WAKA (Hòa ca) hay TANKA (Đoản ca)
Thơ ca Phù Tang không bắt đầu bằng trường ca hay những sử thi đồ sộ ,mà bắt đầu bằng những vần thơ trữ tình gọi là Waka (Hòa ca) hay Tanka (Đoản ca),toàn bài chỉ gồm 31 âm tiết.Những tuôn chảy trong vỏ ốc nhỏ ấy là tiếng vọng của đại dương tình yêu và đại dương thiên nhiên,nghĩa là của trái tim vô hạn và bốn mùa vô tận xứ …Thiên nhiên và con người quyện vào nhau trong thơ Waka.Thơ ca ấy,bầu trời ấy ,trái tim ấy tràn ngập màu hoa đào.Và nếu không có màu hoa đào?Công chúa Shokushi từ Tk XII đã gửi lời bi ca này:
“Hoa đào đi rồi
Tâm tư không màu sắc
Khi nhìn quanh tôi
Trong bầu trời rỗng
Mưa mùa xuân rơi”
Không còn cái đẹp của thiên nhiên và tình yêu,dường như chỉ còn lại hư không trong trái tim.Và nếu như loại bỏ cái đẹp ấy đi,thơ ca Nhật chỉ còn lại hư không..
Thơ Haikư thường không xao động tình yêu như thơ Tanka….
Waka nguyên là tên chung cho các loại thơ khác nhau,để phân biệt với thơ Trung quốc.Nhưng từ Thế kỷ thứ VIII trở đi ,chữ WAKA đồng nghĩa với TANKA gồm 31 âm tiết,sắp xếp như sau:
Dòng 1 có 5 âm
Dòng 2 có 7 âm
Dòng 3 có 5 âm
17 âm tiết (gọi là KAMI NO KU (thượng cú)
Dòng 4 có 7 âm
Dòng 5 có 7 âm
14 âm tiết (gọi là SHIMO NO KU (hạ cú)
Vd
Iwabashiru (Thượng cú)
Tarumi noue no
Sawarabi no
Meizuru haru ni (Hạ cú)
Narinikerukamo
Bài thơ trên có thể dịch như sau:
“Bên bờ dốc đá
Thác tuôn xuống đồi
Và loài dương xỉ
cũng vừa sinh sôi
-À xuân đến rồi!!
Tanka hay Waka là loại thơ trữ tình ,”giàu nữ tính” hiếm khi thể hiện những cảm xúc dữ dội như cuồng nộ,uất hận,kinh hoàng…những cảm xúc mà ta dễ gặp ở các nền thơ ca khác,nhiều “”nam tính” hơn…
Một số bài minh họa:
“Trên bờ vịnh Waka
Sóng triều dâng ngập lối
Nhớ thương lau sậy
Một đàn hạc khóc
Bay về phương xa”
Yakamochi sáng tác trước năm 759 (TK thứ 8)
khi ông 41 tuổi.
“Tôi đi hái
Những bông hoa tím
trên cánh đồng
Và tôi ở lại
Ngủ giữa mùa xuân”
Yakamochi
“Vườn xuân đẹp sao
Đường đi ngời sáng
Bóng hoa hồng đào
Một người con gái
Từ đâu bước vào”
Yakamochi
” Cánh đồng mùa xuân
Sương mù giăng phủ
Mênh mông
Ánh hoàng hôn cháy
Tiếng oanh vang lừng”
Yakamochi
“Có một thứ nhạt phai
Mà không ai nhìn thấy
Bởi sắc ngoài còn tươi
Đóa hoa vô định ấy
Là trái tim con người”
Ono no Komachi–
Khoảng năm 833-857.
KOMACHI,Nàng như là huyền thoại,nhan sắc tuyệt trần,một cô gái đam mê và đào hoa,một bóng ma ,như một hình bóng u sầu lang thang qua bao thế kỷ, như một nhà thơ lang thang và hư ảo.
Tên nàng trở thành biểu tượng trong bài thơ của Basho :
“Vầng trăng đầy
nghiêng mình về biển
7 nàng Komachi.”
Thực ra chỉ có một Komachi,nhưng giống như vầng trăng,nàng hiện thân trong cuộc đời và trong văn chương từng lúc khác nhau,với vô vàn bóng ảnh.Nàng đam mê cuộc sống và vì vậy cuộc sống đã đam mê nàng và nàng đã trở thành giấc mộng của mọi người,
Bài số 797 . Vào một đêm không trăng
” Nhớ thương vô bờ
Đêm đen như huyền ngọc
Em nằm bơ vơ
Khoác lên người áo trái
Mơ về ai trong mơ”
rồi
“Đêm thiếu trăng soi
Chẳng gặp được người
Hồn em mê dại
Ngực như bừng cháy
Trái tim rã rời
Bài số 1.030
” Tình YÊU
Như người ta gọi
Là dây vô hình
Buộc ta khó thoát
Nỗi đời phiêu linh”
…
Trích “Ba nghìn thế giới thơm”
Nhật Chiêu
Tái bản 2015-Nhà Xb Văn Học
****
Thân mến gửi các bạn nghiên cứu và thể hiện THƠ NĂM CÂU dựa theo cấu trúc trên đây.
Chúc thành công.
Hà Nội ngày 23/1/2019
ĐINH NHẬT HẠNH
—
Đinh Hạnh
DT: 04.38647676
DD: 0913325069
Địa chỉ nhà riêng:
72 ngõ 24 phố Kim Đồng – Hoàng Mai – Hànội