Cảm nhận ban đầu về tuyển tập “Sữa màu ngọc Lam” (Turquoise Milk)- Đinh Nhật Hạnh

alt

1. Sơ lược thân thế và sự nghiệp tác giả Ban’ya Natsuishi

alt

Masayuki Inui, bút danh là Ban’ya Natsuishi, sinh năm 1955 tại thành phố Aioi, tỉnh Hyogo, Nhật Bản –tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1981, Giáo sư trường Đại học Meiji, giảng viên trường Đại học Jiling (Trung Quốc). Từ 1992, tích cực hoạt động quảng bá và phát triển thơ Haikư Nhật Bản trên thế giới. Chủ trì và tổ chức nhiều hội thảo về Haikư ở Đức, Ý, Pháp, Nhật… Từ năm 1998, xuất bản Tập san thường niên Ginzu (Ngâm Du) phạm vi thế giới. Năm 2000, sáng lập Hiệp hội Haikư thế giới WHA (World Haiku Association) tại Slovenia, và là chủ tịch WHA từ đó đến nay. Ban’ya đã có 6 giải thưởng về Haikư cả trong và ngoài nước (1980-81-84, 1991-2002-2008), đã xuất bản 57 đầu sách về Haikư (32 cuốn bằng tiếng Nhật, 25 cuốn bằng các ngoại ngữ khác). Tác phẩm mới nhất có tựa đề “Turquoise Milk” (Sữa Màu Ngọc Lam) do ông tự dịch ra tiếng Anh, tuyển lựa 500 bài Haikư từ 14 tập thơ sáng tác trong 29 năm (1981-2010).

Tên tuổi và sự nghiệp lừng lẫy về thơ Haikư của ông gắn liền với hoạt động và cộng tác của bà Kamakura Sayumi – vợ ông, nguyên là giáo viên tiểu học. Bà cũng là một nữ haijin nổi tiếng ở Nhật Bản, sáng tác từ 1984, hiện cùng ông điều hành và quản lý WHA.

2. “Haikư Việt! Xin chào!”

Rằm Nguyên Tiêu 2012, Văn Miếu rợp cờ hoa. Các quán thơ CLB Thủ Đô sẵn sàng đón khách văn chương vào thưởng lãm. Mưa xuân lất phất, tô thắm cành đào, nhưng đủ làm sũng nền cỏ mịn. Quán Haikư Việt – Hà Nội lần đầu dự hội, vốn neo người ít của, đang bày biện vội vàng cho kịp giờ khai mạc, nào xếp bàn ghế, treo liễn thư pháp, nào rải khăn bàn, rải sách… 7 giờ 30′, mưa vẫn nặng hạt gieo nỗi lo vắng khách và ướt đồ đoàn, bỗng có vị khách đầu tiên bước vào, tách khỏi đoàn đại biểu quốc tế dự Liên hoan Thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần đầu tiên mà Việt Nam ta có vinh dự tổ chức. Vị khách trạc tuổi 50, tầm thước, mái tóc xanh đen, ăn vận giản dị không com-lê cà-vạt trịnh trọng như các thượng khách khác trong đoàn. Ông nhìn lên pa-nô “Haikư Việt” và vui vẻ bước vào làm quen: “Haiku? Việt Nam? – Me, Haiku, Japan”. Ôi! Thật bất ngờ và lí thú! Vị khách đầu tiên của chúng tôi, trong buổi tham gia Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X, ai ngờ chính là ông Ban’ya Natsuishi – Chủ tịch WHA, quán quân của nền Haikư thế giới lừng danh năm châu lục. Qua lời phiên dịch lưu loát của chị Lê Thị Bình và trao đổi thuận lợi qua tiếng Anh, tiếng Pháp, cuộc giao lưu Haikư lịch sử này đã kéo dài tận xế chiều, quên cả bữa trưa. Cùng tiếp khách có nhà thơ Vương Trọng, TS. Lê Đăng Hoan, TS. Mai Liên, TS. Đinh Trần Phương… Nhiều bức ảnh đẹp lưu lại chân dung và nụ cười hiền hậu của ông khi giao lưu cùng công chúng yêu thơ. Ông rất niềm nở, tận tình nói về Haikư Nhật Bản, Haikư thế giới; đề nghị chị Bình dịch thơ Haikư Việt của mấy chục hội viên ra tiếng Nhật, kèm giọng đọc của các tác giả bằng bản ngữ, tay gõ nhịp thưởng thức. Chủ khách lưu luyến chia tay chẳng muốn rời và hẹn thêm một buổi trò chuyện thứ hai ngay hôm sau tại văn phòng của TS. Hồ Hoàng Hoa, số 1 Liễu Giai, tận dụng tối đa thời gian vốn hạn hẹp ở đất nước mến khách này. 14 giờ, không nỡ dứt, nhiệt tình của CLB đã khiến vị Chủ tịch trẻ lưu luyến, giao lưu quên đã xế chiều mà đêm đó phải lên máy bay về nước. Chị Lê Thị Bình, chị Đỗ Tuyết Loan, ông Nguyễn Duy Quý và tôi – tác giả bài viết này hân hoan dự với khách quý một chầu lẩu nhỏ tại một quán đặc sản nổi tiếng phố cổ, sau đó, ông Quý đã tháp tùng, hướng dẫn ông Ban’ya tham quan Hồ Gươm, phố cổ và các danh thắng khác tận chập tối mới chia tay.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X tại Văn Miếu đã tạo dịp có một không hai cho Haikư chính thức nhập Việt. Vị Chủ tịch trẻ trung, năng nổ và tài hoa sau đó đã kết nạp 20 haijin Việt Nam đầu tiên. Sách báo, tài liệu về Haikư quốc tế đã được cung cấp đều đặn, tạo điều kiện nghiên cứu, học hỏi Haikư trên diện rộng cho CLB Haikư Việt – Hà Nội non trẻ, mở đường cho nền Haikư Việt chính thức bước ra thế giới Haikư đã tỏa hương trên hàng trăm quốc gia với hàng triệu người sáng tác.

3. Cảm nhận ban đầu về thơ Ban’ya Natsuishi qua tuyển tập Haikư “Sữa Màu Ngọc Lam”

Tuyển tập gồm 500 bài, chọn từ 14 tập thơ: Con sông gầm gào, Nhật ký đi săn, Métro politique, Nhịp điệu của rỗng không, Những làn sóng vui, Ngẫu hứng các vị thần, Giáo Hoàng bay

Đọc Ban’ya quả là thú vị – 500 bài tập hợp tinh túy của 29 năm cầm bút tạo thành một dòng thơ đằm thắm, khi ngọt ngào, khi cay đắng, trôi lấp lánh từ cõi thiên hà xa xôi, qua ngôi sao Bắc Cực, xuống vầng trăng, vào khoảng trời vần vũ rồi yên ắng trong xanh, trở về mặt đất chu du khắp địa cầu. Tác giả đã dẫn ta đi thưởng thức món mộc tồn Hà Nội, món vó thủ cừu Bắc Phi, dự Tháng ăn chay Ramadan Hồi giáo, theo các chư thần tháng 10 đi phó hội ở đền Izumi rồi cùng Giáo Hoàng bay trong suốt 99 bài Haikư khác lạ.

Bao la những xứ sở dưới cánh thơ diệu kỳ. Bao la những cảm xúc vui buồn, trăn trở của nhân sinh đa dạng, đa sắc ẩn hiện trong từng tứ thơ kỳ lạ của mỗi bài. Đọc xong, vất vả từng phần, không phải ngấu nghiến thoải mái mà trăn trở đăm chiêu về chiều sâu, về những gì ngoài bài thơ mông lung, vời vợi như cố giải mã những thông điệp sâu xa mà tác giả đã ký thác vào từng câu, từng chữ. Ta bỗng thấy ngợp, choáng váng, mệt nhọc rồi vụt tỉnh khi tự mình ngẫm ra những khía cạnh đồng tình, cảm thông với tác giả đã cởi mở tâm tư một cách riêng, hoàn toàn riêng và mới lạ chưa từng thấy ở bất cứ haijin nào.

Đây là loại thơ hiện đại của xu thế cách tân Haikư mạnh mẽ nhất kể từ thời còn cụ Basho đến nay. Tỷ như Yasui Okada cho Basho là quá cách tân, ngược lại Kikaku Enomoto lại cho là bảo thủ. Về sau, còn có Seisensu Ogiwara, Taneda Santoka, Ozaki Hosai… chủ trương không quý ngữ. Ngoài ra, Ozaki còn chủ trương Haikư có vần điệu, rồi Miyoshi Tatsuki làm Haikư 2 dòng… Nhưng hình như vượt lên các tiền nhân, Ban’ya đã cách tân táo bạo nhất về nội dung, nội hàm – cái cốt lõi mà Haikư thế kỷ XX ngay ở Nhật Bản cũng như trên thế giới đã dấy lên mạnh mẽ và có những thay đổi toàn triệt. Ban’ya đã mạnh dạn đưa bản thể, nhân sinh, thế tục và mạch sống xã hội vào thơ mình. Ông không hề do dự khi tỏ rõ nhận thức về chính trị, tôn giáo, về đất nước mình cũng như bản thân đau ốm không e dè, tránh né. Nhìn chung, ông vẫn giữ quý ngữ bằng hoa, trăng sao, phù du, ve, bướm, chuồn chuồn, bọ chét… vẫn bàng bạc, phất phơ trong thơ nhưng đó chỉ là mượn cảnh mà gieo những ý hình, cảm xúc nhân văn cao rộng, những bức xúc thời đại vĩ mô mà ít, rất ít nhà thơ dám viết hoặc chưa đến độ chín mà diễn đạt như ông.

Cũng xin phép nói lên một nhận xét ban đầu có thể chưa đúng: nhiều người bảo thơ Haikư của ông khác xa, quá xa thể haikư truyền thống lưu hành mấy thế kỷ qua, đa phần khó hiểu, khó đoán được chủ ý của tác giả và do vậy chưa thích vì vốn đã quá quen với những tuyệt tác của Basho, Buson, Issa giàu thiên nhiên, đượm vị thiền, trang nhã, không dung tục trần trụi, tránh đề đạt bản thể. Tuy nhiên, mọi người vẫn cảm phục và ca ngợi ông như một quán quân Haikư thế giới về tầm cao tư duy và hoạt động phụng sự hết mình cho dòng thơ này trên toàn thế giới. Phải chăng đây là con đường đang khai phá còn mấp mô đèo dốc mà bánh xe độc giả còn thấy gập ghềnh bỡ ngỡ trước những chân trời mới xa lạ của thơ ông.

Chúng ta, những người yêu và làm thơ Haikư Việt đang chập chững những bước đầu đã vinh dự và may mắn gặp ông trên nền cỏ nhão bùn mưa xuân ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, tự thấy hình như đang đồng hành với ông trên dặm đường thơ Haikư hiện đại – Haikư mở của thế kỷ mới, không chỉ dừng lại ở dòng thơ truyền thống mà bắt nhịp với thời đại mới thênh thang, đổi thay chóng mặt.

Ban’ya Natsuishi – đại tác gia Haikư Nhật Bản, người cách tân lừng danh năm châu, quán quân của nền Haikư thế giới, đang còn trẻ và dồi dào thi lực. Hy vọng sẽ có những dòng Sữa Màu Ngọc Lam mới trong dòng vận động của thời gian.

4. Trích một số bài haikư trong tập “Sữa Màu Ngọc Lam”

1.

Liệu có khúc haikư nào

giống đồng tiền vàng

nhặt từ bùn lên?

3.

Điềm tốt hay xấu?

núi Fuji đổ bóng mình

trong đầm lầy lấp lánh

5.

Dân Nhật

bồng bềnh –

mỗi người là một bóng ma

7.

Không “cách mạng Nhật Bản”

tiếng hô vang dội

làm sóng vỡ òa

9.

Tuyết dù rơi –

xin đừng hóa bụi

bụi đừng hóa tôi!

11.

Lúc thì trống không

khi thì mây phủ

trong tuyến lệ tôi

13.

Đầu óc ta ư?

lỗ hổng này

trong đám mây bông

15.

Cỏ xanh chói nắng

như một thiên thần

tôi xin mổ mắt

17.

Thủy tinh thể mắt tôi

như là quả bom

đã cuối năm rồi!

19.

Tuyết rơi từ bãi xe

mắt phải tôi

thị lực lại hồi sinh!

21.

Những ngôn từ mòn gỉ

một ngọn thông non

Rome

23.

Paris

hộp đêm nhiều vô kể

chỉ thiếu vắng Chúa trời

25.

New York

nỗi khiếp sợ bụi bặm

nhởn nhơ với mặt trời chiều

27.

Ngủ, ngủ đi!

nước rỏ thầm thì

trong động Đăng-tơ

29.

Tôi dự tiệc nhậu

xơi thịt chó, đầu cừu

đêm nổi loạn

31.

Vàng chất đống

như bùn

ở xứ sở của rắn

33.

Không thể thấy

thi hài Mao Trạch Đông

giữa màu hoa đỏ khôn che lấp

35.

Mùa xuân –

một tế bào hình bóng bay

trong một tế bào đồng dạng

37.

Một ‘của quý’ lầy nhầy

cùng một cái khác nữa

đã đẻ ra vàng

39.

Từ một thác nước trên trời

rơi xuống

Giáo hoàng bay

41.

Giáo hoàng bay

thả bóng mình

lên tòa Bạch Ốc

43.

Giáo hoàng bay

xin mưa nước mắt

xuống đất Phù Tang này!

45.

Đang bịt lỗ hổng

của tầng ozone

Giáo hoàng bay

47.

Giáo hoàng đang bay

liệu chiến tranh phải chăng

là con bọ chét nhảy nhót?

49.

Tim ngài ngừng đập

khi Giáo hoàng đang bay

trong bầu trời đỏ rực

51.

Nghĩ về con rắn

đang nuốt con nhái

đang nuốt con rắn

53.

Trên cửa sông

nơi cả bình minh và hoàng hôn không thấy được

tôi gọi “Mẹ ơi!”

55.

Cha chúng ta kia ư?

một tháp đồng hồ

rỗng ruột

57.

Trong chiếc chai

Hai

con tàu Noah

59.

Hoa anh đào rụng

báo chí

nuốt bao nhiêu là máu tươi

61.

Tuyết rơi

đồng hoang

một bộ xương cùng chiếc lưỡi

63.

Dưới sao Bắc Cực

làn hơi này

do kẻ chết tạo thành

2.

Có bài thơ một dòng

vang lên

như máy chém

4.

Nhật Hoàng!

một đám đông đi trên biển

dưới trăng

6.

Ôi cái ẩm thấp

của đất Nhật ướt át này

tôi là nô lệ

8.

Tôi là nước đây –

đừng vẩn trong tôi

dù là hạt bụi

10.

Trăng chạy theo mặt trời

anh chạy theo em

quê hương của gió

12.

Tôi bị tháo dạ

nào dây điện, pháo hoa

cả chim và mây nữa!

14.

Một cơn bão e-mail

tiếp sau trận khủng bố –

mắt phải tôi đầu hàng

16.

Đêm giao thừa

mắt phải tôi

như nhìn qua thác nước

18.

Bong bóng khí

mống mắt tôi sau mổ

như nằm giữa bầy sứa

20.

Cái nhìn đầu tiên –

một màu xanh ca hát

trong giác mạc mắt tôi

22.

Trên cầu Mirabeau

chiều chủ nhật

một chiếc lông chim bay

24.

Trong đường hầm xuyên biển

tim tôi

nổi cơn bão mùa thu

26.

Một máy bay tự sát

tan biến một nhà chọc trời

và một con yểng nữa

28.

Dưới động sâu

Mohamed – nhà tiên tri

đang hát trong lặng im

30.

Thảo luận xong

tiện thể

đóng gói luôn bầu trời

32.

Hát lên nào!

trong đêm, mọi lỗ chân lông

xác ướp mở rộng

34.

Sấm nổ với người này

cầu vồng lại hiện lên

dành cho ngàn kẻ khác

36.

Một vật thể xốp màu xanh

làm cật lực

trên một vật xốp khác màu đỏ

38.

Đặt ngón tay út

đứng thẳngvào trong cái tổ màu đen –

ông ấy già rồi!

40.

Một con lợn lòi đực

vỗ béo từ quê nhà

Giáo hoàng bay

42.

Giáo hoàng bay

đóng băng ngay

trên Thiên An Môn

44.

Sóng thần Tsunami

quật ngã một bà già đang ngủ say

Giáo hoàng bay

46.

Với Giáo hoàng bay

Quả đất

là giọt nước mắt khổng lồ

48.

Giáo hoàng bay

bạn chí thân là bạch tuộc

biển sâu

50.

Tay cầm bức thư

rất dài

Giáo hoàng bay

52.

Một con sếu trong mây

trái tim tôi

là kinh tuyến địa cầu

54.

Sau nhà

có lùm cây mọc lên

từ chiếc răng vứt bừa

56.

Tên hắn là “Không bao giờ”

mặt biến thành gương soi

ngày qua tháng lại

58.

Hẳn là buồn rồi!

bức tranh Niết Bàn

vẽ bởi niềm đau

60.

Dự phần ba hoa

với lũ phù du

bằng đôi cánh mỏng

62.

Con chuồn chuồn đỏ

bên áo kimono

sinh ra hòn đá

64.

Haikư tôi –

một cây bá hương nhỏ

trồng 999 năm rồi

Trích tuyển tập Turquoise Milk – 500 bài haikư của Ban’ya Natsuishi

(Nxb Red Moon Press. Winchester VA.)

Bản dịch của Đinh Nhật Hạnh

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt