Rời cành hoa mơ
một hạt sương nhỏ
ngân vang mặt hồ
(Đông Tùng)
Khi đọc bài haiku này, người đọc không khỏi liên tưởng đến câu thơ:“ngày xuân mơ nở trắng rừng” của Tố Hữu. Thế đấy, vừa chạm tới “hoa mơ” thì phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc liền hiện ra một mùa xuân tuyệt đẹp.
Cảnh đẹp, làm cho người ta quên mất chủ thể chăng?
Không đâu, cái toàn cảnh vừa bật lên đã mờ nhòe, khi “nhiếp ảnh gia” dùng hiệu ứng xóa phông, hậu cảnh sẽ trở nên nghệ thuật hơn. Và chủ thể sáng tạo là “một hạt sương nhỏ”, là nhân vật chính trong câu thơ thứ hai đã được nói tới. Vâng, “một hạt sương nhỏ” ấy đã “rời cành”, nếu xét một cách tinh tế thì điều này nói lên tài năng của nhà thơ – Haijin Đông Tùng – người đã khai thị cho ta trực nhận bằng thị giác cảnh “rời cành hoa mơ” của hạt sương. Cái hay của khoảnh khắc này vô cùng vi diệu, nhà thơ đã đưa người đọc lên chuyến tàu hiện tại, để đi ngược về quá khứ, mà cái quá khứ này lại nằm ở thì tương lai! Hơi khó hiểu một chút, vì khi “rời cành” là quá khứ (không có chủ ngữ), đến câu thứ hai ta mới nhận ra “một hạt sương nhỏ” đang ở thì hiện tại. Bởi có “hạt sương” mới có hành động “rời cành”, nhưng nhà thơ đã dùng thủ pháp biến đảo vị trí “rời cành” trước khi có “hạt sương”!
Ấy là chưa nói đến tiếng “ngân vang” trên mặt hồ, tạo ra hiệu ứng “thị giác của thính giác”, tức “cái thấy của cái nghe” vô thanh, thuộc về tương lai của “rời cành”….
Tài tình quá đỗi. Tôi chỉ có thể kêu lên một tiếng cảm thán “kỳ diệu/kỳ diệu!”. Thơ haiku thật kỳ diệu trong tiếng Việt diệu kỳ, nó đã dồn nén một cách tài tình thứ âm nhạc hồn nhiên trong thơ, khiến thơ cứ rung lên, làm chủ cho mỗi dòng cảm xúc…
Và nhà thơ Đông Tùng – kẻ lĩnh xướng tiếng “ngân vang” trên “mặt hồ” mùa xuân, đã sáng tác một bài haiku toàn bích. Điều đó cho thấy, tác giả là người có chiều sâu tâm thức, để những con chữ toàn triệt, lóe sáng long lanh…
NTN