Hướng dẫn thực hành sáng tác và thưởng thức Haiku

alt

alt

WRITING AND ENJOYING HAIKU

A Hand – on Guide

Jane Reichhold

Nhà Xuất Bản RODANSHA USA, 2013

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

Mặc dù các nhà nghiên cứu văn học ở nước ta chưa thống nhất với nhau haiku – thể thơ cực ngắn đặc sắc của Nhật Bản – đã du nhập vào Việt Nam từ bao giờ nhưng có một thực tế không thể chối cãi là trong vài chục năm gần đây haiku đã quyến rũ một số không ít tâm hồn Việt yêu và sáng tác văn thơ. Nhiều Câu Lạc Bộ ra đời tập hợp những người yêu thích thưởng thức và sáng tác haiku, nhiều cuộc thi thơ haiku cho người lớn và trẻ em được tổ chức, các tập thơ haiku xuất hiện ngày càng nhiều trên các quầy sách sang trọng cũng như xuất hiện ngày càng nhiều những tập thơ haiku khiêm tốn tự in và photo copy để tặng nhau.

Haiku Nhật Bản khi lan tỏa đến Việt Nam đã được gắn những tên gọi mới: “Haiku Việt”, “Haiku mở” … Ở nước ta, haiku có thể xuất hiện như những bài thơ riêng lẻ, và gần đây có khuynh hướng sáng tác theo chủ đề và xuất hiện những “Chùm Haiku”. Khuynh hướng sáng tác haiku ở Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều vấn đề: truyền thống hay cách tân, bắt buộc có quý ngữ hay không có, có vần điệu hay không vần điệu, số từ có nhất thiết theo quy tắc 5/7/5 hay không. Thậm chí, có người còn chẻ 2 câu lục bát 6/8 thành một phiến khúc haiku …

Đó thực sự là những vấn đề lý luận chuyên sâu thật khó có câu trả lời và đôi khi gây hoang mang với những người tập viết haiku, đặc biệt với những người không biết Nhật ngữ, mà kẻ viết bài này là một trong số đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của những nhà sáng tác haiku ở những nước không nói tiếng Nhật vì chắc chắn họ cũng gặp những vấn đề như chúng ta khi tiếp cận, thưởng thức và sáng tác haiku bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Trên tinh thần đó, tác phẩm “Hướng dẫn Thực hành Sáng Tác và Thưởng Thức Haiku” của Jane Reichhold có thể đem lại một cách nhìn tham chiếu đối với chúng ta, những haijin không phải người Nhật. Nữ tác giả là một dịch giả say mê các thể loại haiku, tanka và renga. Bà đã ba lần đạt giải thưởng “Sách Hay” của Hội Haiku Hoa Kỳ đồng thời là thành viên của Hội Haiku Hoa Kỳ, Hội các haijin Bắc California, Hội Haiku Canada, Hội Haiku Quốc Tế (Tokyo, Japan), Hội Haiku Đức và Hội Nhà Thơ Nhật Bản. Hiện nay Bà đang quản trị trang web: “Aha! Poetry” (www.ahapoetry.com)

Quyển sách của Jane Reichhold bao gồm các nội dung: 1) Bốn vấn đề trước khi sáng tác haiku, 2) Hướng dẫn sáng tác haiku, 3) Thưởng thức haiku với bạn bè và 4) Sử dụng kỹ năng haiku của bạn trong các thể thơ khác (tanka, renga, sedõka, sijo, kouta, kyõka…).

Trong khuôn khổ bài này, xin giới thiệu với quý thi hữu một số ý kiến của Jane Reichhold về “6 nguyên tắc cơ bản của thể Haiku” (Six basic haiku rules).

Theo tác giả, haiku là thể thơ được sáng tác dựa trên một số nguyên tắc vì vậy mỗi người viết haiku cần phải quyết định sẽ sử dụng những nguyên tắc nào cho mình khi sáng tác haiku. Mỗi người có thể tham gia vào một nhóm sáng tác mà trưởng nhóm đề ra những quy tắc mình thấy phù hợp. Khi tham gia vào nhóm này, bạn sẽ cảm thấy có một tập thể nhỏ đã được hình thành và có quan điểm thống nhất về haiku. Nếu nhóm thơ này đã xuất bản được một số tập thơ, thơ của các thành viên có thể được in và chia sẻ với bạn thơ trong nhóm.

Có một cách khác là hãy đọc thơ haiku của nhiều tác giả và hãy chọn và theo đuổi khuynh hướng nào mình cảm thấy thích thú nhất, Và từng bước, từng bước bạn sẽ chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này trong những sáng tác của mình.

Một số người lại thấy cần thiết phải nghiên cứu tác phẩm của các đại sư haiku Nhật Bản để học theo đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta không biết tiếng Nhật để nghiên cứu và học hỏi nguyên tác của các đại sư này mà phải nghiên cứu qua các bản dịch thì phải thừa nhận rằng nhiều khi các bản dịch chỉ là các “bản chuyển ngữ” (transliteration, word – for – word case).

Ơn trời, chúng ta không chỉ có duy nhất một cách để sáng tác haiku. Qua nền thơ haiku, chúng ta thấy không có chỉ một phong cách và kỹ thuật tuyệt đối tốt nhất đối với haiku. Qua di sản của nền thơ haiku ta thấy có rất nhiều phong cách, kỹ thuật và phương pháp sáng tác khác nhau.

Đa số nhà thơ thường sáng tác dựa trên một quy tắc nhất định cho đến khi họ thấy cần và có thể chuyển sang một quy tắc mới. Bạn hãy tự quyết định tuân thủ những quy tắc, mục đích và tuân thủ những hướng dẫn nào thích hợp với bản thân mình.

Robert Lee Frost* đã từng nói: “Thơ mà không có quy tắc thì cũng như một trận đấu quần vợt mà không có lưới”. Điều đó cũng đúng với haiku. Nếu bạn bắt đầu với haiku, nên tuân thủ các quy tắc sau đây:

  1. Hãy viết 3 dòng ngắn/dài/ngắn mà không cần tính đến số âm tiết (syllable)
  2. Bảo đảm cho bài thơ có những đoạn (fragment) và một câu (phrase)
  3. Cần đưa vào bài thơ yếu tố thiên nhiên (nature)
  4. Nếu dùng động từ, động từ phải ở thì hiện tại (present tense)
  5. Tránh viết hoa và sử dụng dấu chấm (capital letters and punctuation)
  6. Tránh tạo nhịp điệu (rhymes)

Nếu bạn càng ngày càng thành thạo với các quy tắc trên đây, haiku của bạn sẽ càng ngày càng có chất lượng. Khi đó, bạn có thể áp dụng các nguyên tắc khác trong sáng tác haiku của mình.

Liệu các haijin Việt chúng ta có học hỏi được gì qua lời khuyên của Jane Reichhold?

Hà Nội, những ngày hè rực lửa

LVT

* Robert Lee Frost (1874– 1963): là nhà thơ Hoa Kỳ, sáng tác chủ yếu về chủ đề cuộc sống. thôn dã. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn thơ nông thôn ở New England vào đầu thế kỷ XX và là nhà thơ duy nhất được tặng giải thưởng Pulitzer về thơ (PulitzerPrize for Poetry). Năm 1960 Frost được nhận giải thưởng “Congressional Gold Medal” cho các tác phẩm thơ ca của ông. Tháng 7/1961 ông được tặng danh hiệu “Poet laureate of Vermont”.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt