Hoạt động của CLB Haiku Việt TP Hồ Chí Minh trong chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam- Nhật Bản thành phố Cần thơ lần thứ 3

alt

Đáp ứng lời mời của Ban Tổ chức Chương trình Giao lưu Văn hoá và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản Thành phố Cần Thơ lần 3 từ tối ngày 3 đến 5/11/2017, CLB Haiku Việt TP.HCM cùng với các Chi hội Yosakoi, CLB Cựu Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản – JUACH, Chi hội Couppi, Chi hội Trà đạo Sài Gòn, Chi hội Võ thuật Katori Shintoryu thuộc Hội Hữu nghị Việt – Nhật TP.HCM dưới sự hướng dẫn của Ông Nguyễn Công Tánh – Chủ tịch Hội, đã đến Công viên Lưu Hữu Phước, Thành phố Cần Thơ .

alt

Đến TP. Cần Thơ vào chiều ngày 3-11-2017, CLB Haiku Việt cùng các Chi hội khác đã tranh thủ trang hoàng gian triển lãm của Chi hội mình và tham dự Lễ Khai mạc Chương trình Giao lưu từ 17 h 30 .

Trong chương trình hoạt động, ở hai gian hàng triển lãm của mình, CLB Haiku đã thực hiện việc trưng bày các ấn phẩm là thành tưu của CLB trong 10 năm thành lập (2007-2017) và các bức thư pháp thơ Haiku của CLB Thư pháp Hoa Chữ Việt. Bên cạnh đó, CLB cũng đón tiếp, giao lưu với các khách thơ và viết thư pháp thơ Haiku theo yêu cầu của những người yêu thích trong hai ngày 4 và 5 tháng 11.

Sáng ngày 4-11-2017, tại gian Thơ Haiku Việt, ThS. Đặng Kim Thanh – Phó Chủ nhiệm CLB – đã giới thiệu CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM và 2 ấn phẩm mới nhất của CLB: Tập thơ Hoa bốn mùa của Chủ nhiệm CLB Haiku Việt TP.HCM Lưu Đức Trung, NXB Thanh Niên, 2017 Tuyển tập thơ Haiku Việt (Tập 4) của nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2017 với các khách mời là sinh viên lớp Cao học ĐHSP TP.HCM đặt tại Cần Thơ. Sau đó, ThS. Xuân Hảo đã bình bài thơ “Trên ấy có giao thừa không mẹ? / nhang tàn, nến tắt / cánh bướm chập chờn bay” của NSND – ĐD – Nhà thơ Haiku Đào Bá Sơn. Sau đó, TS. Hoàng Kim Oanh cũng trình bày cảm nhận về Thơ Haiku Việt và hai sinh viên cũng nêu cảm xúc về thơ Haiku.

Điểm nhấn trong hoạt động của CLB lần này là vào chiều tối cùng ngày, tại sân khấu của công viên Lưu Hữu Phước, các thành viên CLB Haiku đã có buổi giới thiệu về CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM và thư pháp trước đông đảo khán giả Cần Thơ. Mở đầu, ThS. Đặng Kim Thanh, PCN. CLB, đã giới thiệu “Hoạt động CLB Haiku Việt TP.HCM – Hành trình 10 năm đi tìm bản sắc”. Kế tiếp, TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như đã trình bày về “Thơ Haiku Việt du ngoạn xứ sở Hoa Anh Đào”. Sau đó, hai Nhà thư pháp Dương Minh Hoàng và Lưu Thanh Hải đã song song trình diễn thư pháp hai bài thơ Haiku: “Tiếng ve/ cành tre kẽo kẹt/ vọng tiếng mẹ ru” của Lưu Đức Trung và bài “Tôi vỗ bàn tay/ dưới trăng mùa hạ/ tiếng dội về ban mai” của Matsuo Basho trong tiếng đàn tranh dìu dặt của Nghệ sĩ Ngọc Linh. Cuối cùng, ThS. Đinh Xuân Hảo đã bình bài thơ “Tiếng ve/ cành tre kẽo kẹt/ vọng tiếng mẹ ru” để giúp công chúng Cần Thơ cảm thụ sâu sắc hơn tính hàm súc, gợi suy tư, gợi cảm xúc của một bài thơ tiêu biểu do người sáng lập thể thơ Haiku Việt – GS. Lưu Đức Trung – sáng tác. Cuộc Giới thiệu thơ Haiku Việt này đã giúp cho gian triển lãm của CLB Haiku Việt TP. HCM được nhiều người quan tâm hơn.

alt

Sáng ngày 5-11, CLB cũng hân hạnh đón tiếp, giao lưu với 2 nhà văn Ngọc Thuý và Quốc Nam (Chi hội Nhà văn VN tỉnh Cần Thơ) và rất nhiều khách tham quan là học sinh, sinh viên, giáo viên, thi hữu và những người yêu thích thơ Haiku.

Cuối ngày 5/11/2017, CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ, cùng với đại diện các Chi hội Yosakoi, CLB Cưu Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản – JUACH, Chi hội Couppi, Chi hội Trà đạo Sài Gòn, Chi hội Võ thuật Katori Shintoryu thuộc Hội Hữu nghị Việt Nhật TP.HCM dưới sự hướng dẫn của Ông Nguyễn Công Tánh – Chủ tịch Hội đã chào tạm biệt Thành phố Cần Thơ thân thiện, hiếu khách trở về TP.HCM trong tâm trạng luyến lưu từ hai phía, hứa hẹn cuộc giao lưu, hợp tác cho năm sau.

Đinh Xuân Hảo

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt