Đôi lời tâm sự về đăng bài trên trang web haikuviet.com

alt

alt

Thưa các bạn đọc thân mến,

Sau hơn một năm phục vụ bạn đọc xa gần,đến nay trang website: haikuviet.com của Haikư Việt-Hà Nội nhờ các bạn quan tâm ưu ái ,số truy cập đã vượt 18 vạn lần.Ban biên tập xin chân thành đa tạ .Trong các mục phong phú đã được vinh dự trình bày,thơ nước ngoài góp phần đáng kể với hàng ngàn bài, từ Haikư cổ điển Nhật Bản Thế kỷ17 đến Haikư tự do,Haikư hiện đại…của hàng trăm tác giả Ấn Độ,Slovenia,Ukraina, Bồ Đào Nha,Tây ban Nha,Nhật Bản,Đức,Italia,Mỹ,Marocco,Australia,New Zealand,Colombia,Nội,Ngoại Mông Cổ,Đài Loan…Đã giới thiệu ưu tiên hàng nghìn tác phẩm thuộc nhiều xu hướng chọn lọc của vài trăm Haijin từ 48 quốc gia thành viên Hiệp Hội Haikư Thế Giới (WHA)và đặc biệt của Ban’ya Natsuishi-Chủ tịch tổ chức này,người đã có gần 100 đầu sách Haikư ,được tôn vinh là “Basho của thời đại mới.”Các dịch giả thơ Haikư thế giới trong ban Biên tập như Trần Hữu Hiển,Đinh Trần Phương,Lê Văn Truyền,Nghiêm Xuân Đức ,Lê Thị Bình (tiếng Nhật)và người viết bài này đã nhiều công sức sưu tầm hàng chục năm nay,hiện đã có một thư viện nhỏ, nghiền ngẫm nghiêm túc thành phẩm dịch của mình,tuy nhiên vẫn chưa hài lòng về độ chuẩn xác-ngay từ các tư liệu gốc tiếng Nhật,tiếng Anh,tiếng Pháp (2 tiếng này là chủ yếu). Dịch xưa nay vốn được coi là cực khó,khó đến mức ở Pháp ngôn ngữ phong phú là thế đã phải kết luận “Traduire-c’est trahir!” Dịch-là phản.Hơn thế nữa,dịch Thơ Haikư từ ngôn ngữ Nhật vốn được kết luận là mờ ảo nhất, đa màu sắc, đa nghĩa khó dịch nhất-đến mức các dịch giả tài danh nhất thế giới từ lâu đã phải mặc nhiên công nhận” Tiếng Nhật quả là thứ ngôn ngữ khó dịch nhất thế giớiđến mức không thể nào dịch nổi” .Nếu tìm được những bản dịch hiếm hoi của vài dịch giả Nhật Bản tự dịch Haikư của 4 Đại sư ra tiếng Anh thì quả là may mắn.Nhưng vẫn chỉ được vài trăm bài, không thỏa mãn được yêu cầu cao gấp bội.Trong nước, chưa xuất bản những bản dịch Haikư công phu từ tiếng Nhật của các dịch giả thơ có uy tín như Nhật Chiêu- mà thường chỉ là trích dẫn,nếu có thì phần lớn mới dừng lại ở mức dịch văn xuôi theo các bản không phải do người Nhật dịch nên khó tránh thiếu chuẩn xác- dù tương đối..

Xin thưa ,đó chính là tâm tư đè nặng và khó khăn của chúng tôi trong ban Biên tập.Vì chưa thể có trên tay những bản dịch xuất xứ từ các dịch giả Nhật để đảm bảo độ chính xác cần thiết ,hoặc có những bản dịch tốt từ chính tiếng Nhật trong nước –trong khi chờ đợi,chúng tôi đành bằng lòng với những bản dịch công phu của đội ngũ dịch giả tầm cỡ quốc tế như Roger Munier,Joan Titus-Carmel,Corinne Arlan,Zeno Bianu,René Scheffert,Hervé Collet,Takofumi Saito,William R Nelson…của các nhà xuất bản lớn như Moundarren,Verdier,Gallimard,Fayard, Universe,Library of Congress… (Pháp, Anh,Mỹ…) qua tiếng Anh,tiếng Pháp.Trong tình trạng trên,sơ suất chuyển ngữ-chưa tính đến chất thơ -còn khó gấp bội,quả khó lòng tránh khỏi.Chúng tôi chân thành cảm ơn bạn đọc đã rộng lòng thông cảm,bỏ qua những khiếm khuyết khó tránh thời gian qua dẫu đã cố gắng kiên trì. Mọi thông tin về các bản dịch tốt –kể cả đơn lẻ trong nước và nước ngoài sẽ được hoan nghênh đón nhận.

Ban biên tập rất mong được ân cần chỉ bảo những sơ suất, nhầm lẫn lớn nhỏ của chúng tôi trong quá trình phục vụ của quý vị thức giả đàn anh.

Trân trọng,

Hà Nội, ngày 14/6/2018 (Ngày khai mạc World Cúp 2018)

Trưởng ban Biên tập Website haikuviet.com

Chủ tịch CIB Haikư Việt- Hà Nội

Thành viên HHHTG (WHA)

Đinh Nhật Hạnh

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt