Tính quốc tế của thơ Haiku- Lê Thị Bình

alt

Hiện nay, khoảng hơn 40 nước trên thế giới có nhiều người đang say mê sáng tác và nghiên cứu thơ Haiku. Tôi muốn tìm hiểu những suy nghĩ, đánh giá về thực tế đó từ phía Nhật và các nước khác nên viết bài này để mọi người tham khảo. Về chủ đề này, có mấy bài viết của các tác giả Ngô Triêu Tân (Đài Loan) và Tachiana L. Sokolova (Nga). Bài phân tích của tác giả nổi tiếng Terada Torahiko (1878-1935) về người Nhật trong mối quan hệ với thiên nhiên, một số bài viết của các tác giả Việt Nam nghiên cứu về Haiku cũng khiến tôi quan tâm.

alt

Người ta tổng kết đến nay, từ châu Âu (cả Tây và Đông Âu), Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Nam Á… đều có đội ngũ sáng tác Haiku, lý do ban đầu rất giống nhau: vì thể thơ này ngắn, dễ làm, ai cũng có thể làm được (đương nhiên muốn hay và để người đọc nhớ đến thì cũng khó đấy!). Ở châu Âu và châu Mỹ trước đây có một quan niệm phiến diện rằng thơ và văn là của tầng lớp tri thức, người bình dân ít học mà làm thơ, viết văn thì đó là sự trụy lạc. Nhà văn thiếu nhi nổi tiếng Andersen khi ra mắt tiểu thuyết bằng ngôn ngữ Đan Mạch cũng bị chê rằng “đây mà gọi là tiểu thuyết ư?”, nhưng khi các tác phẩm của ông bán rất chạy thì tư tưởng phiến diện trên đã bị phá bỏ. Cuộc sống là như vậy, thật “xanh tươi”.

Người Nhật cho rằng Haiku lan truyền trên thế giới là do công lao to lớn của nhà văn hóa Nhật người Ý Reginald Horace Blyth (1898-1964). Từ năm 1949, ông đã viết 4 cuốn về Haiku và 2 cuốn về lịch sử Haiku bằng tiếng Anh để giới thiệu về thể thơ này.

Haiku hiện đại của Nhật có lẽ gần với Haiku của các nước khác trên thế giới. Nhật có thơ Haiku tự do từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, cùng với đó là sự ra đời của Hiệp hội thơ Haiku hiện đại. Người Nhật muốn thoát khỏi sự gò bó của Haiku cổ điển, tiêu biếu là nhóm Haiku theo xu hướng tự do với tạp chí Soun 層雲 (“Tằng Vân” hay “Mây tầng”). Đây là loại Haiku “phá cách”, không theo luật lệ “định hình 5-7-5 và có quý đề, quý ngữ”. Ta có thể tìm hiểu Haiku tự do của Nhật do Kawahigashi Hekigoto (1873-1937) và những người theo trường phái của ông, như Ozaki Hosai, Taneda Santoka… đề xướng, hưởng ứng phong trào “Haiku khuynh hướng mới” (新傾向俳句).

Trong bài về “Lịch sử Haiku ở Đài Loan”, ông Ngô Triêu Tân nói rằng qua một thời gian dài từ 1895 đến 1945, Đài Loan chịu sự thống trị của người Nhật, đã tiếp thu nền giáo dục của Nhật; người dân Đài Loan bị buộc phải học tiếng Nhật nên rất thạo, họ sáng tác Haiku bằng tiếng Nhật và chữ Hán. Nhiều người Nhật ở Đài Loan cũng kết thành các Hội Haiku và ra nhiều tạp chí Haiku. Ông bàn nhiều về “quý đề” và “quý ngữ” trong sáng tác thơ Haiku ở Đài Loan. Ông cho rằng sáng tác Haiku bằng ngôn ngữ khác ngôn ngữ Nhật thì có âm điệu khác, thời tiết khác nên khó áp dụng các “quý ngữ” như của Nhật, có cố tình dùng quý ngữ thì đọc lên cũng không cảm nhận được, mất ý nghĩa vốn có.

Có những nhà thơ Đài Loan cũng rất tâm huyết và ra sức cổ vũ cho Haiku tiếng Trung (Hán Bài), nhưng theo Ngô Triêu Tân, dù sao đó là loại thơ ngắn nhưng dứt khoát không phải Haiku (Bài Cú, 俳句) kiểu Nhật. Một thực trạng khiến ông băn khoăn là Hội Haiku ở Đài Loan đa phần là người cao tuổi, ông hy vọng Hội sẽ thu hút thêm nhiều nhà thơ trẻ để kế tục sự nghiệp phát triển thơ Haiku. Con đường phát triển thể thơ ngắn này, theo ông, còn rộng mở mà không cứ phải là dạng Bài Cú truyền thồng có quý ngữ, định hình 5-7-5. Ông cho rằng Bài Cú truyền thống của Nhật (có quý ngữ, định hình, hoa điểu phúng ngâm, tả sinh…) chỉ là một phần của Haiku chứ không phải là tất cả, và rằng Shiki mất quá sớm chứ nếu sống lâu hơn thì chắc thế giới Haiku bây giờ còn thay đổi nhiều nữa. Ông kêu gọi người Nhật hãy mở lòng đón nhận văn hóa Haiku, khởi nguồn từ Nhật Bản và đươm hoa kết trái trên nhiều đất nước. Ông nói “cớ sao một bộ phận người Nhật lại không muốn chấp nhận nó!”.

Ông cũng cho biết mặc dù Haiku đã được nhiều nước trên thế giới tiếp nhận và sáng tác, nhưng phần lớn những người hâm mộ Haiku ở Nhật Bản vẫn nghĩ rằng Haiku chỉ thích hợp với người Nhật và phải làm bằng tiếng Nhật. Nó là thể loại thơ định hình với cấu trúc 5-7-5, có quý ngữ và ngâm vịnh phong cảnh thiên nhiên (花鳥諷詠), thậm chí còn có chủ trương phải cưỡng chế như vậy. Một số ít, nhất là giới trẻ, thì cho rằng có thể sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ cần thật ngắn và là thơ 3 dòng, không có quy ước nhất định.

Đất nước Brazil, rộng lớn nhất Nam Mỹ, là nơi người Nhật di dân sang sống từ hơn 100 năm nay, và là nơi đông kiều Nhật nhất trên thế giới. Đã có đến ba, bốn thế hệ người Nhật sinh ra và lớn lên ở Brazil, thế hệ con cháu thứ tư thì hầu hết là con lai. Người Nhật xa quê hương và họ yêu văn hóa nước mình nên rất thích ngâm nga, sáng tác thơ Haiku, Tanka… Nói đến Haiku của người Nhật ở Brazil thì phải nhắc đến người mở đầu là ông Uetsuka Shuhei (1876-1935) với bút danh Uetsuka Hisagokotsu (上塚瓢骨). Ông dẫn đầu đoàn người di cư sang Brazil trong chuyến tàu đầu tiên Kasato maru và sáng tác câu Haiku sau, mở đầu cho phong trào thơ Haiku trên đất Nam Mỹ:

涸滝を見上げて着きぬ移民船

karedaki wo / miage tetsukinu / iminfune

Nhìn lên thác khô / tàu di dân / cập bến

Tiếp đó, phải kể đến nhà thơ, nhà báo Guilherme de Almeida đã lập nên trường phái thơ Haikai Almeida. Nghe nói ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác thơ Haiku bằng tiếng Bồ Đào Nha từ năm 1936 sau khi gặp ngài Tổng lãnh sự Nhật yêu thơ Haiku Ichige Kozo. Mỗi câu Haikai của ông có đầu đề riêng và vẫn tuân theo cấu trúc 5-7-5, ví dụ bài Haikai của ông như sau:

Rửa / vẩy nước, lắc cát / trong sàng còn lại một hạt vàng

Bài này tiêu biểu cho ý niệm sáng tác Haiku của Almeida và cũng là của Brazil. Đúng là đãi cát tìm vàng!

Người sáng lập nên thi đàn Haiku Brazil là Sato Nenhara (1898-1979). Ông theo học Kyoshi và cả đời trung thành với quan niệm sáng tác “tả sinh” của Shiki. Ông xuất bản nhiều tập thơ trong đó phải kể đến “Haiku Brazil thi tập” (1948), “Tập thơ Haiku của di dân 70 năm” (1978), “Tuyển tạp ngâm Bóng râm – Haiku của di dân Brazil” (1979). “Bóng cây” hay “Bóng râm” (木陰 kokage) là tên tạp chí Haiku nổi tiếng ở Brazil. Người ta nói Haiku ở Brazil đi từ hoa Anh Đào đến hoa Ippe (quốc hoa Brazil).

Brazil dùng tiếng Bồ Đào Nha có cấu trúc ngôn ngữ khác tiếng Nhật, thời tiết cũng khác, chủ đạo là khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới, đặc biệt các mùa ngược hẳn với Nhật Bản vì vậy việc dùng “quý ngữ” như quy định của Nhật là nỗi băn khoăn với họ. Tuy vậy, con người là một phần của vũ trụ, như haijin Kyoshi đã viết vào cuối đời trong cuốn “Con đường đến Haiku” (1955), đại ý: Haiku là sự “thể hiện của vũ trụ”, là thứ “văn nghệ của thiên đường, chốn cực lạc”. Haiku gắn với thiên nhiên, mỗi con người là một phần của vũ trụ là như vậy.

Tài liệu nghiên cứu “Haiku ở Tây Âu trong sự phát triển của Haiku hiện đại” của bà Tachiana L. Sokolova – ủy viên Ủy ban văn học Moscova – viết rằng: “Một điểm đặc trưng của Haiku ngày nay là nó đã vượt thoát khuôn khổ thơ ca Nhật Bản. Từ đầu thế kỷ 20, Haiku đã dần có được không gian sống mới. Ban đầu mới chỉ là một số ít các nhà thơ Tây Âu sáng tác Haiku nhưng, như nhà thơ Nhật Sato Kazuo – người đầu tiên viết về Haiku hải ngoại – nhận định, ngày nay, con đường từ Haiku đến Haiku dần rộng mở. Phong trào sáng tác Haiku lan từ Mỹ sang Tây Âu và các nước trong khu vực châu Á. Xuất hiện ngày càng nhiều các Hiệp hội thơ Haiku ở Mỹ, Canada, Bỉ, Hà Lan, Trung Quốc… Người ta tổ chức các cuộc thi sáng tác Haiku khắp mọi nơi, giảng dạy về Haiku, thậm chí có cả các trường dạy sáng tác”. Điều này khiến cho ngay cả các Hiệp hội thơ Haiku trong nước Nhật cũng phải hình thành các bộ phận giao lưu quốc tế. Ở mỗi nước, quá trình tiếp biến thơ Haiku khá tương đồng: ban đầu là giới thiệu về Haiku; rồi đến những bài luận văn liên quan đến Haiku và dịch những câu Haiku cổ điển của Nhật; sau nữa là say mê và trải nghiệm sáng tác… Bà giới thiệu sáng tác Haiku của một số nhà thơ Nga nổi tiếng thời kỳ đầu mới tiếp xúc và tìm hiểu Haiku như Konstantin Dmitriyevich Balmont (1867-1942), Andrei Bieri (1880-1934). Thơ họ mới đầu phần nhiều chịu ảnh hưởng của thơ ca Nhật, đặc biệt là Tanka và Haiku. Bà coi đây là những bước đi đầu tiên của người Nga sáng tác Tanka và Haiku bằng tiếng Nga. Bà lý giải tại sao người châu Âu thích Haiku như vậy, bởi vì nó ngắn và chứa đựng nội dung sâu sắc. Ban đầu họ không phân biệt sự khác nhau giữa Tanka và Haiku nhưng khi hiểu nhiều hơn thì thấy chúng rõ ràng khác nhau và họ cho Haiku chiếm lĩnh vị trí số một. Tanka có tính văn học và mỹ cảm hơn nhưng Haiku thì gần gũi, dễ cảm hơn và mang đậm yếu tố dân chủ.

Bà Tachiana L. Sokolova so sánh Haiku của các tác giả Nga, Anh, Ý, Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Croatia, Rumani, Hungary… với Haiku của một số nhà thơ Nhật nổi tiếng ở cùng chủ đề. Ví dụ, bà so sánh một câu thơ về đêm xuân nhớ bạn tình, tuy đã cố làm ngắn gọn nhưng vẫn dài dòng của Fyudor Tyutchev với câu cùng ý của Uejima Onitsura (1661-1783):

春の夜の枕嗅ぐやら目が腫レた

Haru no yoru/ no makura kaguyara / mega hareta

Đêm xuân / ngửi hương của gối / mắt xưng mọng

Hay bà so sánh thơ của Apollon Nikolayevich Maykov (1821-1897) với cùng chủ đề mùa xuân của Masaoka Shiki (1867-1902):

雪の絵を春も掛けたる埃哉

Yuki no e wo / haru mo kaketaru / hokori kana

Tranh tuyết / bụi còn bám / sang cả mùa xuân

và cho rằng nếu Maykov là một haijin thì ông sẽ chỉ cần viết hai dòng đầu là đủ, không cần giải thích hay miêu tả dài dòng.

Bà so sánh thêm thơ của Boris Pasternak (1890-1960) về tình cảm nhớ hình ảnh người vợ đã mất với câu của Yosa Buson (1716-1783) như sau:

身にしむや亡妻の櫛を閨に踏む

Minishimu ya / nakitsuma no kushi wo / neya ni fumu

Thấm lạnh / chốn phòng the / thấy lược của người vợ đã mất

Một câu ngắn nhưng ý rất sâu!

Bà nhận định quá trình các nước tìm hiểu, dịch và làm Haiku bằng ngôn ngữ nước mình là giống nhau. Và bà kết luận rằng sáng tác Haiku bằng ngôn ngữ khác tiếng Nhật thì hình thức định hình có thể không giống luật Haiku của Nhật Bản nhưng nội dung thì phải có tính Haiku. Người sáng tác có thể làm thơ ngắn hoặc gần giống Haiku, mang tinh thần cô đọng, hàm súc như Haiku.

Bà cũng cho biết thêm, ở Nga, trong thập niên 60-70 có nữ sỹ Marukova dịch và giới thiệu tập thơ Haiku của Basho, sách đã bán hết veo trước khi đưa ra phát hành tại các tiệm sách vì rất nhiều người hứng thú, đặc biệt là các nhà thơ trẻ đương thời sáng tác theo khuynh hướng tự do.

Tôi lại xem bài “Hai lối mộng trong thơ Haiku Nhật Bản hiện đại” của Hoàng Long viết năm 2011, khi mà người Việt vẫn quen gọi tạp chí Haiku Hototogisu nổi tiếng của Nhật là “Chim Cuốc” (tác giả Hoàng Long cũng vậy). Tạp chí Hototogisu xin cứ dịch là “Chim Tử Quy” cho gọn và đúng ý của Shiki, người sinh ra nó. Bài này nói về sự ra đời của Haiku hiện đại Nhật Bản mà tiêu biểu là khuynh hướng của hai nhà thơ Haiku nổi tiếng, đều là những học trò xuất sắc của Masaoka Shiki: Hekigoto và Kyoshi. Hai ông đã cách tân Haiku Nhật Bản theo hướng tự do mà cho đến nay người Nhật vẫn còn tiếp tục bàn cãi. Tuy vậy, Haiku đã ra thế giới, biểu hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật. Ngôn ngữ khác, môi trường khác, nền văn hóa khác nhưng người ta vẫn mê Haiku ngắn gọn và hàm xúc sâu xa. Điều đó tạo nên “tính quốc tế” của Haiku.

Tác giả Terada Torahiko (1878-1935) đã phân tích tỉ mỉ về điều kiện tự nhiên của Nhật Bản dẫn đến “thiên nhiên quan” của người Nhật qua bài viết “Quan niệm về thiên nhiên của người Nhật”, đồng thời, “tinh thần Haiku” cũng được ông bàn khá kỹ trong bài tùy bút đặc sắc này của mình. Ông nhận định người Nhật khác người phương Tây ở chỗ sống gần gũi, không tách rời và đối lập với thiên nhiên, không có thái độ khoa học lý tính áp đặt lên thiên nhiên mà hòa với thiên nhiên làm một. Nói cách khác, người phương Tây coi thiên nhiên là công cụ, là hàng hóa thì người Nhật coi thiên nhiên thân thiết như anh em ruột thịt, coi mình là một phần của thiên nhiên; người phương Tây muốn “chinh phục” thiên nhiên thì người Nhật muốn “đồng hóa” hòa mình vào tự nhiên, nương theo tự nhiên. Ngày nay, trước sự quy mô hóa toàn cầu của vấn đề môi trường thì ở bất cứ đâu cũng cần tăng cường phát huy công cuộc hòa hợp với thiên nhiên. Thơ Haiku là thứ văn hóa mà thông qua “quý ngữ” có thể giúp con người thân thiện với thiên nhiên, rất thích hợp với việc giáo dục trẻ em biết yêu quý thiên nhiên… Hiện nay ở Mỹ, Úc và nhiều nước khác, các trường tiểu học đã dạy cách làm thơ Haiku…

Ở Hà Nội của chúng ta hiện nay, tôi biết có tới hơn 10 trường dạy tiếng Nhật và dạy làm thơ Haiku bằng tiếng Việt. Hàng năm, hãng Hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) tổ chức thi vẽ tranh có đề một câu Haiku tự sáng tác theo chủ đề cho thiếu nhi khắp thế giới. Từ ba năm nay, học sinh cấp 2 ở các trường thuộc Hà Nội đã tham gia dự thi. Trước đây tôi đã có một bài giới thiệu về việc sáng tác thơ Haiku ở các nước và về cuộc thi này trong mấy số nội san của CLB Haiku Hà Nội, các bạn có thể tham khảo thêm. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì mới tổ chức hội thảo về sáng tác thơ Haiku trong nhà trường ở Việt Nam.

Thực ra, người Việt đã biết đến thơ Haiku từ đầu thế kỷ 20 nhưng phát triển thành phong trào như hiện nay thì phải chờ đến những năm đầu thế kỷ 21.

PGS. Lưu Đúc Trung và nhà giáo Nguyễn Bích Nhã Trúc có một bài viết về sự tiếp nhận thơ Haiku của người Việt Nam, hình thành Haiku Việt. Điều kiện tự nhiên của Việt Nam và một số nước khác với Nhật Bản, nhiều nơi trong năm không có bốn mùa, có nơi chỉ có mùa khô và mùa mưa, cấu trúc ngôn ngữ cũng khác nên về cả hình thức lẫn nội dung đều có thể có khác biệt với suy nghĩ, tình cảm của người Nhật. Nhưng tựu chung, tất cả đều thích thú với vẻ cô đọng, hàm xúc, ý nghĩa sâu sắc của thể thơ này.

Người Nhật hay trích dẫn câu Haiku của tác giả người Mỹ Jack Galmitz sáng tác sau ngày 11/9/2001 để chứng minh rằng Haiku tiếng Anh vẫn mang âm sắc rất Haiku:

Two light beams shining

where there were once Twin Towers –

my son, my daughter

Hai tia sáng chiếu rọi / nơi Tháp Đôi / con trai, con gái tôi ơi

Khi diễn giảng về “tinh thần Haiku”, Terada Torahiko nói đó chính là “tự nhiên quan” hay “thế giới quan” của người Nhật. Ông dẫn chứng một câu Haiku của Basho:

春雨や蜂の巣つたふ屋ねの漏り

Harusame ya / hachi no suttau / yane no mori

Mưa xuân / mái dột / nước chảy theo tổ ong

Ông dùng câu này để cho người đọc thấy cái “thực” và cái “hư” trong Haiku Nhật Bản. Cũng như kiệt tác sau đây của Basho đã gây nhiều tranh cãi ở Nhật:

荒海や佐渡に横たふ天の川

Araumi ya / sado ni yokotau / ama no gawa

Biển động / bắc ngang đảo Sado / dải ngân hà

Nếu với cách nhìn “khoa học” của người phương Tây thì đây là câu thơ ngắn không có gì đặc biệt nếu không nói là dở nhưng với người Nhật thì đây là câu Haiku rất đẹp. Cụm từ araumi (荒海) – “biển động” hay đảo Sado (佐渡) làm rung động bao tình cảm của người Nhật, bởi vì biển, đảo gắn liền với cuộc sống của họ, hạnh phúc và khổ đau, nó không đơn thuần là “khoa học hàng hải” như đối với người châu Âu…

Lấy ví dụ câu thơ “con ếch” nổi tiếng của Basho, ông cho rằng “cấu trúc 5-7-5” làm cho câu Haiku khác với một câu nói thông thường, nó cho ta cảm giác mạnh mẽ về ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng cũng như vậy, câu Lục Bát của ta nếu không mang âm hưởng vần điệu và không có cấu trúc 6-8 thì không còn là Lục Bát.

Tôi lại tìm hiểu xem người Nhật cảm nhận về Haiku của nước khác làm bằng ngôn ngữ khác mà ta vẫn gọi là “Haiku” ấy ra sao? Người Nhật vốn kín đáo và khiêm nhường nên chủ yếu họ nói nhiều về suy nghĩ của người nước ngoài về văn hóa nước họ, về thơ Haiku. Thực ra họ vẫn có cảm giác Haiku do người nước ngoài sáng tác nghe “ngồ ngộ”, là thứ thơ ngắn, 3 dòng mà thôi, khó chấp nhận. Và như Ngô Triêu Tân phải kêu gọi người Nhật nên thông cảm và có cái nhìn thoáng hơn với Haiku thế giới: “cớ sao một bộ phận người Nhật lại không muốn chấp nhận nó!”, cần phải suy nghĩ về điều này! Theo tôi, cần thông cảm cho người Nhật bởi họ vốn ưa chỉn chu và “cảm” thơ theo cách của họ. Có lẽ người Việt ta cũng sẽ có cảm giác như vậy khi người nước ngoài sáng tác thơ Lục Bát mà thôi. Nhưng tiếc rằng ta chưa tập hợp được những câu Lục Bát do người nước ngoài sáng tác và cũng chưa có phong trào làm thơ dạng Lục Bát ở nước ngoài như Haiku của Nhật.

Thực tế, nếu nói người Nhật đã tuyên truyền cho Văn hóa Nhật thì có lẽ không chính xác lắm. Tôi nghĩ rằng các nhà nghiên cứu và nhà thơ các nước tự tìm hiểu Văn hóa Nhật Bản và thơ Haiku trước khi người Nhật quan tâm đến việc tuyên truyền nó!

Tôi tình cờ đọc được bài “Haiku – Lục Bát một vài ghi nhận” của Nguyễn Thị Thanh Xuân trong tập tuyển chọn “Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2013). Tác giả cũng cảm nhận rằng hai thể thơ này có nhiều khác biệt, không thể “hòa đồng” được dù đều rất ngắn (một câu Lục Bát độc lập chỉ có 14 chữ mà thôi). Có lẽ thơ Thiền thời Lý – Trần (thế kỷ 10-14) có gì đó gần gũi hơn với thơ Haiku và như tác giả Phan Thị Hồng nhận định, thơ Thiền thời đại Lý – Trần và thơ Haiku đã “lặng lẽ làm nên sự nối kết lịch sử” về suy tưởng. Và sau mấy thế kỷ, thơ Haiku của các thiền sư Nhật Bản đã rút gọn, trở nên cô đọng hơn. Tuy nhiên, thơ Haiku cũng không hẳn chỉ là thơ “Thiền” của mấy vị thiền sư!

Có lẽ vì “không thể hòa đồng” như tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận xét nên khi đọc “Lối lên miền Oku” do giáo sư Vĩnh Sính dịch ra tiếng Việt theo kiểu thơ Lục Bát, tôi cũng thấy khó hấp thụ, không cảm thấy hay.

Mỗi nền văn hóa có sức mạnh riêng, nhưng sức mạnh ấy có thể được bồi đắp theo thời gian. Nên chăng, chúng ta cứ phát triển thơ Lục Bát, đồng thời tiếp nhận dòng thơ Haiku Việt như một tiếp biến mới. Có điều, người Việt vẫn cảm thấy thơ thì cần có vần điệu, có tình cảm nên thơ Haiku có cảm giác hơi cứng và khô khan, âu cũng là trở ngại mà các haijin Việt phải vượt qua. Các haijin Việt trong cả nước đã sáng tác hàng vạn câu Haiku Việt mà họ tâm đắc, tôi chỉ xin trích ra đây một số mà tôi cho là rất hay:

Đảo nổi, đảo chìm / phập phồng nhịp tim / tổ quốc

(Nguyễn Hoàng Lâm)

Vũng bùn / lấp lánh / những tia mặt trời

(Lê Văn Truyền)

Cánh bèo / tìm bóng mây xa / chậu nước trong nhà

(Lưu Đức Trung)

Nằm nghe / đêm thẳng đứng / mưa rơi

(Đinh Trần Phương)

Cầu vượt / vun vút /gió xuân

(Lê Thị Bình)

Bờ môi thiếu nữ / uốn lệch / vng trăng

(Nguyễn Thị Kim)

Đôi mắt mẹ tôi / một màu sương khói / thanh xuân đâu rồi

(Nhã Trúc)

Mưa, mưa/ cưa đôi/ nỗi nhớ

(Đỗ Tuyết Loan)

Gió kéo chăn mây / đắp vầng trăng lạnh / hao gầy

(Mai Liên)

Một bóng hoa đào / thắp bừng ngõ nhỏ / ấm chiều ba mươi

(Đinh Nhật Hạnh)

Trăng lạnh / nghĩa trang / đồng đội xếp hàng

(Lý Viễn Giao)

Về thôi / bờ sông níu gió / chân trời níu mây

(Lương Thị Đậm)

Tiếng võng đưa / ngày xưa / tay mẹ

(Nguyễn Duy Quý)

Cào cào / gác chân trước gió / hẹn xuân

(Như Trang)

Rong chơi / em và mặt trời / đuổi bắt

(Phúc Oanh)

Cúp điện / em ngủ ngon lành / gió từ tay anh

(Thanh Tùng)

Mấy năm nay, ta có chừng hơn 20 thành viên cả nước đã gia nhập Hiệp hội Haiku thế giới (WHA) và thơ Haiku của ta cũng được Hiệp hội này trích đăng trong Tạp chí Haiku thế giới và cả Ginyu nữa. Nữ tiến sỹ Quỳnh Như đang có chương trình nghiên cứu về Haiku ở Kyoto, và chị thông báo cho biết đã được mời tham dự  nhiều chương trình giới thiệu về Haiku Việt cho người Nhật. Ta vẫn nằm ở dạng “tuyên truyền, quảng bá”, nhưng mong rằng “hữu xạ tự nhiên hương”.

Người Nhật vốn làm gì cũng đến nơi đến chốn và cái gì cũng phải học! Ở Nhật có Hội nghiên cứu giáo dục Haiku (NHKK) và Hội này đã ra mắt cuốn sách “Hướng dẫn sáng tác Haiku” cho giáo viên các trường tìm đọc. Từ thời xa xưa, người Nhật đã dạy nhau làm thơ, đặc biệt về Haiku thì từ thời Basho, cách đây khoảng hơn 400 năm, riêng thi hào này đã có hàng trăm, ngàn môn sinh. Tôi không quá ngạc nhiên khi hiện nay ở Nhật có rất nhiều Hiệp hội thơ Haiku, nhiều tạp chí Haiku, nhiều cuộc thi sáng tác Haiku và đặc biệt trường học nào cũng dạy Haiku cho các em học sinh… Đại học Haiku thành lập đầu năm ngoái (1/1/2015) và trong Điều lệ của Đại học này cũng có nêu rõ nhiệm vụ thúc đẩy giao lưu quốc tế.

Thơ Haiku xinh xinh, ngắn gọn hàm ý sâu xa tiêu biểu cho văn hóa Nhật. Người Nhật vốn thích “thu nhỏ”, mỹ học Nhật Bản là mỹ học của sự thu nhỏ… Và nay thì Haiku lan ra khắp thế giới có lẽ cũng vì sự xinh xinh độc đáo của nó vậy. Ở Nhật, tôi biết có ít nhất hai Hiệp hội Haiku quốc tế: Hiệp hội giao lưu Haiku quốc tế và Hiệp hội Haiku thế giới. Hơn nữa, vì xu thế phát triển nên hầu như các Hiệp hội Haiku Nhật Bản đều có bộ phận giao lưu quốc tế. Haiku đã vào Việt Nam, tiếp biến vào thơ Việt. CLB Haiku Tp. Hồ Chí Minh với nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà giáo… vừa kỷ niệm 9 năm thành lập. CLB Haiku Hà Nội thì chính thức ra đời sau đó 2 năm. CLB Haiku Hà Nội đã tổ chức thành công Tọa đàm quốc tế về thơ Haiku ở Việt Nam lần thứ nhất, năm 2014, và tháng 11/2016 này sẽ diễn ra Tọa đàm Haiku Việt lần hai. Thể thơ Haiku Việt có thực sự hòa vào dòng chảy văn thơ Việt Nam hay không còn chờ thời gian và sự quan tâm của công chúng yêu thơ. Với số lượng và chất lượng sáng tác của đội ngũ Haiku Việt, tôi tin rằng xu hướng sẽ phát triển.

LTB

Tài liệu tham khảo:

  1. Tinh thần Haiku của Terada Torahiko (1878-1935) về Cách nhìn môi trường tự nhiên của người Nhật.
  2. Khảo sát về Haiku Tây Âu của Tachiana L. Sokolova – ủy viên Hội nhà văn Moskova, một nữ phiên dịch Nhật- Nga.
  3. Haiku Nhật Bản trên Từ điển bách khoa Thế giới.
  4. “Lịch sử Haiku Đài Loan từ 1985 đến 2013” của bác sỹ, haijin Đài Loan Ngô Triêu Tân.
  5. Sự sáng tạo của văn học” – Art Potynica – của Giáo sư Kawasoko Shogo (1930- ) do NXB Tohosha XB năm 2006, phần về hướng phát triển của thơ Haiku.
  6. Tạp chí bình luận Haiku do Fujita Akekarasu chủ biên.
  7. Tài liệu giới thiệu về “Đại học Haiku” ở Nhật Bản.
  8. Tài liệu giới thiệu về Hội Haiku hiện đại Nhật Bản.
  9. Haiku Lê Đạt nhìn từ m học Haiku Nhật Bản” của TS. Lê Thị Thanh Tâm.
  10. “Hai lối mộng trong thơ Haiku Nhật Bản” của Hoàng Long, 12/5/2012).
  11. “Haiku- Lục Bát một vài ghi nhận” của Nguyễn Thị Thanh Xuân (tr. 269, “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á” – NXB văn hóa – văn nghệ, 2013).
  12. “Một số phương diện thi pháp Haiku, Lục Bát, Ngũ ngôn tứ tuyệt và Ghazal từ góc nhìn so sánh” của TS. Nguyễn Thị Mai Liên (tr. 166, “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa” – NXB Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh, 2015).
  13. “Haiku nhìn từ mỹ học Thiền” của Lê Thị Thanh Tâm (tr. 82, “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa” – NXB Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh, 2015).
  14. “Thi tứ trong thơ thiền Việt Na và thơ Haiku Nhật Bản” của Phan Thị Hồng (tr. 278, “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á” – NXB văn hóa – văn nghệ, 2013).
  15. Một số blog trên Internet về Haiku của Nhật Bản.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt