Bài phát biểu của Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh trong lễ trao giải cuộc thi Thơ Haiku Việt lần thứ nhất- Hải Phòng 2017

alt

Kính thưa quý vị đại biểu, các nhà thơ Đất Cảng, các nhà thơ đến từ nhiều miền trong niềm đam mê chung thể thơ ngắn nhất Thế giới- Haiku.

alt

Hôm nay được vinh dự phát biểu lần thứ 2 tại hội trường trang trọng này, trước hết tôi xin gửi đến các quý vị lãnh đạo Thành phố, ban Tổ chức cuộc thi Haiku Việt lần thứ nhất ở Hải Phòng, Ban Giám đốc Cung Văn hóa LĐHN Việt Tiệp và các vị quan khách,các nhà thơ thay mặt cho hàng trăm bạn thơ từ mọi miền đã nhiệt liệt tham gia cuộc thi có quy mô đáng trân trọng này lời chúc sức khỏe, thành đạt và lời cảm ơn chân thành của Ban Giám khảo Cuộc Thi HKV lần thứ nhất có qui mô khá lớn và của đại diện CLB Haiku Việt đang được vinh dự phát biểu với quý vị tại hội trường ấm cúng này.

Thơ Haiku xuất xứ từ Nhật Bản, thế kỷ thứ XVII do Cụ Basho đề xuất và định danh cuối thế kỷ 19 do Shiki. Hiện có 6 tổ chức quốc tế và Nhật Bản cùng hàng trăm nước hưởng ứng tham gia. HKV đã sớm hội nhập Hiệp Hội HK Thế giới (WHA) từ 2012, dự Đại Hội HKTG của tổ chức này năm 2015. Chuyên viên tiếng Nhật, PCT Haiku Việt Lê Thị Bình đang hiện diện tại đây đã được mời dự. Hiện HKV đã có 24 hội viên Hiệp Hội Haiku Quốc tế WHA. Hiện HKV đã có nhiều Hội viên ở Hà Nội, Hải Phòng, Tp HCM, Tp Nha Trang, Đà Lạt, Hải Dương, Ninh Bình… và nhiều bạn tiềm năng khác.

Ý nghĩa và tầm vóc của Cuộc Thi HKV lần thứ I ở Hải Phòng là một sự kiện mới, quan trọng đối với địa phương và cả với tiền đồ tươi sáng của nền  thơ HKV non trẻ. Theo số liệu thống kê đã có 3.500 bài của 250 tác giả từ 35 vùng miền tham dự. Quả là một con số đáng mừng, đồng thời lại là mối lo choáng ngợp của ban tổ chức, nhất là ban giám khảo. Chúng tôi đã nhận thức được tầm mức quan trọng và trách nhiệm nặng nề này trước trí tuệ và tài năng thể hiện trong từng bài dự thi. Thông thường các cuộc thi quốc gia và quốc tế đều nêu chủ đề cụ thể, số lượng bài tham gia từ 3 đến 10 câu nên thường dễ lựa chọn, cân nhắc hơn nhưng đây là lần đầu, nên Ban tổ chức có nhã ý mở rộng tạo điều kiện cho các nhà thơ giới thiệu những sáng tác của mình và qua đó tập hợp được đông đảo nhà thơ mọi miền tham dự, trắc nghiệm được sở nguyện và sở trường xu hướng sáng tác của các miền, vùng. Tiêu chí chấm điểm chủ đạo lần này hướng vào tính nhân văn, lòng tin tưởng vào cuộc sống ngày càng đi lên của xã hội ta, tôn trọng quá khứ anh hùng của một đất nước không ngừng vươn lên tương lai tốt đẹp; Tiếp đó là đánh giá cao kỹ thuật thể hiện. Tất nhiên với khối lượng quá lớn mà thời gian eo hẹp nên khó tránh khỏi một số vấn đề nẩy sinh về đồng nhất tiêu chuẩn. Chúng tôi thống nhất phương pháp chấm độc lập, tự xác định là thẩm quyền quyết định thuộc về ban tổ chức.

Trọng trách của Ban giám khảo chỉ là cố vấn về kỹ thuật. Thẩm định một bài thơ trữ tình đã là khó tuy vậy còn dễ đồng thuận, nhưng là Haiku chỉ một câu 5, 10 từ thì lại càng khó gấp bội. Xin minh chứng một bài được giải nhất cuộc thi HK Quốc tế của HHHK TG (WHA) năm 2015. Bài giải nhất của Kinjo ABE (NB): Một ngón tay trắng muốt/ đang giết chết một người/ chiếc Smartphone. Giả dụ như thi ở Việt Nam, phần chắc là khó đạt- mặc dù mới lạ và hay. Cuộc thi hoành tráng lần này ở Hải Phòng với 3.500 bài đủ lứa tuổi; trẻ nhất là có 2 nữ học sinh 15t, có nhiều vị đã là khôi nguyên, hoặc đoạt các giải trong nhiều cuộc thi trong nước- kể cả nước ngoài, thì lại càng khó tuyển chọn biết mấy. Một tháng miệt mài, toàn tâm toàn ý dù cổ gắng tập trung, chắc không tránh khỏi khiếm khuyết mặt này mặt nọ, rất mong được thông cảm và lượng thứ.

Không hẹn mà rất ít có tác phẩm áp dụng cấu trúc cổ điển 5/7/5. Tự do, không nhất thiết phải có quý ngữ. Tuân thủ một câu chia 3 dòng, không có đầu đề. Nội dung “Mở”. Có bài chỉ vỏn vẹn 4 từ như: Nắng/ để lại/ khát (Trần Phương)

Nhìn vào những bài thơ Haiku Việt được giải năm nay, ta rất mừng cho những bước tiến bộ vượt bậc trong thể thơ cực ngắn hiện nay. Nó khẳng định được độ vững chãi cả nội dung lẫn hình thức mà chúng ta đã dày công tìm tòi, nghiên cứu cho thể thơ có tuổi đời rất trẻ này. Haijin Lê Đình Công một người từng hoạt động lâu năm trong ngành Y, đã qua những ngày gian khổ ở Vĩnh Linh, hàng ngày hàng giờ đấu tranh vì cuộc sống của bệnh nhân đã viết: Mông lung đêm dài/ chợt vang gà gáy/ Ô kìa, ban mai! Thưa đây đâu phải giản đơn là cảm xúc của người thức đêm mỏi mệt chờ một tiếng gà cất lên gọi mặt trời. Phải coi thán ngữ này bùng nổ hồ hởi, trạng thái vui khó bề kìm nén trước những điều bao lâu ấp ủ đợi chờ. Thì cũng đúng thôi vì mỗi chúng ta, cả dân tộc này đang đứng trước ngồn ngộn những thử thách mới, những hi vọng mới. Tiếng gà vang lảnh lót là ánh sáng ban mai dự báo viễn cảnh tốt lành của chúng ta trước vận hội mới.

Nhà thơ Đỗ Tuyết Loan có cách nhìn đời lạc quan, yêu đời pha vị trào lộng nhẹ nhàng, vẫn mang đậm chất dịu dàng của người nhà giáo. Cứ ảo đấy, cứ mơ mà thật. Con cá đớp mồi mà mồi lại là bóng nước của nụ đào một đêm xuân: Cành đào soi bóng trăng-/ Ngỡ mồi/ con cá đớp. Nhà thơ Lê Văn Truyền lại đưa ta về ngày xưa với dịu dàng kí ức của gió. Gió từ tay Mẹ, gió lại từ chiếc quạt mo: Chiếc quạt mo/ âu yếm tấm thân ta mệt mỏi/ những ngày ấu thơ. Nỗi vất vả thường trực trong tuổi thơ của bao lớp người trước cách mạng tháng 8 đã biểu lộ tấm thân mệt mỏi. Nhưng sự cao quí của những chiếc quạt mo tầm thường ấy đã ẩn dụ cao đến mức nhân lên tầm trân trọng, là cái quạt mo không nhả gió vô hồn, mà âu yếm bao dung bao kiếp đời khổ cực ngày xưa. Nói chuyện người đấy chứ đâu phải chiếc quạt mo. Nhân văn đến độ nhân văn. Chính từ trong hơi gió thân thương ấy của chiếc quạt mo cau của quê hương đất nước đau khổ ngày xưa đã cho ta dáng vóc hôm nay và xây dựng nên đất nước có tầm cỡ hôm nay.

Thời gian qua biển đảo quê hương ta luôn bão bùng sóng gió, những cơn bão hung hãn không ngừng hù dọa làm biển Đông ta liên miên dậy sóng. Nhà thơ Thúy Vinh đã viết: Biển Đông/ vọng sóng dồi/ bài ca giữ đảo. Nhà thơ Sơn Thủy luôn lạc quan tin tưởng bước đi lên của thành phố Hoa phượng đỏ, bỗng thấy chiếc cầu cong, niềm tự hào đêm đêm lộng lẫy ánh đèn soi sáng lòng tin và phấn khởi- thấy chiếc cầu uốn cong như bệ phóng những con tàu vượt đại dương mang tới muôn phương sản phẩm và hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt nam kiên cường: Năm mới cầu uốn cong/ Hải Phòng đang chuyển mình cất cánh/ cơ hội vươn biển khơi. Thật thú vị khi chưa hề gặp nhau, bất ngờ nghe tiếng gà của hai nhà thơ Lê Đình Công và Nguyễn Cảnh Ân đồng vọng cùng báo sáng, tấu nên tiếng gọi của chân lý sáng ngời. Đất nước ta đã trải qua muôn vàn gian khó, vượt qua bao thử thách, giữ vững bình yên ổn định trong một thế giới hỗn mang đầy bạo loạn nhờ khối óc tỉnh táo, kiên cường. Câu thơ sau tiếng gà lảnh lót vang lên lời cảnh báo kinh hồn. Chi cần một bấm nút của kẻ điên đầu nào đó, Mẹ Quả Đất liệu còn: Trái đất rùng mình/ bình minh thức dậy/ gà gáy ò ó o. Có nhiều khúc Haiku xuất sắc ca tụng nghề Trồng Người cao quý. Nhà giáo lão thành Hà Thúc Quả không chỉ nhớ về thời bụi phấn mới ngày nào như vẫn còn vương trên áo mà hàng triệu trang bài vở học trò đã qua tay thầy đêm đêm miệt mài mãi đến nay vẫn luôn theo thầy trong trắng những giấc mơ: Tiếng trống trường thức dậy/ Giấc mơ đêm xếp trắng vở học trò/ mùa Thu gọi.

Và sau đây xin mời quý vị thưởng thức một số trong những khúc Haiku Việt vào chung khảo: Niềm tin sắt đá vào chính nghĩa Việt Nam: Lưỡi kiếm “Sự Thật”/ chém đứt/ “Đường lưỡi bò (Nguyễn Thánh Ngã). Khí tiết kiên cường: Ngọn nến / cháy hết mình/ không đồng lõa cùng bóng tối (Thanh Vân). Tuổi dậy thì cháy bỏng: Nắn trái bòng/ chiều đông/ căng lồng ngực (Thu Sang). Tình yêu thời @: Mình đã like nhau bao lần/ nhiều lúc comment này nọ/ thế mà chẳng hiểu nhau (Hồng Phương)

Tình ca Tây Bắc: Cô gái H’mông ngàn năm canh chồng/ Khèn say/ Rượu ngủ (Nguyễn Thị Kim). Đượm vị thiền: Một cánh sen/ bâng khuâng vừa rụng/ gió đưa lưng trời thành ánh trăng non (Dương Phượng Toại). “Báu vật bất ly thân” thời đại kỹ thuật số: Vợ chồng nằm cạnh nhau/ xoay lưng cầm điện thoại/ Nhắn tin cho người nào! (Phan Thị Hồng Phương). Đau đáu tình quê: Gối mỏi chân chồn/ mây chiều bảng lảng/ cố hương (Hải Quỳnh). Ân hận muộn màng: Rong ruổi mộng xa vời/ giật mình lạc đồng xanh/ Quay nhìn lại, lối về lấp kín (Phan Thị Duyên). Nỗi xót xa bất lực trước cảnh tàn phá môi trường: Cửa hàng đồ gỗ/ Những nấm mộ/ đại ngàn (Nguyễn Ngọc Tung), hay: Rừng già ngàn tuổi/ Lưỡi cưa nuốt trọn/ xót xa (Hà Thị Lam Giang)- sinh năm 2001 ở Kontum, ít tuổi nhất cuộc thi. Nửa thiền, nửa tục: Trên lá sen/ Bóng trăng già/ và giọt sương mười sáu (Phan Vũ Khánh). Nóng bỏng tình xuân: Hoa gạo bỏng đêm trăng/ nụ hôn cháy bùng, tim rực lửa/ ngực trăng non hóa rằm (Nguyễn Xuân Hưng). Ý tưởng dữ dằn, day dứt: Đêm mưa/ ý nghĩ không chồng, trở dạ/ câu thơ hoang (Vũ Hải Đường). Cảnh buồn, lòng có vui đâu: Mây trời in bóng nước/ sóng lem bờ ì oạp/ bâng khuâng chiều cuối năm. Tứ lạ: Mùa xuân vỡ/ ve non mở đất/ hắt hơi vị hè (Nguyễn Văn Tính); hay là: Nỗi buồn đặc quánh/ mơ cánh diều bay/ miền quê xa lắc (Nguyên Hạ). Bâng khuâng nỗi niềm: Này! Lá vàng bay/ xôn xao mắt ấy/ mùa thu nắng đầy (Trịnh Phương Thoa). Thủy chung: “Ngày tình nhân”/ hoa hồng/ người dưới mộ (Lương Thị Đậm). Chân dung tự họa: Nhạc sĩ bần/ Thi nhân xác/ Chân dung (Nguyễn Tiến Liêu). Dí dỏm: Khuya xem World Cup/ Bóng: trăng tròn/ Gôn: khung cửa sổ (Ngọc Căn). Ngẫm mà đau: Tôi đã thấy/ hiệu quả của lời khen/ Bây giờ thì sợ hãi (Lâu Văn Mua)- Mường Lát.

Kính thưa quý vị thân mến, “Ăn cơm mới” nhắc chuyện còn tươi roi rói! Đến đây, sực nhớ cảnh tượng đẹp khi-năm ngoái, cũng tại Hội trường này các nhà thơ Dương Phượng Toại, Thúy Vinh, Lương Liễm… đã sảng khoái đọc những vần thơ 3 câu đánh dấu son vào truyền thống thơ ca Việt Nam nơi lưu hành đầu tiên THỂ THƠ 3 CÂU tại Hải Phòng- đất của THƠ CA- NHẠC HỌA. Nơi xuất hiện Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… mà tên tuổi đã ghi vào sử sách. Và hôm nay- cũng tại đây- lại là địa danh đầu tiên tổ chức Cuộc Thi Thơ HAIKU VIỆT đúng nghĩa đầu tiên mà Trang WEBSITE haikuviet.com do nhà thơ Minh Trí đề xuất; nơi này đã đưa cánh Haiku Việt vào qũy đạo thế giới từ năm nay. Kính mong được lượng thứ những thiếu sót khó tránh khỏi trước cả một rừng thơ, khi tài hèn sức mọn chúng tôi chắc đã khiến quý vị băn khoăn. Xin kính chúc NĂM MỚI 2018 đang đến gần mọi điều tốt lành! Trân trọng!

Hải Phòng ngày 14/ 12/ 2017

TM Ban giám khảo

ĐINH NHẬT HẠNH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt