“cuộc viễn du dài nhất
từ Tôi qua Tôi
không cột mốc thời gian”
(Zlatka Timenova – Đinh Nhật Hạnh dịch)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết:“chiều nay em ra phố về/ thấy đời mình là những chuyến xe” trong nhạc phẩm mang tên “Nghe những tàn phai”. Xe đi về một nơi nào đó, có địa danh hẳn hoi trên trái đất, là cuộc đi của đôi chân, của lòng ước vọng.
Rất dài…
Zlatka Timenova thì khác, bà cũng đi, nhưng đi rất ngắn, không hề dùng bàn chân để bước. Đó là cuộc đi trên chính nội thân của mình. Cuộc đi bằng chân hay cuộc đi nội tại cũng đều là những cuộc viễn du, nhưng có lẽ cuộc viễn du mà Zlatka Timenova đang nói tới là “cuộc viễn du dài nhất”!
Dài nhất vì kể từ lúc ta ngộ ra pháp sinh diệt, là ta bắt đầu đi cho tới chết:
“từ Tôi qua Tôi”…
Câu thơ ngắn có 4 từ, đã có 2 từ Tôi. Mỗi tôi là một sinh thể độc lập, thì mới từ “tôi” qua “tôi” được chứ? Giả dụ như từ A qua A’ chẳng hạn. Nhưng không, “Tôi” ở đây tuy “một mà hai”, và ngược lại tuy “hai mà một”. Bởi câu thơ nhỏ (4 từ), mà chứa đựng triết lý cả một pho sách! Phật dạy pháp vô ngã, nghĩa là không có cái tôi chân thật, trong mỗi sat-na cái “tôi” luôn biến thành quá khứ, bởi dòng sinh học chuyển động không ngừng. Nói dễ hiểu hơn, thì tôi lúc thơ bé khác tôi lúc trưởng thành, tôi trưởng thành không phải là tôi lúc già nua vv…
Mãi mãi như thế, khi bạn đọc bài viết này, thì cái giây phút đọc cũng liền lùi vào quá khứ…
Bởi thế, khi nhà thơ nhận ra chân lý, Bà viết:“từ Tôi qua Tôi” là một nội hàm không đổi của cuộc đi dài qua mỗi con dốc, khúc quanh của đời người. Điều quan trọng của hành giả, là luôn làm chủ cuộc vận động ấy, cho đến chặng cuối cùng, nên viết:“không cột mốc thời gian” là vậy…
Bài thơ là một ẩn dụ, khẳng định chân lý của sự chuyển dịch không ngừng của vũ trụ, và trong chính cơ thể vật lý của mỗi sinh vật. Không biết có ai nhận ra không, mới là điều thú vị…
Thơ haiku là sự thú vị của khoảng không…
N.T.N