Thơ Haikư cổ điển của người Nhật rất phong phú về đề tài tình yêu, nhất là về tình yêu thiên nhiên và thời tiết (thậm chí họ coi loại từ ngữ chỉ rõ 4 mùa – Quý ngữ Kigo là một quy tắc : không có Kigo không hẳn là thơ haikư (?) .
Nhưng do đặc điểm thiên về cảm xúc hướng nội, nên thơ haikư cổ điển của người Nhật thường không không biểu lộ tình cảm cá nhân rõ ràng và mạnh mẽ, tinh Vô Ngã và thái độ điềm tĩnh nhẹ nhàng vẫn nổi trội trong các tình huống.
Thái độ của họ vẫn thanh nhã yên binh kín đáo ngay cả khi đi trên phố xá đông đúc, sặc mùi rượu :
Bước ngang phố
tĩnh lặng êm đềm
thơm mùi rượu
Hashimoto Mudo (Quỳnh Như – Thơ Haikư Nhật bản, tr. 166)
Đặc biệt không có nhiều chủ đề về tình yêu nam nữ. Thơ haikư cổ điển vốn bắt đầu từ các Thiền sư, và về sau ảnh hưởng của Thiền đạo vẫn rất lớn, nên ở đây tất nhiên không thể có nhiều về tình yêu nam nữ.
Thơ haikư Nhật bản hiện đại không như vậy, các chủ đề và nội dung đã mở rộng đến vô cùng, tình yêu nam nữ đã được đề cập nhiều. Ta cũng gặp rất nhiều nội dung này trong thơ Hhaikư quốc tế, với mọi sắc thái phong phú đa dạng, kể cả các tứ thơ sexy rất táo bạo và hiện đại.
Vậy các haijin Việt Nam đã làm thơ haikư thế nào về các chủ đề tình yêu nam nữ ? Ở đây ta thử tìm hiểu sơ bộ vài sắc thái thi pháp của các haijin Việt với loại chủ đề trên.
Các haijin Việt hình như hiểu rõ thể thơ haikư vốn không thuận lợi cho các nội dung trữ tình (lyric). Thơ haikư thường không khuyến khich sử dụng tính từ, không muốn biểu lộ ý kiến riêng nên thường khô khan, tinh trữ tình không cao. Mỗi tác giả Việt thường có hàng trăm bài haikư, nhưng lác đác chỉ có vài bài về tình yêu nam nữ. Và họ cũng giữ tinh thần Giản đạm (Wabi) và Man mác (Shiori) của haikư, chứ không cuồng nhiệt và gấp gáp kiểu Thơ mới :Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi… (Xuân Diệu). Ngay cả lúc say mê rực lửa, họ vẫn đúng mực và thanh tao, chậm rãi :
Nụ đào tủm tỉm
bướm ơi
gượm nào
Đinh Hạnh (Trăng bùa, tr. 42)
Câu thơ vẫn điêm đạm, man mác , dù vẫn nồng nhiệt và bừng sáng :
Một bóng hoa đào
thắp bừng ngõ nhỏ
ấm chiều ba mươi
(Đinh Hạnh – Trăng bùa , trang 36)
Họ thấy cô kiếm sĩ Nhật dù đang múa võ cũng là phối hợp Trà đạo với Hoa :
Trong phòng trà
cô gái Nhật
kiếm múa với hoa
Lưu Đức Trung (Hoa Bìm bìm, tr. 17)
Đôi mắt người yêu vẫn được nhìn thấy dưới trăng thu và bóng mây , dúng là tính Giản đạm và Tính Man mác :
Bóng mây che
ánh trăng thu
đôi mắt buồn
Lưu Đức Trung (Phiến khúc mùa thu, tr. 22)
Mái tóc người yêu được nhà thơ haikư Việt nhận ra trong mưa bụi và ở đây không có Cái Tôi nào cả, đúng là tính Vô Ngã (Incognito) của thơ hai kư :
Tóc em
tầm xuân
mưa bụi
Nguyễn Hoàng Lâm (Hoa Bốn mùa, tr. 216)
Lời ca cũng yên lặng cất lên từ đôi mắt :
Từ mắt em
mọi lời ca
cất lên
Nguyễn Hoàng Lâm (Hoa Bốn mùa, tr. 216)
Nỗi nhớ, dù thiết tha, cũng bị cơn mưa chia cắt – nhà thơ đã nhìn thấy nỗi nhớ của những người yêu nhau trong mưa :
Mưa, mưa
cưa đôi
nỗi nhớ
Đỗ Tuyết Loan (Hoa bốn mùa , tr. 15)
Bông hoa Phong lan hình chiếc hài cũng được nhà thơ nhìn thấy cả bàn chân không vướng bụi trần giống như tinh thần của Thiền đạo:
Lan hài
bàn chân ai
không vướng bụi trần
Nghiêm Xuân Đức (Hoa bốn mùa, tr. 37)
Tình yêu nam nữ được quan niệm là tự nhiên và thật giản dị, câu thơ cũng kết hợp với âm điệu của thơ lục bát như thể câu ca dao:
Có gì đâu
trời xui hai đứa
thương nhau trọn đời
Nguyễn Tiến Liêu (Haikư Việt 8-2023, tr. 38)
Lồng ngực phồng căng và có cả chuyện đắp chăn cho nhau, nhưng đó không phải là 1 tứ thơ sexy , mà lại là sự hòa hợp biển trời của thiên nhiên tươi đẹp :
Biển kéo tấm chăn sao
đắp lên lồng ngực đất
thủy triều dâng cao
Mai Liên (Haikư Việt 8-2023, tr. 97)
Đôi mắt đa tình như chuyện bướm ong, thế mà khuôn mặt vẫn nghiêm trang :
Mắt bướm
bao khuôn mặt phấp phới
không cười
Đinh Trần Phương (Giấc mơ của bàn tay, tr. 23)
Nhưng dù có cạo đầu, có thanh bạch thì haikư tình yêu nam nữ vẫn cứ tô đậm tính trữ tình cho thơ haikư hiện đạị :
Đầu đã cạo tóc
đời vẫn trao em
chiếc vương miện tình yêu
Lê văn Truyền – Haikư Việt 8/2023 , tr. 23)
Tôi chọn phiến khúc haikư trên làm kết luận cho bài tiểu luận này.
Nghiêm Xuân Đức, tháng 12 năm 2024