
Cầm tập thơ trên tay tôi thấy bất ngờ và phấn khởi về sự phát triển nhanh chóng của CLB thơ Haiku Việt Hà Nội. Với trên 120 trang sách, gần 470 bài của trên 60 tác giả là hội viên và cộng tác viên với 3 thứ tiếng Việt – Nhật – và Anh ngữ, do NXB văn học ấn hành cuối nắm 2019, đây thực sự là một tác phẩm văn học có giá trị về cả 3 phương diện: Chân – Thiện – Mỹ.
Chữ trong sách
chảy tràn
đèn bút cạn
(Lại Duy Bến)
Như nhà thơ Nhật Chiêu đã nói, thơ Haiku vẫn đang còn non tơ, tầm xuân nhưng đã ấm nồng say đắm năng. Đó là sự hấp dẫn cuốn hút của cái non tơ đang ở tuổi dậy thì, có sức lan tỏa, lay động tâm hồn Việt bằng tiếng nói Việt.
Tôi đồng tình với nhà thơ Nhật Bản Ban’ya Natsuishi
Một khúc Haiku
Như đồng tiền vàng
Nhặt từ bùn lên
Đúng thế ngót 470 bài thơ là ngót 470 đồng tiền vàng lấp lánh trước mắt chúng ta – tất cả, tất cả đề thể hiện tâm hồn Việt, tình cảm, tình yêu lẽ sống của người Việt.
Ngõ quê xưa
lắt lẻo chìa vôi
trượt dài đường bê tông
(Nguyễn Kỳ Anh)
Tác giả Nguyễn Kỳ Anh đã nói hộ chúng ta cái tâm trạng bâng khuâng nuối tiếc cảnh quê xưa, cái mà ta thường gọi là hồn quê “Lắt lẻo chìa vôi” nhân chúng sống của miền quê thanh bình đã gắn bao kỷ niệm của thời ấu thơ nay đã thành ký ức. Thay vào đó là đường bê tông kho cứng, vô cảm, và tác giả đã hạ một từ thật đắt “trượt dài”. Tại sao lại “trượt dài”, trả lời cho đầy đủ mọi khía cạnh cũng phải mất vài ba trang giấy.
Cùng chung tâm sự đó các tác giả Ngọc Căn, Vũ Tam Huề, Hồ Hoàng Hoa có phần cụ thể hơn:
– Tòa nhà mới xây xong
ta mất một chân trời
thăm thẳm
– Khoảng trời cao ốc
lung linh ánh điện
nhạt nhòa trời sao
– Gợn sóng Tây Hồ
nhấp nhô cao tốc
khuất cả ráng chiều
“Ráng chiều”, “Trời sao”, “Trời chiều thăm thẳm” là sự day dứt của những hồn thơ yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp một cách chính đáng và đáng trân trọng. Phải chăng đó tâm sự chung của những tâm hồn hoài cổ, xuất hiện rất nhiều trong tập thơ với những góc nhìn khác nhau
– Làng lên phố
ai nhớ
trăng quê
Trong cái bề bọn của cuộc sống ấy ta bắt gặp một hồn thơ rất trẻ mà tuổi đời đã U100 Đinh Nhật Hạnh
Một tiếng ve
rụt rè
vào hạ
Tiếng ve hay tiếng người con gái non tơ, dậy thì, e ấp ngập ngừng bước vào đời, cái rụt rè ở thời khắc vào hạ sao mà trong trẻo, e ấp đáng yêu đến vậy. Chỉ một tiếng ve nhưng không cảm thấy lẻ loi, lạc điệu mà báo hiệu sự khởi đầu của một mùa hè nồng cháy đầy sắc và ngát hương đời.
Cùng với tiếng ve ấy, khi cúc nở rộ giữa hè, tác giả Nghiêm Xuân Đức lại giật mình khi nhận ra rằng “Không có mùa thu trước”:
Cúc nở rộ giữa hè
trong tiếng ve
không có mùa thu trước.
Nghe tiêng ve mà biết được “không có mùa thu trước”, quả thật tài tình, một phát hiện bất ngờ mới lạ nhưng đã thành chân lý, thời gian không trở lại, phải chăng đó là cái cần có ở thơ nói chung và Haiku nói riêng.
Nhớ về những mùa thu trước nhiều tác giả nhớ về người mẹ kính yêu
Dây trầu không nhà mình
từ ngày mẹ mất
bò ra ngoài tường
(Ngọc Căn)
Dây trầu không leo ra ngoài tường tìm mẹ quả là một tứ thơ hay – tác giả mượn dây trầu không để nói hộ nỗi lòng minh nghe thật xót xa.
hoặc là: Núi tím biếc
chấm trắng lớn dần
thân cò về muộn (Lê Khắc Huy)
Hình bóng người mẹ tảo tần cũng thường xuất hiện nhiều trong thơ tình truyền thống Việt Nam.
“12 năm ấy” còn nhiều bài tả cảnh trữ tình mà khi đọc xong ta thấy ngỡ ngàng thú vị, ngọt lịm như ăn được món ngon.
– Ruộng xanh
thang ai bắc
lúa lên trời
(Mộng Hòa)
– Lá xào xạc
bên thềm
trăng rơi
(An Hải)
– Lơ lửng cánh diều
đàn trâu đủng đỉnh
thả chiều vào tranh
(Lương Thị Đậm)
– Hoàng hôn
bến vắng
trăng soi
(Hồ Phương)
– Cánh đồng
lưng ong thánh thót
giọt mồ hôi trổ đòng
(Si Tâm)
– Mưa ngừng lặng
ngàn mặt trăng
trên lá
(Mai Liên)
Quả là tình trong cảnh, cảnh trong tình những bức tranh lung linh gây ấn tượng mạnh
Cảm ơn những tâm hồn, những họa sĩ tài ba góp phần làm cho cuốn sách đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Phải chăng thơ Haiku có độ nén cao, nén càng chặt thơ càng hay, bởi vậy mà các thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng triệt để như ẩn dụ, ví von, so sánh, nhân hóa… Do đó ý không nằm trong câu chữ, mà ý nằm ngoài lời ta thường gọi là “ý tại ngôn ngoại” – ý càng nằm ngoài lời thơ càng hay.
– Gió đông
lúa nghẹn đòng
người buốt
(Nguyễn Thị Kim)
– Trên xe buýt
đám đông cô đơn
dán mắt vào điện thoại
(Lê Văn Truyền)
– Những con thuyền nhỏ
trôi nổi biển khơi
sóng sánh đời người
(Lê Đăng Hoan)
– Hai người quét rác
tạm biệt nhau
ngày mới bắt đầu
(Nguyễn Hoàng Lâm)
– Hai bàn tay
ấp lên ngực
giọt sữa đâu đời
(Trần Chiến)
– Trời mưa
Năm, sáu người
trong giọt nước
(Mai Văn Phấn)
ở đây ta bắt gặp mọt Lý Viễn Giao sâu sắc mà tinh tế, cảnh báo cho những ai ham của lạ, thích chốn trăng hoa
– Cánh mỏng bờ môi
lá dài khóe mắt
con đường gai sắc
Theo tôi đây là một trong những bài hay nhất cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, chỉ biết đọc và cảm nhận, mọi lời bình đều trở nên bất lực.
Vậy là, chẳng biết tự bao giờ, tôi đã đem lòng yêu Haiku, say Haiku, hay nói cách khác Haiku đã mê hoặc tôi, bỏ bùa tôi.
Như bộ ngực trần phong tỏa hồn tôi, mà nhà thơ Nhật Bản Sayami Kamakura đã nói hộ:
Với bộ ngực trần
em đang phong tỏa
làn gió xuân anh
Hà Nội tháng 6/2020
Hoàng Ngọc Khôi