![](https://haikuviet.com/wp-content/uploads/2021/11/00.jpg)
Kỷ niệm 327 năm ngày mất của Nhà thơ Matsuo Kínsaku; tức BASHO (28/11/1694- 28/11/2021). Chúng ta cùng nhớ tới Basho- người khai sinh ra thơ Haiku. Nhà thơ Basho tên thật là Matsuo KINSAKU sinh năm 1644 gần Kyoto- Nhật Bản trong một gia đình Võ sĩ đạo bậc thấp. Cụ là một trong những nhân vật tiêu biểu của nền thi ca cổ điển Nhật Bản. Bởi thi lực phi thường của các tác phẩm của mình, cụ đã ấn định nghệ thuật của Haiku mới lạ thời bấy giờ, chính cụ đã định nghĩa cách thức tiếp cận phương pháp thể hiện, tinh thần nhẹ nhàng, tìm tòi cái quanh ta đơn giản đi đôi với sự quan tâm đặc biệt đến thiên nhiên.
Theo cụ, Haiku- thời ấy có tên là Hokku độc lập do cụ phát kiến, mãi sau này Masaoka Shiki- TK XIX mới định danh, vốn sinh ra từ bờ vô lượng, từ trực cảm bắt chợt làm chói sáng bài thơ- là khoảng biểu lộ sự thuần khiết của tâm hồn tác giả. Từ 13 tuổi đã theo học làm thơ Haikai Về sau khi đã tự thành lập một trường phái riêng có tiếng tăm ở EDO tức Tokyo ngày nay, cụ từ bỏ cuộc sống thế thường, khoác áo thiền sư, sống đời ẩn sĩ trong một căn lều nhỏ trước cổng có cây chuối- tíếng Nhật là basho, do môn đệ trồng tặng. Người dân sở tại không nhớ tên nên quen gọi cụ là Ông già trồng cây chuối. Cụ cũng rất thích gọi thế nên lấy bút danh Basho.
Và từ đó, cuộc đời chỉ là một chuỗi dài năm tháng nghèo khó, nặng tình bằng hữu thi ca và những chuyến lữ hành dài vất vả và Osaka là nơi đến cuối đời. Sau khi ứng khẩu khúc Haiku cuối cùng- khúc từ thế- cho môn sinh chép lại, cụ nhịn ăn, đốt trầm hương đọc di chúc, dặn học trò làm thơ về thầy rồi ở lại một mình cho đến lúc qua đời. Trước mộ cụ trồng một cây chuối cảnh như lúc sinh thời.
Cụ mất năm 1694, hưởng thọ 50 tuổi, dâng hiến trọn đời cho nền thi ca Nhật Bản, khai sinh nền thơ Haiku hiện đang phát triển vững chắc ngày càng phổ biến rộng rãi trên hành tinh này. Với lòng thành kính ngưỡng mộ và tôn trọng chúng ta những người làm thơ Haiku tưởng nhớ và biết ơn vị khai sinh thể thơ Haiku- Thiền sư Matsuo Basho- Người Thầy muôn đời của THƠ HAIKU thế giới.
“Trích nguyên văn Lời giới thiệu của Viện Bảo tàng BASHO-Tokyo-2018
Đinh Nhật Hạnh