Tím tìm và tím đợi- Nguyễn Thánh Ngã

alt

1.

 

Phố nhỏ chiều đông

 

tìm nhau không thấy

 

hoa tím bên song

 

2.

 

Đợi ai

 

cánh bằng lăng tím

 

một mình phôi phai

 

(Nhã Trúc – CLB Haikuviet tp. HCM)

 

Có lẽ trong những sắc màu đa dạng, thì màu tím giàu nữ tính hơn cả, nó cũng đại diện cho vẻ đẹp của những nỗi buồn sâu thẳm. Trong chùm thơ của Nhã Trúc, tôi nhặt được hai phiến khúc tím.

 

Tím của sự tìm kiếm.

 

Và tím của đợi chờ!

 

Một từ “tìm” mông lung, vô vọng. Một từ “đợi” nặng trĩu. Ám ảnh.

 

Tất cả dồn vào cánh bằng lăng, một cánh bằng lăng được mượn làm thân phận nàng Kiều. Nỗi buồn mà Nhã Trúc dồn hết vào hai phiến khúc này, có thể lên tới con số từ 10 – 15 năm lưu lạc chứ chẳng chơi…

 

Cô đơn cùng tột là khoảng không lặng lẽ, khoảng không không thể lấp đầy…

 

Thơ haiku không đầy, nhưng chứa hết những thứ mà con người gào thét. Và độ nén kinh người của ý thơ sẽ bùng nổ, khi ta nhận ra biển cả trong giọt nước màu xanh…

 

Vốn là cây bút nữ có nội lực, Nhã Trúc có khả năng tạo ra một trường liên tưởng với cảm xúc dồi dào, nén tình vào câu chữ, khiến cho cái màu chủ đạo của thơ hiện lên, nhuộm cả nỗi khắc khoải vào gam màu hoan lạc và đau thương. Một ngõ phố nhỏ, một con người lạc lõng, một chiều mùa đông, một màu hoa tím. Tất cả chảy ùa vào “tìm nhau”, là đã định sẵn một duyên phận; để rồi thắc thỏm “đợi ai“, là một chuỗi dài những thổn thức không lời. Đây là cách hành ngôn tinh giản của thơ haiku, Nhã Trúc là người biết rõ nhất năng lực chiếu sáng của từ ngữ của thơ mình, nên Haijin này đã làm nổi bật sự kết đọng đắc địa, đưa người đọc tìm thấy sự “vỡ òa” của tứ thơ và nghĩa chữ.

 

Đây là hai bài haiku hay, như đôi mắt thơ luôn để lại dấu ấn “nhãn tự” của riêng mình…

 

NTN

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt