Tường thuật gặp gỡ bạn thơ xứ Huế yêu Haikư

alt

Đúng 3 tháng sau Hội Ngộ Cố Đô của CLB Haikư Việt Hà Nội (18-20/4/2019) nhân dịp công tác tại Huế, tôi may mắn có được hai buổi gặp gỡ thân tình với các bạn thơ xứ Huế yêu mến haikư.

alt

Chiều ngày 19-7-2019, các bạn thơ Kim Đông, Vũ Tiến, Nguyễn Nghi, Võ Phương Anh Lợi, Nguyễn văn Hoạt, Lê Đức Thành đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật, trao đổi về haikư. Anh Kim Đông đã thay mặt các bạn thơ có mặt tóm tắt tình hình tiếp cận với haikư của các bạn thơ xứ Huế. Các bạn thơ tuy làm việc ở các ngành nghề khác nhau (giáo viên văn học, tiến sĩ toán học, cán bộ y tế, cán bộ quân đội …) và đã từng sáng tác các thể loại văn học khác nhau (thơ Đường, thơ tự do, truyện ngắn…), tham gia các tổ chức Hội thơ khác nhau (Hội thơ Hương Giang, các Chi hội thơ ở các địa bàn khác nhau trong tỉnh) nhưng nay lại rất hồ hởi, nhiệt tình đến với haikư. Đặc biệt anh Nguyễn Nghi thạc sĩ ngữ văn từ năm 1997 tiếp xúc với haikư trong Chương trình cải cách sách giáo khoa lớp 10, đã có bài giới thiệu về haikư trên Đặc san Giáo dục. Qua giới thiệu và trao đổi của haijin Đinh Nhật Hạnh trong các cuộc giao lưu về thể thơ haikư đặc sắc của nền văn hóa Nhật Bản các bạn thơ xứ Huế thấy bị cuốn hút bởi một thể thơ ngắn gọn, tinh túy và đặc sắc của đất nước mặt trời mọc. Các bạn đã nghiên cứu các tài liệu do CLB HKV Hà Nội gửi tặng và đã bắt đầu sáng tác haikư và được đăng tải trên trang web: haikuviet.com.

Các bạn thơ đã lập trang facebook và đã trao đổi những phiến khúc haikư đầu tay với các haijin Vũ Tam Huề, Lý Viễn Giao, Phùng Gia Viên, Phạm Thúy Vinh, Mai Trinh, Phan Hữu Cường … Đặc biệt, anh Kim Đông cho biết gần đây nhà thơ Nhụy Nguyên, Ủy viên Ban Biên Tập Tạp Chí Sông Hương cũng đã tỏ ý tham gia sinh hoạt với nhóm bạn thơ yêu thích haikư. Các bạn thơ cho rằng haikư Nhật Bản là một thể thơ rất bác học, vì vậy nên vừa sáng tác, vừa học hỏi, cần thận trọng từng bước trong sáng tác và phát triển phong trào.

Từ 16 – 18h ngày 20-7-2019, tôi cũng đã có cuộc gặp mặt Anh Lê Bá Đức và 5 bạn thơ yêu haikư đại diện cho 19 bạn thơ đa số là thành viên các Chi hội của Hội thơ Hương Giang trên địa bàn các địa phương phía Bắc sông Hương (Phong Điền, Sông Bồ, thị trấn Sịa …). Thật cảm động khi thấy có bạn thơ Lê Đức Thành đi xe máy từ thị trấn Sịa, cách thành phố Huế đến 20 km trong cái nắng rát da về dự cả hai buổi gặp mặt. Anh Lê Bá Đức cho biết: thực hiện hướng dẫn của Chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh cũng đã triển khai một số hoạt động tập hợp, gặp mặt các bạn thơ, phân công công việc, tổ chức nghiên cứu các tài liệu về haikư do Chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh gửi tặng. Các anh cũng đã gửi bài cho trang web và đã có những sáng tác haiku đầu tay được đăng trên haikưviet.com. Một số bạn thơ đang làm thủ tục gia nhập Câu Lạc Bộ Haikư Việt Hà Nội.

Trong cả hai cuộc gặp mặt chiều 19/7 và 20/7, tôi đã chia sẻ tâm trạng thật sự cảm động và mừng vui chỉ 3 tháng sau cuộc Hội Ngộ Cố Đô của Câu Lạc Bộ Haikư Việt, đã có hàng chục bạn thơ xứ Huế yêu thích thể thơ haikư và đang bước đầu có những sáng tác đáng khích lệ. Tâm hồn, phong cách sống của con người cũng như thiên nhiên xứ Huế là mảnh đất mầu mỡ để gieo cấy, nuôi dưỡng, lan tỏa và phát triển dòng thơ haikư Nhật Bản tại Cố Đô Việt Nam. Đa số các bạn thơ xứ Huế yêu thích haikư đều đã là thành viên hoặc trong ban điều hành Hội Thơ Hương Giang có chiều dài hoạt động và đang chuẩn bị Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Việc Nhà thơ Nhụy Nguyên, Ủy viên Ban Biên Tập Tòa soạn Tạp Chí Sông Hương, tỏ ý sẵn sàng tham gia nhóm bạn thơ haikư là một tín hiệu rất đáng mừng. Các bạn thơ yêu thích haikư xứ Huế nên nghiên cứu kỹ các tài liệu Chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh đã gửi tặng, thường xuyên thăm trang web: haikuviet.com, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác và gửi bài cho Ban Biên Tập haikuviet.com. Nếu thấy đủ điều kiện, các bạn nên tiến hành thủ tục để trở thành thành viên CLB HKV Hà Nội. Khi tại Thừa Thiên – Huế đã có một số lượng nhất định thành viên HKV Hà Nội, các bạn thơ xứ Huế sẽ bàn bạc về việc chính thức hình thành CLB Haikư xứ Huế theo các thủ tục và hình thức tổ chức do địa phương quyết định, đặc biệt chú trọng nguyên tắc “đồng thuận” (concensus). Các bạn thơ xứ Huế nên mở rộng giao lưu với các haijin trên mọi miền đất nước và thường xuyên liên lạc, trao đổi ý kiến với Chủ nhiệm HKV HN Đinh Nhật Hạnh trong các vấn đề chuyên môn và lý luận về haikư.

Hà Nội, 21 tháng 7 năm 2019

Lê Văn Truyền

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt