Tại Hội Ngộ Haiku Nha Trang tháng 4 năm 2018, CLB Haiku Việt Hà Nội quyết định năm 2019 sẽ tổ chức Hội Ngộ Haiku kỷ niệm 10 năm thành lập CLB tại Cố Đô Huế. Sau gần một năm chuẩn bị, Hội Ngộ Haiku Việt tại Cố Đô Huế đã diễn ra trong các ngày 18, 19 và 20 tháng 4 năm 2019. Tham gia cuộc Hội Ngộ có 32 haijin đến từ mọi miền đất nước: Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Miền Tây và miền Đông Nam Bộ.
Đoàn Nha Trang và Hải Phòng đến Huế sớm nhất vào 1:30 sáng ngày 18 – 4, sau đó là Đoàn Hà Nội đến vào lúc 13:00 cùng ngày. Toàn Đoàn lưu trú tại Khách sạn Du lịch Công Đoàn trên vùng Vỹ Dạ, nơi cố Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vĩ Dạ”. Vào lúc 8:00 sáng, Tổng Giám Đốc Khách sạn 5 sao Hoàng Đế (Imperial Hotel) đã chiêu đãi các thành viên của Đoàn ăn sáng tại Nhà hàng của Khách Sạn.
Cũng trong buổi sáng 18 – 4, Nhà thơ Lê Viết Xuân và Thạc sĩ Quỳnh Trang đã đưa Ban Tổ chức đi tiền trạm thăm những cơ sở sẽ diễn ra các cuộc giao lưu theo chương trình.
Chương trình Hội Ngộ bắt đầu vào 15:00 ngày 18 – 4 bằng cuộc giao lưu haiku và thư pháp với Hòa Thượng Thích Phước Cần cùng chư tăng chùa Viên Quang. Trong khung cảnh thanh tịnh của thư các nhà chùa, Chủ Tịch Đinh Nhật Hạnh, Hòa Thượng Thích Phước Cần, nhà thơ Lê Đăng Hoan và các haijin đã có buổi trao đổi thú vị về “Thơ haiku và thiền tính của Phật Giáo”. Các tăng ni của chùa đã trình diễn các bản nhạc cung đình Huế. Hòa Thượng Thích Phước Cần và đệ tử đã viết tặng các haijin những bức thư pháp rút tỉa từ sách Thiên Tự Văn nổi tiếng của Chu Hưng Tự biên soạn trên cơ sở bút tích của Nhà thư pháp kiệt xuất Vương Hy Chi (Trung Quốc). Cuối buổi giao lưu, Hoà Thượng Thích Phước Cần đã mời Đoàn thưởng thức bữa cơm chay xứ Huế do các tăng ni chuẩn bị.
Sáng ngày 19 – 4, ngày thứ hai của Chương trình, Đoàn đã thăm Tòa soạn Tạp Chí “Sông Hương”. Tại trụ sở Tòa soạn, Nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Phó Tổng biên tập đã tiếp đoàn và giới thiệu về Tạp Chí Sông Hương, một tạp chí đã có mặt 25 năm trên văn đàn và thi đàn đất Việt và hải ngoại. Đến nay tạp chí đã xuất bản 352 số (in) và có trang web http://tapchisonghuong.com.vn Tạp chí đã phát triển dưới sự điều hành của các Tổng Biên tập tiền nhiệm là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế: Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà … Tổng Biên tập hiện nay là Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc. Chủ tịch CLB Haiku Việt Đinh Nhật Hạnh, Nhà văn Lê Đăng Hoan cám ơn sự đón tiếp của Ban biên tập và Tòa soạn, giới thiệu về haiku Việt và hoạt động của CLB, đồng thời bày tỏ mong muốn được giới thiệu các sáng tác của các haijin trên Tạp Chí “Sông Hương”. Phó Tổng Biên tập Lê Vĩnh Thái đề nghị các haijin gửi bài cho tạp chí.
Tiếp theo, Đoàn đã thăm và giao lưu với Đại Học Tư Thục Phú Xuân, đại học ngoài công lập duy nhất ở Huế. TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu Trưởng, TS Nguyễn Vũ Tiến, Bí thư Đảng Ủy đồng thời đại diện CLB thơ Hương Giang, TS Bùi Quang Tuyến, Nguyên Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Cô Quỳnh Anh, Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh – Mỹ đã tiếp và giao lưu với Đoàn. Chủ tịch Đinh Nhật Hạnh giới thiệu về haiku và CLB Haiku Việt, một số haijin đọc haiku, nhạc sỹ Đức Long và ca sĩ Kim Vinh trình diễn những bản nhạc sáng tác trên nền thơ haiku của một số thành viên CLB. Chủ tịch Đinh Nhật Hạnh bày tỏ hy vọng tại ĐH Phú Xuân sẽ hình thành một nhóm haijin từ các giảng viên và sinh viên của nhà trường.
Rời Đại Học Phú Xuân, đoàn tham quan Lăng Minh Mạng, một trong những lăng tẩm đẹp nhất của xứ Huế. Buổi ăn trưa trong Nhà hàng “Không Gian Xưa” với phong cách thiết kế “nhà rường xứ Huế” và các món ăn đặc trưng của chốn Cố Đô đã xóa tan những mệt mỏi dưới cái nắng miền Trung, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 41 độ.
Chiều tối 19 – 4, sau bữa ăn chiều có chút men nồng của “Ngự Tửu Minh Mạng”, tặng phẩm của Công ty CP DP Medipharco – Công ty trong những năm 1996-2001 haijin Lê văn Truyền từng làm Giám đốc – Đoàn thưởng thức buổi trình diễn “Ca Huế trên Sông Hương”. Dưới ánh trăng rằm và nghệ thuật ánh sáng trên cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân … dòng Hương Giang bỗng trở nên thật huyền ảo. Các ca sĩ và nhạc công xứ Huế đã trình diễn một chùm dân ca, nhạc cung đình truyền thống và những ca khúc về Huế thương … làm mọi người mê đắm trong không gian nghệ thuật âm thanh và ánh sáng đặc sắc trên con thuyền lững lờ trôi dưới ánh trăng rằm … Những hoa đăng các haijin thả trên mặt nước lấp lánh như tình cảm của bạn thơ gửi lại xứ Huế trước lúc chia tay.
Sáng 20 -4, hoạt động giao lưu cuối cùng diễn ra tại Nhà Vườn “Tịnh Tâm Kim Cổ”, cơ sở của vợ chồng Bà Hoàng Xuân Thảo, Phó Chủ Tịch Hội Thơ “Hương Giang”. Hội thơ Hương Giang có hơn 120 hội viên, trong đó có 36 hội viên là các bậc thi lão từ 70 đến 100 tuổi. Những hội viên còn lại phần lớn cũng đã trên tuổi 55. Trong 5 năm qua, Hội thơ Hương Giang đã phát hành được 4 tập thơ: “Nắng tượng đài”; Thi tuyển “Huế – Vầng trăng lục bát”; Thi tập “Tháng 5 nhớ Bác”; Tuyển tập “Sông thơ với Festival 2016”. Lãnh đạo và các thi hữu Hội thơ Hương Giang và các haijin CLB Haiku Việt đã hòa cùng lời thơ, tiếng hát trong khung cảnh nhà vườn đầy hoa thơm, cỏ lạ đặc trưng của xứ Huế. Tình yêu thơ làm cho bao bạn thơ mới gặp mặt lần đầu mà tưởng như những người bạn cố tri, câu chuyện tâm tình văn thơ như kéo dài bất tận.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Chiều tối 20-4 cuộc Hội Ngộ đầy ấn tượng đã đến giờ phút chia tay. Đoàn Nha Trang ra Ga Huế, Đoàn Hà Nội ra sân bay quốc tế Phú Bài … lưu luyến tạm biệt Đất Huế đậm tình miền Trung, mang theo trong lòng bao kỷ niệm thân thương và cảm tình nồng hậu. Điều đáng mừng là trong những ngày nắng nóng, có lúc nhiệt độ lên đến 41-42 độ ngoài trời, sức khỏe của các lão haijin đều tốt. Nói như nhà thơ Lê Vũ (Đoàn Nha Trang): các bác sĩ trong Đoàn đều … “thất nghiệp”, các thẻ Bảo hiểm y tế đều nằm yên trong ví.
Cám ơn các bạn thơ xứ Huế, cám ơn những vị chủ nhà nồng hậu đất Cố Đô. Và, đặc biệt cám ơn Nhà thơ Lê Viết Xuân, Nguyên PGĐ Sở Văn Hóa – Thông Tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, cám ơn cô gái Huế Hoàng Thị Quỳnh Trang, Thạc sĩ Văn học Anh – Mỹ, phụ trách đối ngoại ĐH Phú Xuân … những người bạn đã đồng hành cùng Ban Tổ Chức Hội Ngộ Cố Đô từ gần một năm nay. Không có các bạn, sự kiện quan trọng này của CLB Haiku Việt chắc chắn sẽ không bao giờ có được kết quả mỹ mãn.
Ban Tổ chức chân thành cảm ơn các thi hữu đã nhiệt tình ủng hộ, tham gia sự kiện, kể cả các bạn phương xa lần đầu tiên gặp mặt: Cô Hồ Phương, Anh Lương Sơn, Anh Xuân Hưng. Xin cám ơn tất cả thi hữu bốn phương đã thể tất cho những bất cập của Ban Tổ chức.
Sáng nay, trên màn hình điện thoại xuất hiện dòng tin nhắn của Hòa Thượng Thích Phước Cần: “Mô Phật, Nhà chùa vô cùng hoan hỉ và, nếu có duyên xin được tiếp Đoàn lại lần sau nữa ạ!”.
Vâng, chúng ta cùng hẹn: Xin được tùy duyên!
Ban Tổ Chức
Hội Ngộ Haiku Việt Cố Đô