Giới thiệu tập thơ Haiku “Hoa Bốn Mùa”

alt

alt

HOA BỐN MÙA

Tuyển tập song ngữ Việt-Anh của Haiku Việt

(Nhà Xuất bản Văn Học- Hà Nội 2014)

BBT trang web haikuviet.com trân trọng giới thiệu HOA BỐN MÙA (Flowers of four seasons)- Tuyển tập Thơ Haiku Việt- 250 trang của 46 tác giả thơ Haiku hai miền, gồm 408 khúc đã,chuyển ngữ tiếng Anh do Dịch giả Trần Hữu Hiển. Lời Giới thiệu của Nhà thơ Bằng Việt, lời Bạt của Nhà văn Nhật Chiêu.

“HOA BỐN MÙA” – ấn hành đúng dịp Đại Hội Hiệp Hội Haiku Thế Giới (World Haiku Association) lần thứ 8 tại Tokyo- Nhật bản tháng 9/2015- đã trao tặng Nhà Bảo tàng BASHÔ ở Tokyo và các Đại biểu tham dự Đại Hội này, hội nhập vào dòng thơ ngắn nhất thế giới -Haiku- hiện đã lưu hành trên hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục.

Ban Biên tập

alt

THƠ HƠN MỘT LẦN THƠ

Ba câu thơ thể Haiku, theo cách của Nhật Bản, có thể viết thành một dòng, với hai khoảng cách như hai khoảng lặng ở giữa câu, hai khoảng trông cho suy tưởng, hai dấu nối từ chỗ có lời đến chỗ không lời, hai dấu hỏi ở giữa chân không để dành cho chiêm nghiệm, hai vòm không gian hư vô thả sức làm đầy cho những cảm nhận luôn buông bắt trong tưởng tượng.

Ba câu thơ thể Haiku, theo cách nghĩ rất hàm súc của truyền thống thơ ngắn Việt Nam, nếu biết tận dụng ưu thế dạng từ đơn âm của ngôn ngữ Việt, có thể không cần diễn giải hay trần tình đến hết, không vay mượn cả đến lối nói quá logic, ngữ pháp quá chặt chẽ của các ngôn ngữ phương Tây, mà chỉ cần tung lên không gian từng chữ, từng lời đơn lẻ nhưng trọn vẹn và chắc nịch ấy, để nó tự rơi xuống nền phẳng của trang thơ, tự xếp thành những đơn nguyên, những thành tố của một mái nhà hay tòa tháp, một vườn hoa hay rừng cây, một hồ nước hay vịnh biển – những cấu trúc hình thành bất ngờ ngay cả với tác giả tạo ra nó, bởi sự biến ảo và chuyển hóa khôn lường của mỗi từ ngữ đơn lẻ, khi nó may mắn được đặt vào đúng vị trí đắc địa, đúng mạch thơ đắc ý, để có thể thăng hoa.

Ba câu thơ thể Haiku, với sức gợi nhiều hơn miêu tả hay trần thuật, với sức lan tỏa của các chiều kích liên tưởng cũng như sự bùng nổ của cảm xúc dây chuyền – như hiệu ứng của các quân bài đôminô, sẽ cho ta một không gian cảm thụ rộng và xa gấp hàng chục, hàng trăm lần những gì hiện diện ở nó ban đầu.

Ba câu thơ thể Haiku, thoạt nhìn có thể rất yên bình, khiêm nhường, nhưng thực chất trong nó có sức công phá mạnh mẽ vào tâm trí và cảm xúc; có khi toát ra vẻ trong trẻo đến thoát tục, nhưng càng lắng sâu vào nó, ta càng thấy những cảm xúc, chiêm nghiệm trong nó thật sâu nặng tình đời, có thể trĩu nặng những suy tư về thân phận con người, có thể chứa đựng khoảng cách rất gần giữa hạnh phúc và tai ương, hoặc ranh giới mong manh giữa hy vọng và thất vọng… Vậy là chỉ với ba câu, thơ Haiku đủ cho ta cả một không gian bất tận của thơ ca, một chiều kích bất tận của cảm xúc và suy tưởng. Nói đơn giản theo cách nhà Phật, ba câu thơ thể Haiku có thể mở ra cả “ba nghìn thế giới”!

Thơ Haiku đang ở trong tay chúng ta, vậy là nếu chúng ta biết phát huy được hết các ưu thế, thì nó thực sự trở thành một lợi khí của thể loại “thơ hơn một lần thơ” – nói khác đi là thơ cộng với sự gợi mở phóng túng ra ngoài trang thơ, cộng với những gì hợp thành khoảng không đầy ý nghĩa, ở giữa những điều được nói và chưa được nói, có thể nối cả từ nhận thức tới vô thức, từ bản ngã tới vô ngã, từ không gian ba chiều tới được cả không gian bốn chiều, từ thế giới tới cả “phản thế giới”!

Thơ Haiku từ trong truyền thống của thơ ca Nhật Bản đang chín tới, thực sự ngoạn mục với những thành tựu đầy ấn tượng trên toàn cầu. Tuyển tập Haiku “Hoa Bốn Mùa” này xứng đáng là một chứng nghiệm cho thể loại “thơ hơn một lần thơ” kỳ ảo ấy của thơ Haiku ở Việt Nam. Tôi rất vui mừng được chào đón nó ở quê hương mình và chân thành chúc nó được đơm hoa kết trái, được lan tỏa hương sắc độc đáo của mình trên các cánh đồng thơ vô tận, trải dài đến mọi chân trời của thế giới.

Nhà thơ Bằng Việt

(Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội

Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam)

alt

LỜI THƯA

Thơ –

giấc mơ hoa ngát

mạch đời chắt chiu

Quả vậy, “Hoa Bốn Mùa” trên tay bạn đọc có lẽ là giấc mơ đẹp của những cõi lòng đồng điệu chung một nẻo đường Thơ của Câu lạc bộ Haiku Hà Nội và bè bạn hai miền. Đó là những tiếng thơ đến từ hàng ngàn bài thơ một đời ấp ủ, đã cùng tác giả bao đêm thao thức với vầng trăng, tiếng vạc, nụ quỳnh… đã qua, đang đến hoặc sẽ đến, rất xa. Đó là những giải mây tâm trạng bất chợt từ Cõi Thơ vụt đến, vụt đi bỗng đọng trên ngòi bút tinh khôi của những con tim tơ trẻ, nhạy cảm, yêu đời như chưa từng lạc vào Cõi Thơ kỳ diệu.

Hơn 400 bông hoa Thơ ấy trong tuyển tập “Hoa Bốn Mùa” của 46 cây bút nam nữ, đủ lứa tuổi từ Hải Phòng, Ninh Bình, Nha Trang, Sài Gòn… hội tụ về Hà Nội. Cấu trúc tuyển tập này theo nhịp chảy thời gian bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và Ngoài mùa dành cho những khúc thơ thế sự đời thường – cách sắp xếp phổ biến trên thi đàn Haiku thế giới.

Từ mấy năm nay, Haiku Việt đã hợp lưu vào dòng Haiku thế giới trong Hiệp hội WHA, tỏa hương sắc cùng 47 quốc gia trên tạp chí World Haiku mà nhà thơ Chủ tịch Ban’ya Natsuishi là chủ bút, người đã có duyên gặp gỡ chúng ta tại Đại hội liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức lần đầu tại Việt Nam năm 2012. Tuyển tập này do dịch giả Trần Hữu Hiển, hội viên danh dự của Câu lạ bộ, chuyển ngữ tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè thế giới.

“Hoa Bốn Mùa” đưa ta đến nhiều miền đất quen và lạ, ngắm hoa chuối rừng đỏ rực trên gùi thiếu nữ Mèo Vạc; xem ngủ hoa bắp lắt lay ở Cao nguyên đá Đồng Văn; về miền Tây Nam Bộ hoa ô môi tím theo mùa nước nổi; sang đất nước Phù Tang ngắm rừng phong thu bạt ngàn lá đỏ; qua đồng tuyết trắng nước Nga; rồi trở về Hà Nội bát ngát Hồ Tây, thơm nồng hoa sữa, thấp thoáng bóng hoa đào thắp bừng ngõ nhỏ chiều xuân. Rồi chim. Rồi trăng. Niềm vui, nỗi nhớ đưa ta về hoài niệm mênh mang để rồi lại trăn trở cùng ta về nhịp đời dồn dập. Vật đổi, sao dời. Thực trạng xô bồ quanh ta đến nỗi cơn mưa giờ cũng khác, ngay giọt sương cũng tự hỏi mình Liệu còn trong, hay chiếc lá lìa cành trên phố chật chội cũng Khó lòng chạm đất vì những cao ốc lấp kín bầu trời. Song nhịp đời vẫn rộn rã, hoa vẫn nở bốn mùa trong từng đoản khúc.

Thật trẻ trung, trong sáng:

Bến mới

thuyền con ngái ngủ

đuôi màu bình minh

(Như Trang)

Mành cửa mùa xuân

gió làm đung đưa

ánh sáng

(Đinh Trần Phương)

Thật tinh tế, trữ tình:

Về thôi

bờ sông níu gió

chân trời níu mây

(Lương Thị Đậm)

Thật giàu tính nhạc, giàu vần điệu, là những nét đặc trưng của Haiku Việt:

Mưa, mưa –

cưa đôi

nỗi nhớ

(Đỗ Tuyết Loan)

Đường quê

lang thang bướm trắng

hoa nắng tan rồi

(Thanh Tùng)

Bâng khuâng hoài niệm, trắc ẩn nỗi đời, băn khoăn thế sự:

Mẹ già tay run rẩy

gắp trượt mãi quả cà

đời nghèo lăn lăn theo

(Nguyễn Kỳ Anh)

Từ chợ về nhà

những người đàn bà

nét mặt ưu tư

(Cao Ngọc Thắng)

Đảo nổi, đảo chìm

phập phồng nhịp tim

Tổ quốc

(Nguyễn Hoàng Lâm)

Những tứ thơ lạ, gợi liên tưởng rất xa:

Tôi đứng giữa

tiếng ve

bông cúc

(Mai Văn Phấn)

Giọt cà phê

đứng lại

giữa đường rơi

(Trụ Vũ)

Cao ốc

những con mắt vuông

lơ láo nhìn trời

(Vũ Tam Huề)

Lấp lóa trời cao

có những ngôi sao

thực ra đã tắt

(Lê Đình Công)

Trong “Hoa Bốn Mùa” hạt nhân Haiku truyền thống cô đọng, thoáng gợi vẫn y nguyên. Các yếu tố cơ bản của tinh hoa Haiku Nhật Bản: Giản đạm (wabi) – Bi cảm (aware) – Tịch tĩnh (sabi) vẫn được trân trọng giữ gìn, nhưng quỹ đạo rộng hơn nhiều, mở về thế sự, nhân sinh vốn đã bao đổi thay ở thế kỷ XXI này. Cánh thơ Haiku từ thời đại Basho hơn 350 năm trước, qua bao chọn lọc, thay đổi, bổ sung đã bay tới những chân trời mới, để ta có được một thể thơ Haiku như ngày nay.

Có thể “Hoa Bốn Mùa” sẽ gợi cho bạn đọc nhiều cảm nhận “hình như”: hình như ít cái hồn của Haiku truyền thống, hình như nhiều đổi khác trong tư duy nghệ thuật… hình như… Vâng! Xin thưa dòng thơ Haiku hiện đại đang chuyển động trên thế giới không ngừng, ngay cả ở chính quốc Nhật Bản cũng ngày càng phong phú về nội hàm, thiên về bản thể, nhân sinh, thế sự. Xin được minh họa vài phiến khúc Haiku hiện đại:

Giáo hoàng bay

đóng băng ngay

trên Thiên An Môn


Tôi bị tháo dạ

nào dây điện, pháo hoa

cả chim và mây nữa!


Gió từ tương lai

thổi tới

chia dòng thác

(Ban’ya Natsuishi)

Hoa vẫn nở, bốn mùa, trong tiếng chim lảnh lót sớm mai hồng, trên giọt sương long lanh chồi biếc, giữa phố phường đầy cao ốc che khuất vầng trăng, từ gầm gào sóng biển đảo xa giông tố… Tất cả nhập vào những tứ thơ vụt đến tạo nên những phiến khúc Haiku e ấp thầm thì, nhẹ như hơi thở mà sức gợi mênh mông.

Thật thú vị, “Hoa Bốn Mùa” ra mắt đúng vào dịp tổ chức Đại hội thơ Haiku Thế giới lần thứ 8 ở Tokyo. Tập thơ sẽ có dịp đến tận tay bạn thơ năm châu như một món quà quý – những bông hoa đầu mùa của nền Haiku Việt trẻ trung.

Nền văn học Việt Nam đã chứng kiến hai cuộc tiếp biển thi ca của các bậc tiền bối là Thơ Đường và Thơ Pháp. Điều này cho ta có quyền suy nghĩ rằng phải chăng Haiku Việt là cuộc tiếp biển thứ 3, tuy bây giờ mới bước đi những bước đầu bỡ ngỡ nhưng kiên định, tự tin.

Thu đã về. Trên triền đê sông Hồng, hoa cỏ may đang găm đầy nỗi nhớ. Dã quỳ vàng rực nắng phương Nam…. Bốn mùa hoa đất nước lại vào chu kỳ hương sắc mới. Hy vọng “Hoa Bốn Mùa” sẽ cùng bạn đọc tiếp tục đồng hành trên chặng đường đầu phơi phới niềm tin.

Nhật Hạnh

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt