Tự sự về bài thơ haiku- Lưu Đức Hải

alt

alt

Đêm trăng

tiếng nước

bóng người nhấp nhô.

Khi tôi viết ra mấy câu trên tôi chỉ nghĩ đơn giản là ghi lại những ký ức về những đêm trăng đã đi qua cuộc đời tôi. Đó là các hình ảnh nhấp nhô của bà con nông dân tát nước dưới trăng khuya; là dáng thoăn thoắt của các cô thôn nữ quê tôi gánh nước từ giếng Hung, giếng Kiệt; là dáng chèo nghiêng nghiêng của cô lái đò trên sông; là bóng các bạn nữ cùng trường tắm bên bờ giếng, là cái khỏa chân bên cầu ao của cô hàng xóm đi chơi khuya về… Rồi mỗi âm thanh hay “tiếng nước” gắn với mỗi hình ảnh ở trên cứ từng cặp lần lượt hiện về sao mà thân thương, gần gũi. Tôi rất vui vì hình ảnh đêm trăng của cả vùng nông thôn Việt Nam đã được gói lại trong mấy câu, hay đúng hơn là chỉ trong mấy chữ.

Thế nhưng, khi tôi đọc bài này cho anh Lê Chiêu Phùng, người làng tôi hiện đang sống ở Đồng Hới thì anh cười ầm lên và phán rằng, hai chữ “nhấp nhô” là hình ảnh chàng trai mới lớn thập thò nhìn trộm ai đó tắm dưới ánh trăng, hay cao hơn, sâu hơn là hình ảnh của tình yêu nam nữ… Anh nói khác với những gì tôi nghĩ lúc đầu, nhưng thấy có lý nên tôi gật gù tán thưởng

Tưởng chỉ đến thế là cùng, nào ngờ mới đây trò chuyện với anh Lê Minh Thắng, tác giả tập thơ “Hai mươi bốn chữ cái”, anh cũng là người làng tôi thì tôi rất bất ngời khi nghe anh nói là thích bài này vì 2 từ “Đêm trăng” gợi ra được cái ước mơ có một cuộc sống hòa bình, no đủ, còn mấy từ sau là nỗi khắc khoải, là sự lam lũ, nhấp nhô tìm kiếm từng miếng ăn, nhấp nhô những mái nhà cao, thấp, nhấp nhô trong phân hóa giàu nghèo, nông thôn, thành thị… Thật là thú vị về suy nghĩ và sự liên tưởng của anh.

Và tôi hiểu sâu hơn rằng, thể thơ haiku rất đa nghĩa, có những nghĩa ngoài suy nghĩ của người làm ra nó. Người đọc haiku cũng chính là một nhà thơ haiku.

LĐH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt