Thấm thoát mười hai năm chập chững những bước đầu- Đinh Nhật Hạnh

alt

Câu chuyện bắt đầu từ mùa Xuân năm 2006, khi thơ Haiku Nhật thoảng hương vào 3 CLB Thơ Bằng Lăng, Bích Câu và Hải Thượng ở Thủ đô Hà Nội.

alt

Nếu không nhầm, hình như trong số những khúc Haiku Nhật đầu tiên gây ấn tượng xúc động nhất với chúng tôi – những nhà thơ không chuyên từng mê nàng Thơ buổi ấy, đã có nhiều tác phẩm thơ in riêng hay cao hơn, từng chung tên vào nhiều Tuyển tập tầm cỡ – thật thú vị, rất ngạc nhiên lại không phải là bài thơ nổi tiếng”Ao xưa / con ếch nhảy vào / tiếng nước”, mà lại là những khúc khác mê hoặc lòng người, càng ngẫm càng hay, có nhiều khúc gần đây mới thật thấu hiểu như:

“Vỗ đôi bàn tay / thức bình minh dậy / một đêm trăng hè”

(Basho)*

“Trên đền Suma / nghe tiếng sáo tắt / giữa bóng rừng cây”

(Basho)*

“Đêm xuân / tâm tư ai cũng thế / bay xa khỏi mái nhà”

(Buson)*

“Dưới trăng mơ màng / bóng hoa / bóng đàn bà”

(Natsume Soseki)*

“Đôi gò bồng đảo / tuyệt vời / một con muỗi”

(Ozaki Hosai)*

“Thiên đường / một người đàn bà / một bông sen đỏ”

(Shiki)*

Những đoản khúc ấy, mãi vẫn nguyên màu cám dỗ như những nàng Tiên Cá thuở Homère thần thoại.

Người có công diễn đạt thâm thúy và thành công nhất thể thơ mới lạ này ở Việt Nam có lẽ là nhà văn Nhật Chiêu, ít làm thơ nhưng thật tài hoa với lối hành văn lôi cuốn, đam mê – thoang thoảng mà hấp dẫn, bàng bạc mà đậm đà, cuốn hút – chỉ riêng quyển “Ba nghìn thế giới thơm” cũng đủ cho ta khái quát nền thi ca xứ Phù Tang từ buổi khởi nguyên. Những bản dịch thơ Haiku của các Đại thụ trong tập này điểm xuyết minh họa cho các chương đoạn lý thú trong cuốn sách có thể coi là tuyệt tác, đặc sắc nhất, dễ nhớ, đọc một lần đủ nhớ suốt đời. Hình như Nhật Chiêu quan tâm phần lớn vào nghiên cứu Haiku Nhật cổ điển hơn là sáng tác Haiku Việt, hay nhận định về Haiku Việt – điều mà các nhà thơ Haiku Việt chờ đợi ông như đã từng hoan hỉ và phấn chấn khi ông viết bài “Nắng mới từ thơ Haiku” đầy cảm xúc, đầy sáng tạo như một bản Tuyên ngôn của thơ Haiku Việt vào năm 2010. Hi vọng sau hơn một thập kỷ thành lập, ít ra đã có vài chục tập Haiku cá nhân ra đời, dăm Tuyển tập tầm cỡ hai miền dày dặn, đã đến lúc hi vọng và kỳ vọng nhà văn sẽ sớm có những nhận định cơ bản hơn về bước đi mới đầy triển vọng về chiều rộng và chiều sâu của Haiku Việt.

Mối quan hệ mật thiết, khăng khít giữa hai Câu lạc bộ Haiku Việt Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tạo nên bước trưởng thành của Haiku Việt ngày nay đã khởi đầu từ buổi gặp gỡ lịch sử tháng 10 năm 2010 tại Văn phòng của TS. Hồ Hoàng Hoa tại phố Liễu Giai, Hà Nội. Đoàn đại biểu Haiku Sài Gòn gồm PGS. Lưu Đức Trung – Trưởng đoàn, người có công thành lập CLB đầu tiên ở Việt Nam năm 2007, Chủ tịch Haiku Việt Tp. Hồ Chí Minh, TS. Vũ Tam Huề và nhà thơ Đại Đức Đông Tùng. Từ đó liên tục diễn ra những cuộc thăm hỏi chân tình, tọa đàm thân mật khi Hà Nội, lúc Sài Gòn. Và ý tưởng thành lập một Hội Haiku Việt thống nhất tập hợp các nhà thơ Haiku đông đảo cả nước vẫn thường xuyên hiện hữu, thể hiện nguyện vọng thiết tha của Haiku Việt hai miền trong bức tâm thư của nhà sáng lập Lưu Đức Trung đề ngày 15 tháng 5 năm 2015. Tiếc rằng Cụ đã qua đời chưa kịp thấy ngày mong ước ấy, vẫn xa xôi lắm, chưa thể hẹn trước trong tình thế hiện nay.

Một trong những nhân vật quan tâm khá sớm về lý luận Haiku Việt từ dạo ấy là nhà thơ Nghiêm Xuân Đức – Hội viên sáng lập CLB. Ông vốn là bác sĩ tài năng về Giáo dục Y học, thông thạo nhiều ngoại ngữ, điềm đạm và chân thực, cùng khóa với nhà thơ bác sĩ Vũ Quần Phương. Thơ ông đằm thắm, đậm chất nhân văn. Trong khi ở nước ta, hệ Văn học chính thống – kể cả Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam – chưa hề có nền tảng sơ khai về lý luận của nền Haiku Việt đã bén rễ, ra hoa, kết trái từ một thập kỷ nay. Chính từ CLB Haiku Việt Hà Nội, ông Nghiêm Xuân Đức đã cùng tác giả bài viết này và các haijin chủ chốt soạn thảo nên “Lý luận cơ bản của thơ Haiku Việt” từ 2010, thường xuyên bổ sung, cập nhật, định hình tại Tọa Đàm Haiku Việt Nam- Nhật Bản lần thứ I tháng 9/2014 và công bố tại Đại Hội Haiku Thế Giới lần thứ 8 tại Tokyo tháng 9-2015 trong 2 bản tham luận chính thức của Đoàn đại biểu Haiku Việt Nam**. Một thuật ngữ mới của Haiku Việt đề xuất từ nơi đây đã góp thêm vào lý luận cơ bản của Haiku Thế giới: ”HAIKU MỞ” (Open Haiku), ngoài các thuật ngữ hiện hành: Haiku cổ điển, Haiku hiện đại, Haiku tự do.

Trong số ít tác giả thuận cả hai tay Thơ & Văn, hai lĩnh vực sáng tác Haiku và nghiên cứu lý luận Haiku Việt, phải kể đến nhà thơ Cao Ngọc Thắng. Là nhà thơ kiêm nhà văn tài hoa, ông có một nhãn quan thấu đáo, chính xác về cơ sở lý luận hình thành Haiku Việt, đã cùng soạn thảo, đúc kết có cơ sở vững chắc một thập kỷ qua trong CLB, ngoài ra rất sắc sảo, tinh tế trong lĩnh vực phê bình thơ Haiku vốn chắng dễ dàng. Ông còn là một chủ chốt trong ban Biên tập Nội san Haiku Việt từ buổi đầu vất vả.

Nhà thơ Lý Viễn Giao – cây thơ trữ tình có hạng, vẫn ăm ắp bầu thơ, tinh tế trong bình gỉải, thường có những phát kiến độc đáo tạo nguồn suy luận đa chiều rất cần thiết cho sáng tạo. Ông đã từng đeo đẳng, trung thành với thơ Haiku từ buổi sơ khai, cùng người viết bài này, ở các Câu lạc bộ Bằng Lăng, Bích Câu (Hà Nội) trước ngày 21 tháng 5 năm 2009 – ngày thành lập CLB Haiku Hà Nội. Ông đã đóng góp nhiều trong quá trình hình thành và xác lập lý luận của nền Haiku Việt. Haiku của ông đậm chất trữ tình, mượt mà, sáng tạo.

Riêng dịch giả Nhật ngữ Lê thị Bình – Hội viên sáng lập – uyên thâm trong dịch thuật và giao dịch đối ngoại, có vai trò không thể thay thế, không thể thiếu trong mọi hoạt động với phía bạn, kể cả sưu tầm, giới thiệu từ nguyên bản tiếng Nhật những tư liệu công phu, độc đáo, góp phần lớn nâng cao lý luận chính thống của Haiku chính quốc trong CLB. Và chính bà đã bắt mối hoạt động với Hội Hữu Nghị Viêt-Nhật TW và Hà Nội ngay tự buổi đầu và đặc biệt có công sáng suốt chọn gia nhập WHA (Hiệp Hội Haiku Thế Giới) trong số 7 tổ chức Haiku hiện hành trên thế giới và ở Nhật Bản, phù hợp với xu hướng sáng tác Haiku Mở của chúng ta để có sắc diện ngày nay.

Xin kể tiếp về một Nữ nhân vật tiêu biểu cho kiến thức uyên bác về Haiku Nhật Bản từ cội nguồn xa xưa với những bài viết để đời, có thể thâu tóm đầy đủ lý luận, kỹ năng của Haiku cổ điển Nhật Bản xuyên suốt 4 thế kỷ qua. Đó là PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Liên lịch lãm, khiêm tốn – người đã đóng góp cơ sở lý luận Haiku cổ điển chính xác, phong phú, tạo nền vững chắc, chính thống rất cần thiết cho nền Haiku Việt non trẻ nắm vững những cơ bản, cội nguồn, đồng thời nhận định sắc sảo, khách quan về hiện trạng của nền Haiku Việt và phương hướng tới.

GS. TS. Lê Đăng Hoan, dịch giả xuất sắc tiếng Hàn, người đã có 7 đầu sách dịch thơ những tác phẩm thơ nổi tiếng của Triều Tiên đã góp phần chính trong hoạch định đường đi, nước bước thận trọng, chính xác của Haiku Việt để có thành quả ngày nay. Điềm đạm, thận trọng, ông và bà Lê Thị Bình đã củng cố nền tảng sân sau vững chắc, quan hệ rộng rãi với các tổ chức, cơ quan hữu quan, đảm bảo cho tiến trình đi lên đáng mừng của Haiku Việt.

Nhà thơ Haiku PGS. TS. Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y Tế đã bén duyên từ lâu với Thơ trữ tình CLB Hải Thượng, lâu nay rất tha thiết với Haiku Việt, có công sưu tầm và dịch thuật thơ Haiku phương Tây, mở rộng cánh thơ Haiku Việt hội nhập thế giới. Năm 2014, ông đã được Giải khuyến khích trong Cuộc thi Haiku Quốc tế do Tạp chí văn học DIOGEN (Cộng hòa Serbia) tổ chức. Ông thường quan tâm đến phương hướng phát triển hoạt động của CLB và là Mạnh Thường Quân hào phóng của CLB khi cần.

Về lĩnh vực sáng tác Haiku, bác sĩ Phan Hữu Cường tiêu biểu cho niềm đam mê cao độ, thăng hoa ngay buổi đầu chập chững với hàng ngàn khúc Haiku Việt đa dạng mà tập đầu tay “Người và thiên nhiên” đã ra mắt sớm nhất trên thi đàn Haiku Việt Thủ đô.

Haijin BS. Lam Hồng tinh thông Hán ngữ là thành viên tích cực, trụ cột của CLB từ những buổi đầu khó khăn chồng chất. Nhà thơ TS. Vân Đình luôn bận rộn vẫn có những khúc Haiku xúc động về Mẹ, về người xưa. Cả hai nhà thơ thường viết  những kỷ niệm đẹp về cuộc chiến tranh giải phóng mà bản thân đã trực tiếp ba lô lên đường những năm tháng hào hùng.

Nhà thơ TS. Nguyễn Thị Kim cũng rất sớm xuất bản tập Haiku minh họa bằng thư pháp Đông Tùng. Haijin Đỗ Tuyết Loan đã ra mắt tập Haiku Việt đầu tay “Bên Cầu Giặt Lụa”. Thơ của bà Nguyễn Hoàng Lâm đằm chắc, sâu lắng nỗi đời.

Một lĩnh vực quan trọng phản ảnh mọi hoạt động của CLB hàng năm là Quán Thơ Haiku Việt hiện diện đầy đủ tại Ngày Thơ Văn miếu Quốc Tử Giám mà chúng ta đã tham gia đều đặn từ năm 2011. Góp công sức nhiều nhất, vất vả nhất là họa sĩ Phan Vũ Khánh – họa sĩ trong Ban Biên tập Nội san Haiku Việt và nhà thơ Cao Ngọc Thắng. Họa sĩ cũng đã mở 2 cuộc triển lãm riêng, độc đáo về 2 chủ đề TRĂNG và SEN liên tiếp trong năm 2017, lấy cảm hứng từ những khúc Haiku Việt mà anh ưa thích. Thơ anh xuất sắc, vừa bảng lảng thơ vừa lung linh sắc màu hội họa. Nhân đây, xin được có dịp tri ân họa sĩ Nguyên Hưng đã góp nhiều công sức trình bày những trang Bìa Nội San độc đáo từ số đầu tiên mà tiếc chưa được một lần diện kiến.

Nhân vật quan trọng ít có điều kiện xuất hiện ,thường vắng mặt trong hầu hết các buổi sinh hoạt cùa CLB nhưng lại là chủ lực – giữ vai trò Tổng thư ký thường trực ban Biên tập Nội san Haiku Việt đã 10 năm gắn bó hữu cơ với công tác khó khăn, vất vả này – từ khâu tập trung bài vở thường rất tản mạn, hiếm người gửi đúng kỳ hạn, rồi chỉnh lý, hoàn thiện đến khâu cực kỳ mất nhiều thời gian, công sức là biên tập, đánh thành văn bản hàng 200 trang, thiết kế nội dung bằng nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật. Những công đoạn vất vả và tỉ mỉ ấy dù đưa ra nhà in cũng chắc chắn bị từ chối khéo vì khó có thợ nào làm nổi. Ấy thế mà quý hơn vàng, chúng ta đã may mắn có chàng thanh niên cúc cung tân tụy ấy – một mình đảm nhận phần việc không ai có điều kiện và thời gian cáng đáng nổi. Tám năm – 8 số Nội san Haiku Việt, với 12 mục dày dặn, phong phú, trang nhã đầy trí tuệ, thưa đó là công sức của nhà trí thức trẻ học vấn cao, đào tạo lâu năm tại Pháp: TS. Đinh Trần Phương, quả là một trụ cột chiến lược của Haiku Việt. Thơ Đinh Trần Phương trẻ trung, phóng khoáng đượm vị thiền hiện đại. Đã xuất bản tập Haiku đầu tay” Cánh Trăng” (2015).

Một tác giả Haiku Việt sung sức vào loại nhất, giữ kỷ lục về khối lượng thơ Haiku Việt đã xuất bản là TS. Vũ Tam Huề với 4 tập trong mấy năm qua như ”Giọt Sương Giọt Nắng”, “Khúc Vô Thanh”, “Hương Cỏ Mật” (song ngữ Việt-Anh) và gần đây nhất là tập ”Haiku- Khúc Đồng Dao” viết tặng các cháu nhi đồng, thổi làn gió mới vào kho tàng văn học thiếu nhi, làm phong phú phạm vi sáng tác của Haiku Việt. Ông còn là tác giả nhiều cuốn sách viết về thú ẩm thực Việt, thiên về thể thơ Haiku hành trình tung tẩy ghi thoải mái những cảm xúc tại chỗ, tươi roi rói…

Chúng tôi, mỗi người một phong cách. Có vài bạn sáng tác rất nhanh, khi cao hứng có thể dễ dàng viết hàng chục bài liền như BS. Phan Hữu Cường, TS. Nguyễn Thị Kim, KS. Ngọc Căn – cấu tứ như điện, xuất khẩu thành… Haiku. Lại có bạn cẩn trọng, cứ gần đến kỳ họp mới vò đầu, vất vả. Hai người có duyên may là nhà thơ Phùng Gia Viên – cây Lục Bát xuất sắc của CLB, cùng bà Lê Thị Bình có Haiku đăng trên Tạp chí Ngâm Du – nguyệt san của Hội Haiku Thế Giới xuất bản ở Nhật Bản. Ấy thế, nhờ đam mê mà vô tư, trong sáng, đều ổn cả, ai cũng có bài hay, mỗi người một vẻ, nhưng cùng trụ vững những khi gian khó, thiếu thốn mọi điều thì như nhau, không ai nản chí.

Trong số kiên định, sinh hoạt định kỳ đều đặn nhất, sáng tác sung mãn, đau đáu nỗi đời là PGS. TS. Thầy thuốc Nhân Dân Lê Đình Công và nhà văn BS. Phạm Ngọc Liễn. Họ chỉ có một cái yếu duy nhất, rất khó khắc phục. Đó là sức khỏe yếu mà hình như chẳng thuốc nào hữu hiệu bằng nỗi đam mê nàng Haiku, hễ tỏ tưởng đến là tràn đầy thi tứ.

Viết đến đây, lòng bỗng xúc động nhớ về nhà thơ HK, hội viên WHA, bạn chí thân BS. Lê Anh Tuấn đã sớm ra đi, để lại nỗi tiếc thương trong lòng bao thi hữu.

TS. Nhà thơ Nguyễn Văn Đồng, PCN. Thơ Hải Thượng – Hội viên sáng lập Haiku Việt Hà Nội đặc biệt xuất sắc trong mảng Haiku về tranh Đông Hồ hóm hỉnh và quê hương. BS. nhà thơ Phạm Công Hội – Hội viên sáng lập, lại biệt tài về mảng thơ trào phúng nổi tiếng nên Haiku của ông mang đậm vị Senryu (Xuyên Liễu) độc đáo, khó lẫn.

Gần đây, từ Lâm Đồng xa xôi nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã – một cây bình thơ hiếm thấy vừa gia nhập hàng ngũ Haiku Việt, đã góp một sắc thái mới vào chất lượng sáng tác của Câu lạc bộ.

Một lĩnh vực phát triển song song là Thư pháp Việt do 2 Hội viên một già, một trẻ đảm nhận. Nhà thư pháp kỳ cựu nhưng luôn đổi mới Doãn Thiện Niệm (Tp. Hồ Chí Minh) và Cử nhân Thanh Tùng ưa tung tẩy, tìm tòi. Gần đây nhất lại thêm thể mới, kết hợp “Hội họa – Thư pháp – Haiku” kiểu Haiga Nhật Bản của Họa sỹ Phan Vũ Khánh làm phong phú bộ môn đầy triển vọng này.

Các haijin nữ – Hội viên Hiệp Hội Haiku Thế Giới – Lê Thị Bình, TS. Hồ Hoàng Hoa là 2 Hội viên sáng lập, Nhà giáo Đỗ Tuyết Loan, bà Nguyễn Hoàng Lâm, TS. Nguyễn Thị Kim, ThS. Như Trang – cùng các nhà thơ Lương Thị Đậm, Thạch Lựu sáng tác đều tay, luôn đổi mới, nâng cao chất lượng là những bông hoa hương sắc chủ lực của nền Haiku Việt. Thật tiếc, còn có 2 nữ Thạc sỹ Trần Phúc Oanh và Diêm Thị Thoa rất có tiềm năng nhưng không tiếp tục cuộc chơi do hoàn cảnh bận gia đình lại ở xa trung tâm Thủ đô, đành tạm nghỉ nhưng vẫn là thành viên của CLB.

Một sự kiện đặc biệt về Tỏa lan là việc thành lập CLB Haiku Tp. Nha Trang tháng 9 năm 2015 với 10 thành viên do 3 nhà thơ Kiều Lam, Lê Vũ và Lương Thị Đậm phụ trách. Năm qua, Haiku Nha Trang được mùa thơ với 4 tác phẩm của 2 hội viên nữ Lương Thị Đậm và Thanh Vân. CLB đã ra 2 tuyển tập Haiku Nha Trang. Năm 2017 lại thêm 2 Hội viên mới Võ Thị Phượng và Nguyễn Thị Ngọc Vân. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu, người đã đạt nhiều giải thưởng âm nhạc toàn quốc, hội viên ”Làng Cười Nha Trang“ và Nghệ sĩ Lê Vũ nổi tiếng, vẽ truyền thần cực nhanh, cực giống là những thành viên xuất sắc đa tài.

Hai năm gần đây, một tín hiệu vui khi TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như – chuyên gia nghiên cứu Haiku, làm việc tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản Tp. Hồ Chí Minh, hiện có thể coi là đại diện lâm thời Haiku Việt ở Nhật Bản qua những đợt nghiên cứu Haiku Nhật gần đây – đã có mối quan hệ khá thường xuyên với chúng ta qua những bài viết sinh động về các cuộc tọa đàm với phía bạn, cập nhật giới thiệu Haiku Việt tại quê hương Bashô.

ThS. Đặng Kim Thanh, hiện Chủ nhiệm CLB Haiku Tp. Hồ Chí Minh vốn quan hệ mật thiết nhiều năm qua với chúng ta, vẫn thường xuyên gắn bó thân tình giữa 2 tổ chức Thơ bè bạn.

Trong các bạn thơ phía Nam, Đại Đức- nhà thơ Đông Tùng đã lưu lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về tài hoa “Thơ-Thư pháp“ ngay những năm 2010, trong chuyến Bắc du đầu tiên cùng Cố chủ nhiệm Lưu Đức Trung, để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng bạn bè thơ xứ Bắc.

Thời gian qua, trên bước đường mới, chúng ta luôn vinh dự có một nhân vật nổi tiếng đồng hành ngay từ buổi đầu bỡ ngỡ. Đó là nhà thơ Vương Trọng – Giải Thưởng Quốc gia. Ông đã cùng chúng ta tiếp Chủ tịch WHA Ban’ya Natsuishi và phu nhân Sayumi Kamakura suốt 2 ngày Tọa Đàm Haiku Việt-Nhật lần thứ I năm 2014 tại Công viên Bách Thảo và tại nhà phố Quốc Tử Giám, Hội viên danh dự của Haiku Việt từ buổi đầu và là nhà thơ Haiku Việt đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam thường xuyên có thơ Haiku và thơ Tứ tuyệt đăng trên Nội san Haiku Việt từ năm 2011. Ông là nhà thơ nổi tiếng duy nhất thấy được rất sớm và ủng hộ trào lưu mới này ngay những buổi đầu.

Nhà thơ Mai Văn Phấn, Giải thưởng văn chương CICADA (Ve sầu) Thụy Điển năm 2017 là nhà thơ Đông Á thứ X, nhà thơ Việt Nam thứ II đạt vinh dự này. Ông có một vị trí tiên phong, đặc biệt trong làng thơ Haiku Việt. Tập “Thả” 2015 của ông với những khúc thơ ba câu độc đáo, hàm súc kỳ lạ, có đầu đề để bạn đọc dễ thưởng thức (nhưng nếu hạ xuống thân bài hoặc bỏ đầu đề, sẽ hóa thành Haiku tuyệt diệu). Năm 2012, ông đã cho ra mắt tập thơ cực ngắn đầu tay “Hoa Giấu Mặt” gồm 90 khúc không đề và ngần ấy khúc có đề. Người viết bài này thật có duyên may đã là bạn Thơ vong niên khi đọc Haiku cho nhau nghe, mỗi người chỉ một bài, mà thành tri âm, tri kỷ ngay buổi đầu qua điện thoại. Mong có dịp kể hầu bạn đọc mối Duyên Thơ hi hữu này. Nhà thơ là Hội viên Danh dự của Haiku Việt, thường xuyên có thơ đăng trên Nội san của CLB ngay từ số đầu và trong Tuyển tập Haiku Việt toàn quốc “Hoa Bốn Mùa” song ngữ năm 2014.

Nhà thơ Bằng Việt cũng sẵn mối lương duyên với CLB qua 2 sự kiện đáng nhớ trong cuộc Tọa Đàm Haiku Việt Nam-Nhật Bản lần thứ I năm 2014. Tại đây, ông đã khẳng định mối thiện cảm đặc biệt với thể thơ này, nhiệt liệt ủng hộ CLB phát triển và đầu năm 2015 đã viết Lời giới thiệu Tuyển tập Haiku Việt “Hoa Bốn Mùa” song ngữ – cực hay và trân trọng. Ông đã sáng tác Haiku và hứa sẽ tham gia sớm.

Nhà Văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc năm nay hơn 100 tuổi. Cụ đã dự cả 2 Cuộc Tọa đàm Haiku Việt các năm 2014 và 2016. Chủ tịch WHA Ban’ya Natsuishi đã vinh dự được tiếp kiến Cụ trong hội trường Công viên Bách thảo mùa thu năm 2014. Chính nơi đây, Cụ là nhân vật đầu tiên đã xác nhận “Haiku nhập Việt là cuộc tiếp biến Văn học lần thứ III, sau 2 cuộc trước đây là Thơ Đường và Thơ Pháp”.

Một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đã nâng cánh Haiku Việt hội nhập là dịch thuật Haiku Việt sang tiếng Nhật và tiếng Anh, tiếng Pháp. Công sức của bà Lê Thị Bình và dịch giả Trần Hữu Hiển – Hội viên danh dự – thật vô giá, đã chắp cánh đưa những khúc Haiku Việt ra thế giới bao la, hội nhập thành công với bạn bè thơ bốn phương. Các nhà thơ Nghiêm Xuân Đức, Lê Văn Truyền, Đinh Trần Phương, Lê Đình Công và tác giả bài viết này cũng tích cực góp phần vào công việc tế nhị và rất cần thiết này.

Gần đây nhất là sự kiện đáng trân trọng khi Haiku Việt mở Đường Bay thênh thang nhờ trang Website haikuviet.com do sáng kiến và công sức của 2 nhà thơ Minh Trí và Hải Quỳnh- CLB Haiku Hải Phòng đề xuất và tổ chức thực hiện thành công, tính đến nay đã gần 240.000 lượt người truy cập. Cuộc thi thơ Haiku đầu tiên ở miền Bắc cũng đã được tổ chức tại đây, hấp dẫn hàng trăm người tham dự.

Những bước đi ngày càng vững, tự tin hơn, cánh bay ngày càng xa hơn của CLB Haiku Việt luôn mật thiết gắn bó với sự tin tưởng, quan tâm và tài trợ của Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Tp. Hà Nội thể hiện qua sự chỉ đạo của Chủ tịch Phạm Quốc Trường, PCT. Nguyễn Hoàng Hải và sự hợp tác chặt chẽ của các cộng sự Minh Khuê, Đinh Hồng Sim… mà thành quả đã ghi nhận vào Sổ Vàng của nền Haiku Việt là 2 cuộc Tọa Đàm Haiku Việt Nam-Nhật Bản lần thứ I (tháng 9-2014) và Tọa Đàm Haiku Việt lần thứ II (tháng 11-2016) ở Hà Nội. Đó là những mốc son quan trọng bậc nhất trong quá trình trưởng thành của Haiku Việt để có được vị trí trên thi đàn Haiku thế giới ngày nay.

2006-2018: mười hai năm, một chặng đường! Bao nhiêu khó khăn, thử thách. Các Hội viên CLB Haiku Việt – Hà Nội đã tự lực, tự cường gồng mình, liên tục đóng góp trí tuệ, tài lực, phát huy mọi khả năng, đoàn kết vững mạnh, không ngừng nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng cao. Ban Chủ nhiệm và Ban Biên tập Haiku Việt, Website haikuviet.com đã hoạt động hết mình. Xin chân thành cảm ơn các bạn!

Xin đa tạ sự hưởng ứng quý báu của bạn đọc bốn phương đã đồng hành sát cánh trên những số Nội san nhiều năm qua và gần đây trên Website haikuviet.com.

Hoạt động đều đặn, hữu hiệu của Hiệp Hội Haiku Thế Giới (WHA) cùng sự quan tâm thường xuyên của Chủ tịch GSTS. Ban’ya Natsuishi và sự cộng tác của bè bạn thơ Haiku trên thế giới đã góp phần đáng kể, tạo niềm tin vui cho Haiku Việt phát triển và hội nhập thành công.

Nhớ lại đến đâu, xin ghi đến đó, hẳn còn nhiều thiếu sót. Chỉ mong được trình bày trung thực những chuyện hoàn toàn nội bộ trong bài viết này. Xin hẹn gặp lại trong những bài khác đầy đủ, súc tích hơn trên mục “Chuyện giờ mới kể”“Miên man hoài niệm”.

Trân trọng.

*Đinh Nhật Hạnh dịch thơ.

**Đại hội Haiku Thế Giới lần thứ 8

tại TOKYO tháng 9 năm 2015, Haiku Việt có

2 đại biểu là khách mời tham dự: Chủ tịch

Đinh Nhật Hạnh và PCT. Lê Thị Bình cùng

TS. Nguyễn Vũ Qùynh Như, Tp HCM.

Đ. N. H

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt