Gặp gỡ các nhà thơ Haiku nước ngoài tại Hà Nội- Nghiêm Xuân Đức

alt

Trong thời gian vừa qua, CLB Haiku Hà Nội đã có một số buổi nói chuyện với các haijin nước ngoài khi họ tình cờ có mặt tại Hà Nội và ngỏ ý muốn giao lưu với các haijin Việt Nam. Những lần gặp gỡ đó đều được tổ chức tại nhà riêng của Chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh, sau đây xin tóm tắt lại.

alt

Họp mặt với bạn Jérôme Meesen

Phía Việt Nam có các haijin Đinh Nhật Hạnh, Lê Đăng Hoan và Nghiêm Xuân Đức, ngôn ngữ giao lưu là tiếng Pháp. Jérôme Meessen là một kỹ sư người Bỉ, chuyên gia cố vấn của Cơ quan Phát triển Bỉ, làm việc ngắn hạn tại Việt Nam. Ông viết bằng tiếng Pháp và không nhận mình là người chuyên làm thơ Haiku, nhưng thường viết lẫn các khổ thơ Haiku trong các bài thơ khác và cả trong các bài văn xuôi, nhật ký, tùy bút của mình. Đây là một quan điểm sử dụng và sáng tác thơ Haiku rất riêng biệt, nên tìm hiểu và giới thiệu cho các nhà thơ Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không giới thiệu cả bài thơ hoặc cả bài văn dài của ông mà chỉ trích ra các đoạn thơ “giống như” Haiku để mọi người tham khảo.

Ta thấy các đoạn thơ này có một số đặc điểm chung của thơ Haiku do các tác giả phương Tây viết: cấu trúc 3 dòng; không có tiêu đề; không vần; không theo công thức 5-7-5. Các câu thơ thường rất ngắn, chỉ có vài từ, nhưng cũng có câu dài hàng chục từ; không triệt để loại bỏ các hư từ (tính từ, liên từ, giới từ…). Xin tạm dịch vài đoạn thơ để bạn đọc cùng thưởng thức:

Buffles au regard doux / puissance boueuse / cornes en arcs de lune

Những con trâu với cái nhìn hiền dịu

sức mạnh bùn lầy

sừng hình cung trăng

Sueur et troncs d’arbres / fleurs et cris perdus des écureuils / dont on ne sait rien d’autre que les “toc-toc-toc” et leur résonnance

Mồ hôi và những thân cây

hoa và tiếng kêu tuyệt vọng của những con sóc

mà ta chẳng biết gì khác ngoài tiếng “cốc-cốc-cốc” và âm vọng lại

Boire, boire, boire / de l’eau, de l’alcool de riz et / le paysage

Uống, uống, uống

nước, rượu gạo và

phong cảnh


Họp mặt với nhà thơ James Shea

Nhà thơ James Shea là PGS. Văn học của Đại học Hong Kong (Assistant Professor – Faculty of Arts – Department of Humanities and Creative Writing – Hong Kong Baptist University). Ông đã từng giảng dạy văn học tại các trường Đại học Chicago, Nebraska, và đã xuất bản 3 tập thơ bằng tiếng Anh: Ngôi sao trong mắt (Star in the Eye – 2008), Trình diễn của không khí và nước (Air and Water Show – 2013), Cuốn truyện đánh mất (The Lost Novel – 2014).

Các lĩnh vực giảng dạy của James Shea: cách làm thơ; thơ ca Mỹ cận đại và hiện đại; văn học Nhật Bản hiện đại; dịch văn học; viết sáng tạo… Ông đã được giải thưởng Dạy giỏi của Trung tâm thơ ca Chicago (Award for Excellence in Teaching – The Poetry Center of Chicago).

Ông có thể nói được tiếng Nhật, nhưng cuộc trao đổi đã diễn ra bằng tiếng Anh. Các nhà thơ Việt Nam hoặc nói trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc có sự hỗ trợ của ông Trần Hữu Hiển, giảng viên tiếng Anh của Đại học Quốc gia và bạn Đinh Nhật Minh, cháu của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh.

Nội dung buổi trao đổi gồm các câu hỏi – đáp của cả hai bên về thơ Haiku. Chúng tôi chỉ tóm tắt vài vấn đề chính do James Shea nêu lên:

– Thơ Haiku rất phổ biến ở Mỹ, gần như mọi người đều biết về thơ Haiku nhưng việc làm thơ Haiku lại chỉ giới hạn trong nội bộ các nhà thơ Haiku. Thơ Haiku có ảnh hưởng lớn đến thơ hiện đại Mỹ. Ở Mỹ, thơ Haiku có được dạy ở trường phổ thông nhưng chỉ cho lứa tuổi nhỏ, chủ yếu để giúp phát triển ngôn ngữ và học về thiên nhiên. Ở các trường Đại học văn học, thơ Haiku được dạy như phương tiện để viết ngắn gọn hàm xúc, sáng tạo và thiết lập khả năng sử dụng hình ảnh.

– Thơ Haiku ở Mỹ được viết thành 3 dòng, nhưng có người viết thành 2 dòng hoặc 4 dòng, hay 1 dòng với các dấu gạch chéo. Vấn đề không ở số dòng mà là ở tinh thần Haiku. Người Nhật cũng có nhiều cách viết, trước đây họ viết thành 1 dòng dọc như chữ Hán với các từ ngắt kireji; ngày nay họ lại viết ngang thành 3 dòng và đọc từ trái sang phải như phương Tây, hoặc chỉ 1 dòng nhưng có thể không dùng từ ngắt kireji mà thay vào đó là các dấu gạch chéo.

– Thơ Haiku ở Mỹ không có từ chỉ mùa (quý ngữ – kigo). Với người Mỹ, hoa cúc không tượng trưng cho mùa thu vì họ đã trồng được hoa cúc quanh năm từ lâu rồi. Vả lại thiên nhiên ở Mỹ không giống ở Nhật, nên kigo không có ý nghĩa thực tế.

– Thơ Haiku ở Mỹ không có tiêu đề, không vần và không theo cấu trúc 5-7-5. Tuy vậy, nhiều nhà thơ Mỹ vẫn viết các khổ thơ Haiku nối nhau và có tiêu đề chung cho bài thơ nhiều khổ ấy.

Thơ Haiku trích dịch từ tập thơ The lost novel

The lost novel là tập thơ 72 trang, gồm nhiều bài thơ của James Shea, xuất bản năm 2014. Đó là những bài thơ không vần rất đa dạng, hiện đại, trừu tượng và bí hiểm, có bài chỉ 2 câu, có bài dài hơn nhưng đa phần không quá 1 trang, các câu thơ đều ngắn chỉ khoảng vài từ. Ngay ở trang bìa, Graham Foust[1] đã giới thiệu: “Gồm các phần ngang nhau của xúc động sâu sắc và vui thú nặng nề, tập thơ The lost novel được tạo nên để đạt tới thực tế về tấm gương luôn vỡ mà ta gọi là thế giới. Hãy xem và chú ý: James Shea chính là James Shea của thơ ca.”

Sự đa dạng kỳ lạ của thơ James Shea rất khó mô tả, có khi nó là hàng trang văn xuôi, hoặc những bài thơ có đánh số, có khi là vài câu thơ rời rạc hoặc cả dạng thơ mang hình thức nhiều lựa chọn (multiple choices). Sau đây là vài thí dụ cho dạng thơ nhiều lựa chọn:

Multiple Choices (Nhiều lựa chọn)

A. A lily trains a lily.

B. A lily trains a grass blade.

C. A grass blade trains a lily.

D. A lily trains a blade[2].


A. Hoa huệ đào tạo hoa huệ.

B. Hoa huệ đào tạo lá cỏ.

C. Lá cỏ đào tạo hoa huệ.

D. Hoa huệ đào tạo phiến lá.


A. Start your gardens!

B. Vindication touches the demon.

C. Mend a minute on the evening star.

D. God’s immeasurable diameter provides one miracle each.


A. Hãy bắt đầu các vườn nhà anh đi!

B. Sự bào chữa động chạm đến quỷ.

C. Hãy vá một phút vào sao hôm.

D. Đường kính vô biên của Chúa Trời đã cho mỗi thứ một phép màu.

A. It’s the sound of the absence of sound.

B. It’s not soundlessness.

C. It’s the decay after hitting the whole note.

D. It’s the sound of being heard

A. Đó là âm thanh của sự vắng bặt âm thanh.

B. Đó không phải là sự bặt âm.

C. Đó là sự suy sụp sau khi gõ trúng toàn bộ nốt nhạc.

D. Đó là âm thanh của sự được nghe.

Chúng tôi không có ý định giới thiệu nhiều về thơ của James Shea nói chung, mà tập trung tìm hiểu xu thế sáng tác thơ Haiku của ông và đối chiếu với những lời ông phát biểu trong cuộc trao đổi. Dưới đây là phần trích dịch các bài thơ Haiku của James Shea trong tập The lost novel. Các bài thơ Haiku chỉ là số nhỏ lẫn lộn trong các bài thơ đa dạng khác.

Birthmark’d face

1.

One monsoon ends,

Its after-water rains

From the winded  leaves.


2.

One accident runs

Deep inside me, carries

my organs in a sack.


3.

One street owes itself

to another street,

One tree owes another.

Mặt có vết chàm

1.

Một mùa mưa qua,

Những cơn mưa sau khi có nước

Từ những chiếc lá tàn hơi.


2.

Một tai nạn xảy ra

Sâu thẳm trong tôi, đã bỏ

các tạng phủ tôi vào bao tải.


3.

Một đường phố tự nó mang nợ

đường phố khác,

Một cây nợ một cây.


Plato’s balls

1.

The foundation of my home

required brace and poured concrete,

measurement that preceded me.

2.

It was one of those a priory things

when you know what you’re not supposed to do

before you go ahead and do it.


3.

A spokeman for the dictionary,

I heard you say something recently

and I want to make it permanent.

Những quả bóng của Platon[3]


1.

Nền móng của nhà tôi

đòi hỏi trụ chống và đổ bê tông,

khuôn khổ này có trước tôi.


2.

Đó là một trong những điều tiên quyết

khi bạn biết điều gì bạn chẳng nên làm

trước khi bạn tiến lên và làm điều ấy.


3.

Một người phát ngôn của cuốn từ điển,

Tôi nghe bạn nói điều gì đó gần đây

và tôi muốn làm nó thành lâu bền.

Một vài nhận xét về cách làm thơ Haiku của James Shea: Các khổ thơ đều gồm 3 dòng; không vần; không theo cấu trúc 5-7-5; không có quý ngữ và từ ngắt hay dấu ngắt; các câu thơ đều ngắn, chỉ vài từ; rất hạn chế dùng hư từ (tính từ, trạng từ…); mỗi khổ thơ 3 dòng đều được đánh số 1-2-3…; nhiều khổ thơ 3 dòng tạo thành một bài thơ có tiêu đề chung; các tứ thơ không chỉ là những hình ảnh, sự vật thoáng hiện như nhiều nhà thơ Haiku thường làm mà có thể là các ý nghĩ, các tư tưởng trừu tượng.

Trên đây là đôi dòng ghi lại những gặp gỡ giữa các thành viên CLB Haiku Hà Nội với một số haijin nước ngoài. Mong cho những cuộc trao đổi bổ ích như thế sẽ ngày càng nhiều hơn.

NXĐ

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt