Kỷ niệm 1 năm ngày mất Nhà thơ Haiku Lưu Đức Trung

alt

Ngày 02/5/2017, PGS Lưu Đức Trung- Chủ tịch Câu lạc bộ Haikư Việt Tp Hồ Chí Minh qua đời để lại bao tiếc thương cho làng thơ Haikư cả nước. Cụ là người khởi xướng thành lập Câu lạc bộ thơ Haikư đầu tiên ở Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh năm 2007, đặt mốc son đỏ khởi nguyên nền thơ cực ngắn này. Nhân ngày giỗ đầu của Cụ, chúng tôi trân trọng giới thiệu tình cảm xúc động của Làng Thơ Haikư Cao Lao Hạ- Quảng Bình, quê hương Cụ và là nơi duy nhất cả nước có một làng quê lâu nay hàng chục người sáng tác thể thơ Cực ngắn- HAIKƯ do Cụ đề xuất.

Trân trọng

Chủ tịch Haikư Việt- Hà Nội

Ban Biên tập Website haikuviet

Đinh Nhật Hạnh

alt

Nhớ Nhà thơ Haiku Lưu Đức Trung

Lưu Đức Hải

Vẫn biết là, đã là con người thì ai cũng phải đi qua các chặng đường: sinh, lão, bệnh, tử; vẫn biết rằng rồi cũng sẽ có lúc Chú phải ra đi vì tuổi cao, sức yếu lại mang nhiều căn bệnh nan y trong người từ nhiều năm nay; thế mà lúc xẩm tối ngày 2/5/2017, khi nghe điện thoại báo là Chú đã đi xa cháu vẫn không thể tránh khỏi bàng hoàng, thảng thốt.

Trong họ tộc thì cháu gọi Chú là chú xưng cháu. Chúng cháu biết Chú đã lâu, nghe và đọc về những đóng góp của Chú đối với nền văn học nước nhà, về những thành công của Chú trong sự nghiệp giáo dục đã nhiều nhưng phải đến những ngày hai chú cháu cùng tham gia vào những hoạt động của trang caolaoha.com, rồi được đàm đạo với Chú ở Hà Nội và cùng với Chú về quê tham dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trang tin cháu mới thực sự hiểu, khâm phục và ngưỡng mộ Chú. Tiếp xúc với Chú, cháu và nhiều anh em quê mình thấy được ở Chú một trí tuệ uyên bác, một nhân cách mẫu mực, một tình yêu quê hương hiếm có; mọi người rất tự hào khi được biết Chú là một trong những người đi đầu trong việc đưa thơ haiku từ Nhật Bản về Việt Nam và là người đầu tiên đưa thơ haiku vào trường học.

alt

Những lúc rảnh rỗi, ngồi lại với nhau, mấy anh em chúng cháu vẫn nói với nhau rằng, nếu một ngày nào đó thơ haiku trở nên phổ biến thì làng Cao Lao Hạ của mình vô cùng tự hào khi có cụ Lưu Trọng Lư đi đầu trong phong trào thơ mới và cụ Lưu Đức Trung đi đầu trong phong trào thơ haiku của Việt Nam.

Những ngày sắp ra đi, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng tinh thần và nghị lực của chú thì mạnh mẽ vô cùng; giọng nói nhỏ nhẹ, khoan thai của luôn toát lên một tinh thần lạc quan, một tình yêu cháy bỏng với cuộc sống, thiên nhiên, con người. Chú đã dành cho quê hương Cao Lao Hạ một tình yêu đặc biệt. Ca khúc “Đưa em về Hạ Trạch” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là ca khúc duy nhất Chú nghe trong những lúc rảnh rỗi; bức ảnh hồ vực Sanh quê mình là bức ảnh duy nhất Chú dùng làm ảnh bìa trên Facbook của Chú cho đến lúc Chú ra đi.

Chú đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự phát triển của caolaoha.com những năm gần đây; rất nhiều sự kiện lớn mà trang tin đã triển khai và thực hiện thành công là xuất phát từ những ý tưởng và đề xuất của Chú.

alt

Cháu biết là Chú luôn coi mình là người bình thường, như chiếc lá, khi còn xanh thì âm thầm, lặng lẽ, khép mình bên những chiếc lá khác mà làm các phận sự của mình, đóng góp cho đời. Khi đã vàng thì nhẹ nhàng, thanh thản rơi về với đất.

Vẫy chào bầu trời

chiếc lá vàng

rơi.

Nhờ sự hướng dẫn, dùi dắt của Chú mà cháu và nhiều anh em làng mình mới hiểu về thơ haiku, rồi cùng nhau tập làm thơ haiku, thế mà đến nay nhóm làm thơ haiku của làng Cao Lao Hạ đã có tới gần chục người, nhiều người đã có thơ đăng trên các ấn phẩm của các Câu lạc bộ haiku Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 2/5/2018 hôm nay là ngày giỗ đầu của Chú. Chú cứ yên tâm an nghỉ, đốm lửa haiku của làng Cao Lao Hạ do chú nhen nhóm ngày nào đã bắt đầu tỏa sáng.

LĐH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt