PGS LƯU ĐỨC TRUNG- Chủ tịch HKV Tp HCM
(1933- 2017)
BÀI I
Không tiếng gọi
không tiếng ơi
cô độc giữa rừng người
(Bài thơ làm trong lúc ngồi một mình trong nhà rất hiu quạnh)
Lưu Đức Trung
Rừng người thật đông đúc. Cuộc đời thật náo nhiệt nhưng cũng thật hoang vu,hiu quạnh vì không có tiếng gọi và không có tiếng ơi. Không ai có nhu cầu tìm bạn tri âm và cũng không ai sẵn sàng đợi người tri kỷ. Đâu đó có một tâm hồn tràn đầy rung cảm, yêu thương muốn được trao tặng,hiến dâng mà không người nhận. Đâu đó có một tâm hồn khao khát được yêu thương mà không ai cho. Họ lặng lẽ để đời mình cuốn theo dòng chảy như thác lũ của cuộc đời,của rừng người. Tràng giang của Huy Cận “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” nên lòng người cảm thấy quạnh hiu. Còn ở đây giữa rừng người mà vẫn cô liêu. Phải chăng đó là cái ý vị sâu xa về đời người mà tác giả bài thơ muốn cùng người đọc chiêm nghiệm, sẻ chia ?
ĐOÀN THU VÂN
*
BÀI 2
Về quê nhà
soi mình đáy giếng
những ngày ấu thơ
(Làm trong dịp về quê lần thư hai)
Lưu Đức Trung
Bài thơ nói hộ tình yêu quê nhà thầm kín trong trái tim mỗi người chúng ta. Trong ký ức mỗi người Việt Nam có hình ảnh giếng nước thân thương bởi giếng nước gốc đa hiện diện ở bất cứ làng quê nào, gắn bó với cuộc sống bình yên sau lũy tre xanh và trở thành biểu tượng của làng quê Việt. Ai trong chúng ta cũng từng có lần soi mình trong đáy giếng thuở ấu thơ. Giếng làng là nơi lưu giữ hình bóng ta thuở hoa niên tươi đẹp. Vì thế,dù đi đâu,ta cũng mong muốn được trở về với mảnh đất chôn nhau cắt rốn,soi mình trong đáy giếng để tim lại bòng hình tuổi thơ trong trẻo ở đó. Giếng quê cũng là tấm gương soi giúp ta tìm lại mình, tìm lại “bản lai diện mục”. Tâm ta lúc mới sinh như bầu trời xanh trong sáng in hình nơi đáy giếng. Rời làng quê ra đi,tâm hướng ra thế giới chung quanh khiến ta rơi vào vọng tưởng, vọng tình, ham muốn, ao ước , tính toán, vui buồn, giận, lo, yêu, ghét, mừng, sợ, khổ, nhục v.v. Đó là những đám mây đen,mây xám che phủ bầu trời tâm trong sáng , khiến ta âm u trong đau khổ. Tường lầm như vậy gọi là mê. “Tâm , Phật , Chúng sinh” tuy ba mà một. Khi mê không nhận ra bổn tâm (hay bổn lai diện mục) thì tâm kia trở thành chúng sinh đau khổ , khi nhận ra được bổn tâm và trở về an trú trong bổn tâm thanh tịnh (trong sạch) đó thì tâm trở thành Phật” (Thích Trí Siêu). Trở về quê, soi mình trong chiếc giếng – nơi lưu giữ “Bản lai diện mục” là hành trình tìm lại chính mình. Khi đó chúng sinh đau khổ là ta tìm được bổn tâm, tâm đã trở thành Bồ Đề tâm- thành Phật. Bụi trần ai đau khổ không có chỗ bám víu:
“Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Nào chỗ bám trần ai”
Lưu Đức Trung
Hà Nội tháng giêng năm Ất Mùi
MAI LIÊN
*
BÀI 3
Trong cơn giông
em ôm chặt
hai bàn tay không
(Một buổi chiều mùa hạ đang đi trên phố thì gặp cơn giông,bầu trời u ám,tiếng sấm rền vang.Nhiều người đi bộ lo lắng sợ sệt.Nhìn cảnh đó tôi làm bài thơ này)
Lưu Đức Trung
Nhỏ bé. Trơ trọi. Mong manh. Em đối mặt với uy quyền bạo liệt của thiên nhiên,của cuộc đời. Hai bàn tay không- Không của cải vật chất,không tình yêu gia đình, không nơi chốn tựa nương. Em chỉ có mỗi sự sống của bản thân . Và em đã tựa vào chính mình, rắn rỏi, dũng mãnh để không bị giông bão vùi dập hay cuốn bay đi.trong sinh linh nhỏ bé giữa bao la đất trời ấy, vút lên cái bi hùng tuyệt đẹp. Tác giả bài thơ trong khoảnh khắc của một tia chớp lóa lên trong cơn giông,có thể, đã bắt gặp cái đẹp đến đau lòng ấy và đã khắc họa nên, bằng vài nét bút đơn sơ mà sắc sảo một hình ảnh mãi làm khắc khoải trái tim ta.
ĐOÀN THU VÂN