Đinh Trần Phương với “Giấc mơ của bàn tay- Lê Đăng Hoan

Lâu lắm rồi mới thấy TS. Đinh Trần Phương gửi tặng tập thơ Haiku mới, mà đúng ra đây không chỉ là thơ Haiku mà 100 trang sách ở phần sau là các bài giới thiệu một số tác giả là “Họa sư chuyên tranh Phù thế”, là tác giả bức tranh “Tự họa lúc già”vv, rồi lại nói về sự liên quan giữa bức tranh”Tròn, tam giác vuông” đến thơ haiku, đến khái niệm “thiên –nhân- địa” của người Nhật. Phần  tiểu luận, tác giả đi sâu vào phần bình luận về một sơ thơ Haiku, nói về nhịp điệu, tính Thiền thơ Haiku v.v.

Nói thật khi đọc xong  “Haiku và hội họa” ,  phần sau của tác phẩm này, đầu tôi cứ lọan cả lên. Tại sao một tác giả trẻ tuổi, một tiến sĩ  toán học lại nghiên cứu sâu sắc và có lập luận tự tin như vậy về cái gọi là “Tư tưởng Phật giáo”, tính “Thiền” trong các bức tranh của người  Nhật Bản xa xưa!

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn đề cập đến một vài cảm nhận ban đầu về những bài thơ Haiku trong hơn một trăm trang tho Haiku đã làm cho tôi nhiều điều quá mới lạ.

Phần 1 “Tưởng tượng”,  là phần tác giả đưa những nhân vật rất đời thường như “trẻ nhỏ”, “cô bé”  các con vật như  “ con nhện”,  “cánh bướm”, “mắt bướm”, “mắt chim câu”, “chim sâu”,  “chú chuồn”, “con gián”,” tiếng ve” “bầy sẻ”,  “diều giấy, “hươu sao”, “vỏ ốc”, “con muỗi”, “mèo khoang”, “con hạc”,.. tất tần tật, những con vật nhỏ bé quanh ta, thêm vào hình ảnh những “cậu bé”, “bé gái” cùng với các cảnh vật “phố đông”, “hàng cây”, “ngọn gió”, “ngàn bông hoa”, “cỏ hạ, “mây xa”, “biển xanh ..quẫy song”, vầng trăng” “đất trắng”, màn đêm”, …

Tất cả động vật và cảnh vật đó tập hợp lại thành một bao la “tưởng tượng” của tác giả mà ai hiểu thế nào cũng được, mà ai không đoán được tác giả đang nghĩ gì, tưởng tượng những gì thì cũng mặc! Đó là Haiku “mờ” của Đinh Trần Phương.

Phần 2 “Rung động” có vẻ dễ nắm bắt hơn khi ta biết tác giả “rung động” trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của “những đám mây trôi”, “Trốn giữa trời xanh/ đỉnh non căng dậy/ mây trắng bập bềnh”, của những “đóa hồng”, “vườn xuân gió đầy”, “ba cội hoa đào”” tiếng chim hót” trong lồng,  “mưa xuân”, “lá rơi”, “chung tiếng mèo khan”, và đặc biệt đỉnh núi Fuji đưa đến cho tác giả nhiều “rung đông” nhất. Một “ánh mặt trời đỏ”, , “đêm giông”, “dáng người ngư phủ”, “sóng lớn”… đều đưa tác giả đến với núi Fuji , một “Thiên cảnh “ của Nhật Bản.

Phần 2 cón nhiều cảm xúc rung động về cảnh đời và cuộc đời nữa, như cảnh “ chặt cây” và “tiếng hót” của chim , “xác muỗi” và “ nỗi buồn”, “ kẻ không nhà” và “bóng trăng” “”ni sư” và “con sóng”,  “mảnh cốc vỡ” và “làn môi”…Những hình tượng cho người đọc nhiều cảm xúc và “rung động” cung tác giả.

Đến phần 3 “ Im lặng”, thì Đinh Trần Phương hóa Hai ku của anh thành những bài “thiền”. Đọc cứ thấy thấp thoáng đâu đây cái “có có” “không không”. Hình ảnh,  con chim trú mưa trên cành thông, một thoáng rồi bay đi, để trơ  lại cành thông cùng những giọt mưa rơi, hay cảnh tượng những ngôi đình không người, lặng lẽ, một con chim sẻ bay vào như lạc vào hư không. Cũng theo cách đó, bài thơ cuối cùng, xem như bài kết của phần 3 này “ Ông già cúi nhặt/một điều gì đó/ như là hư không.”, đúng là tư tưởng của một nhà thơ Haiku THIỀN- ĐINH TRẦN PHƯƠNG.

L.Đ.H

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt