Thay vì nói “diện kiến” theo lối cũ, tôi chọn cách “Mơ &gặp” những con người mà tôi quý mến. Dĩ nhiên, gặp mặt thì nhiều, nhưng “ước mơ được gặp” lại khác. Chữ tôi dùng để chỉ một nhân cách quý hóa hơn là phù phiếm.
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh là một nhân cách như vậy. Tôi được gặp vị Lão thi 90 tuổi này, quả là một hiếm hoi bất ngờ, chứ không phải vinh hạnh sáo rỗng….
Và đúng như vậy, Lão thi Đinh Nhật Hạnh là một bài thơ “hiếm hoi” còn sót lại trong thế kỷ 21. Từ ngõ bằng lăng, người đã quy tụ dòng nước mát haiku về với vườn thơ thủ đô muôn nghìn hương sắc. Phải có một nhân cách “đủ” để cất tiếng nói trong khu vườn ấy, khu vườn của niềm mê đắm hoang nguyên.
Tôi như kẻ mộng du rớt xuống khu vườn haiku lạ lẫm, nhận được hương vị “mật truyền” nồng ấm và thiết thân.
Đà Lạt chào đón người trong tôi như vậy đấy. Nơi thiên đường của hồn nhiên và hồn hậu. Trước khi gặp nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, tôi chưa đọc bài Haiku nào của ông. Sau đó mới giật mình bởi tiếng Koto:
đàn Koto dìu dặt
nâng ta về
võng mẹ ngày xưa
Sao không “đưa” ta về, mà “nâng” ta về?
Chỉ có đàn nguyệt, đàn bầu mới đưa ta về say giấc. Còn chiếc đàn Koto lạ lẫm này, đã “nâng” nhận thức của ta về “võng mẹ”, quý thiết dường bao! Đó là hồn cốt Đinh Nhật Hạnh, hồn cốt của làn hương…
Đà Lạt tháng 11. 2016
N.T.N