Thương nhớ về cội- Lê Đình Công

alt

alt

THƯƠNG NHỚ VỀ CỘI

Lê Đình Công

CLB Haikư Việt-Hà Nội

CLB Thơ Hải Thượng

Hội viên Hiệp Hội Haikư Thế Giới WHA

Nhà xb Hội Nhà văn-Quý 3/2019

(Tác giả đạt giải nhất cuộc thi thơ Haiku Việt lần thứ I tại Hải Phòng năm 2016- 2017)

BBT: Tập thơ tuyển xinh xắn “Thương nhớ về cội” đang trên tay các bạn ,gồm 27 bài thơ trữ tình sáng tác trong mấy chục năm qua và 34 khúc Haikư Việt mấy năm gần đây.Nhà báo Dương Quang Minh đề tựa.Do khuôn khổ có hạn,xin được trân trọng giới thiệu lời trần tình của tác giả nhận thức về thơ Haikư-thể thơ cực ngắn đang thịnh hành 10 năm qua ở nước ta và phần tác phẩm Haikư Việt. Xin nhiệt liệt chúc mừng tác giả Hội viên và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Website haikuviet.com

LỜI TRẦN TÌNH CỦA TÁC GIẢ NHẬN THỨC VỀ THƠ HAIKƯ VIỆT

…Ở Viêt Nam,thơ Haikư được đón nhận rõ nét và lan tỏa nhanh chóng trong khoảng 10 năm trở lại đây, thông qua các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản,các nhà thơ ,nhà văn.Hiện đã có các CLB thơ Haikư Việt ở Hà Nội,Tp Hồ Chí Minh,Tp Nha Trang,Tp Hải Phòng và đang hình thành ở nhiều tỉnh , thành phố khác.CLB Haikư Việt Hà Nội đã là thành viên của Hiệp Hội Haikư Thế Giới WHA từ 2012…Có được những thành tựu trên không thể không nhắc đến các đóng góp quan trọng của Cố PGS Lưu Đức Trung (Đại học sư phạm Hà Nội),nhà văn Nhật Chiêu,Bác sĩ-Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh Chủ nhiệm CLB Thơ Haikư Việt-Hà Nội và nhiều người khác nữa,kể cả các bạn trẻ.Tôi yêu thơ Haikư Việt và cố gắng tập làm thơ này theo các tiêu chí sau:

1-Cực ngắn .Càng ngắn càng tốt nhưng phải nói lên được điều muốn nói.

2-Một câu chia 3 dòng để nhấn mạnh các ý trong bài và tạo nhịp điệu cho thơ…

3-Chủ đề tự do

4-Phải có chất THƠ.Đã gọi là thơ Haikư thì ít nhiều phải có chất THƠ,thể hiện ở vần điệu hay âm điệu thơ,tránh giản đơn,trùng lặp.Tóm lại phải gây đươc ấn tượng ,một dư vị gì cho người đọc.Yêu cầu của thơ Haikư là nói ít mà gợi nhiều để cùng người đọc cùng suy tưởng và phát triển thêm những ý nghĩa khác của bài thơ ngoài chủ ý của tác giả …

Lê Đình Công

Thơ Haikư về Quê

1-Dáng núi

mờ xa

bóng Cha


2-Đồng khuya

cánh vạc

Mẹ già


3-Mê nón úp vại cà

mồ hôi tóc mẹ ta

thấm dấu


4-Miệng ru ,tay quạt

mát cả

đời con


5-Quà quê

mẹ chợ về

ngó sen


6-Co ro thân cò

chiều se

dáng Mẹ


7-Sông trôi như rắn lượn

dòng cuốn

trăng đầy


8-Sông khuya

ai khỏa mình lấp loáng

– Ồ trăng!


9-Trăng mùa thu

nước mùa đông

thương một dòng sông cũ


10-Mặt trời chìm cuối dòng

hoàng hôn trên sông Lam

Cháy !


11-Sen

thơm

từ bùn


12-Trong bùn

hương sen


13-Thả cánh sen hồng

làm con đò mộng

trăng hồ mênh mông


14-Rơi cánh sen tàn

thành con đò mỏng

chao sóng hồ mưa


15-Gió đùa

sen trắng cười say

tỏa nắng hồ xanh


16-Cuộc tình ngỡ tình cờ

sông Lam bỏ mối

đợi chờ bến xưa


17-Mái tóc như dòng sông

vương lòng

chảy mãi


18-Đồng Văn Tràng

mênh mang xanh

cò chớp trắng


19-Trẻ con rất sợ “Xã Thiện” *

thực ra ông lại hiền

hồn ông giờ ở đâu *

“Xã Thiện” một trai tráng lực điền ở địa phương bị bắt đi lính qua Pháp thời Thế chiến thứ II(1939-1945)

có ý thức dân tộc phản kháng nên bị thực dân tra tấn,đầu độc thành điên trả về gia đình, thân tàn ma dại.


20-“Rú Cấm “

một thời nguyên sinh

xanh thiêng liêng


21-Cây đa “Bạc Trốc”

cột mốc

đời người


22-Đường lên Chùa Thanh

phượng dệt

thành thảm đỏ


23-Nác chát “Chè Gay”

uống say

nghĩa xóm


24-*Đập “Ba ra”

thủy cầm ca

vẫn hát *

* Đập nước lớn trên sông Lam ,địa phận Huyện Đô Lương-Nghệ An ,hoàn công năm 1942

do Kỹ sư Hoàng thân Suphanuvông thi công,qua 2 cuộc Chiến tranh vẫn được bảo trì,

cung cấp nước làm thủy lợi cho 4 Huyện lân cận.Ngày đêm vẫn rì rầm sóng vỗ nhạc thủy cầm…


25-Đồng cười

trơ sún rạ

hể hả được mùa


26-Lúa vàng

nắng vàng

mắt vàng


27-Chân bùn

mồ hôi trắng

cơm thơm


28-Nắng nung mùa gặt

thóc rơm khô

mặt rát


29-Đêm đông

ổ rơm quấn mộng

gió sổng đồng hoang


30-Mê nón

bỏ ven đường

Nào đã hết nắng sương !


31-Trâu đằm vũng mát

em hát

lúa về


32-Máy gặt đập ầm vang

thóc đóng bao về làng

hối hả


33-Đồng hương ,đồng môn

rụng mòn

trái chín


34-Tết tha phương

Hồn

cố hương

Hà Nội, Trung thu năm 2019

Đinh Nhật Hạnh giới thiệu và chú giải.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt