Tập thơ Haiku Việt 3 của CLB Thơ Haiku Việt Nha Trang là sự góp mặt của 11 thành viên CLB hiện tại và 8 bạn thơ tâm đắc như những con én nhỏ dưới bầu trời cao rộng haiku. Kết quả được như hôm nay là nhờ tinh thần đoàn kết, học hỏi và yêu thể thơ ngắn gọn xúc tích này.
Xin điểm qua một vài nét chính trong tập thơ.
Tập thơ Haiku 3 là những lời tự sự về bản thân, về cuộc đời, là một cuộc viễn du qua nhiều vùng đất nước, từ đồng bằng, hải đảo đến miền núi, trung du, qua rừng Tây nguyên với những sắc màu dân tộc, với ngàn hoa đua nở, qua Bạch Đằng giang muôn thuở rồi qua miền Tây Bắc sương phủ bốn bề… đã đọng lại trên những tâm hồn haiku thuần khiết.
Đâu đây có tiếng sóng Bạch Đằng vỗ vào cọc gỗ lim tạo nên khúc tráng ca vọng về từ thuở cha ông mở cõi:
Qua Bạch Đằng/ Cọc lim ngày ấy/ Vẫn găm tim người
(Nguyễn Tiến Liêu)
Có tiếng vọng từ Trường Sa biển đảo nhắc ta nhớ về những người một lòng giương cao ngọn cờ Tổ quốc, nhắc ta luôn cảnh giác trước các thế lực thù địch:
Đảo nhân tạo/ Biển Đông xanh/ Khúc độc hành
(Lương Thị Đậm)
Hồn tử sĩ/ Nương cánh hải âu/ Về Đất Mẹ
(Nguyễn Sương)
Trường Sa/ Tim chiến sĩ mắt biên cương/ Thề giữ biển
(Ngọc Vân)
Hoa tháng Ba/ Tràn sóng Gạc Ma/ Thủy triều đỏ
(Trà Huy)
Có một nét thiền phảng phất, một lòng nhân ái bao dung, một sự hồn nhiên trong trẻo trong từng lời thơ:
Không không có có/ Như gió/ Vô thường
(Thạch Lựu)
Bóng hạc bay qua/ Đỉnh non sương trắng/ Đường
trăng mẹ về
(Khánh Huệ)
Tiếng chuông chùa/ Chạm câu thơ/ Ngẩn ngơ
(Thanh Vân)
Mùa khoác áo đông/ Tôi choàng khăn ấm/ Có người
lạnh căm
(Thanh Vân)
Chén nước trong/ Ép cánh hoa lòng/ Hoài cảm
(Nguyễn Điểm)
Giữa sỏi đá/ Bông hoa thiền/ Tỏa hương
(Lục Đình Thìn)
Đâu đó vẫn còn dư âm của cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước trong hai cuộc kháng chiến với những niềm đau trĩu nặng, những giọt nước mắt âm thầm:
Đồng Lộc/ Một Ngã Ba xanh/ Mười bông hồng trắng
(Mộng Hòa)
Tượng đài nghiêm trang/ Dòng máu đỏ/ Trang sử
vàng
(HoàiThu)
Hai người mẹ/ Đi qua cuộc chiến tranh/ Cùng cúi đầu
lặng lẽ
(Lương Thị Đậm)
Có sự xót xa trước cuộc chiến tranh mang tính toàn cầu và thầm mong ngọn lửa đau thương đó không còn nữa để thế giới có một cuộc sống tươi đẹp hơn:
Nước mắt nhân loại/ Tưới không tắt/ Ngọn lửa
(Kiều Lam)
Một sự cảm thụ âm nhạc rất tinh tế từ 7 thanh đá kết thành đàn ở miền núi Khánh Sơn anh hùng, một căn cứ địa cách mạng tỉnh Khánh Hòa qua 3 dòng haiku của Vũ Phượng:
Tính tính… tang/ Giọt đàn/ Rơi trên phiến đá.
Haiku vốn là thể thơ mang nét thiền, cơ bản vẫn là giản đạm, bi cảm và tịch tĩnh nhưng vẫn ẩn chứa những nét rất đời thường, rất thực mà thanh thoát, trong sáng, không vướng vào sự dung tục:
Sóng vờn/ Hồng đảo nhấp nhô/ Ven bờ
(Lê Vũ)
Người đẹp vén váy lội/ Suối bỗng trong hơn/ Chen
nhau, cá ngóc đầu
(Nguyễn Tiến Liêu)
Trăng buông dải lụa/ Gió níu mây/ Hổn hển
(Lục Đình Thìn)
Da mây trời/ Ngực xuân tươi/ Biển chiều lặng sóng
(Thạch Lựu)
Và đây, những phiến haiku đầy tính triết lý và nhân văn:
Hận thù ra đi/ Bao dung ở lại/ Nụ cười
( Lê Vũ)
Biết nuốt nước mắt/ Nở nụ cười/ Hạnh phúc
(Kiều Lam)
Và một ánh nhìn thánh thiện từ Thanh Trí khi đứng trước một hình tượng đẹp:
Đẹp/ Tỏa ngát/ Từ tâm hồn
Ai xa Nha Trang đều luôn đau đáu về một xứ Trầm Hương thơ mộng, với biển xanh ngày đêm sóng vỗ, với những con tàu khơi xa và với hàng thông rì rào gọi gió, những kỷ niệm đã một thời và mãi mãi:
Haiku xứ Trầm hương/ Sắc hoa anh đào/ Đồng điệu
(Trần Chiến)
Huyền ảo nước mây/ Vòng cung tình ôm biển/ Sóng
chiều ngất ngây
(Hương Đài)
Vịnh biển Nha Trang/ Hàng thùy dương dõi mắt/
Thầm thì lời của biển
(Kim Loan)
Haiku là thể thơ thiền độc đáo, giàu tính trí tuệ và tinh thần nhân văn. Thể thơ ngắn nhất thế giới này (3 câu, tối đa 17 âm tiết) được coi là tinh hoa của thơ ca và văn học Nhật Bản – nền văn học tôn thờ thiên nhiên và cái đẹp. Hiện nay, thơ haiku đã trở thành thể thơ quốc tế, được yêu chuộng trên thế giới, được nhiều nước đón nhận và sáng tác bằng chính ngôn ngữ của nước mình. Trong đó có Việt Nam. Chúng tôi cũng rất cố gắng để hoàn thành tập thơ Haiku 3 này, xin được giới thiệu cùng quý khách, quý thi hữu
Lương Thị Đậm