ME THIÊN NHIÊN TRONG THƠ HAIKU
của Câu lạc bộ thơ Haiku thành phố Hồ Chí Minh
Tôi chưa được gặp nhà thơ Haiku Lưu Đức Trung. Song, qua lời ông giới thiệu ấn phẩm “Tuyển tập thơ Haiku – Câu lạc bộ thơ Haiku thành phố Hồ Chí Minh”, tôi đã gặp niềm vui và sức sáng tạo của ông cùng đông đảo thi hữu, với những dòng tâm huyết: “Sau một thời gian được gieo trồng, chăm sóc tại Việt Nam, loài hoa Haiku có từ Nhật Bản nay đã trổ bông. Chúng tôi chọn ra 135 bông hoa đẹp nhất của 21 tác giả để dâng bạn đọc. Khi thả hồn mình vào những âm điệu trong tập thơ nhỏ bé này, là lúc các bạn dạo bước trong vườn hoa xinh xắn mang dáng dấp của vườn thiền Nhật nhưng đậm sắc hương Việt…”.
Đúng như lời lời mở đầu ấy, ấn phẩm cuốn hút tôi của từng từ, từng câu, từng bài. Rộn ràng biết bao trước khung cảnh thiên nhiên thân ái chan hòa với vạn vật. Nguyễn Ngọc Tấn say sưa trước cảnh: “Mặt trời thức dậy/ nắng sớm đong đầy / kí ức mùa xuân”, Lê Thị Bình đặc tả “Mặt trời tháng năm / trên đầm lầy / sắc hồng”, Bùi Hải Minh Tâm thưởng thức “Cầu tre bao nhịp / nắng vàng mấy nong / thơm nồng hương lúa”; Hoàng Long say nhìn “Mưa rơi / cỏ hoa nhảy múa / điệu vũ sinh sôi”, Phan Thị Kiều Trang suy tư “Mưa rơi / thấm sâu lòng đất / tinh yêu không lời”; Nguyễn Nho Đinh Duy lắng nghe “Gió hát / qua tàu cau cũ / côn trùng kêu”, Vũ Tam Huề tụng ca “Chiếc gùi trên lưng / Mế cọng cả rừng / xuống chợ”, Lưu Đức Trung trải lòng “Em tặng cây si / rễ bám từ tim / xuyên thế kỷ” … Tất cả mọi cảnh diễn ra dưới tác động của “Mẹ Thiên Nhiên” mà các nhà thơ Haiku rung cảm và biến vào thơ đã trở thành món ăn sung mãn về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng.
Lại nữa, thú vị biết bao vẻ đẹp kỳ diệu của vầng trăng được các nhà thơ Haiku ngợi ca. Nào Thiên Bảo ngây ngất “Nép vào trăng sao / một bờ môi nhỏ / cùng ta đêm nào”, Trần Đức Việt ghi lòng “Mỗi lúc đi xa /vầng trăng theo mãi / tình ta”. Nào Ngô Hải Nam reo vui “Ôi! Ánh trăng / tràn ngập trái tim /chú dế”, Nguyễn Thanh Phong miêu tả “Trong rừng mai / ốc sên đang ngủ / trăng chiếu bao ngày”…, Tất cả tạo nên cảnh đẹp bình yên dưới vầng trăng. Đã có trăng lại có hoa. Đặng Kim Thanh rung cảm trước “Chùm hoa giấy / cành ngọc lan / sắc hương…hương sắc”, Nguyễn Quỳnh Trang mang tâm tư nhà giáo “Sân trường / còn vương / cánh phượng”.
“Mẹ Thiên Nhiên” hào phóng cung cấp cho con người đủ thứ từ vật chất đến tinh thần. Song, không vì được thế mà con người nghĩ rằng mình cứ tận hưởng, không phải suy tư lo nghĩ và làm gì. Các nhà Haiku thiên ái và nhân ái luôn nhận ra sự cần thiết phải khích lệ mình và đồng loại hợp sức bảo vệ những gì mình được hưởng thụ, và cũng bày tỏ sự thấu hiểu trên thế gạn này không có gì là hoàn mỹ cả. Phan Nhật Chiêu cảnh báo: “Sân thượng đêm / Nghe tin bão đến / vầng trăng bấp bênh”, Nguyễn Kim Sơn băn khoăn: “Hướng dương / làm sao khoe sắc / khi màn đêm buông”, Lê Từ Hiển ngậm ngùi: “Lũ trắng đồng / cời bếp lửa / nụ cười hư không”. Văn Luân buồn bã “Hoàng hôn / trở về vườn cải / khói lam chở mẹ đi xa”, Nguyễn Thái Trọng lo lắng: “Quên cài cửa / gió đùa / trộm xem thư”, Nguyễn Duy Quý dặn dò “Gió đùa ngọn cao / khẽ nào / chim non ngủ”, Nguyễn Bao băn khoăn “Lá non đầu cảnh / run rẩy / nói gì cùng trời xanh?” chỉ rõ con người gắn bó với “Mẹ Thiên Nhiên” từ khi lọt lòng.
Đọc “Tuyển tập thơ Haiku – Câu lạc bộ thơ Haiku thành phố Hồ Chí Minh”, về nghệ thuật, tôi nhận được những lời tâm sự của nhà thơ Phan Nhật Chiêu: “Làm thơ Haiku bằng tiếng Việt đang là niềm vui của nhiều bạn thơ. Để cái lạ trở thành cái quen, để cái ngoài phù hợp với cái trong bao giờ cũng là một con đường dài”. Ông gợi ý: “Ban chỉ cần nắm bắt được khoảnh khắc của mọi cảm nghiệm sống động là có thơ Haiku. Cảm nghiệm khoảnh khắc đó thường hình thành từ sự hòa quyện của ba thứ “Nơi nào, Chuyện nào, Khi nào” tương đương với ba câu thơ”, theo hình mẫu “Trên cành khô / cánh quạ đậu / chiều thu” mà nhà thơ lớn Basho người sáng tạo thơ Haiku ở Nhật cách đây hơn 4 thế kỷ nêu lên. Do vậy, tôi xin được chúc mừng 21 nhà thơ Haiku được chọn lọc, giới thiệu thơ thấm đậm hình mẫu của cổ nhân.
Đêm Vong- Hà Nội, 20/2/2020
DQM