Khai bút năm mới Nhật Bản với thơ Haiku

alt

Sau thời kỳ Minh Trị Duy Tân, ảnh hưởng phương Tây, vào năm 1873, Nhật Bản chuyển sang đón chào năm mới theo Dương lịch, tức vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Dù vậy, Tết Năm mới Nhật Bản – được gọi là “Oshogatsu” (お正月) vẫn đậm tính truyền thống với nhiều nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống xã hội và được lưu truyền đến ngày nay.

May mắn hai lần được học tập nghiên cứu tại Kyoto vào mùa cuối năm nên người viết đã có cơ hội trải nghiệm văn hóa năm mới Nhật Bản. Để tìm hiểu những nét văn hóa vào Tết Năm mới Nhật Bản, ngoài tham khảo các tài liệu liên quan, người viết đã có những buổi tham gia thực tế tại Kyoto vào những ngày cuối và đầu năm. Có thể tìm thấy rất nhiều thông tin về các nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống xã hội, thiên nhiên vạn vật liên quan mật thiết đến đời sống Nhật Bản vào những ngày Tết đầu năm. Trên tài liệu tham khảo, những nét văn hóa đặc sắc đó còn được minh họa bằng hình ảnh và các bài thơ haiku – một thể loại thơ ngắn của Nhật Bản đang được lan truyền rộng rãi tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Nói về đời sống văn hóa Nhật Bản vào những ngày đầu năm, không thể kể hết nào là tín ngưỡng, lễ hội, sinh hoạt thường ngày, rồi đến các nghi lễ, phong tục, tập quán… được lưu truyền từ thời xa xưa và đang được thích ứng với xã hội hiện tại. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, xin được giới thiệu một số nét văn hóa chính và nổi bật của Nhật Bản trong những thời khắc tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới, tạm gọi là “Tết Năm mới Nhật Bản”.

Dọn dẹp vệ sinh trước Tết “Susuharai”(煤払(Ngày 13/12)

Cũng giống như Tết Việt Nam, trước khi đón chào Năm mới, nhà nhà, đền chùa tại Nhật Bản tất bật chuẩn bị dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa đón chào Năm mới. Tưởng chừng chỉ là công việc tưởng chừng chỉ là trong gia đình, thế nhưng Nhật Bản đã biến việc dọn dẹp, làm sạch nhà cửa, đền chùa thành một ngày mang đậm tính lễ hội với tên gọi “susuharai”(煤払い). Vào thời kỳ Heian (794-1192), “susuharai” (dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đón năm mới) từng ngóc ngách trong nhà nhằm đón các vị thần may mắn và hạnh phúc, trừ bệnh tật cho người già và trẻ em. Đến thời kỳ Edo, vào ngày 13/12 người ta thường dựng cây Tùng và chọn ngày này làm ngày “susuharai”, là ngày bắt đầu các công việc chuẩn bị đón Năm mới. Thuật ngữ “susuharai” trở thành quý ngữ trong thơ haiku.

旅寝して見しやうき世の煤払 (松尾芭蕉)

Tabineshite mishiyaukiyono susuharai (Matsuo Basho)

Rày đây mai đó / vướng bận chi / việc dọn dẹp

Trang trí năm mới: “kadomatsu” (門松 – cổng thông)

Sau giai đoạn dọn dẹp, người Nhật bắt đầu trang trí nhà cửa đón chào Năm mới, rước các vị thần vào nhà phù hộ may mắn cho cả năm sau. Trong những ngày Tết Năm mới, người Nhật trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằng tre và cành thông, cổng chào này được gọi là “kadomatsu” (門松 – cổng thông).

alt

Kadomatsu đặt hai bên trước cổng thành Zeze tại tỉnh Shiga

(hình chụp ngày 29/12/2015)

Kadomatsu được làm từ ống cây tre, có chèn lá thông và thường được đặt trước cửa, toát lên màu xanh để các vị thần dễ nhận dạng bước vào nhà.

門松やおもへば一夜三十年 (松尾芭蕉)

Kadomatsu ya omoeba ichiya sanjunen (Matsuo Basho[1])

Nơi cổng chào / thử nghĩ một đêm / đã là 30 năm

Người Nhật còn đặt các loại trang trí trước cửa hoặc trong bếp. Đó là những vòng qua kết bằng các dây thừng có gắn thêm hoa, được gọi là wakazari (輪飾り) nhằm tạ ơn các vị thần trong nhà như thần lửa, thần nước đã phù hộ trong một năm qua và cầu an cho một năm mới. Vào những ngày trước năm mới, các siêu thị, cửa hàng…bán rất nhiều những đồ trang trí này.

門松は関西風といふ隣家 (稲畑廣太郎)

Kadomatsu wa kansaikaze toiu rinka (Inahata Kotaro[2], 1957-)

Cổng chào / Kansai gió lùa / là nhà sát bên

alt

Hình chụp tại gian hàng bán đồ trang trí ngày Tết, siêu thị Kyoto Nhật Bản, ngày 24/12/2017

Ngày Giao thừa “Omisoka” (大晦日) (Ngày 31/12)

Ngày nay người Nhật đã quen với việc đón giao thừa bằng Tết Dương lịch (tháng Giêng). Tết Năm mới Nhật Bản kéo dài ba ngày, từ ngày 1 đến hết ngày 3 tháng giêng. Vào ngày Giao thừa, người Nhật chuẩn bị các món ăn truyền thống để dâng cúng Thần linh và mọi người trong gia đình cùng ăn khi họp mặt để chuẩn bị đón chào năm mới.

Vào thời khắc đêm giao thừa, chuông đầu năm tại các đền chùa vang lên  rộn rã đúng 108 tiếng. Tiếng chuông vang để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở theo như lời răn của đạo Phật. Tiếng chuông còn là lời cầu nguyện cho một năm mới hạnh phúc, bình an.

どこを風が吹くかと寝たり大三十日(小林一茶)
Doko wo kaze ga fukuka to netari daisanjuunichi (Kobayashi Issa[3])

Gió từ đâu tới / ru ta giấc ngủ / vào ngày ba mươi

Ngày đầu năm “Gantan” (元旦) (Ngày 1/1)

Vào thời kỳ cổ đại, Nhật Bản có bốn mùa (shiki-四季) gồm Xuân – Hạ – Thu – Đông, đón Tết nguyên đán cổ truyền giống Việt Nam. Khi quan niệm về “năm mới” dần xuất hiện, nhiều thuật ngữ khác nhau xuất hiện như: đầu năm, năm đầu, lập xuân, một năm mới đến…Trong đó, thuật ngữ “năm mới” (Shinnen – 新年) được hiểu là “đầu xuân” (shoshun – 初春). Khi chuyển sang Tết dương lịch, thuật ngữ “Năm mới – (shinnen – 新年) chính thức được du nhập. Ngoài bốn mùa theo truyền thống, Nhật Bản đã bổ sung thêm những sự kiện, văn hóa trong thời khắc của năm mới gọi là “Shinnen”. Trong văn học nghệ thuật, nhất là trong thơ haiku, còn có quan niệm “Các mùa trong năm đôi khi bao gồm 5 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông – Năm mới”[4].

元日や山明けかかる雪の中(室生犀星)

Ganjitsu ya yama ake kakaru yuki no naka (Muro Saisei[5])

Ngày đầu năm / núi bừng sáng / trong tuyết

Nhật Bản đón năm mới vào lúc tuyết rơi nhiều nhất trong năm vì “tháng giêng là mùa của tuyết” nên tuyết trở thành biểu tượng của năm mới sắp đến. Trong thi ca Nhật Bản, “Tuyết còn được xem là biểu tượng của điềm lành”[6], có lẽ cũng là sự mong ước của một năm mới được vạn sự tốt lành chăng?

初雪や幸ひ庵にまかり有り(松尾芭蕉)

Shoyuki ya saiwai anni makari ari (Matsuo Basho)

Tuyết đầu mùa / bước vào am / hạnh phúc

Các phong tục ngày Tết:

Đầu năm tại Nhật Bản có thể thưởng thức nhiều nét văn hóa đã được lưu truyền từ thời xa xưa. Sau khi gióng chuông đón giao thừa, các đền chùa mở cửa cho người dân vào thăm viếng, cúng cầu nguyện cho một năm mới bình an. Hòa với không khí Tết năm mới rộn ràng, Người Nhật đi hái lộc, thăm viếng đền đầu năm, được gọi là “hatsumoude”(初詣)tại các đền chùa để cầu an. “Đây là tập quán sinh hoạt được phát triển rộng rãi vào dịp năm mới của cộng đồng làng xã Nhật Bản”[7].

alt

Chuông tại đền Chion-in (Kyoto), hình chụp ngày 31/12/2015

Tại đền Chion (Kyoto) chuông đầu năm có đường kính 2,8m, cao 3,3 mét, nặng khoảng 70 tấn. Mỗi năm chuông tại đền Chion chỉ vang chuông vào ba ngày: ngày lễ thành nhân (tháng 1), ngày 25 tháng 4 âm lịch (còn 250 ngày là hết năm) và đêm giao thừa. Âm thanh sâu và trầm của tiếng chuông tại đền vang rất xa, giữa đêm khô lạnh, thông báo một năm cũ đã kết thúc và năm mới đang đến gần.

行学院奥まりさびし初詣 (山口青邨)

Gyogakuin okumari sabishi hatsumoude (Yamaguchi Seison[8])

Gyogakuin / sâu thẳm nỗi buồn / viếng đền đầu năm

Vào dịp Tết đầu năm, các đền đều đông đúc mọi người viếng đền, chùa… Tại Kyoto, viếng đền đầu năm “hasumoude” được tổ chức tại nhiều đền nổi tiếng như Heian-Jingu, Chion-in, Byodo-in…và rất nhiều nơi khác.

父母に妻の追いつく初詣 (杉浦圭祐)
Chichihaha ni tsuma no oitsuku hasumoude (Sugiura Keisuke[9])
Theo chân mẹ cha / vợ rảo bước / viếng đền đầu năm

alt

Tưng bừng không khí ngày đầu năm tại đền Yasaka-Jinja, Kyoto

(Hình chụp ngày 1/1/2016)

Ngoài phong tục chọn phương hướng tốt để xuất hành đầu năm (hatsumoude), người Nhật còn có phong tục khai bút (kakizome) và phong tục mừng tuổi bằng tiền lì xì (otoshi-dama) cho trẻ con.

年玉や上の一字を筆はじめ (正岡子規)

Toshidama ya uenoichijiwo fude hajime (Masaoka Shiki[10])
Tiền lì xì / cho một nét chữ / khai bút đầu năm

Otoshidama (tiền lì xì) được Shiki sử dụng cho biểu tượng của năm mới như là một quí ngữ (kigo), chứ không phải dùng những thuật ngữ nói về thiên nhiên vào đầu năm. Shiki còn quan niệm quí ngữ không chỉ là từ về mùa mà còn là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, là những từ ngữ mới, xuất hiện vào thời kỳ cận đại.

Thưởng thức các món ăn truyền thống

Vào những ngày cuối năm và đầu năm, người Nhật chào đón năm mới cùng gia đình, bạn bè với những món ăn truyền thống. Tiêu biểu là món mì trường thọ “toshikoshi soba” (年越し蕎麦) – nhằm chúc nhau trường thọ và xóa bỏ những rủi ro.

宵寝して年越蕎麦に起さるる(水原秋櫻子)

Yoineshite toshikoshisoba ni okosaruru (Mizuhara Shuoshi[11])

Tranh thủ ngủ sớm / tiếng mì trường thọ/ bỗng choàng tỉnh

Ngày nay mì soba có thể được thay bằng mì udon. Đây là phong tục truyền thống dựa trên liên tưởng việc ăn những sợi mì như dài kéo dài từ năm cũ qua năm mới, cũng là từ ý nghĩa của từ “toshikoshi” (年越し) – kéo dài qua năm. Mì trường thọ “toshikoshi-soba” “hoặc mì “toshikoshi-udon” có thể ăn cho đến ngày 15 tháng 1, và có thể ăn vào buổi trưa, chứ không nhất thiết chỉ ăn vào buổi tối.

alt

Món mì trường thọ cá nishin “Toshikoshi Nishin Soba” – món ăn đặc sản tại Kyoto, (Hình chụp trưa ngày 28/12/2017 tại một nhà hàng Nhật, Kyoto)

Trong những ngày Tết đầu năm, còn có các món bánh như Osechi cổ truyền và nhất là không thể thiếu món bánh dày đặc biệt của ngày đầu năm.

灯を消して半分暗き鏡餅(杉浦圭佑) 
Hi wo keshite hanbun kuraki kagami-mochi (Sugiura Keisuke)

Đèn vụt tắt / bánh dày kagami / tối hẳn một nửa

Bánh kagami-mochi là một loại bánh dày được dùng trang trí vào ngày đầu năm dâng lên thần linh, cầu chúc cho một năm hạnh phúc, may mắn, sung túc, mưa gió thuận hòa. Bánh gồm các bánh dày có hình dạng tròn, được xếp chồng lên nhau, biểu hiện cho sự sung túc, may mắn và niềm vui luôn được chồng chất trong cả năm.

Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng…vào dịp đầu năm cứ thế diễn ra cho đến khi hoa ume (hoa mơ) hé nở, cây xanh đâm chồi cũng là lúc các loài chim như chim én, chim oanh, chim sơn ca…bay trở về cất tiếng hót chào đón xuân sau những ngày dài trú đông lạnh lẽo.

鶯の枝ふみはづす初音(与謝蕪村)

Uguisu no eda fumihazusu hatsune kana (Yosa Buson[12])

Chim oanh / vướng chân trên cành / cất tiếng đầu xuân

alt

Chim oanh (uguisu)[13]

Đây cũng là tín hiệu thông báo mùa xuân sắp về, khiến mọi người phấn khởi mong chờ mùa xuân ấm áp sau những ngày lạnh giá.

新年号の笑顔の上に薬罐置く(杉浦圭佑)
Shinnengou no egao no ue ni yakan oku (Sugiura Keisuke)
Tín hiệu năm mới / trên mặt hân hoan / bên ấm nước

Thơ haiku tinh tế cảm nhận bước đi của thời gian, từ hiện tại kết nối với quá khứ và liên tưởng đến viễn cảnh của ngày mai. Đến với những vần thơ haiku bé nhỏ, cực ngắn nhất là vào ngày Tết đầu năm, có thể cảm nhận một thế giới vô cùng và tinh tế về đời sống văn hóa, xã hội, nhất là tâm tư, tình cảm con người trước sự thay đổi của thời gian – không gian.

正月が来るとおもえばかならず来る(宇多 喜代子)

Shougatsu ga kuruto omoeba kanarazu kuru (Uda Kiyoko[14], 1935)

Năm mới đến / cứ thử nghĩ / chắc sẽ đến thôi

Theo Thần đạo Shinto “Dòng chảy thời gian không có khởi đầu và cũng chẳng có điểm kết thúc”[15]. Giống như trăng tròn rồi khuyết, khuyết rồi lại tròn. Năm cũ luôn được tiếp nối bằng một năm mới, thời gian cứ thế được tiếp nối, luân hồi không đứt quãng, chẳng gì mất đi theo quan điểm không gian và thời gian hòa quyện vào nhau tạo nên cảm thức về cái hiện tại “tại đây – bây giờ”[16].

Nguyễn Vũ Quỳnh Như

Ngày 29/12/2017

Theo công trình nghiên cứu “Tuế Thời ký – Quý ngữ bốn mùa”

tác giả thực hiện tại Viện Nghiên cứu Nichibunken, Kyoto

Chú thích:

  • Các bài thơ haiku trích dẫn trong bài, do người viết tự lược dịch từ bản gốc tiếng Nhật.

[1]Matsuo Basho (1644-1694) – Nhà khai sáng thơ haiku thời kỳ Edo

[2]Tổng Thư ký Hiệp hội haiku truyền thống

[3]Kobayashi Issa (1763-1828) nhà thơ haiku cảm thương và trào lộng

[4]Yuzuru Miura (1991), Classic Haiku a master’s selection, Tuttle Publishing, Singapore, tr.8.

[5]Muro Saisei (1889 – 1962), được giải Văn học Yomiuri và giải Văn hóa Mainichi vào năm 1958.

[6]Miyasaka Shizuo (2009), 季語誕生 (Khởi sinh quý ngữ), Iwanami, Japan, tr.28.

[7]Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981) , 日本大歳時記 新年Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.149.

[8]Yamaguchi Seison (1892 – 1988) Có nhiều bài thơ chủ đề về quê hương

[9]Sugiura Keisuke (1968-), nhà thơ haiku thuộc Hiệp hội thơ haiku hiện đại, năm 2001 được giải thưởng Nhà thơ mới của Hiệp hội thơ haiku hiện đại

[10]Masaoka Shiki (1867-1902), nhà thơ cách tân thơ haiku thời kỳ Minh Trị Duy Tân

[11]Mizuhara Shuoushi水原秋桜子(1892-1981), Chủ tịch Hiệp hội nhà thơ năm 1962

[12]Yosa Buson (1716-1784), là một thi sĩ – họa sĩ hàng đầu của Nhật Bản thế kỷ XVIII

[13]Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981),日本大歳時記 新年Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới, tr.230

[14]Uda Kiyoko (1935 – ), Cố vấn đặc biệt Hiệp hội thơ haiku hiện đại

[15]Kato Shuichi (2007), 日本文化における時間空間 (Không gian và thời gian trong văn hóa Nhật Bản), Iwanami Shoten, Japan, tr.233.

[16]Kato Shuichi (1994), Japan Sprit & Form, Charles E. Tuttle Company, Rutland, Vermont & Tokyo, Japan, tr.152.

Danh mục tham khảo

  1. Inoue Hiromiku (2017), 季語になった京都千年の祭事 (Sự kiện Thiên niên Kyoto trở thành Quý ngữ), Kadokawa Shoten, Japan.
  2. Kato Shuichi (2007), 日本文化における時間空間 (Không gian và thời gian trong văn hóa Nhật Bản), Iwanami Shoten, Japan
  3. Kusama Tokihiko (1984), 俳句十二か月 (Thơ haiku 12 tháng), Kadokawa Shoten, Japan.
  4. Miyasaka Shizuo (2009), 季語の誕生 (Khởi sinh quý ngữ), Iwanami, Japan.
  5. Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan.
  6. Yamamoto Kenkichi (2016), 「ことばの歳時記 」 (Từ vựng của Saijiki), NXB Kadokawa, tr.318.
  7. Yuzuru Miura (1991), Classic Haiku a master’s selection, Tuttle Publishing, Singapore.
  8. Kato Shuichi (1994), Japan Sprit & Form, Charles E. Tuttle Company, Rutland, Vermont & Tokyo, Japan.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt