Nhật ký Tokyo- Đinh Nhật Hạnh

alt

alt

I. Ao xưa mây đọng

Ao xưa / con ếch nhảy vào / tiếng nước

Basho (1644, 1694)

Từ xa xưa, Tây Trúc, Mecca…đưa người mộ đạo thập phương về cõi tâm linh kì bí của những tôn giáo từ bao thế hệ kế tục hành hương.

Ngày nay giữa lòng Tokyo đô hội, bên dòng sông Sumiđa trong xanh có 1 khu tưởng niệm – nơi dòng thác nhỏ róc rách 4 mùa, ngõ trúc thưa lá còn ngấn lệ và bụi chuối cảnh xạc xào đầu ngõ đón chào dẫn ta về ao xưa con ếch nhảy vào, nước trong văn vắt in bóng mây dập dờn vòi dương xỉ. Nơi đó thấp thoáng bóng Thầy trong Am cỏ ngồi ngay dưới đất, không khói hương, tụng niệm trong thành kính lặng im.

Những nhà thơ Haiku 4 phương đều có chung kì vọng được một lần chiêm ngưỡng chốn này – nơi khởi nguyên dòng thơ cực ngắn mà độ lan tỏa vô cùng. Nhật ký Tokyo 2015 xin ghi lại những cảm xúc nguyên sơ khi tác giả được diễm phúc hành hương về chốn cũ vào một buổi trưa mưa vừa tạnh. Ao xưa, am cỏ, ngõ nhỏ, chuối cảnh xạc xào được ghi nhanh qua dòng thơ nhật ký hành trình chép vội. vài dòng thơ nhật ký Haiku.

1. Ao xưa
gương nước
mây đọng bóng Người

2. Ngõ vào thanh vắng/
chuối cảnh / xạc xào

3. Ngõ lệ-trúc thưa
trưa
mưa nặng hạt

4.Bậc đá rêu phong
lối mòn
am cỏ

5.Ao xưa –
trong vắt
vòi dương xỉ dập dờn

6.Sông Sumiđa
kè đá
không bóng chuột thập thò

7.Không đền đài miếu mạo
phiến đá
tạc câu thần

8.Không một tiếng chim –
thác nước nhỏ
cầu vồng giỡn nắng

9.Cụ ngổi tự tại
đất mẹ
ấm tình

10.Tiếng ve
như tiếng dế
từng nhịp ngắn thoảng về

11.Không khói hương, tụng niệm
am cỏ nhỏ
ngay dưới đất Cụ ngồi

12.Cụ ngồi ngay dưới đất –
bát khất thực
nắng vàng

13.Sông Sumiđa êm trôi –
tượng Người
vương mây trắng

14.Ao xưa
phẳng lặng
đôi ếch đá bên thềm

15.Nức lòng Haiku Việt –
dâng Cụ
“Hoa Bốn Mùa”

16.Ước mơ trọn vẹn –
thăm “La Mecque
Haiku”

17.Một đời thơ –
toại nguyện
Am chuối cảnh, bên Người

18.À ra mình già nhất –
trong làng
thơ Haiku

19.Sông Sumiđa trong xanh
hòa dòng Lam biêng biếc
tưới Vườn thơ trong ta

20.Soi gương
ao cũ
thấy bóng mình về xưa

II.Thiên đường nào đâu

Thiên đường / một người đàn bà / một bông sen đỏ

Hàng năm / vẫn mơ về hoa cúc / hoa cũng thế, về ta.

ShiKi

Trên thi đàn thế giới cổ kim, ISSA (1763-1827) và SHIKI (1867-1902) có lẽ là những thiên tài có đời tư bi thảm, bất hạnh nhất. Ngay từ thiếu thời, Shiki đã bị bệnh lao, mẹ nghèo chỉ biết lấy nước ép quả mướp làm thuốc cho con, mười năm lao động dành dụm tiền ăn học thành tài và trở thành người có công lớn định danh thể thơ Haiku và đề xướng nền Haiku hiện đại. Ngoi nhà cũ của ông ở giữa Tokyo hoa lệ. Đến nay, trong ngõ nhỏ ngày xưa vẫn hai gian nhà cấp 4 nơi ông sống cùng mẹ và em gái hơn 115 năm trước. Khách tham quan không được phép ghi hình, chụp ảnh nội thất để bảo vệ hiện vật vốn đơn sơ đến bất ngờ: một thanh đoản kiếm vài tấm ảnh ố nhòe, một bàn con xẻ rảnh để nhà thơ cho đầu gối (có lẽ bị tật nguyền) dựa vào khi sang tác.

Nhà cũ hai gian ấy vẫn còn đó như khi ông còn sống giữa khu vườn nhỏ có giàn mướp cuối mùa trĩu quả, luống hoa mào gà đỏ rực cạnh giếng nước nhỏ không kịp xây thành. Thế thôi. Không tượng đài, hương khói. Chỉ còn vẳng tiếng ai ho đứt ruột cố nén năm nào…Và giấc mơ Thiên đường vời vợi….

1.Nhà xưa cấp bốn
giàn mướp cuối mùa
đu đưa quả giống

2.Lối sỏi
lặng im
tiếng ai ho cố nén

3.Bàn con xẻ rãnh
bóng ông ngồi
chân xếp, chân co

4.Kiếm ngắn theo người
từ Mãn Châu về
han gỉ

5.Tứ chứng nan y
mẹ trồng mướp
phận nghèo tự chữa

6.35 mùa xuân
10 năm lam lũ
khổ học thành danh

7. Tôi đứng lặng im
bên chiếc bàn xẻ rãnh
nơi đầu gối Ông co

8.Ngôi sao không tắt
ánh sáng vẫn ngời
nắng vàng vương bóng giếng

9.Tự trách mình vô duyên
còn bao điều định hỏi
biết bao giờ lại sang

10.Không tượng đài, hương khói
hồn Ông bay
theo cánh bướm vườn xưa

11.Sao thiếu một cây hồng –
loại quà Ông khoái nhất
3000 bài trả công

12. Tôi kính cẩn cúi đầu –
hoa mào gà đỏ rực
như màu máu xưa trào

13.Và tiếng ho xé ruột –
cố nén tự ngày xưa
chiều nay về não nuột

14.Ông hằng mong mùa thu
hẹn cúc vàng rực ngõ
hoa đợi người. Người đâu

15.Thiên đường nào đâu –
bóng hồng nào đâu?
chỉ bông hoa đỏ

III.Tokyo trong veo

Tokyo với hơn 35 triệu dân, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, nơi mở đại hội Haiku thế giới lần thứ 8 đã lưu lại bao kỉ niệm đẹp về cảnh vật và tình người mà đặc biệt là môi trường trong sạch lạ kì và lòng người đôn hậu chân thành hiếm có, khiến du khách đều mong ngày trở lại.

Nếu bạn đọc thân mến cảm nhận được đôi điều đồng điệu, cảm thông chuyến hành hương ngắn ngủi này qua những dòng nhật ký hành trình thì quả là vạn hạnh.

1.Trưa –
Tokyo
rừng ô

2. Tokyo sạch lạ lùng
chục ngày tôi ở đó
không cọng rác trên đường

3.Trời Tokyo trong veo
chục ngày tôi ở đó
một sơ mi trắng đủ dung

4.Đêm Tokyo êm sao!
không còi xe vun vút
sóng Vịnh ru dạt dào

5.Tokyo thênh thang
không bóng dáng công an
không báo, đài nhức óc

6.Trên lầu tầng 45
Tokyo 8 hướng
không ngọn khói nào vương

7.Lầu cao
tít tắp
đỉnh Phú Sĩ mờ sương

8.Hội trường mênh mông
không panô, khẩu hiệu
lọ hoa nhỏ cũng không

9. Tokyo cuối hạ
thi thoảng một tiếng chim
lẻ loi vài bóng quạ

10.Tokyo tuyệt vời
tuổi già e không hợp
đi bộ mỏi nhừ xương

11.Tokyo vấn vương
những chàng trai tận tụy
mồ hôi thắm nụ cười

12.Tokyo
Ô
Metro

13.Đền Meiji chói chang
quang quác rừng thưa
tiếng quạ

14.Danh từ “Haiku mở”
cất cánh từ Việt Nam
đã bay vào quỹ đạo

15.Haiku, Haiku
năm châu hội tụ
TOKYO mùa thu

Đại hội Haiku thế giới WHA 8 những kỷ niệm khó quên (04,05,06) tháng 9 năm 2015

ĐNH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt