Tọa đàm thơ Haikư lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Tâm hồn Việt trong thơ Haikư”. Chủ trì cuộc tọa đàm là các tổ chức: Liên hiệp các hội Hữu nghị Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt – Nhật Hà Nội, Hiệp hội Haikư Thế giới (WHA), Câu lạc bộ thơ Haikư – Hà Nội. Đại diện Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Hà Nội tham dự với tư cách khách mời. Buổi tọa đàm diễn ra trong bầu không khí thân tình, cởi mở và đầy chất men say của thi ca.
Nhà thơ Banya Natsuishi, Chủ tịch Hiệp hội Haikư Thế Giới kiêm tổng biên tập tạp chí WHA có bài phát biểu nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa Nhật – Việt, về lịch sử hình thành phát triển dòng thơ Haikư ở Nhật Bản, sự lan tỏa và giao thoa của thể loại thơ cực ngắn này ra khắp thế giới. Ông lưu ý đến việc chuyển ngữ thơ Haikư là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự am hiểu tinh tế về ngôn ngữ. Ông thích các bài Haikư Việt giàu nhạc điệu. Rất chân tình, ông nhận xét về bài Haikư của Lý Viễn Giao đăng trên tạp chí Haikư Thế giới số 9/2013:
Trăng lạnh/ nghĩa trang/đồng đội xếp hàng.
(Cold moon/ in the cemetery/ a lineup of war comrades)
Ít nhiều mang âm hưởng bài Haikư của Basho:
Cỏ mùa hạ reo/ chiến binh thuở trước/ dấu tích mộng vàng
Và ông cũng thẳng thắn chỉ ra bài thơ của Lý Viễn Giao trích ở trên là thơ 2 dòng vì “nghĩa trang – đồng đội xếp hàng” cũng chỉ là một hình ảnh về nghĩa trang. (Thể thơ Haikư chỉ có 3 dòng, nội dung các dòng tương đối độc lập với nhau). Việc sáng tác thể thơ này quả là không dễ chút nào! Cuối bài nói chuyện ông hẹn sẽ còn nhiều dịp đối thoại và giao lưu với các nhà thơ Haikư Việt.
Ở tuổi 97, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn rất mẫn tiệp khi nói về sự giao lưu giữa văn hóa Việt với các nền văn hóa Trung Quốc, Pháp, Nga, Nhật…Khi tiếp cận với thơ Đường, người Việt đã biết kết hợp với thể lục bát và cho ra đời thể thơ song thất lục bát, khi tiếp cận với thơ ca Pháp thì khởi xướng phong trào Thơ Mới từ những năm 30 của thế kỷ trước, và sau này là thơ Haikư Nhật. Người Việt biết tiếp thu, kế thừa và phát triển văn hóa nói chung và thơ ca nói riêng, làm cho chúng ngày càng phong phú, sinh động thêm.
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Haikư Hà Nội, Hội viên WHA, đọc tham luận về “Thơ Haikư ở Việt Nam và phương hướng phát triển” đã giới thiệu vắn tắt quá trình hội nhập và phát triển dòng thơ Haikư. Năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh thành lập CLB Haikư Việt đầu tiên do Lưu Đức Trung và Nhật Chiêu khởi xướng. Năm 2009 tại Hà Nội, CLB Haikư Hà Nội cũng được thành lập từ 9 hội viên ban đầu, đến nay là 50 hội viên. Năm 2010 CLB được gia nhập Hội hữu nghị Nhật – Việt, năm 2012 được kết nạp vào Hiệp hội Haikư Thế Giới (WHA).CLB Haikư Hà Nội từng tham dự Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương, 21 hội viên có thơ đăng trên WHA năm 2013, 2014. Ngoài các hoạt động sáng tác, dịch thuật và quảng bá thơ Haikư, xuất bản các ấn phẩm thơ, CLB còn có các hoạt động giao lưu văn hóa của Hội hữu nghị Việt – Nhật như: đón tiếp và giao lưu với các đoàn nghệ thuật Nhật Bản sang Việt Nam biểu diễn, tham gia lễ hội Hoa anh đào, ủng hộ nạn nhân sóng thần ở Đông bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011…Trong thời gian tới, CLB Haikư Hà Nội chú trọng nghiên cứu phần lý luận thơ Haikư, ấn hành tờ nội san định kỳ, dịch thơ các tác giả tiền bối như Basho, Buson, Issa, Shiki…Tăng cường giao lưu thơ với thế giới thông qua WHA, quảng bá thơ Haikư trong giới trẻ.v.v…
Nhà thơ Lý Viễn Giao đọc tham luận “Tâm hồn Việt trong thơ Haikư” đã chỉ ra rằng: các nhà thơ Haikư Việt (các Haijin Việt) trong các thi phẩm đã phần nào giảm đi chất “nhàn” do phải đối mặt với những tác động của xã hội và thiên nhiên không mấy dễ chịu. Sự tương đồng và ảnh hưởng của dòng thơ lục bát giàu nhạc điệu trong các bài Haikư Việt đã phần nào thể hiện hồn Việt trong thơ Haikư…
Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt, bày tỏ sự cảm kích và ái mộ với thể loại thơ cực ngắn này. Ông cho rằng, người đọc ngày nay, do bận bịu với nhiều công việc cũng như sự lôi cuốn của các hình thức giải trí khác nên rất ngại đọc các bài thơ dài. Ông cũng từng nghiên cứu, tìm hiểu thơ Haikư và rất muốn được tham gia CLB Haikư Hà Nội.
Tham luận của bà Kamakura Sayumi (thành viên WHA) “Về dòng thơ Haikư của các nhà thơ nữ Nhật Bản” đã giới thiệu một số bài thơ hay dưới cái nhìn trực cảm của nữ giới. Xin dẫn một phần nội dung trong tham luận của bà:
Áo ngắm hoa/cởi ra/lắm thứ dây chằng
(Sugita Hisajo, 1890 – 1946)
Bộ Kimono của phụ nữ Nhật có nhiều dây buộc, đẹp đấy nhưng nó lại như những dây trói…
Cá Trác xuôi sông/ngày ngày/ sợ nước
(Kaga Chiyojo)
Cá Trác đẻ trứng xong, thấy dòng sông thật đáng sợ, thân thể rã rời xuôi theo dòng nước.
Con ốc chết/cuốn theo giấc mơ/ thế gian
(Mitsuhashi Takajo)
Cái chết của con ốc hay của người đây? Chết mà chưa kịp thực hiện những ước mơ….
Đặc điểm của dòng Haikư do phụ nữ Nhật sáng tác là đưa thẳng vào thơ những cái họ nhìn thấy, cảm thấy nhưng cũng không kém phần độc đáo, dịuÂÂ dàng.
Nhà thơ Cao Ngọc Thắng trình bày tham luận “Haikư – hồn Việt trên con đường tìm tòi và khẳng định” đã nói lên một thực trạng: thể thơ truyền thống lục bát rất khó khi chuyển ngữ để giới thiệu ra thế giới, thể thơ ngắn gọn ba dòng Haikư lại dễ dàng chuyển tải thông điệp của người viết ra các ngôn ngữ khác nhau, tự nó có sức lan tỏaÂÂ nhanh.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Nghiêm Xuân Đức trình bày cách gieo vần kiểu lục bát và các kiểu khác trong thơ Haikư. Đây là sự tìm tòi, phát hiện mới trong Haikư Việt.
Nhà văn Nhật Chiêu từ thành phố Hồ Chí Minh gửi tham luận “Thơ Haikư trong cõi thơ Việt” qua đường email cùng nhiều tham luận của các cây viết ở Hà Nội, Nha Trang chưa kịp đọc trong buổi tọa đàm (do thời gian có hạn) đều được ban tổ chức in vào tập kỷ yếu rất trang trọng.Trong suốt buổi tọa đàm, người vất vả nhất là nhà thơ kiêm dịch giả Lê Thị Bình. Chị phải liên tục dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt khi diễn giả là người Nhật và từ tiếng Việt sang tiếng Nhật khi diễn giả là người Việt.
Phải công nhận rằng, các thành viên trong Ban tổ chức buổi tọa đàm thơ Haikư Việt – Nhật lần thứ nhất đã có nhiều tâm huyết để dẫn đến thành công tốt đẹp vượt trên cả sự mong đợi ban đầu.
Nguyễn Duy Quang