Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867, tại Nam Ðàn, Nghệ An. Năm 2017 chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Thuở nhỏ, Phan Bội Châu theo học chữ nho, ông đậu giải Nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý (1900). Ông là người đã gây dựng phong trào cách mạng theo xu hướng dân chủ tư sản ở đầu thế kỉ XX.
Ðầu năm 1904, Phan Bội Châu và hơn 20 đồng chí lập ra tổ chức yêu nước gọi là Duy Tân hội. Ðầu năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật tổ chức phong trào Ðông Du. Tháng 3/1909 tổ chức Ðông Du bị giải tán, ông bị trục xuất khỏi Nhật, phải sang Trung Quốc. Ông đứng ra thành lập “Việt Nam quang phục hội”. Ngày 24/12/1913, ông bị bắt giam, đến năm 1917 mới được ra tù. Ông đã cải tổ “Việt Nam quang phục hội”, thành lập “Việt Nam quốc dân Ðảng”;
Phan Bội Châu bị bắt lại vào năm 1925; Chính quyền thực dân đưa ông từ nước ngoài về Cảng Hải Phòng. Người thân tín bố trí ông lưu trú ở Đền Tiên Nga trên phố Lê Lợi, TP Hải Phòng một thời gian. Đây là những ngày Phan Bội Châu sống ở đất Cảng Hải Phòng. Sau đó chính quyền thực dân bắt ông phải về sống ở Huế. Từ năm 1926, Phan Bội Châu sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Thời gian này công việc duy nhất của ông là sáng tác. Nhiều tác phẩm được ra đời vào những năm cuối đời của Phan Bội Châu.
Ngày 28/4/2017, tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà thơ Haijin Đinh Nhật Hạnh- Chủ tịch CLB Haiku Việt trực thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản. Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh sinh năm 1928 tại Nghệ An; Vào năm 1938, Đinh Nhật Hạnh 10 tuổi, ông đã tới Huế. Đứng bên Bến Ngự, mọi người đã chỉ cho ông thấy chiếc cổng và ngôi nhà mà cụ Phan Bội Châu lúc bấy giờ đang ở. Đầu năm 2017, Nhật Hoàng sang thăm Việt Nam đã tới thắp hương trước khu lưu niệm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Phan Bội Châu mất ngày 20/10/1940.
Về sự nghiệp thơ văn: Trước khi ra nước ngoài, Phan Bội Châu có viết một số tác phẩm, trong số đó có những tác phẩm tiêu biểu : Hịch Bình Tây thu Bắc, Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư, Song Tuất lục. Thời gian hoạt động ở nước ngoài Phan Bội Châu sáng tác nhiều tác phẩm và gửi về nước, tiêu biểu như: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử, Tân Việt Nam, Khuyến quốc dân tu trợ du học văn. Thời kỳ ông bị giam lỏng ở Huế, số lượng tác phẩm ra đời trong giai đoạn này rất lớn. Tác phẩm “Phan Bội Châu niên biểu” được xem là có giá trị nhất. Bên cạnh đó phải kể đến Nam Nữ quốc dân tu tri, Thuốc chữa dân nghèo, Cao đẳng quốc dân, Lời hỏi thanh niên, Luân lý vấn đáp và hơn 800 bài thơ Nôm các loại, mấy chục bài phú, văn tế, tạp văn.
Những dấu ấn của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu ở đất Cảng Hải Phòng hiện có: 1 là: Bến Cảng nơi chính quyền thực dân đưa cụ Phan Bội Châu từ nước ngoài về Hải Phòng; 2 là: Dấu tích cụ Phan Bội Châu trong Đền Tiên Nga trên phố Lê Lợi, TP Hải Phòng nơi cụ ở những ngày trước khi chính quyền thực dân đưa cụ về Huế; 3 là: Hải Phòng có một phường (và đây là phường duy nhất trên toàn quốc) mang tên cụ Phan Bội Châu; 4 là: Ngôi trường PTCS số 92 phố Phan Bội Châu, TP Hải Phòng được mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu; 5 là: Đề xuất nghiên cứu dựng tượng nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trong khuôn viên kiến trúc trường THCS Phan Bội Châu trên phố Phan Bội Châu, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng để ghi nhớ công ơn và là di tích văn hóa để các thế hệ sau chiêm bái, học tập, trân trọng.
Minh Trí