Tiếng đồng vọng Haiku

alt

Cao Ngọc Thắng

Các nhà thơ: Yo.Erdenetoghtokh – Mông Cổ, Romano Zeraschi – Italia, Zlatka Timoneva Valcheva (nữ) – Bồ Đào Nha và Oliver MikosCHLB Đức, đồng thời là những haijin có nhiều đóng góp cho sự lan tỏa thể thơ haiku trên phạm vi thế giới. Thơ haiku của họ, đã được giới thiệu trên trang mạng HaikuViet.com, có những sắc thái riêng bởi sự quan sát và khái quát cao những vấn đề của cuộc sống đương đại. Những phiến khúc haiku của họ toát lên tinh thần chung: “mượn” thể haiku nhằm ghi lại những khoảnh khắc tức thời, từ đó biểu lộ cảm xúc về thế giới quan và nhân sinh quan trong tâm thế bình thản mà sâu sắc, nhân văn; phóng khoáng sử dụng nhiều đề tài khác nhau và trong cách thể hiện, theo xu hướng cách tân, không lệ thuộc những quy ước truyền thống của haiku Nhật Bản. Đặc tính này nói lên khả năng lan tỏa nhanh chóng của thể thơ haiku trên diện rộng; và, cũng là khả năng hội nhập sâu khi chuyển ngữ từ tiếng này sang tiếng khác, tạo nên chất keo kết dính có sự đồng vọng trong tâm hồn những haijin cách xa nhau về khoảng cách địa lý và ngôn ngữ.

alt

1.

Nhà thơ Yo.Erdenetoghtokh, sinh trưởng ở Mông Cổ, một đất nước nằm sâu trong lục địa, cách xa biển cả, giữa hoang mạc Gô-bi lạnh lẽo, cuộc sống của người dân gắn liền với thảo nguyên mênh mông và đàn ngựa , đàn cừu . Bài thơ haiku sau đây thể hiện rất tinh tế cái tâm thế con người ở xứ sở này. Ông viết (1):

The sun plays/ Sliding down from/ The back of an excellent horse
Mặt trời đùa chơi / tụt xuống / từ lưng con tuấn mã

Và:

A growling wolf’s eyes/ Bite me/ Protecting a sheep
Con sói gầm gừ / đôi mắt cắn tôi / khi đang cố cứu một con cừu nhà

Hình ảnh: tuấn mã, con sói, con cừu nhà nói về những con vật quen thuộc đi liền với hoàn cảnh sống của con người, trong đó có cả niềm vui mỗi khi chiều xuống trên lưng ngựa trở về đoàn tụ trong ấm cúng gia đình, và có cả sự đe dọa chẳng mấy hiếm từ thú dữ mà con sói là một biểu trưng mang tính huyền thoại trong văn hóa dân gian của người Mông Cổ, dẫn đến cuộc chiến bảo vệ sự sinh tồn trên thảo nguyên bát ngát gió và cát. Phải chăng vì thế tâm hồn thi sỹ hướng tới:

Pure night of deep autumn / So peaceful / Evry is able to communicate to each other
Đêm thanh tịnh cuối thu / yên bình đến nỗi /ai ai cũng có thể tâm tình với nhau

Đó là sự quan sát của người từng trải, đã từng chiêm nghiệm. Một quan sát khác:

A sparow/ Picks at a rain drop/ As it were a bean
Có con chim sẻ / mổ một giọt mưa / như là hạt đậu

Ông không chỉ nhìn giọt mưa mà cả con chim sẻ như hạt đậu.

Trong các phiến khúc haiku trên đây ta thấy nhà thơ rất thuần thục chọn những hình ảnh, sự vật để đặt cạnh nhau sao cho bật lên cái tứ ở mỗi câu kết, mà khi đọc từng cặp câu (1 và 2; 2 và 3; 1 và 3) vẫn thấy mối liên hệ, không chỉ bởi lớp vỏ ngôn ngữ mà cả phần sâu của ý tưởng, tạo cho mỗi bài một vẻ đẹp giản dị, thuần khiết.

2.

Ở chùm thơ haiku của Romano Zeraschi – Italia (2), thi sỹ cho ta thấy sự quan sát chuyển hóa theo các cấp độ khác nhau. Cấp độ “thị giác” – con tàu chở khách trăng:

From a window to another / the moon is a passenger / night train

Từ cửa sổ này qua cửa sổ khác / trăng là hành khách / trên chuyến tàu đêm

Hay, mưa sao – tiếng reo hò của trẻ:

Falling stars / just above the lawn / children ‘s shout

Mưa sao sa / ngay trên bãi cỏ / tiếng trẻ reo hò

Cấp độ cao hơn – sự liên tưởng vượt khỏi cái quen thuộc tới nhận thức khác:

By the fire / talking about this and that / timeless night

Bên bếp lửa hồng / chuyện này chuyện nọ / đêm dài mênh mông

Và:

Slowly / felucca / moonlight

Chầm chậm / cánh buồm / ánh trăng

Câu thứ hai, trong hai bài này, chỉ là hình ảnh hay sự vật có tính “đệm” (bởi có thể thay thế bằng hình ảnh hay sự vật khác), nhưng có tác dụng “gọi” hình ảnh kết hiện lên vừa thực vừa ảo. Đặc biệt ở bài thứ hai (Chầm chậm/ cánh buồm/ ánh trăng), mỗi câu là một hình ảnh một sự vật không mấy tương tự. Ở đây cái chầm chậm ấy là cánh buồm hay ánh trăng? Có thể là cái này, là cái kia, nhưng cũng có thể cả hai. Cảnh toàn của bức tranh sống động, mơ hồ cũng đấy mà thực tế cũng vậy.

Một cảnh sắc khác, có chiều lung linh và thơ mộng trong con mắt tinh đời của thi sỹ:

Morning fog / no birds fly over / veiled thoughts

Sương sớm / không một bóng chim / phủ dầy bao suy nghĩ

Bài thơ sau đây của R. Zeraschi bất chợt cho ta thấy một nỗi đau có thực trong thế giới hiện đại:

The sun in his face / the last of his luxuries / dying homeless man

Mặt trời chiếu mặt / món xa xỉ cuối cùng / người chết vô gia cư

Ánh mặt trời là nguồn sáng cho sự sống muôn loài, trở thành một món xa xỉ trên khuôn mặt xác người vô gia cư. Cái nỗi đau buồn ấy động tới lương tâm người nghệ sỹ Italia khi phải chứng kiến cảnh di cư hàng loạt của người dân từ chỗ bần hàn, bỏ quê hương xứ sở tới nơi xa xăm để tránh bạo lực, chiến tranh, trốn tránh sự đọa đày mong cuộc sống bình an, nhưng con đường họ đi đầy bất an và cực nhọc, chết chóc luôn đón chờ. Ánh mặt trời là người chia tay cuối cùng những số phận hẩm hiu.

3.

Nữ thi sỹ Zlatka Timoneva Valcheva – Bồ Đào Nha, có cách cảm đậm giới tính

Nuit froide / le chat blotti / dans mes vers

Đêm lạnh / con mèo cuộn mình / trong thơ tôi

Một cái tứ đem lại sự bất ngờ.

Le vent habite / dans son corps cosmique / pas de place pour lui

Gió ngụ / trong thân hình vũ trụ / không có chỗ cho chàng

Một khoảng trống vắng cô đơn.

Sous le réverbère / personne n’embrasse / personne

Dưới ánh đèn đường / không ai / hôn ai

Nỗi cô đơn nghiệt ngã. Một câu hỏi của sự vô định.

Fin d’après-midi / le silence suspendu / aux ailes d’une mouche

Xế chiều / im lặng treo / trên cánh một con ruồi

Một nỗi buồn sâu thẳm.

Les pétales de rose / par terre / le vent n’ôse pas

Những cánh hồng / rơi trên mặt đất / làn gió chẳng nỡ lòng

Một cảm nhận tinh tế.

Vendeur d’eau / sourire collé / aux lèvres blanches

Người bán nước rong / nụ cười dính chặt / trên môi tái xanh

Một đồng cảm nhân tính.

Những cái “một” ấy thường trực trong trái tim người nữ thi sỹ, trào ra từ một tâm hồn nhạy cảm, mềm mỏng mà sắc nhẹm.

Song, ở nữ thi sỹ này còn có sự phát hiện, không phải phát hiện về hiện tượng hay sự vật mà phát hiện/ sáng tạo ở sự biểu hiện, ở ngôn ngữ chính xác:

Pluie d’été / entre les grosses gouttes / deux sourires mouillés

Mưa mùa hạ / giữa những giọt nặng / thoáng hai nụ cười

Từ những giọt mưa nặng mà nhìn ra hai nụ cười thì thật tài tình, có thật trong ảo ảnh.

4.

Trường hợp của haijin Oliver Mikos – người Đức, không giống ba nhà thơ trên. Ông tuân thủ cấu trúc 5-7-5 (đếm số lượng âm tiết ở nguyên văn tiếng Đức của mỗi câu trong từng bài; điều này không thấy ở ba tác giả đã dẫn) và chủ trương đặt tiêu đề (tên/tít) cho mỗi bài. Chúng ta tôn trọng nhà thơ. Quan trọng là ý thơ của tác giả rất mạch lạc, rõ ràng.

Plusen Wind – Cơn gió
Ein Blick zum Himmel/ Schwirrende Flusen im Wind/ Rauschende Blätter
Ngó ra trời/ Gió vù vù/ Lá say bay liệng

Chưa chắc lá say và bay nghiêng là bởi gió thổi mạnh. Có thể do lòng thi sỹ đang say!

Gewittersturm – Giông bão
Ein Gewittersturm/ biegt frühlingsgrüne Linde/ Die gelben Säcke!
Chợt cơn giông/ Vặn cong bồ đề xuân/ Trút xuống lá vàng

Tác giả cố ý dụng quý ngữ (bồ đề xuân) để phát biểu cảm giác ngoài mùa (về tổng thể, mùa xuân cây chưa có lá vàng để giông bứt khỏi cành). Bài dưới đây tương tự: đông đã về thì còn đâu bão thu nữa (trong logic tuần tự), cho nên lỗi nhịp, cho nên tắt ngấm:

Herbststurm im Winter – Bão thu trong đông
Herbststurm im Winter/ Das unrythmische Prasseln/ Crescendo, Stille
Bão thu giữa đông/ Nhạc lỗi nhịp/ Tắt ngấm

Hai bài dưới đây cho thấy cái tình của thi sỹ đối với biển cả rất đằm thắm và nhiều chiêm nghiệm

Spaziergang am See – Tản bộ trên biển
Spaziergang am See/ Stille in der Winternacht/ Quakende Ente
Tản bộ trên biển/ Lạnh tanh đêm đông/ Vọng tiếng ngỗng trời

Tosendes Meer – Sóng biển
Das tosende Meer/ Funkelnde Tropfen/ Der Bogen aus Licht
Biển tung sóng/ Giọt li ti/ Rực rỡ cầu vồng.

*

Đọc thơ haiku chuyển ngữ từ tiếng Nhật, những nhà thơ tiền bối cho chúng ta những bài học quý giá về bản chất của thể thơ truyền thống, những nhà thơ đương đại cho chúng ta thấy sự bứt phá, cách tân trên nền truyền thống ấy. Đọc thơ haiku chuyển ngữ từ các tiếng khác, chúng ta học ở họ sự tiếp nhận thể thơ độc đáo của người Nhật và sáng tạo từ tư duy thơ riêng có của mình. Những nhà thơ ngoài đất nước Phù Tang, và ngay cả người Nhật, luôn coi thể thơ haiku luôn song hành cùng những thể thơ khác, góp phần làm phong phú rừng thơ của dân tộc mình cũng như rừng thơ của thế giới; và, khi vận dụng họ đều cân nhắc xem đề tài định thể hiện sẽ phù hợp với thể thơ haiku hay bất kỳ thể thơ nào khác, bởi mỗi thể thơ đều có những thế mạnh và đều có những hạn chế nhất định.


(1)Rút từ chùm thơ haiku của Yo.Erdenetoghtokh do Đinh Nhật Hạnh chọn và giới thiệu

(2)Chùm thơ  haiku của Romano Zeraschi do Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ từ tiếng Anh

(3)Chùm thơ haiku của Zlatka Timoneva Valcheva do Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ từ tiếng Pháp

(4)Chùm thơ haiku của Oliver Mikos do Nguyễn Văn Hoa dịch từ tiếng Đức

CNT


Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt