nhạc khác”:  tiếng ho của một ai đó, tiếng xe, tiếng máy bay bay trên đầu, tiếng đập của trái tim của chính thính giả. Đó thật sự là một bài học về cách nghe tiếng nhạc xung quanh mình. Chúng ta bắt đầu cuộc sống của mình bằng cách nghe âm thanh trong tử cung của mẹ, nơi ta bắt đầu cuộc sống, và kết thúc cuộc đời khi nghe thấy những năng lực cuối cùng của ta ngừng hoạt động. Và giữa hai thời điểm đó, chúng ta có thật nhiều điều để nghe.

*BASHO MATSUO (1644-1694). Là nhà thơ haiku vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản. Xuất thân từ tầng lớp samurai bậc thấp, ông nhanh chóng trở thành một bậc thầy renga với rất nhiều môn đệ, nghiên cứu Thiền và du hành khắp nơi. Basho nghiên cứu haiku đến trình độ uyên thâm, lấy “haikai no michi” (Con Đường Haiku: The Way ofHaiku) làm phong cách sống của mình và trở lại với Thiên Nhiên. Xem các tác phẩm “Sarumino”, “Monkey’s Raincoat” (Áo Mưa của Khỉ: tuyển tập Haibun, tập 1) và “Basho and His Interpreters” (Basho và Những Người Dịch Thơ Ông) của Makoto Ueda.

25*

Viễn Cảnh

holding the water

held it by

the dark mud

vốc nước trong tay

giữ chặt nó

nắm bùn đen

William J. Higginson*

Từ “Rashomonesque” đã trở thành một từ trong Anh Ngữ và là một phần văn hóa hậu hiện đại của Chủ Nghĩa Tương Đối của Einstein. Trong bộ phim “Rashomon” của Akira Kurosawa, lấy cảm hứng từ truyện ngắn của nhà thơ haiku Akutagawas, chúng ta được xem một phân cảnh hồi tưởng một vụ cướp trong rừng của 4 nhân vật khác nhau theo những diễn tả khác nhau; kết thúc bộ phim, khán giả ra về và tự hỏi, không biết đâu là sự thật đã xẩy ra; bộ phim đã làm ta tự vấn khả năng phán đoán của ta về thực tế, cả những sự việc và cũng như về tất cả những người khác. Khúc haiku nổi tiếng này nói về “thế lưỡng nan” (dilemma) – và cho ta cảm giác bao trùm, bằng cách này hay cách khác, rằng chúng ta có thể nắm giữ và đồng thời cũng bị nắm giữ. Đó là sự vượt qua lối suy nghĩ nhị nguyên và thúc giục chúng ta căng óc để nhìn sự vật bằng một nhãn quan rộng mở. Donald Richie, một người Mỹ ly hương và là chuyên gia văn hóa Nhật Bản, đồng thời là chuyên gia có uy tín về điện ảnh Nhật Bản, một lần đã trả lời phỏng vấn rằng ông không học hỏi được gì trong tác phẩm “Zen Enlightenment” (Khai Sáng về Thiền) của D. T. Suzuki (người cổ súy cho Thiền ở Phương Tây) nhưng ông đã có thể học hỏi “những cách suy nghĩ khác nhau” để nhận thức sự vật từ những phối cảnh khác nhau. Và điều đó chắc chắn là đủ cho mỗi chúng ta.

*WILLIAM J. HIGGINSON (sinh 1938). Là chuyên gia hàng đầu về haiku, một nhà thơ haiku lỗi lạc, một dịch giả haiku Nhật Bản và là người kết nối haiku quốc tế. Ông là chủ biên Haiku Magazine (Tạp Chí Haiku) và nhà sáng lập “From Here Press”. Ông là tác giả nhiều bài viết và trang web, kể cả: “The Haiku Handbook: How to Write, Share and Teach Haiku” (Cẩm Nang Haiku: Viết, Trao Đổi và Giảng dạy Haiku Như Thế Nào?) (đồng tác giả với Penny Harter), “The Haiku Seasons: Poetry of Natural World” (Những Mùa Haiku: Thi Ca của Thế Giới Tự Nhiên), và “Haiku World: An International Poetry Almanac ” (Thế Giới Haiku: Một Niên Giám Quốc Tế về Thi Ca); các tuyển tập cá nhân của ông: “Healing and Other Poems”, “Paterson Pieces”, “Death Is”, “Surfing of Magma”, và một sách điện tử dịch haiku Nhật Bản có tên: “Butterfly Dreams: The Seasons through Haiku and Photographs” (Những Giấc Mơ Bươm Bướm: Bốn Mùa qua Haiku và Ảnh) đồng tác giả với nhà nhiếp ảnh Michael Lustbader.

26*

Hân Hoan và Khoái Cảm

pig and I spring rain

con lợn và tôi dưới làn mưa Xuân

Marlene Mountain*

Đây là khúc haiku Hoa Kỳ thực nghiệm viết theo một dòng thay vì ba dòng, mà vẫn thể hiện được các yếu tố của haiku tuy chỉ dùng rất ít từ. Khúc haiku biểu đạt niềm hân hoan và sự khoái trá khi cơn mưa mùa Xuân bao chờ đợi đã về. Thường thì đa số các khúc haiku thể hiện sự thưởng thức Thiên Nhiên một cách tĩnh lặng, nhưng khúc haiku này đã thể hiện sự hồ hởi và hóm hỉnh. Hiện nay, hình như rất khó để nhiều người trong chúng ta cảm thấy vui thích một điều gì đó. Martin Buber, nhà thần học Do Thái, đã nói một cách sâu sắc rằng: “Nhịp đập trái tim Vũ Trụ là niềm vui thánh thiện”. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể tìm thấy sự tuyệt diệu trong tất cả mọi thứ: cái xấu và cái tốt, đúng và sai, cái đẹp và sự hào nhoáng. Và tiếp đến, chúng ta có thể tìm thấy sự tuyệt diệu trong mỗi chúng ta và những người khác, ngay trong vui sướng và đau khổ. Tôi nhớ lại nhiều năm trước đây đã hỏi một Tăng Lữ Tây Tạng tại sao tôi không tìm thấy niềm vui nào sau mỗi lần Thiền Định. Nhà sư đã trả lời rằng tôi phải nghĩ đến người khác nhiều hơn và thực hành “tonglen” nhiều hơn. Tôi rất biết ơn về bài học sâu sắc và bài thực hành suốt đời này mà tôi đã nhận được. Và … điều đó có thể giúp tất cả chúng ta cảm thấy sung sướng ngay cả khi dầm mình trong mưa Xuân với một chú lợn.

*MARLENE MOUNTAIN (sinh 1939). Là một nhà thơ haiku Hoa Kỳ rất nổi tiếng đến từ Tennesse cùng với người chồng sau, nhà thơ haiku John Wills. Bà đã cống hiến suốt đời mình cho các hoạt động về haiku và các bài viết thực nghiệm, kết hợp với các nghệ sỹ khác. Bà cũng là nhà nhiếp ảnh cảnh vật Thiên Nhiên và vẽ phác họa. Trong số các tác phẩm của bà có: “Ada”, “OK: Nature Talks Back” (OK: Đàm Thoại của Thiên Nhiên) và “Pissed Poems and Cross Words” (Thơ Say và Ô Chữ”.

27*

Chấp Nhận Cái Chết

farewell –

I pass as all things

the dew on grass

vĩnh biệt –

rồi tôi cũng chết như mọi vật

giọt sương trên cỏ

Banzan*

Khúc haiku giản dị này vọng lên lời trích dẫn nổi tiếng của bộ tộc thổ dân Hoa Kỳ Lakota: “Ngày hôm nay là một ngày tuyệt vời để chết, hoka – hey (tất cả đã trọn vẹn)”. Đó thật sự là một cách sống và cách chết dũng cảm. Quan niệm này khá khác biệt với câu thơ cũng rất nổi tiếng của nhà thơ Dyla Thomas “Đừng nhẹ nhàng bước vào đêm ngon giấc/… Hãy chống lại đừng cho ánh mặt trời tàn lụi” (Do not go gentle into that good night/… Rage, rage against the dying of the light). Đối với nhiều người, trong suốt cuộc đời, có những lúc ta đã chấp nhận một trong những cách nhìn nói trên hoặc kết hợp cả hai. Một số người trong chúng ta có thể đương đầu với tuổi già, bệnh tật và ra đi một cách thật nhẹ nhàng. Tuy vậy, để sống được như vậy, mỗi ngày chúng ta cần để ra vài phút để nghĩ đến từng hơi thở của ta như là những nhịp thở cuối cùng – mỗi cuộc trò chuyện, hương vị của miếng bánh mỳ – như là lần cuối cùng. Khi đó, chúng ta sẽ thấy điều gì đã vang vọng và chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào. Đôi khi, chúng ta cảm thấy sợ hãi, u sầu, và đôi khi cảm thấy vui thích hoặc biết ơn – hoặc cả những sự hòa trộn những cảm xúc ấy. Những thời khắc như vậy rồi cũng thay đổi theo thời gian, và một khi cảm thấy âu lo, có thể đấy là cách để chúng ta nhìn nhận ra tính mong manh của mọi vật, và điều đó giúp ta nhận thức được giá trị của mọi vật. Rèn luyện điều này không có nghĩa làm cho ta mềm yếu mà niềm vui khích lệ ta sống một cuộc đời đủ đầy hơn – sống một cuộc sống đủ đầy và hãy chết một cách đầy đủ; để từng ngày và mỗi ngày ta có thể nói lên rằng “Hôm nay là ngày tốt để ta có thể chết”, như đó chính là ngày cuối cùng mà ta sống. Hoka-hey!

*BANZAN (1661-1730). Một nhà thơ haiku sống cùng thời với Basho. Khúc haiku này được viết khi ông đang cận kề cái chết, theo truyền thống “jisei” (death haiku).

28*

Đối Diện với Cảm Xúc

letting go

of a slanderous heart –

while shelling the beans

hãy không nghĩ đến nữa

những lời vu cáo

đang lúc tách vỏ đậu

Hosai Ozaki*

Đa số các bài thơ haiku thể hiện trực tiếp cảm xúc vì tính khách quan là tiêu chí được đánh giá cao trong haiku. Tuy vậy, vẫn có một số bài, như bài haiku không thể quên được này, đã làm ta đau đớn tận xương tủy đời sống cảm xúc của chúng ta. Đối phó với cảm xúc là một việc khó: chúng ta cần thành thật công nhận rằng chúng ta cảm nhận những cảm xúc và sau đó để cảm xúc trôi qua trước khi ta nhận biết được tầm vóc của những cảm xúc đó; hoặc chúng ta để cảm xúc trôi qua ngay cả khi nó không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kìm nén cảm xúc mà cũng không có nghĩa là thể hiện cảm xúc, mà chỉ để nhận biết cảm xúc để làm gì. Chúng ta cần nhớ rằng cái gọi là “cảm xúc tiêu cực” luôn luôn có thể kiểm soát được. Chính mỗi khúc haiku cho ta biết sự hình thành hoặc biến mất một vấn đề, mỗi vấn đề gây ra cho ta hoặc xóa đi những suy tư và cảm xúc, và chúng ta dõi theo những suy tư dâng tràn, day dứt và cuối cùng tàn lụi trong một vòng luẩn quẩn. Cũng như vậy, khúc haiku về một bi kịch tầm thường nho nhỏ hàng ngày thể hiện cách thực hành thiền để quay trở lại với nhịp thở của mình, không quan trọng trong lòng ta đã dâng trào những suy tư và cảm xúc như thế nào. Hãy đứng trong bếp, chú ý đến những quả đậu màu xanh, tách vỏ đậu ra và cũng tách “cái mai” cứng ngắt nhốt chặt các suy tư của chúng ta … từng hạt, từng hạt và thở đều từng nhịp thở.

* HOSAI OZAKI (1885-1926). Một nhà thơ haiku hiện đại xuất sắc nổi tiếng qua phong cách haiku “tự do” (free verse haiku). Ông thụ giáo với bậc thầy Seisensui Ogiwara ngay từ khi còn trẻ. Sau đó, ông học Đại Học Tokyo và hoạt động cho một công ty, nhưng sau đó rời bỏ công ty để trở thành một nhà sư khất thực sống tại các ngôi đền ở Tokyo. Trước khi tuyển tập haiku duy nhất của ông được xuất bản, ông đã chết vì bệnh lao, cô đơn trong một túp lều nhỏ trên một hòn đảo. Đây là khúc haiku được yêu thích nhất trong tuyển tập “Oozora” (Bầu Trời Rộng Lớn), viết tại ngôi đền Sumadera.

29*

Tham Lam

disgusting –

people arguing over

the price of orchids

thật kinh tởm –

người ta cãi nhau

về giá cả hoa lan

Shiki Masaoka*

Lòng tham, một trong bảy trọng tội được răn dạy cần phải tránh xa trong nền văn hóa Cơ Đốc Giáo thời trung cổ, đã lan tràn thông qua Chú Nghĩa Tư Bản phương Tây, thâm nhập vào nền văn hóa tiêu dùng đã được toàn cầu hóa. Trên cấp độ quốc tế cũng như ở mức độ cá nhân, thật khó để có thể chuyển hướng “lòng trung thành” (allegiance) của chúng ta và chú ý đến vẻ đẹp nguyên sơ của bông hoa lan trắng đang lung linh dưới ánh nắng mặt trời, để nhận ra được sự vô lý của lòng tham. Ở đây, nhà thơ, dù đã sống hơn một trăm năm trước ở nước Nhật, đã nhìn thấy trước sự thật hiển nhiên này đang vận hành. Ngày nay, đấy đã là một thực tế toàn cầu: khi chỉ có từ một đến hai phần trăm nhân loại đang sở hữu phần lớn phúc lợi của toàn thế giới và khi hệ thống thôn tính của các tập đoàn đa quốc gia đang nảy nở trên quy mô toàn thế giới, kết quả là không chỉ những bông hoa lan được đem ra đấu giá mà sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực đưa đến đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh và sự tàn phá môi trường. Chỉ khi nhân loại nhận thức được rằng mọi vật trên thế giới tương thuộc vào nhau thì lúc đó chúng ta mới chuyển được suy nghĩ của chúng ta từ cạnh tranh sang hợp tác, từ tham lam sang cảm thông. Và khi đó, chúng ta có thể cùng nhau ngắm giò hoa lan.

*SHIKI MASAOKA (1867-1902). Là một trong bốn nhà thơ haiku vĩ đại cùng với Basho, Buson và Issa, Shiki được coi là người khai sinh ra haiku hiện đại Nhật Bản. Ông đã sáng tạo ra thể thơ haiku bằng cách cắt “hokku” (giòng khởi đầu) từ thể thơ renga và đặt ra một thể thơ mới. Ông cũng là một nhà thơ “tanka” và là một nhà lý luận về haiku, tán thành Buson hơn là Basho và ủng hộ phong cách thơ “ký họa cuộc sống” (sketch-from-life). Ông mắc bệnh lao và chết sớm; Tạp chí haiku của nhóm ông có tên “Hototogisu” (Cuckoo: Chim Cu). Các tác phẩm của ông gồm có: “A Drop of Ink” (Giọt Mực), “Haiku Notebook of the Otter’s Den” (Sổ Tay Haiku của Hang Rái Cá). Trong các môn đệ của ông có nhà thơ lớn Kyoshi và Hekigodo.

30*

Phẩm Giá

the homeless man

takes off his shoes before

his cardboard house

người đàn ông không nhà

tháo giày

trước khi bước vào nhà thùng giấy

Penny Harter*

Phẩm giá tâm hồn bẩm sinh của con người, bất kể trong hoàn cảnh khó khăn nào: chỉ cần nhắc đến câu chuyện của Anne Frank ở trại tập trung Holocaust và cách làm thế nào để cô ấy có thể viết nhật ký khi trốn trên một tầng gác áp mái, không chỉ để nâng cao tinh thần của Anne, mà còn để nâng cao tinh thần của hàng triệu người khác phải đến nơi đó sau Anne. Trong Phật Giáo Tây Tạng có một từ, “lungta” hay là “windhorse”, nghĩa là “tăng cường sinh lực”: một cái gì đó rất căn bản trong mọi sinh vật, ta có thể nhấn vào đó bất cứ lúc nào để đổi mới bản thân và nâng cao tinh thần của mình. Đó có thể đơn giản chỉ là hành động vươn cao đầu lên khi đang trong cơn sầu muộn, mở cánh cửa sổ để hít khí trời trong lành hoặc cởi đôi giày ra để khỏi vấy bẩn sàn nhà. Những hành động nhỏ nhặt như vậy có thể tạo ra cho chúng ta nhiều sinh lực hơn chúng ta tưởng; chúng có thể làm ta thay đổi trạng thái tinh thần của ta ngay tại chỗ và tích lũy hàng ngày để tạo nên cho chúng ta một phong cách sống và tư duy. Khi cần, ta có thể nhắc bản thân vận đến nguồn năng lượng này ở bất cứ đâu: trong xe, nơi làm việc hoặc ngay trong “cái nhà bằng hộp bìa”. Cynthia Kneen, giảng sư giáo lý Phật Giáo Shambhala, giải thích: “Vận đến “windhorse” cũng giống như khi ta điều khiển cánh buồm để đón gió và sử dụng luồng gió ... Bạn có thể gọi nó, nhấn vào nó, điều hưởng nó và chế ngự nó. Bất kể ai cũng được sinh ra với phẩm giá, sức mạnh và sinh lực của cá nhân mình”. Cũng như thế, khúc haiku này rất sâu sắc vì rằng “một kẻ không nhà” được coi không phải như một con người ngu dốt, để thương hại mà được coi như là một con người bình thường, dù đã mất đi những gì đó, nhưng vẫn còn giữ lại điều gì đó trong thẳm sâu tâm hồn: cái phẩm giá đã làm cho chúng ta thực sự là con người.

*PENNY HARTER (sinh 1940). Harter là một những nhà thơ kaiku Hoa Kỳ lỗi lạc nhất, mặc dù bà vẫn sáng tác các bài thơ dài. Đã nhiều năm, bà là giáo viên và người cổ súy cho thơ haiku trong các nhà trường. Bà là đồng tác giả (cùng với William J. Higginson) của tác phẩm “The Haiku: How to Write, Share and Teach haiku” (Haiku: Làm thế nào để Sáng Tác, Phổ Biến và Giảng Dạy Haiku). Bà đồng thời là Nguyên Chủ Tịch Hội Haiku Hoa Kỳ. Các tác phẩm thơ của bà gồm có: “Turtle Blessing: Poems”, “Lizard Light: Poems from the Earth” (Ánh Mắt con Thằn Lằn: Thơ từ Trái Đất); “Buried in the Sky” (Chìm trong Bầu Trời); và gần đây “The Beastie Book” (Sách về Thú Vật), sách viết cho thiếu nhi, và một tuyển tập thơ “The Night Marsh” (Đầm Lầy Ban Đêm).

31*

Mối Liên Hệ

a petal falls

you

across the table

một cánh hoa rơi

em

bên kia cái bàn

Steve Sanfield*

Trong một buổi thuyết pháp, Chogyam Trungpa Rinoche đã làm cử tọa bối rối khi gọi mối quan hệ là “con đường nhanh nhất”. Phật Giáo Vajrayna được coi là con đường nhanh nhất: có thể đạt đến được sự Giác Ngộ chỉ trong thời gian “một đời người”. Tuy vậy, những gì mà nhiều người trong chúng ta nghĩ về con đường tinh thần có vẻ như đối lập với mối quan hệ riêng tư của chúng ta, thường được coi là sự giải trí (tiêu khiển). Cuối cuộc hành trình tinh thần, như trong bức vẽ Thiền về người chăn bò, cuối cùng người chăn bò trở về chốn thị thành và trở lại tiếp xúc với mọi người. Cuối cùng, tất nhiên, chúng ta không bao giờ có thể ra khỏi mối quan hệ, vì rằng chúng ta tương thuộc, vì Đạo Hindu coi Thế Giới và Vũ Trụ như là “lưới trời” (the Net of Indra) trong đó mỗi chúng ta là một viên đá quý nạm ở các nút của mạng lưới, phản chiếu tất cả những viên đá quý của mạng lưới. Hiểu được điều đó, Rinpoche tán thành một “cách tiếp cận nhanh” với thực tế – chúng ta thấy và làm việc với mối quan hệ cá nhân là một cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần. Cách tiếp cận này là “nhanh” vì rất mạnh mẽ, bởi nó phản ánh mỗi người với người khác và không thể dấu diếm được bản thân là ai khi chúng ta ngồi giao tiếp với “tha nhân” qua một cái bàn: một người cha già đang giận dữ, một người yêu đang âu sầu, đứa trẻ khóc lóc hoặc một con mèo. Chính ngay thời khắc không thể trốn chạy đó: một cánh hoa rơi và chúng ta phải đối diện với nhau.

*STEVE SANFIELD (sinh 1940). Một nhà thơ haiku tinh tế của Hoa Kỳ, ở vùng đồi núi Sierra Nevada. Sanfield là một người viết truyện, nhà văn hóa dân gian và là chủ biên của tạp chí “Zero: A Journal of Contemporary Buddhist Life and Thought” (Số Không: Tạp Chí về Đời Sống Phật Giáo Hiện Đại và Tư Tưởng”. Ông là môn đệ trong nhiều năm của THiền Sư Joshu Sasaki Roshi. Tuyển tập thơ của ông gồm có: “A New Way” (Con Đường Mới), “Only the Ashes” (Chỉ Còn Lại Tro Tàn), và “Crocuse in the Snow” (Hoa Nghệ trên Tuyết). Ông quan niệm những thơ của ông là “hoops” hơn là “haiku” vì rằng chúng chứa đựng “những mùa của trái tim” giống như trong những chiếc nhẫn (hoop) hoặc những chiếc vòng “thánh” của thổ dân Hoa Kỳ.

32*

Thư Nhàn

on the patio

the afternoon drifts along

with the butterfly

trên sân trong

chiều trôi chầm chậm

theo cánh bướm

Patricia J. Machmiller*

Khúc haiku này đã phản ánh một cách hoàn hảo một buổi chiều hè uể oải. Nhưng thật ra đây không phải là “uể oải, lười nhác”; dành thời gian thư nhàn là cần thiết để tĩnh dưỡng trong tốc độ của thế giới hậu hiện đại ngày nay. Để quên đi những điều rắc rối, phiền muộn, tôi cám ơn chú bướm – bây giờ hiếm khi được ngắm nhìn một con bướm trắng vì loài bướm đang hiện diện trong danh sách các loài côn trùng bị đe dọa tuyệt chủng -  tôi biết ơn chú bướm vì được nghỉ ngơi và ngắm nhìn nó vỗ cánh bay, thoải mái trong làn không khí ẩm ướt của mùa hè; như nhắc nhở tôi rằng hãy nghỉ ngơi, hãy làm tươi mới lại bản thân, tâm hồn tôi cần được nghỉ ngơi như trong ngày nghỉ cuối tuần “Sabbath” của người Do Thái. Hãy dành ra một khoảnh khắc khỏi phải nhìn vào đồng hồ, bỏ lại phía sau những vấn đề cần giải quyết và lịch công tác đầy ắp để kết nối với thời gian và không gian trường cửu ngay lúc này. Chúng ta cần thời gian thư nhàn nhiều hơn để “không phải làm gì cả”, không nhất thiết phải là một kỳ nghỉ, mà chỉ cần đủ thời gian để chợp mắt trên một chiếc võng, ngắm nhìn những bông hoa diên vĩ hoặc thở nhẹ theo một chú bướm. Với tốc độ của cuộc sống hiện đại, thay vì chúng ta dùng thời gian nghỉ ngơi trong im lặng, hãy làm một việc gì đó khác đi, một cuộc hẹn hò, một chuyến đi xa và sẽ thấy ngạc nhiên vì sao chúng ta có ít thời gian. “Câu kinh hiện đại” của chúng ta là: “Tôi không có đủ thời gian”. Tốc độ cuộc sống tăng chóng mặt cuốn chúng ta vào vòng xoáy của đời sống, và chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Đây là hiệu ứng phi nhân tính và phá tan mục đích căn bản của cuộc sống chúng ta. Hãy dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, thư giãn, hưởng niềm vui “không phải làm gì cả” và hãy để mình bay lượn theo chú bướm.

*PATRICIA J. MACMILLER (sinh 1944). Là một nhà thơ haiku xuất sắc của Hoa Kỳ và là thành viên của Hiệp Hội Haiku Yuki Teikei (California), sáng tác haiku theo thể 5-7-5 bằng tiếng Anh. Bà đã đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Hiệp Hội trong vài năm. Bà là môn đệ của Kiyoko Tokutomi và chồng là Kiyoshi Tokutomi. Machmiller là đồng chủ biên, cùng với June Hopper Hymas, “Young Leaves: 25th Anniversary Issue of Haiku Journal” (Lá Non: Kỷ Yếu Kỷ Niệm 25 năm Tạp Chí Haiku). Bà cũng phụ trách chuyên mục haiku cho tờ báo “Geppo” cùng với Jerry Ball. Tuyển tập haiku chính của bà là “Blush with Winter Moon” (Cái Liếc Mắt của Trăng Mùa Đông).

33*

Sự Biến Hóa

after the riot –

such a perfect

moonlight night

sau những gì hỗn loạn

một đêm trăng

êm đềm xiết bao

Heikigodo Kawahigashi*

Hãy nhìn đời với nhãn quan rộng mở: phải thấy rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ đang trong quá trình chuyển hóa. Hãy dẫn lời của Thiền Sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh: “Mọi vật đều chuyển hóa. Bông hồng tàn héo sau sáu ngày sẽ trở thành rác. Sau sáu tháng, từ rác một bông hồng khác sẽ nở ra. Khi chúng ta nói về sự bất trường cửu, chúng ta hiểu rằng mọi sự vật tồn tại trong sự chuyển hóa”.

Ở Đông Á, vầng trăng là biểu tượng của sự sáng tỏ, của tầm nhìn rộng mở vì trăng tỏa sáng bầu trời đêm và soi tỏ mọi vật dù trong hỗn loạn hay trật tự. Chúng ta cần giữ cho tri giác của chúng ta thật phóng khoáng; nếu chúng ta có thể chuyển hóa được nhận thức của chúng ta, tất cả sự chuyển hóa của sự vật sẽ trở thành sinh động trong cái nhìn của chúng ta. Nhân vật “Hoàng Tử Bé” của Saint Exupery đã nhấn mạnh: “Ta chỉ có thể nhìn một cách đúng đắn bằng trái tim tất cả những gì mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt”. Nếu ta nhìn sự vật bằng cách nhìn rộng mở này, ta không cần bác bỏ bất cứ thứ gì – sự hỗn độn hay vầng trăng – bởi vì tất cả là một phần của quá trình chuyển hóa. Khúc haiku này là một sự chắt lọc cuộc sống nhân văn của chúng ta, hãy nhìn sự vật một cách sâu sắc bằng đôi mắt của trái tim mình.

*HEIKIGODO KAWAHIGASHI (1873-1937). Là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Nhật Bản và một trong hai môn đệ lớn (cùng với Kyoshi) của Shiki, người thầy của haiku hiện đại. Kawahigashi là một nhà thơ thực nghiệm, vận động cho việc viết “haiku tự do” không cần tính đến 5-7-5 âm tiết. Ông cũng là chủ biên tạp chí “Nippon Haiku” (Haiku Nhật Bản). Tuyển tập haiku chính của ông là “Shinkeiko Kushu”, trong các môn đệ của ông có Seisensui và Ippekiro. Ngoài sáng tác haiku, ông còn là một phóng viên báo chí, vũ công kịch Noh, nhà thư pháp, nhà leo núi và nhà phê bình haiku.

34*

Mối Liên Hệ

migrating birds –

fields of pampas grass

show the way

những cánh đồng cỏ hoang vu

chỉ đường

cho bầy chim di trú

Kristen Deming*

Chúng ta vẫn cứ tưởng cách truyền thông của loài người là độc nhất vô nhị, nhưng nếu chúng ta càng nghiên cứu sâu về các loài khác ta sẽ nhận ra rằng các loài khác có những cách truyền thông ở mức độ cao hơn con người rất nhiều, điều đã được phản ánh trong khúc haiku này. Có một lý thuyết về vấn đề này được gọi là “hiệu ứng của con khỉ thứ 100”, được xây dựng dựa trên thí nghiệm quan sát các chú khỉ, do nhà khoa học Nhật Bản Koshima Island thực hiện vào những năm 1950. Những chú khỉ trong thực nghiệm được cho ăn khoai lang trên đất, vấy bẩn. Rồi đến một ngày một chú khỉ trong đàn đem khoai ra bờ biển rửa sạch trước khi ăn; các con khỉ khác trông thấy, bắt chước và cả 100 con khỉ làm theo. Sau đó, rất bất ngờ, các nhà khoa học phát hiện rằng các bầy khỉ ở các hòn đảo khác rất xa hòn đảo nơi thực nghiệm, cũng bắt đầu biết rửa khoai trước khi ăn. Điều này đã làm nẩy ra ý kiến cho rằng hình như tồn tại một khả năng nhận thức ở trình độ rất cao mà khi ta kích hoạt nó ta có thể thay đổi được cách suy nghĩ. Đó đặc biệt không phải là sự cầu nguyện, mà đúng hơn là lĩnh vực rộng lớn của ý thức. Một số nhà tiên tri như Ken Keyes đã sử dụng thí nghiệm này trên những con khỉ để chỉ ra khả năng có thể thay đổi thế giới từ chiến tranh sang hòa bình, và đặc biệt từ một thế giới hạt nhân sang một thế giới phi hạt nhân. Điều hy vọng là, càng có nhiều người nghĩ đến hòa bình, thì “năng lượng tư duy” của ý thức được chia sẻ và lan tỏa khắp thế giới, như 100 con khỉ đã thực hiện trong thí nghiệm, và hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực. Như đã thể hiện trong khúc haiku này, nếu những ngọn cỏ uốn cong mình dưới ánh mặt trời trên cánh đồng hoang không phải cất lên một lời nào mà vẫn có thể dẫn đường cho đàn chim di trú thì tại sao nhân loại không thể làm được cách này?

*KRISTEN DEMING (sinh 1939). Là một trong những nhà thơ haiku và renku nổi tiếng của Hoa Kỳ. Deming là Chủ Tịch Hiệp Hội Haku hoa Kỳ và sống ở Nhật Bản một thời gian cùng với chống bà, là Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Trong thời gian ở Nhật Bản, bà là chuyên gia cố vấn tiếng Anh cho ấn phẩm “Tomoshibi” (Light: Ánh Sáng), tuyển tập tanka của Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản. Bà cũng là khách mời của Hội Thơ Tất Niên của Hoàng Gia. Là người cổ súy cho haiku và renku, bà hoạt động như một Đại Sứ Haiku trên thế giới. Một trong những tuyển tập haiku của bà “Eyes of the Blossoms”.

35*

Cô Đơn

the gull

giving loneliness

sound

con mòng biển

kêu

những tiếng kêu cô đơn

Alexis Rotella*

Sự cô đơn là những cảm xúc thường được phản ảnh trong haiku. Có thể vì sự cô đơn là trạng thái nguyên sơ của chúng ta khi sinh ra và khi lìa đời và trong cuộc đời nhiều lần ta phải đối mặt với sự cô đơn. Khúc haiku này biểu lộ “sự cô đơn” giữa hai không gian: bãi biển mênh mông và bầu trời bao la – và trong khoảng không gian rộng lớn đó vang lên tiếng kêu nhức nhối của con chim mòng biển. Đôi khi, một mình với sự cô đơn là khoảng thời gian giúp ta tự làm mới mình trong ý nghĩa tích cực của sự cô đơn, khi đó ta được thư giãn, được cảm nhận sự gắn kết mật thiết giữa ta và Thiên Nhiên. Tuy nhiên, Xơ Theresa, nữ tu sĩ Cơ đốc giáo nổi tiếng giúp dân nghèo ở Ấn Độ, sau khi thăm Hoa Kỳ đã nhận xét rằng: căn bệnh nặng nhất của người Phương Tây là sự cô đơn, kèm theo hội chứng “tâm hồn trống rỗng”. Có thể Xơ Theresa nhắc đến cảm giác cô đơn sinh ra từ sự tha hóa, không nhận thấy được một điều là chúng ta sống một cách tương thuộc với vạn vật, và cuối cùng chúng ta không thể tách rời được với vạn vật. Cũng có thể Xơ Theresa nói đến sự cô đơn bắt nguồn từ sự thỏa mãn với bản thân mà quên hết mọi người chung quanh; Cũng có thể Xơ Theresa nói đến sự cô đơn bắt nguồn từ việc ta mất khả năng giao tiếp với người khác và do đó mất mối liên hệ với mọi người. Về vấn đề này, điều gây ấn tượng mạnh với tôi khi thăm Ấn Độ là làm sao mà con người ở đó luôn luôn ngồi bên nhau, chuyện trò với nhau, trong nhà hoặc bên ngoài ngôi nhà, ở thành phố cũng như trong những ngôi làng; đó quả thực là ý thức sâu sắc về tính cộng đồng, chí ít cũng là cảm xúc về sự cảm thông. Có thể, chúng ta đã mất một điều gì đó và kết quả của sự mất mát là sự cô đơn; chúng ta nhận thức được điều gì đó, chúng ta ngẫm nghĩ về một điều gì đó và rồi lần đến, ta cảm thấy cô đơn trên một bãi biển vắng vẻ.

*ALEXIS ROTELLA (sinh 1947). Là một haijin nổi tiếng của Hoa Kỳ và cũng sáng tác senyru, viết về “sự khám phá mối liên hệ” giữa bản thân nhà thơ và thế giới vạn vật. Bà đồng thời là Chủ Tịch Hội Haiku Hoa Kỳ và đã xuất bản rộng rãi thơ của bà trên các tạp chí haiku nổi tiếng. Một trong những tuyển tập haiku mới nhất của bà là tập thơ “Sassy”.

36*

Chuỗi Thực Phẩm Thiêng Liêng

ever lingering

in the taste of the walnut

deep autumn

dư vị hạt óc chó

vương vấn mãi không thôi

mùa thu thâm trầm

James W. Hackett*

Ăn uống là chuyện bình thường hàng ngày, nhưng ăn uống là một trong những bản năng quan trọng nhất của con người chúng ta, đặc biệt là về mặt khoái cảm. Là một trong năm giác quan, vị giác không dễ đề cập tới và thể hiện trong haiku, nhưng vị giác đang có mặt ở đây, trong khúc haiku này, khi có thể tìm thấy mùa thu viên mãn của Thiên Nhiên trong hương vị hạt óc chó ẩn trong lớp vỏ quả hạch. Hàng ngày, khi ta nếm và ăn thực phẩm, dù đó là thứ nào ta chọn, chúng ta cần cảm tạ bằng một câu kinh, một cái cúi đầu hay một lời cảm ơn thầm lặng; đây là một cử chỉ thiêng liêng cho người đã làm ra thực phẩm, cái cây hay động vật đã cho ta thực phẩm; và trước hết, cũng để nhắc nhủ ta rằng ngay cả ta, ta cũng là một mắt xích của chuỗi thực phẩm, và ta sẽ trở thành “thức ăn” của Thiên Nhiên, vào một ngày nào đó. Có một câu phương ngôn của người Việt Nam khuyên ta rằng: “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”. Chúng ta có thể phản ánh chuỗi thực phẩm và các yếu tố của nó cùng tham gia vào việc đem đến cho ta hạt óc chó này: ánh nắng mặt trời và nước cho đất và cho cây lớn lên; gió trời, côn trùng và chim mang hạt; người nông phu chăm sóc cây trồng, người hái quả, thu hạt – và nếu chúng ta là người tiêu dùng thay vì người trồng trọt, chúng ta cũng phải nhớ đến người vận chuyển hạt óc chó đến nhà máy và nhớ đến bao bàn tay của người công nhân chế biến và nhập kho. Mắt xích cuối cùng của chuỗi thực phẩm “thiêng liêng” này đem hạt óc chó đặt lên đôi lòng bàn tay để ta có thể nhấm nháp hương vị của hạt óc chó và hãy nhớ đến cử chỉ thiêng liêng này.

*JAMES W. HACKETT (sinh 1929). Nhà thơ tiên phong và lỗi lạc trong nền thơ haiku Hoa Kỳ. Thơ haiku của ông xuất hiện lần đầu vào những năm 1960 trong Phụ Lục của tác phẩm “History of Haiku” (Lịch Sử Haiku) của R. H. Blyth, như là những thực nghiệm haiku viết bằng tiếng Anh. Là một người giảng dạy sáng tác và phê bình haiku, các tác phẩm chính của ông là “The Zen Haiku and Other Zen Poems of J. W. Hackett” (Haiku Thiền và Thơ Thiền của J. W. Hackett) và gần đây, “That Art Thou: My Way of Haiku”.

37*

Không Một Hiroshimas Nữa

a sparrows’ nest

perhaps

inside the A-bomd dome

có thể

có một tổ chim sẻ

trong mái vòm đổ nát vì bom A

Kinichi Sawaki*

Hiroshima: sức mạnh của một địa danh. Nhớ lại Hiroshima ngày 6 tháng 8 gần 60 năm trước, tôi nhận ra rằng không có tin tức gì hôm nay về thành phố này trên phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, một ngày là “Ngày Hòa Bình Thế Giới” với lời nguyền của Nhân Loại không thể để lặp lại một lần nữa sự hủy diệt như thế. Tôi chỉ hy vọng những độc giả tương lai được sống trong một thế giới phi hạt nhân. Tôi nhớ lại lần hành hương đầu tiên về Hiroshima nhiều năm trước đây, tôi đã khóc và nghĩ rằng, mỗi nhà lãnh đạo trên thế giới cần phải đến thăm chốn linh thiêng này – vì rằng kinh nghiệm đau thương của chốn này sâu sắc nhường bao và họ – các nhà lãnh đạo cần phải kêu gọi một thế giới không bom hạt nhân. Có thể đây là một ảo tưởng hay là một ảo tưởng ngăn chặn vũ khí hạt nhân vì một ngày nào đó, một trong hàng ngàn quả bom hạt nhân (mà mỗi quả bom có sức mạnh gấp hàng ngàn lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima) sẽ gây ra một vụ nổ. Hình ảnh gây ấn tượng thật mạnh mà tôi còn nhớ là hình ảnh cái bóng cháy đen của một người đàn ông vô danh in lên các bậc thềm đá của một tòa nhà ngân hàng mà ông ta đang sắp bước vào khi luồng ánh sáng chói chang của quả bom nguyên tử bùng lên vào lúc 8:15 sáng, và ông ta bỗng biến mất khỏi cõi trần. Một hình ảnh khác cũng ám ảnh tôi không kém là hình ảnh được nhắc đến trong khúc haiku này: các mái vòm đen của tòa nhà, tòa nhà duy nhất còn sót lại sau vụ nổ của quả bom nguyên tử, đang được UNESCO bảo tồn như là một biểu tượng của Hòa Bình để hồi tưởng đến Hiroshima. Ở đây, trong khúc haiku này, hình ảnh của mái vòm bị bom trở nên thật thấm thía với hình ảnh của sức sống mới đang nẩy nở từ mái vòm này, từ trong cái tổ bé nhỏ của con chim sẻ … Có lẽ, ta có thể mơ đến điều đó.

*KINICHI SAWAKI (1919-2001). Là một nhà thơ haiku hiện đại lỗi lạc của Hoa Kỳ. Vợ của nhà thơ, Ayako Hosomi cũng là một nhà thơ nổi tiếng. Sawaki đã từng là người lãnh đạo của nhóm thi sỹ “Kaze” (Wind: Gió) trong nhiều năm. Ông đồng thời là Chủ Tịch của Hội Haiku Nhật Bản. Trong số các tác phẩm của ông, có chuyên khảo về Basho có tên “Oku no Hosomichi Wo Aruku” (Walking the Narrow Road to the Deep North: Đi trên Con Đường Hẹp về Phương Bắc Bí Hiểm”. Hai tuyển tập haiku của ông là: “Yukishiro” (Tuyết Trắng) và “Enden” (Salt Farm: Đồng Muối).

38*

Bí Ẩn Siêu Nhiên

drawing light

from another world –

the Milky Way

luồng sáng vẽ ra

từ thế giới khác –

dải Ngân Hà

Yatsuka Ishihara*

Đêm nay có một ngôi sao băng băng qua thành phố Chicago – bầu trời sáng rực bởi ánh đèn thành phố và mây trắng, nhưng sau đó tôi trông thấy một vài vệt xám vạch lên bầu trời đêm và tim tôi đập mạnh. Thiên Đường, điều huyền bí bất diệt kể từ khi Nhân Loại xuất hiện trên hành tinh này, chúng ta bơi trong Thiên Hà và có thể trong những Vũ Trụ khác, cưỡi lên sức mạnh của dải Ngân Hà. Có thể trích một câu trong thư tịch cổ Trung Hoa “Tao Tse Ching”: “Đạo mà có thể nói thành lời thì không phải là Đạo”. Chúng ta vẫn còn câu hỏi muôn thuở về nguồn gốc của sự sống và chúng ta có ý định: rửa sạch các thiên thạch và sao băng để đưa nước và sự sống đến các hành tinh cách Trái Đất hàng triệu năm ánh sáng? Phải chăng đó là một sự can thiệp bởi bàn tay của “Thượng Đế”, bởi trí tuệ và nền văn minh ngoài Trái Đất từ những thế giới khác, đã thăm viếng chúng ta hàng thiên kỷ trước đây? Phải chăng đấy là những quyền năng siêu việt hoặc quyền năng sáng tạo, mà chúng ta vẫn gọi bằng những tên gọi khác nhau: Thượng Đế, Đấng Thần Linh, Atman, Đức Phật, Đạo, Tình Yêu Thần Thánh, Năng Lượng Vũ Trụ, và Điều Huyền Bí? Đôi khi, con người cảm thấy sợ hãi về những điều huyền bí nhưng cũng mong mỏi điều huyền bí. Ngắm nhìn dải Ngân Hà là dịp hiếm hoi để trải nghiệm điều đó, mà không phải nhiều người còn có thể làm được, nhất là cư dân thành phố. Có thể, họ đi đến các điểm giải trí, ví như “Milky Way Center Retreats” ở đó có thể ngắm nhìn dải Ngân Hà với toàn bộ sắc màu rực rỡ của nó, hoặc phải đến những đảo xa hoặc đỉnh núi cao nơi mà ánh sáng của nền văn minh không chiếu rọi đến được. Rồi, như tác giả khúc haiku này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng ánh sáng rực rỡ, biết được ngôi sao của ta là một trong hàng tỷ ngôi sao của Thiên Hà, ta là một trong hàng tỷ con người … và chúng ta có thể hít thở nhẹ nhàng trong ánh sao trời, để hiểu rằng “các ngôi sao tồn tại trong ta”.

*YATSUKA ISHIHARA (1919-1998). Một bậc thầy haiku hiện đại Hoa Kỳ thuộc nhóm “Aki” (Autumn: Mùa Thu). Thầy dạy của ông là Dakotsu Iida và Tatsuji Miyoshi. Là tác giả của hơn 40 đầu sách về haiku, phê bình văn học, tiểu luận, Ishihara là giảng sư về haiku, giám khảo và cố vấn các cuộc thi thơ. Lý thuyết haiku của ông là “rèn giũa nội tâm”, nhìn thấu nội tâm và hướng ra bên ngoài. Các bản dịch haiku của ông được in trong “Red Fuji” (Phú Sĩ Đỏ) do Tadashi Kondo và William J. Higginson dịch, và được Kristen Deming viết bài giới thiệu. Khúc haiku nổi tiếng của ông “Milky Way Haiku” được tạc vào một “kuki” (Tảng Đá Haiku) năm 1955.

39*

Cắt Đứt

splitting

the stone of a white peach

with the edge of the knife

tách

hạt quả đào trắng

bằng lưỡi dao sắc

*Takako Hashimoto

Cách hành xử của một “samurai” thuần thục – hãy chém nhanh và gọn, không chần chừ, ngần ngại. Basho đã chủ trương cách tiếp cận này vào thơ haiku: hãy tiến về phía trước, không do dự, “giống như khi cắt một quả đào hay cắt một quả dưa hấu, nghĩa là không cần thời gian giữa khoảnh khắc cảm nhận ý thơ haiku và viết ra khúc haiku”. Khúc haiku này do một phụ nữ viết ra, người phụ nữ dám đương đầu với nhiều công việc trong cuộc sống thường nhật và đã đưa các phẩm chất này vào trong thơ haiku. Cũng có thể cả với chúng ta, đôi khi phải mạo hiểm vươn lên cuộc sống hậu hiện đại vừa đáng yêu vừa đáng ghét, để có một chỗ đứng trên “sân khấu”“diễn”: hoặc để bạn bè và gia đình quan tâm đến, hoặc vì những mục đích xã hội và chính trị mà ta tin tưởng. Hãy làm nàng Jeane d’Arc, không sợ hãi cắt bỏ những gì khi cần thiết, và hãy mài giũa một cách thành thạo mọi phương tiện để làm được điều đó. Trungpa Rinpoche khuyên chúng ta hãy làm điều đó khi thực hành Thiền Định, một thực hành có thể gọt bỏ “cái tôi ích kỷ”: hãy dứt khoát gọt bỏ những suy tư, một cách nhẹ nhàng, rèn luyện trí tuệ để không chiều chuộng bản thân, gạt bỏ những ý nghĩ “vớ vẩn”, trở về với nhịp thở trong lành, rộng mở, giống như bầu trời, giống như cái hạt sạch sẽ của trái đào.

*TAKAKO HASHIMOTO (1899-1963). Một trong nhũng nữ bậc thầy lớn của haiku hiện đại, một trong bốn nhà thơ Nhật Bản có tên bắt đầu với chữ T. Trước tiên, bà thụ giáo Hisajo Sugita, một nữ bậc thầy haiku không mấy nổi tiếng. Sau đó, bà học với Kyoshi và Seishi Yamaguchi. Hashimoto cũng tham gia thi phái Hototogisu và Ashibi, nhưng sau đó bà cùng với Seishi thành lập Thi phái và Tạp chí “Tenro” (Thiên Đường), vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tác phẩm chính của bà gồm có: “Umi Tsubame” (Sea Swallows: Chim Nhạn Biển), “Beniito” (Read Thread: Sợi Chỉ Đỏ), và “Myoju” (The End of Life: Từ Trần). Bà được nhận giải thưởng “Nara Cultural Prize” (Giải Thưởng Văn Hóa Nara) vào năm 1959.

40*

Nhạy Cảm

moonlight –

through thin clothes

to naked skin

ánh trăng –

xuyên qua áo mỏng

vuốt ve làn da trần

Hisajo Sugita*

Hãy thật nhạy cảm, hãy để cho vạn vật chạm đến ta – dù đó là con người hay là ánh trăng. Để cho con người hay ánh trăng chạm vào cơ thể ta một cách thân mật, gần như là nhục cảm, gần như là “hợp nhất” làm một với thân thể và tâm hồn của chúng ta một cách thần bí. Thực tế, khúc haiku này bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại Nhật Bản “Nihonshoki” về Công chúa Soto Ori Hime, nổi tiếng về làn da đẹp đẽ của nàng, được mô tả là luôn luôn tỏa sáng dưới lớp quần áo. Trong khúc haiku này, ánh trăng cũng đang làm cho làn da của nữ sĩ rạng rỡ. Không giống như những khúc haiku khác viết về trăng, khúc haiku này của một nữ sỹ được coi là “lập dị”, không thể hiện một cách nhìn “thông thường” về trăng và cảm giác về trăng trong tâm hồn của tác giả, mà cảm nhận ánh trăng trên toàn bộ cơ thể của mình bên dưới lớp vải, trên làn da trần trụi của mình. Người ta hay nói về “tắm nắng” mà ít khi nói về “tắm trăng” và không bao giờ nói về ánh trăng xuyên qua quần áo. Ở nước Nhật hiện đại, có một từ tiếng Anh gốc Nhật “skin-ship” nói về những người thân (trong gia đình, bạn bè, người yêu) cùng tắm chung ở nhà tắm công cộng hoặc suối nước nóng, ngâm mình trong làn nước ấm, khỏa thân trong yên lặng hoặc trò chuyện thầm thì, thấu cảm với tự nhiên, trở về với trạng thái nguyên thủy. Đó là một cảm giác “ở nhà mình”, không thẹn thùng, xấu hổ, phê phán, chỉ đơn giản là để cảm nhận sự thư giãn trên làn da trần của bản thân.

*HISAJO SUGITA (1890-1946). Một nữ bậc thầy haiku hiện đại của Nhật Bản. Sugita là một nữ haijin rất cuồng nhiệt, là giáo viên trong số các nữ haijin của trường phái Hototogisu của Kyoshi. Sau đó, bà thành lập tờ tạp chí của riêng mình, “Hanagoromo” (Flowered Kimono: Chiếc Kimono Hoa). Sau đó, bà đã bị gạt ra khỏi trường do bị coi là “lập dị”; bà trở thành một người loạn thần và ít lâu sau bà từ trần. Sau cái chết, tài năng về thơ của bà mới được công nhận.

41*

Con Trẻ Ngây Thơ

shown a flower

the small baby

opens its mouth

cho xem một bông hoa

bé thơ

hé đôi môi chờ đợi

Seifu – Ni*

Hơi thở nhẹ nhàng của một sinh linh bé bỏng, thường thấy trong ảnh chân dung các bé sơ sinh trên toàn thế giới, như trong khúc haiku ấm áp này. Không cần biết bối cảnh của bức ảnh – ở nước nào, thành thị, nông thôn, giầu hay nghèo – tất cả trẻ em trên thế giới đều sở hữu cùng một vẻ đẹp mong manh và ngây thơ. Nhưng đó là một sự ngây thơ cần được bảo vệ, không phải là bảo vệ bà mẹ hay gia đình của bé, mà là gia đình toàn cầu theo nghĩa rộng. Vì trẻ em dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh, nạn diệt chủng, nạn đói và dịch bệnh. Những đôi mắt thơ ngây của những đứa trẻ tị nạn hoặc những cái miệng tí hon mếu máo chờ đợi chút thức ăn, ngay cả tưởng chứng như thức ăn đến từ một bông hoa, như trong khúc haiku này.

Có một câu chuyện Thiền về “đóa hoa thuyết pháp” của Đức Phật, được trao cho tất cả các đệ tử. Trong câu chuyện đó Đức Phật đưa lên một cành hoa mà không nói một lời nào – duy chỉ có một đệ tử, Mahakashyapa, mỉm cười và hiểu được ý Phật. Có thể, em bé này cũng đã hiểu như vậy khi hé đôi môi bé bỏng. Để cảm nhận được, trải lòng với cuộc sống và vui hưởng cuộc sống, chúng ta cần đến sự ngây thơ của trẻ em, đúng như Chúa Jesus đã nói trong Kinh Thánh: “Nếu ngươi không trở thành một đứa trẻ, ngươi sẽ không bao giờ lên được Thiên Đường”. Và Basho, nhà thơ haiku nổi tiếng nhất, cũng nói rằng, chúng ta hãy nhìn thế giới với đôi mắt và tấm lòng của trẻ thơ. Chúng ta cần bảo vệ sự hồn nhiên của các bé thơ và như vậy trẻ em sẽ hiện diện trong mỗi chúng ta.

*SEIFU – NI (1731-1814). Họ của bà là Enomoto. Bà là một trong những nữ sĩ haiku lớn nhất nước Nhật. Bà thuộc trường phái “Phục Hưng Basho”  và là nữ môn sinh chính của Shirao Kaya, mặc dù trước đó bà theo học Chosui. Sinh ra trong một gia đình võ sĩ đạo, bà học haiku với người mẹ kế. Sau cái chết của chồng bà và thầy giáo của bà, bà trở thành nữ tu sĩ Phật Giáo ở tuổi 60 và thực hành Thiền trong một ngôi đền ở Kamakura. Con trai bà đã xuất bản một tuyển tập gồm 500 bài haiku, “Seifu-ni Kushu”.

42*

Những Giấc Mơ

in dreams

and in awakening

the color of the iris

trong những giấc mơ

và khi tỉnh giấc

sắc hoa diên vĩ

Shushiki*

Cuộc sống kỳ diệu như một giấc mơ. Những bông hoa diên vĩ mầu xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời trong khu vườn của bà tôi khi tôi lên tám; trong bức ảnh, tôi đang ngắm những bông hoa, như mới chụp ngày hôm qua – thời khắc đi trước thời gian và không gian, như trong một giấc mơ. Khi chúng ta già đi, quá khứ và hiện tại hình như ngày càng hòa quyện với nhau, tưởng chừng như một giấc mơ. Trong một số nền văn hóa, ví dụ như Nhật Bản, người ta tin rằng ta có thể gặp người tình trong giấc mơ;

trong nền văn hóa Bali, người ta cho rằng giấc mơ ban đêm là những gì hiện thực đối với mọi thành viên trong gia đình vào buổi sáng; trong nền văn hóa bản địa Australia, “giấc mơ” chứa đựng những mảnh hiện thực trong cả ngày. Đa số các nền văn hóa coi giấc mơ là thần bí: điềm báo cho những gì sẽ đến, hay đó là cách giải thích những gì đã qua. Suốt chiều dài lịch sử, các giấc mơ vẫn luôn luôn là điều bí ẩn, mặc dù chúng ta đã biết về trường phái phân tích tâm lý của C. G. Jung và tâm lý ám thị của Freud; và mặc dù khoa học hiện đại đã phát hiện sự cần thiết của những giấc mơ cho thể xác và tâm hồn thì chúng ta vẫn không thể hoàn toàn hiểu được về những giấc mơ. Phật giáo cho rằng “đời là một giấc mơ” – trạng thái được coi là “ngộ” cũng không khác gì với “thực tại như mơ”. Về vấn đề này, Khổng Tử, nhà triết học cổ đại Trung Hoa, đã tự hỏi: phải chăng ông đã là người mơ thành con bướm hay ông là con bướm mơ trở thành người, bản thân ông? Điều này không làm cho ta chối bỏ trạng thái “ngộ” của chúng ta mà để làm cho ta hãy nhìn thấy khía cạnh phù du của cuộc sống, để bớt trói buộc mình với những mong muốn cá nhân, để trải lòng và nhận thức đúng giá trị của cuộc sống. Khúc “jisei” này (haiku trước khi chết) được Shushiki viết ra ngay trước khi bà từ giã cõi trần đã phản ảnh một cái nhìn thông tuệ: màu xanh rực rỡ của những đóa hoa diên vĩ vẫn tồn tại, như đã tồn tại, sau khi ta thức giấc, sau khi ta mơ, sau khi ta đã “ngộ”, vì rằng đó chỉ là một màu sắc, một thực tại.

*SHUSHIKI (1668-17250). Họ của bà là Ome. Bà là một trong những nữ sỹ haiku nổi tiếng của Nhật Bản vào thời đại của bà. Từ khi còn rất trẻ, bà là học trò của Kikaku Takarai, môn đệ yêu quý của Basho; Chồng bà, Kangyoku cũng là một thầy giáo dạy sáng tác haiku. Ngay từ tuổi 13, Shushiki đã nổi tiếng với khúc haiku: “watch out/drunk with sake -/that cherry tree by the well” (coi chừng/say rượu sake – /cây anh đào kia gần cái giếng).

43*

Bên Khuất Bóng

full winter moon:

the icicle

the icicle’s shadow

trăng rằm mùa Đông

cột băng

cái bóng của cột băng

Geraldine Clinton Little*

Trời và trăng, ánh sáng và bóng tối, trật tự và hỗn loạn, đàn ông và đàn bà, Madonna và cô gái điếm, cái tốt và điều xấu; một loạt các mặt đối lập hiện hữu trong mọi vật trong sự cân bằng âm – dương của Vũ Trụ. Cần nhớ rằng, mặt đối lập này hiện hữu một phần trong mặt đối lập kia, như cái vòng tròn mầu đen nằm giữa mầu trắng và ngược lại, trong biểu tượng của Âm – Dương. Đôi khi, chúng ta khó nhìn thấy phần bóng tối hơn là phía sáng của sự vật bởi vì có những điều chúng ta không muốn hiểu và không muốn nhìn. Vì vậy, chúng ta được tự do biết bao, khi cuối cùng chúng ta cũng nhìn thấy chúng:”Bây giờ chúng ta nhìn qua một tấm kính đen, nhưng mặt đối mặt”, như một câu trong Kinh Thánh. Sự châm biếm trong khúc haiku này là tất cả mọi vật đều sáng tỏ trong ánh trăng rằm, cột băng sáng trong mùa đông, ánh trăng bắt nguồn từ sự phản chiếu ánh sáng mặt trời, mặt đối lập của trăng, và ánh sáng tạo ra cái bóng, mặt đối lập của nó: các mặt đối lập được đặt chung vào cái vỏ nang thông qua biểu tượng Âm – Dương. Nếu chú ý quan sát, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ Âm – Dương này đang vận hành ở tất cả mọi nơi, mọi vật chung quanh ta và ngay cả trong bản thân chúng ta. Nhưng “cái bóng khuất” của con người là khó nắm bắt nhất. Tất cả những người uyên bác nhất, ví dụ như Saint Francis ở Assisi, khuyên ta rằng: “Chúng ta cần yêu thương con hủi trong bản thân chúng ta”. Để có thể đương đầu và gọi tên “cái bóng con hủi” trong ta và để biết những khiếm khuyết, dù là đáng căm ghét, ích kỷ hoặc không chắc chắn như vậy – việc chấp nhận điều đó trên thực tế là một thách thức rất lớn về mặt tinh thần. Thông thường thì cách dễ dàng hơn cho chúng ta là, trên bình diện quốc gia hoặc cả trên bình diện cá nhân, chúng ta biến cái mà coi là “kẻ thù” thành quỷ và đổ lỗi cho người khác thay vì soi xét “cái bóng khuất của tảng băng” trong ta.

*GERALDINE CLINTON LITTLE (1924-1997). Nguồn gốc Ái Nhĩ Lan, Little là một trong những nhà thơ haiku Hoa Kỳ nổi tiếng và tích cực nhất trong thế hệ của bà, mặc dù cho đến giữa tuổi 40 bà mới bắt đầu sáng tác haiku. Bà từng là Chủ Tịch Hội Haiku Hoa Kỳ. Trong số các tác phẩm của bà, gồm có cả thơ tự do, thơ 14 câu (sonnet) và haiku, có “Star-Mapped” (Ngôi Sao Ánh Xạ) và “Woman in a Special House” (Người Phụ Nữ trong Ngôi Nhà Đặc Biệt).

44*

Điều Thiêng Liêng

bright sun

the sheen of tall grass

when it bends

mặt trời rực sáng

ngọn cỏ cao cong mình

ngời sáng

Jim Kacian*

Theo truyền thống Shinto Nhật bản, Thiên Nhiên là rất thiêng liêng và thấm đượm linh hồn, cái mà người Nhật gọi là “kami”. Mỗi tảng đá, cái cây và ngọn cỏ đều có linh hồn. Điều này tồn tại trong đa số truyền thống tinh thần bản địa cổ xưa trên toàn thế giới. Tuy nhiên, truyền thống này còn tiến xa hơn nữa, cho rằng linh hồn không phải chỉ gắn liền với sinh vật mà còn hiện hữu ở vật vô tri. Tôi khám phá ra điều này trong thời gian cư trú ở Nhật Bản, khi trong một buổi sáng, tôi mở tờ nhật báo và trông thấy bức ảnh các nhân viên văn phòng một công ty ở Tokyo, trang nghiêm xếp thẳng hàng cúi chào: họ cúi chào những chiếc máy cũ sắp bỏ đi và thay thế bằng các máy mới – để cảm ơn những chiếc máy này đã hết lòng phục

vụ công ty. Đấy là một “cách nhìn thiêng liêng”: có thể nhìn thấy sự thiêng liêng hoặc linh hồn trong tất cả mọi vật của thế giới chúng ta mà không phân biệt đối xử. Nếu ta xem xét cẩn thận các bộ phận trong chiếc máy, ta sẽ thấy tất cả đều được tạo ra từ nguyên liệu tự nhiên: kim loại, thủy tinh, dòng điện, chất dẻo, tấm bìa và cả các hạt điện tử vô hình đang chuyển động. Sự “ngời sáng” của ngọn cỏ trong khúc haiku này cũng bao hàm “cách nhìn thiêng liêng” trong bài thơ “Lá Cỏ” của Walt Whitman. Và cũng giống như đối với cái máy, cách nhìn này có thể mở rộng ra để nhìn ô cửa kính hay chiếc thìa ta dùng trong buổi điểm tâm. Cách nhìn này đã bị mai một trong “nền văn hóa sống gấp” của chúng ta, trong cuộc sống đó “cách nhìn thiêng liêng” thường đã bị lãng quên. Khuynh hướng của chủ nghĩa tiêu dùng và văn hóa “hip-hop” đã không đếm xỉa đến “vẻ lộng lẫy của ngọn cỏ mùa hè”. Và nếu chúng ta quên lãng điều đó, chúng ta cũng sẽ quên lãng những gì thiêng liêng trong bản thân chúng ta.

*JIM KACIAN (sinh 1953). Một nhà thơ haiku lỗi lạc và năng động của Hoa Kỳ. Trong bốn năm, ông là tổng biên tập và là nhà xuất bản thơ của “Red Moon Press”. Tuyển tập mới nhất của ông là “Six Directions: Haiku and Field Notes” (Sáu Hướng: Haiku và Ghi Chép”.

45*

Xúc Tác

not seeing

the room is white

until that red apple

không nhận ra

căn phòng màu trắng

cho tới khi thấy quả táo đỏ

Anita Virgil*

Quả táo trong khúc haiku này không giống như “Trái Táo của Eva”,  nó chỉ là một quả táo bình thường nhưng cái màu đỏ của nó đã xúc tác cho sự thay đổi cái nhìn, làm cho cái nhìn của chúng ta rộng mở hơn: mầu trắng của căn phòng. Sự tương phản là một cách để đánh thức ta, đưa ta ra khỏi cách nhìn thông thường về thế giới. Đa số các bài haiku dựa trên nguyên lý này, cũng giống như trong khúc haiku này, ta nhìn một vật bé nhỏ trong sự tương phản với vật lớn hơn, hoặc nhìn vật này trong sự tương phản với vật khác, cũng như khi ta nhìn Thiên Hà qua một lỗ tròn trên tờ giấy dán trên ô kính cửa sổ, hay một chú bướm nhỏ đậu trên chiếc chuông khổng lồ của một ngôi đền. Ngay cả các biến cố lịch sử lớn đôi khi cũng được xem xét dưới quan điểm phóng khoáng hơn khi xuất hiện các yếu tố xúc tác cho sự kiện – điều tác động mạnh vào tâm trí của chúng ta là một bức ảnh vào năm 1963 đã thức tỉnh lương tâm của tất cả những ai nhìn thấy nó trên báo, trên tạp chí, trên truyền hình: hình ảnh của Thích Quảng Đức, Hòa Thượng Phật Giáo Việt Nam đã tự thiêu tại một quảng trường ở Sài Gòn để phản đối cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ông đã đổ xăng vào người, bật lên một que diêm và ngồi thiền cho đến khi ông biến thành than đen. Đó là thời khắc của bước ngoặt: mọi người không thể giúp ông nhưng mọi người hiểu sâu sắc hơn những gì đang diễn ra ở Việt Nam và hiểu ra thế giới cần phải làm gì và không làm gì về cuộc chiến tranh ấy. Quả táo đỏ như là màu của lửa – và có những điều ta không được bỏ qua.

*ANITA VIRGIL (sinh 1931). Một trong những nhà thơ haiku sớm nhất, lỗi lạc nhất và tích cực nhất của Hoa Kỳ. Virgil từng là Chủ Tịch Hội Haku Hoa Kỳ năm 1973. Các bài thơ, các bài phê bình và tiểu luận của bà được xuất bản trên các tạp chí của Hoa Kỳ và nước ngoài. Một số tuyển tập của bà là “One Potato Two Potato Ect.” “A 2nd Flake” và “Pilot”.

46*

Điều Bình Thường

Gửi Allen Ginsberg

MAROON

suitcase

by

a

garbage can.

my

white

breath

in

air

cái vali

mầu hạt dẻ

bên cạnh thùng rác

hơi thở

màu trắng

của tôi

trong

không gian

Michael Mc Clure*

Khúc haiku này Mc Clure tặng người bạn thơ “beat” thân thiết, Allen Ginsberg, người theo truyền thống của những nhà thơ trường phái hình tượng (imagists) – và đặc biệt William Carlos Williams là người phát ngôn, người dẫn đường, cùng với việc dịch các bài haiku trong thế kỷ XX – đã bao quát hình ảnh của bài thơ cũng như “tuyên ngôn”: “no ideas but in thing” (không phải ý tưởng mà là sự vật). Tuy nhiên, Mc Clure, luôn luôn đẩy đến giới hạn của năng lực văn chương trong khúc haiku này, đã sáng tạo nên một tầng ngữ nghĩa khác bằng cách kết hợp việc sắp đặt những giòng chữ in mực đen trên không gian của tờ giấy trắng, giống hệt như một bậc thầy về Thiền vung bút trên một bức thư pháp mực tầu. Khúc haiku này thể hiện “cái trật tự” như những khúc haiku khác đã cố gắng thể hiện, nhưng khúc haiku này đã gói ghém cái trật tự đó trong một nhịp thở phiền muộn, tạo cho nó một đời sống, và như vậy, ta có thể thấy ở đây, ở kia đã xẩy ra cái gì. Mọi sự vật đã được lột trần, trở về với trạng thái trần trụi không hề được trang điểm, như tác giả nói, đó là “tạo nên sức sống”. Chính chúng ta có được cảm hứng bởi một cái vali bỏ rơi bên cạnh một thùng rác, thông qua cảm nhận của khúc haiku…

*MICHAEL MC CLURE (sinh 1932). Một nhà thơ lỗi lạc của Hoa Kỳ đồng thời là người thực nghiệm sáng tác haiku. Mc Clure là nhân vật chủ chốt trong phong trào “Sans Francisco Renaissance” (Phục Hưng Sans Francisco) những năm 1950, liên hệ mật thiết với nhóm “The Beats”. Mc Clure là một “nhà thực nghiệm” văn chương và đồng thời là người hợp tác biểu diễn với các nhạc sỹ như Ray Manzarek. Ông là tác giả của hơn 50 quyển sách trong đó có các sách mới xuất bản như: “Rain Mirror” (Tấm Gương Mưa) và “Plum Stones” (Những Hạt Đào).

47*

Gốc Rễ

lily:

out of the water

out of itself

nhành hoa loa kèn:

ra khỏi bình nước …

không còn là hoa

Nicholas Virgilio

Khúc haiku này được nhiều người ưa thích vì nó rất “đồng bóng”. Đúng là khúc thơ đã chỉ ra bản chất bên trong của bất kỳ sinh vật sống nào: cái gốc rễ của chúng ta. Không giống tổ tiên của chúng ta, trong cái thể giới tốc độ này, chúng ta không dừng lại lâu ở một nơi nào để có đủ thời gian để tạo ra được cội rễ của mình – tạo một khu vườn, hay ngay cả có đủ thì giờ để nhớ lại mình từ đâu ra. Những nhận xét sắc sảo của người thổ dân Hoa Kỳ Luther Standing Bear vẫn có thể áp dụng cho ngày nay: “Cội rễ của cây đời không phải bám vào đất hay đá … con người phải được sinh ra và tái sinh để phụ thuộc. Thân thể của chúng ta hiện nay đã được hình thành từ tro cốt của tổ tiên chúng ta”. Cũng như vậy, ở một bình diện rộng lớn hơn, chúng ta đang vừa bắt đầu thực hiện “sức mạnh nhổ rễ” của quá trình “toàn cầu hóa” , đặc biệt đối với nền văn hóa nhân loại, các cộng đồng và đất đai. Rumi, nhà thơ Hồi Giáo Ba Tư thế kỷ thứ XIII, đã than khóc sự mất mát này trong bài thơ “The Song of the Reed Flute” (Khúc Hát của Ống Sáo Cây Sậy): “Hãy lắng nghe cây sậy … than khóc về sự chia ly:/Kể từ khi người ta chặt tôi khỏi đám sậy, tiếng rên rỉ của tôi khiến mọi người trào nước mắt … Những ai đã phải trốc ra khỏi cội rễ hãy ước mong trở về cộng đồng”. Rumi đã nói về sự liên kết huyền bí với Thần Thánh, nhưng đó cũng có thể là sự liên kết với cội rễ trong bản thân ta, với nền văn hóa của mình, với cộng đồng của mình, với tổ tiên của mình và với Thiên Nhiên. Sự tha hóa của con người hiện đại trên toàn thế giới, hoặc là nạn nhân tị nạn do chiến tranh hay nạn đói, hoặc những nạn nhân của các nước đang phát triển do quá trình toàn cầu hóa, hoặc những nạn nhân của chủ nghĩa tiêu dùng, tất cả những điều đó đều đã bén rễ sâu hơn chúng ta tưởng. Chúng ta cần phải nhớ và trở về với cội rễ của mình, dù bằng một con đường rất hẹp, để bằng cách nào đó giữ được cái dòng mạch mỏng manh, như cái rễ của nhành hoa huệ tây trong khúc haiku này.

*NICHOLAS VIRGILIO (1928-1989). Là một trong những nhà thơ tiên phong lỗi lạc của Hoa Kỳ. Là một giảng viên và người cổ súy cho haiku ở các trường đại học, trên các chương trình truyền hình, phát thanh và các lễ hội haiku. Ông mất bởi một cơn đột quỵ trong khi ghi hình một cuộc phỏng vấn về haiku trong Chương trình “The Charlie Rose Show” cho Đài truyền hình PBS vào năm 1989. Tác phẩm của ông “Haiku in English” (Haiku Tiếng Anh) của Nhà Xuất Bản Harold Henderson. Tác phẩm haiku cuối cùng của ông là “Selected Haiku” (Tuyển Tập Haiku).

48*

Niềm Vui Thích

cherry blossoms fallen –

people’s hearts

serene again

hoa anh đào rụng

tâm hồn mọi người

lại thanh thản

Koyu – ni*

Hoa anh đào, còn gọi là sakura, là hình ảnh và là biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa Nhật Bản, cùng với geisha và samurai, là những hình ảnh khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, theo truyền thống, hoa anh đào cũng là biểu tượng của các samurai vì cuộc đời ngắn ngủi của hoa chỉ kéo dài trong vài ngày. Tôi không hiểu được điều sâu xa đó trong nghệ thuật và thi ca của Nhật Bản cho tới khi tôi đến thăm Nhật Bản vào mùa Xuân. Dạo bước trên con đường dài dưới vòm cây anh đào đang nở rộ hoa, tôi thật sự sững sờ bởi vẻ đẹp của hoa, như thiên đường đầy ánh sao của William Blake đang mở ra: “Tôi thấy thế giới trong một hạt cát/Và thiên đường trong một bông hoa dại/Nắm giữ sự vô tận trong lòng bàn tay/Nắm bắt sự vĩnh viễn trong một khoảnh khắc”. Đó là một thời khắc ta nhập vào sự vô cùng, vượt qua thời gian và không gian, một thời khắc của sự sợ hãi, vạn vật hoàn hảo như vốn có. Trong khúc haiku thật đơn giản này, nhà thơ miêu tả kết quả của mùa ngắm hoa anh đào nở khi nền văn hóa Shinto sùng kính và say mê Thiên Nhiên, ngay ở giữa những điêu tàn của môi trường hiện đại, và mọi người ra khỏi nhà mình, suốt ngày đêm, nhảy múa, hát hò, có khi say sưa trong men rượu sake, cùng với hoa anh đào trong từng tấc cỏ xanh trên toàn nước Nhật, và rồi để lại trên cỏ những gì còn lại của những buổi yến tiệc cho những chú quạ. Sau những hứng khởi, tiếp đến là sự yên lặng, sự điềm tĩnh, những khuôn mặt trầm lặng trên những chuyến tầu yên tĩnh. Nhưng trong một thời khắc ngắn ngủi, ta được trở về với thời khắc nguyên sơ, khước từ mọi thú vui, thời khắc được sống trong sự tái sinh của Tự Nhiên. Thực tế, ý nghĩa của niềm vui này đã được ghi nhận từ thời Edo là “ukiyo-e(the floating world). Khởi nguồn từ thuật ngữ của Phật Giáo đối với “cõi tạm” (this transitory life), “ukiyo-e” sau đó được dùng để chuyển tải sự nắm bắt được niềm khoái cảm của một khoảnh khắc thoáng qua, mà không có bất cứ cảm giác tội lỗi nào. Hãy vui thú về điều đó.

*KOYU-NI (chết 1782). Họ của bà là Matsumoto. Một trong những nữ thi sỹ haiku nổi tiếng trong thời kỳ Edo. Bà học sáng tác haiku với Songi.

49*

Sinh Nở

birthcry

the stars

are all in place

tiếng khóc chào đời

tất cả mọi vì sao

sẵn sàng chào đón

Raymond Roseliep*

Tiếng khóc chào đời! Sau một quãng đường dài, từ chốn tử cung tăm tối Ta đã xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời. Và ở trung tâm của Mẹ Vĩ Đại, Nữ Thần sáng tạo những ai được sinh ra và trở thành một mắt xích của chu trình sinh, tử và hồi sinh. Bất chấp ta thuộc tín ngưỡng nào, cuộc sống luôn luôn biến hóa, mặc dù không phải là không đau đớn và vật vã. Dù có thấy được hay không thấy được, dù là một cuộc sinh nở thể xác hay tinh thần, đó vẫn là một cuộc chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác: cái bào thai trở thành hài nhi, con nhộng trở thành con bướm; Nữ Thần Orpheus tái sinh từ trần gian; Chúa trời Osiris của người Ai Cập phục sinh; những con rắn lột vỏ để trẻ lại; “đêm tăm tối của linh hồn” Thánh John; tính cách của nhân vật “Người Bần Tiện” của Charle Dicken hồi sinh; nhân vật Luke của phim “Star Wars” (Chiến Tranh giữa Các Vì Sao) trở thành chiến binh thực thụ. Đối với tất cả các trường phái thần bí cổ đại cũng như những đường lối hiện đại, sự tiến triển của ý thức là quan trọng nhất: sự triệt tiêu “cái tôi” (ego) và sự thức tỉnh của tâm hồn hoặc tinh thần ở một trình độ nhận thức cao hơn. Chúng ta có thể chọn hoặc không chọn dấn thân vào cuộc hành trình này. Theo quan điểm Phật Giáo, sinh ra một con người là một cơ duyên hết sức quý báu, vì rằng sinh nở dường như là cách duy nhất có khả năng tạo ra sự nhận thức chân lý và sự khai sáng. Với nhiều người, cơ duyên này rất nhỏ, như Đức Giáo Chủ Karmapa thứ mười sáu đã có lần thương tình động viên tôi trong một cuộc chuyện trò: “Đừng lo lắng quá nhiều, mặc dù một người không thể nhận thức được đầy đủ cuộc đời này, thì người đó rốt cục cũng có thể giác ngộ, dù rằng cần phải trải qua trăm ngàn cuộc tái sinh”. Và cũng như khúc haiku này đã nói đến Thiên Đường, chúng ta là một trong những ngôi sao: chúng ta sẽ đi vào sự tuyệt mỹ của những ngôi sao đã sẵn sàng, như trong một bản đồ thiên văn và chúng ta hãy nắm bắt lấy chuỗi ADN của chúng ta, cái “nghiệp” (karma) của chúng ta và ân huệ của sự nhận thức, thực hành nó để cho ta tốt lên một chút từng ngày. Trong thời đại của chúng ta có một trường phái thần bí cho rằng: chỉ cần theo dõi từng thời khắc có khả năng thụ thai để chào đời trong ánh sáng.

*RAYMOND ROSELIEP (1917-1983). Là một trong những haijin lỗi lạc và tiên phong trong thơ haiku Hoa Kỳ. Trong số các tác phẩm của ông có “Step on the Rain” (Bước dưới Mưa), “Swish of a Cow Tail” (Cái Roi Đuôi Bò), “Sailing Bones” (Hài Cốt Con Thuyền), “Listen to Light” (Lắng Nghe Ánh Sáng) và “The Earth We Swing On” (Trái Đất Ta Bơi).

50*

Không Hoàn Hảo

no sake

I gaze deeply

at the moon

không có rượu sake

tôi nhìn chằm chằm

vào vầng trăng

Santoka Taneda*

“Sake cho cơ thể, haiku cho trái tim; sake là haiku cho cơ thể, haiku là sake cho trái tim”. Đây là câu nói nổi tiếng của Santoka, “tăng lữ không hoàn hảo” (the imperfect monk): một thầy tu lang thang trong thế giới hiện đại, yêu thích rượu gạo sake cũng nhiều như yêu haiku và Đức Phật. Hầu như ông sống trong bần hàn, phải khất thực. Mặc dù vậy, trong một buổi tối ngắm trăng suông không có rượu sake, ông vẫn có thể ngồi, cùng với vầng trăng của mình với bầu rượu trống rỗng bên cạnh, trong khi chúng ta, ngược lại, chúng ta đang trải qua những thời khắc khó khăn để chấp nhận sự không hoàn hảo của cuộc sống riêng ta, trong một nền văn hoá luôn phản ánh những hình ảnh hoàn hảo. Đa số chúng ta đang sống một cuộc sống cố gắng mưu cầu sự hoàn hảo trong sự nghiệp, nhà cửa, các mối quan hệ hoặc vẻ đẹp hình thể. Nếu chúng ta có thể chấp nhận mọi việc hơn những gì chúng và chúng ta có, có thể chúng ta không đau khổ. Milarepa, một Thiền Sư, Nhà Thơ và Kiết Già (yogist) thế kỷ XIX, một điển hình về sự bất hoàn hảo, là một trong những người từ kẻ sát nhân trở thành một bậc thầy khai sáng ngay trong cuộc đời mình; trước đó ông là một thuật sĩ xấu xa, giết người để trả thù cho gia đình, nhưng sau đó, sám hối với những gì đã gây ra, ông đã thụ giáo Sư Thầy Marpa, người đã đặt ra vô vàn thử thách khủng khiếp để giác ngộ ông. Cuối cùng ông đã giác ngộ và dành thời gian còn lại của đời mình đi lang thang, tụng kinh để giác ngộ những người khác; ông được mô tả luôn đặt tay lên tai để nghe và hát những bài hát kể những câu chuyện về “sự hoàn hảo” và sự “bất hoàn hảo”.

*SANTOKA TANEDA (1882-1940). Là một trong những nhà thơ haiku hiện đại nổi tiếng nhất và lập dị nhất của Nhật Bản. Ông được cứu khỏi một vụ tự tử khi còn trẻ và sau này trở thành một trong những Thiền Sư Hành Hương thật sự cuối cùng của thế kỷ XX. Thơ haiku của ông thuộc thể tự do cũng như cuộc đời của ông vậy; Ông sử dụng tinh thần của haiku, nhưng không tuân theo số âm tiết và quý ngữ (kigo) của haiku. Có thể đọc haiku của ông bằng tiếng Anh trong tác phẩm “Mountain Tasting: Zen Haiku by Santoka Taneda”, được John Stevens dịch.

51*

Hiện Tại

your shadow

on the page

the poem

cái bóng của bạn

đổ dài trên

trang thơ

Cid Corman*

Thật là không khôn ngoan khi chúng ta luôn luôn nhắc nhủ bản thân rằng chúng ta chỉ luôn luôn quan tâm đến “hiện tại”. Đã có quá nhiều sách vở và những truyền thuyết uyên bác nói về “sức mạnh của hiện tại”. Chúng ta thường bị cuốn hút vào niềm hy vọng và nỗi lo sợ về tương lai hoặc phải suy nghĩ về quá khứ, vì vậy ít khi chúng ta sống vì hiện tại. Bắt kịp được những suy nghĩ của chúng ta từ một tình huống và đối thoại với người khác, chúng ta là những diễn viên, giống như những nhân vật trong trò múa rối bóng Bali. Ngay cả việc nghỉ ngơi chốc lát trong khi đọc hàng trăm trang sách cũng có thể trả ta về với hiện tại: hít thở đôi chút, và thở thật sâu … Điều đó thật đơn giản, nhưng không phải dễ tạo cho ta thành một thói quen, rằng chúng ta hãy trở về với quá khứ, trở lại, trở lại lần nữa, và cứ như thế. Tuy nhiên, sự đền đáp không phải là nhỏ: sự lành mạnh tinh thần và sự thư giãn của tâm hồn chúng ta, khả năng quan sát thật sự những sự vật chung quanh chúng ta và biết thưởng thức sâu sắc cuộc sống của chúng ta. Khúc haiku của Corman đưa ta trở về với quá khứ bằng một sự đơn giản, giống như một cú “shock” nhẹ nhàng vào một nơi nào đó không tên trong cuộc sống của chúng ta. Corman nói về thơ như sau: “Vấn đề của Thơ không phải là ý nghĩa của nó mà là vấn đề sống-chết” (livingdying matter). Với tất cả nỗi đau đớn mà điềm báo của những giấc mơ về tính tạm bợ của cuộc sống và cái chết mang lại, giữa những nỗi đau đớn đó chúng ta có Thơ, đem lại cho cuộc sống của chúng ta khoảnh khắc ngắn ngủi để ngắm nhìn “cái bóng” của chúng ta ngay chính trên trang sách này. *CID CORMAN (1924-2004). Là nhà thơ, nhà biên dịch Hoa Kỳ và là chủ bút của tạp chí “Origin” (Nguồn Cội), Ông sống như một người ly hương, trước tiên ở Châu Âu, sau đó phần lớn thời gian ở Tokyo, Nhật Bản. Ông nổi tiếng là người đồng biên dịch, cùng với Kamaike Susumu, cho Tạp Chí Lữ Hành của Basho “Back Road to Far Town” (Con Đường Trở Lại Những Thành Phố Xa Xôi). Trong số các tác phẩm của ông có: “Livingdying” (Sống Chết) và “The Famous Blue Aerogrammes” (Những Bao Thư Máy Bay Màu Xanh Lừng Danh). Được biết đến bởi phong cách tối giản, sử dụng từng chữ như từng hạt cát nguyên sơ, ông sử dụng haiku để thể hiện sự đơn giản một cách đầy triết lý.

52*

Nhục Cảm

in the dark

where you undress

a blooming iris

trong bóng tối

nơi em khỏa thân

một bông diên vĩ bừng nở

Nobuko Katsura*

Đôi mắt tôi ngắm nhìn những thân thể trần truồng trên đá hoa cương trắng và những ngón tay tôi lần theo những đường nét, một em bé khoảng 10 tuổi nhìn mê hoặc về phía bức ảnh chụp bức tượng nổi tiếng của Auguste Rodin, bức tượng “The Kiss” (Nụ Hôn). Sau này, tôi gặp được một người tình thật sự, bằng xương bằng thịt, và tôi dấn thân vào vương quốc của nhục dục. Ký ức về những vuốt ve, ôm ấp thường ám ảnh chúng ta, hoặc là những hình ảnh thoáng qua, hoặc là trong một khoảnh khắc đụng chạm với một người lạ, ký ức về những đêm dài của những cuộc yêu với người tình hết lòng dâng hiến, hoặc hàng năm trời ngủ cùng với người thân yêu; vấn đề không có gì quan trọng. Vấn đề quan trọng là chúng ta đã vuốt ve, ôm ấp nhau như thế nào, ở đâu, lúc nào và, một khi được vuốt ve bằng tình yêu, bởi nhục cảm, ta không bao giờ có thể quên dù rằng những cái vuốt ve, ôm ấp ấy là nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Khi được vuốt ve, ôm ấp chúng ta cảm nhận được cơ thể chúng ta, được chạm đến tâm hồn chúng ta; vuốt ve kích hoạt những suy nghĩ và cảm xúc; với những người đang yêu, cơ thể và tâm hồn luôn kết hợp làm “một”. Có thể cái bí ẩn về vuốt ve và được vuốt ve đưa chúng ta trở về trạng thái thiêng liêng nguyên sơ. Chúng ta được biến cải vì chúng ta đã mở lòng và sẵn sàng kết giao, không quan tâm đến thời gian dài hay ngắn – một trạng thái biến hóa được ca ngợi trong những bài tình ca và nghệ thuật nhục cảm trong suốt chiều dài của lịch sử; một sự biến hóa được Walt Whitman ca ngợi: “Tôi ngợi ca về dòng điện của cơ thể …”. Và nhà văn Anais Nin viết: “Đó không đơn thuần là một sự hòa quyện những cảm xúc dâng tràn … mà đó là sự nhận biết ngất ngây về toàn bộ cuộc sống”. Cũng có lúc tâm hồn những người đang yêu bỗng trở nên ích kỷ, đôi khi khép kín, nhưng vuốt ve, ôm ấp luôn là con đường rộng mở, để đạt tới một tâm trạng khoan dung, tâm trạng thay đổi tâm lý của mình. Đó là trạng thái không che đậy của bản thể mà chúng ta không ngừng tìm kiếm, như đã kết tinh trong hình ảnh đầy nhục cảm của khúc haiku này: những cánh hoa diên vĩ không ngừng nở, không ngừng và không ngừng nở.

*NOBUKO KATSURA (1914-2004). Là một nữ haijin nổi tiếng của Nhật Bản trong thời hiện đại và được nhà thơ haiku Sojo Hino bảo trợ. Sau Đại Chiến Thế Giới II và sau khi chồng bà qua đời, bà làm việc như một thư ký trong thời gian xuất bản Tạp chí “Josei Haiku” (Women’s Haiku: Haiku của Những Người Phụ Nữ) cùng với Chiyoko Kato. Đồng thời, bà cũng sáng lập tạp chí “Soen” (Grass Garden: Vườn Cỏ). Năm 1922, bà nhận được một trong những giải thưởng haiku uy tín nhất, Giải Thưởng Dakotsu. Các tác phẩm của bà bao gồm: “Gekko Sho” (Beams of the Moon: Ánh Trăng), “Nyoshin” (The Female Body: Cơ Thể Đàn Bà) và “Kaei” (Shadows of Flowers: Bóng Hoa).

53*

Ký Ức

the vast night –

now nothing left

but the fragrance

trong đêm mênh mang

không còn gì vương vấn

chỉ còn mùi hương

Jorge Luis Borges*

Sức mạnh của ký ức liên quan chặt chẽ đến cảm xúc của chúng ta, và đặc biệt liên quan đến khứu giác – một trong năm giác quan căn bản nhất của con người. Có người nhắc đến đoạn văn của Marcell Proust tràn ngập những ký ức tuôn trào từ mùi thơm và hương vị của món bánh táo mà ông mô tả trong truyện ngắn “Swann’s Way”. Một điều gì đó có thể dễ dàng kích hoạt kho ký ức của một người nào đó. Đó có thể là khói củi, mùi của những trái cam, và có thể là cơn mưa … đem đến những cảm xúc vui, buồn, hạnh phúc … tùy trường hợp. Tại sao ký ức, những giấc mơ và sự vô thức lại hòa quyện vào nhau đến thế? Tại sao ký ức lại gợi nhớ như vậy, giống như những dòng văn thơ mộng của Virginia Woolf mô tả những tia sáng đùa giỡn trên sóng biển trong truyện ngắn của bà “The Waves” (Những Con Sóng). Điều cơ bản cần phải nhớ là ký ức gợi đến cả sự thật và những điều không thật, cả “cái thực”“cái ảo” – và ký ức luôn luôn không phân biệt được sự khác biệt. Có thể, trong thời khắc này đó là thực nhưng trong ký ức đó là điều không thực. Đêm tối mênh mang bây giờ đã thành ký ức, mặc dù rất nhạt nhòa, một chút gì đó vẫn vương vấn trong mùi hương mà ta vừa cảm nhận: có thể là mùi nước hoa, mùi của một loài hoa, mùi rượu hoặc hương thơm của một làn da … Borche, chạm đến được dòng chảy ý thức, đã đặt tất cả các sự vật vào trong một mạch ngôn từ, và trong một làn hương mong manh.

*JORGE LUIS BORGES (1899-1986). Nhà thơ, viết truyện ngắn và tiểu luận nổi tiếng người Argentin. Khi còn trẻ, Borges chuyên tâm làm thơ sau đó viết truyện ngắn, tiểu luận về siêu hình và văn học. Do sức khỏe và mắt kém, ông quay về viết tiểu thuyết và rất nổi tiếng về phong cách bay bổng và huyền bí. Trong các tác phẩm của ông có: “Luna de Enfrence” (Thơ), “El Aleph” (Tiểu thuyết hư cấu), và “Inquisiciones” (Tiểu luận); một số truyện và tiểu luận bằng tiếng Anh trong tập “Labyrinths” (Mê Cung). Ông cũng viết haiku và các thể thơ khác.

*

Lòng Tốt

morning glories

the well-bucket entangled

I ask for water

bình minh rực rỡ

cái gầu rối dây

tôi đi xin nước

Chiyo – ni*

Một tấm lòng cảm thông thật sâu sắc: đi xin hàng xóm nước để tưới cho hoa không bị héo. Không có một ranh giới rõ ràng giữa “bản thân”“tha nhân” – để có khả năng nhìn sự vật với đôi mắt của bông hoa. Tuy nhiên lòng tốt luôn luôn có hai mặt: hãy tử tế với người khác và luôn ghi nhớ sự tử tế của người khác đối với mình, và cuối cùng tất cả các điều đó đều thống nhất với nhau vì chúng ta sống trong sự tương thuộc. Lời giáo huấn của nhà Phật về điều này hình như là quan trọng nhất: “Tất cả mọi sinh vật ở kiếp trước đã là “mẹ” của chúng ta”. Có thể suy rộng ra cho tất cả mọi loài có tri giác, tuy nhiên nghĩ đến người khác là bước đầu tiên đầy thử thách: đối xử tử tế với “mẹ của chúng ta” vì rằng chúng ta liên quan mật thiết và không thể tách rời nhau. D. T. Suzuki, Thiền Sư, tìm thấy trong khúc haiku này của Chiyo – ni sự thể hiện tầm nhìn khai sáng và so sánh khúc haiku này với khúc haiku con ếch nổi tiếng của Basho: “Con ếch của Basho tạo ra một âm thanh khi nhảy vào cái ao xưa, và âm thanh này đã cho Basho cơ hội để liên thông với tinh thần của Sự Bất Diệt. Trong khúc haiku của Chiyo – ni, đó là sự rực rỡ của buổi bình minh … là sự đồng nhất giữa chủ thể và khách thể … đến mức tác giả cũng không còn ý thức được về bản thân mình. Tâm hồn của tác giả tràn ngập những ý nghĩ về bông hoa, cả vạn vật hướng về bông hoa, và tác giả hình như cũng đã trở thành bông hoa”. Từ khi Chiyo – ni trở thành sư cô ở đền Jodo – Shinshu, bà đã nguyện không làm hại bất cứ vật gì, kể cả những sinh linh bé nhỏ của Thiên Nhiên. Lời khuyên hãy tử tế với mọi loài, kể cả với một bông hoa, nhắc lại lời dạy của Đức Đạt Lai Đạt Ma thứ XIV rằng bất cứ ai cũng có thể thực hành lòng tốt hàng ngày, mọi nơi, nếu nhớ đến “tinh thần của bông hoa” (flower mind).

*CHIYO-NI (1703-1775). Còn có tên Kaga no Chiyo, họ Fukumasuya. Bà là một trong những nữ nhà thơ haiku của nước Nhật. Sinh ra trong một gia đình có nghề làm giấy cuộn, bà theo học với hai môn đệ của Basho và trở thành một bậc thầy về cách tân thơ renga, một họa sỹ và một nữ tu sỹ Phật giáo. Bà xuất bản hai tập thơ: “Chiyo-ni Kushu” (Tuyển Tập Haiku của Chiyo-ni) và “Matsu no Koe” (Voice of the Pine: Tiếng của Rừng Thông). Xem “Chyio-ni: Woman Haiku Master” (Chyio-ni: Nữ Bậc Thầy Haiku) của Patricia Donegan và Yoshie Ishibashi.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt