Lá vàng rơi nghiêng- Lê Đăng Hoan

alt

alt

Tôi nhớ trong tập thơ “Nheo mắt nhìn thế giới” của nhà thơ Bằng Việt, có bài thơ “Ngô đồng”, trong đó anh trích mấy câu:

“Một lá ngô đồng rụng

Cả thiên hạ hay thu”…

Mùa thu bắt đầu từ lá cây ngô đồng! Chỉ cần một lá rụng, cả thiên hạ đã cảm nhận được mùa thu.

Mùa thu ở các nước ôn đới đẹp lắm.

Người ta nói ” mùa thu là mùa đọc sách” vi nó êm đềm, nó thoang thoảng hương hoa, vàng vàng cây trĩu quả và ngan ngát vị ngọt của tình yêu.

Việt Nam ta không có hay ít khi, ít nơi có dấu ấn của ” mùa thu vàng”, cho nên, ta càng quý, càng mong, càng khao khát được chiêm ngưỡng lá vàng rơi, và khi đã được một lần dù vô tình hay cố ý thì nó gây ấn tượng như một cuộc gặp kỳ ngộ, khó phai, khó quên đeo đẳng cho đến già.

“Lá vàng rơi nghiêng từng chiếc

Heo may

Năm nào!”,

(Nghiêm Xuân Đức)

Bác sĩ, nhà thơ, nhà nghiên cứu thơ Nghiêm Xuân Đức, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện là Chủ nhiệm CLB thơ Hải Thượng nổi tiếng. Tôi thường gọi ông là nhà lý luận về thơ, vì ông có thể giải thích rõ ràng, cụ thể về thi pháp của nhiều loại thơ ca của Việt Nam và thơ chữ Hán.

Với thơ Hai- ku Việt, ông là một thành viên có công đưa lý luận Hai-ku Nhật áp dụng vào Hai- ku Việt. Là một trong những người sáng lập CLB Thơ Hai-ku Việt Hà Nội, một haijin( người làm thơ Hai-ku) vững nhất, được nhiều người tôn vinh!

Bài thơ Hai-ku trên đây của ông được nhà thơ, nhà thư pháp Thiện Niệm ( Tp Hồ Chí Minh) minh hoạ bằng những nét thư pháp uốn lượn tài tình, bao phủ bởi một bầu trời lá thu đã mòn theo ngày tháng, lá thu tuy chỉ còn cành xương, nhưng bộc lộ cho ta một ký ức ” thu xưa” đầy mơ mộng!

Bài thơ gây ấn tượng với bao người đọc, đã gieo vào lòng tôi bao nhiêu kỉ niệm về “lá vàng rơi!”

Mùa thu ở ta thường đi kèm với gió heo may, mùa cốm thơm mà không ở đâu trên thế gian này có được!

“Lá vàng rơi nghiêng từng chiếc”…

Tôi nhớ đến một ngày mùa thu trên đất Praha. Trước cổng vào căn biệt thự đoàn Việt Nam ở ( đoàn nghiên cứu khoa học về làm giàu quặng của Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim) có một cây ngân hạnh, cả mùa thu vàng ươm, không có gì vàng hơn và đẹp hơn thế. Mỗi sáng dậy tập thể dục hay mỗi chiều đi làm việc về chúng tôi luôn đứng dưới gốc cây nhìn xuống đất thì một thảm vàng, nhìn lên thì một trời lấp lánh trộn lẫn giữa ánh sáng mặt trời và ánh vàng lá cây, tạo thành một tuyệt cảnh của thiên nhiên mà ít khi chúng tôi nhìn thấy!

Thế rồi, một buổi sáng, khi thức dậy, mọi người nhìn ra thì một cảnh tượng thật lạ lùng! Cây ngân hạnh không còn một lá nào, cành cây gày guộc trơ ra trước gió.

Thẩn thờ nhìn xuống gốc cây, một lớp vàng lấp lánh, trên từng lá long lanh giọt sương, phản chiếu ánh mặt trời sáng sớm!

Các bạn ơi! Tôi nói điều này không hề tô màu thêm chút nào, vì tôi càng cố tô màu sẽ làm hỏng cái đẹp rất thực mà chúng tôi được chứng kiến !

Tôi đã nhiều lần thưởng thức mùa thu vàng ở một số nước, rất đẹp, rất lộng lẫy, nhưng ấn tượng này níu đọng trong tôi chẳng khác gì “lá vàng rơi nghiêng ” và “gió heo may ” níu đọng trong lòng nhà thơ Nghiêm Xuân Đức!

Sự khác ở Việt Nam là thế! Mùa thu gió heo may, lá có thể ” rơi nghiêng từng chiếc” nhưng ít khi ta được chứng kiến cái cảnh sau một đêm, cây trụi lá trơ cành, để lại trên mặt đất một thảm vàng long lanh như thể!

Hình ảnh “lá rơi nghiêng từng chiếc” được nhà thư pháp miêu tả màu vàng trên cao đang hướng dần về gốc, và dưới đó là màn sương mờ ảo, như trong gió heo may!

Về lá vàng- mùa thu, Tôi có bài thơ thế này:

“Chiếc lá phong thu

Từ vùng đất lạnh

Rụng vào phòng tôi”

Mỗi lần đi Hàn Quốc vào mùa thu, tôi thường nhặt về một ít lá phong vàng, đỏ về làm kỉ niệm!

Mỗi lần lấy ra ngắm nghía, vô tình hay hữu ý, đều gây nỗi nhớ lá vàng và mùa thu Hàn Quốc!

Nguyễn Du nói về mùa thu khi Thúy Kiều và Thúc Sinh chia tay nhau bằng mấy áng thơ thế này:

” Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san!

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh…”

Tôi cứ tưởng tượng khi Thuý Kiều “trông” theo bóng ngựa khuất dần của Thúc Sinh, có rất nhiều, rất nhiều ” lá vàng rơi nghiêng”!!!

Cảm ơn nhà thơ Nghiêm Xuân Đức và nhà thư pháp Thiện Niệm! Bài thơ hay, sâu sắc, được nâng tầm bởi thư pháp có hồn làm toả sáng bài thơ!

LĐH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt