Tiếng chuông, hạt sương và lẽ vô thường- Lê Văn Truyền

alt

Tiếng chuông Thiên Mụ

gieo màn sương

trên dòng Hương

alt

Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với làng Kim Long, vùng đất vào năm 1636 được Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làm thủ phủ đầu tiên của xứ Đàng Trong suốt 60 năm trước khi xây dựng kinh thành Huế và Hoàng cung triều Nguyễn ở Phú Xuân. Kim Long nằm bên tả ngạn Hương Giang thơ mộng và có 2 dòng sông nhỏ, sông Kim Long và sông Bạch Yến, bao quanh làng.

“Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn

Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long

Sương sa gió thổi lạnh lùng

Sóng xao trăng lặn chạnh lòng nhớ nhung”

Ca dao xứ Huế

Kim Long chỉ cách chùa Thiên Mụ, tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ ở làng Hà Khê tách ra từ làng Kim Long, khoảng 2 cây số theo đường chim bay. Vì vậy, tiếng chuông Thiên Mụ hàng ngày vang đến tận làng Kim Long vào cái thủa mà văn minh công nghiệp chưa lan đến những làng quê (không ô tô, không đèn điện, không máy móc…). Mỗi ngày, những hồi chuông 108 tiếng kéo dài trong một giờ đồng hồ từ đại hồng chung Thiên Mụ ngân nga vang vọng khắp vùng bắt đầu vào lúc 7:30 tối (canh 1) và 3:30 sáng (canh 5), giữ nhịp thời gian cho sinh hoạt của những người dân quê hiền hậu, chất phác trong vùng. Một trăm linh tám tiếng chuông thiêng gióng lên như để an ủi cho 108 khổ nạn mà chúng sinh phải trầm luân trong cõi trần gian này.

Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần tiếng chuông Thiên Mụ cuối cùng buổi tối dứt, có nghĩa là tôi phải lên giường đi ngủ (trẻ con không được thức khuya, bà ngoại tôi bảo thể). Trước khi đắm mình vào giấc ngủ tôi nằm lằng nghe từng tiếng chuông đĩnh đạc bung ra, trầm bổng ngân nga như trò chuyện cùng tôi rồi từ từ tắt hẳn trong đêm tối để nhường chỗ cho tiếng chuông tiếp theo. Và buổi sớm mai, trong cơn ngủ vùi vô tư của con trẻ, tiếng chuông chùa vọng vào cơn mê ngủ của tôi, và những tiếng chuông cuối cùng của cữ chuông buổi sáng kéo tôi ra khỏi những giấc mơ đẹp đẽ của tuổi ấu thơ. Cả nhà lục tục dậy, bếp củi bắt đầu đỏ lửa chuẩn bị cho bữa ăn sáng và sau đó mọi người ra đồng. Theo thời gian, tôi nhận ra tiếng chuông Thiên Mụ thay đổi theo mùa: thanh trong vào những buổi sáng nắng hanh, trầm buồn trong những ngày mưa dầm gió bấc, ngân nga ai oán trong những buổi sớm mù sương … Vì vậy, tiếng chuông Thiên Mụ đã đi theo suốt cuộc đời tha hương của tôi cho đến tận bây giờ. Có những lần được trở về Kim Long, được nghe tiếng chuông Thiên Mụ, lòng thấy như ấm lại.

Người ta cho rằng tiếng chuông Thiên Mụ vang xa như vậy, ngoài bí quyết đúc đồng vi diệu của những người thợ đúc đồng Phường Đúc ở phía bên kia bờ sông, dòng Hương Giang uốn khúc trải dài trước chùa được coi như một dòng vật chất dẫn truyền tự nhiên cho tiếng chuông. Tôi thì lại nghĩ và tin rằng, tiếng chuông gióng lên mang theo công phu thiền định và hạnh nguyện từ bi của các thiền sư chùa Thiên Mụ chính là một yếu tố xúc tác vật lý, nhờ sóng âm và sóng siêu âm huyền diệu trong tiếng chuông, đã làm cho hơi nước bốc lên từ mặt sông ngưng tụ lại, gieo một màn sương khói huyền ảo trên dòng Hương xinh đẹp.

Mây thiêng đỉnh Yên Tử

thành hạt sương bậu trên mi mắt

hạnh ngộ lẽ Vô Thường

Cách đây mấy năm, một sớm đầu Xuân, tôi hành hương về Yên Tử. Leo qua hàng ngàn bậc đá để lên Chùa Đồng trên đỉnh núi, tôi cùng hàng ngàn khách hành hương đi trong mây. Mây mù làm phong cảnh chung quanh trở nên huyền ảo như một bức tranh thủy mặc, người ta không còn thấy rõ mặt nhau. Và tôi cảm thấy trong mây khuôn mặt mọi người bỗng trở nên hiền hậu hơn, đẹp đẽ hơn.

Thấm mệt, tôi nhắm mắt nằm trên một vạt cỏ ven đường và rồi tự nhiên cảm thấy có những hạt sương nhỏ li ti đang nhẹ nhàng bậu trên mi mắt và dịu dàng đáp xuống làn da mặt, mát rượi. Đột nhiên, mọi mệt mỏi bỗng tan biến, thân mình như bồng bềnh trong mây, tâm hồn bỗng nhẹ nhàng như hạt sương bay. Và chính trong phút giây ngắn ngủi đó dường như tôi đã ngộ ra lẽ Vô Thường. Nước biến thành mây, mây hóa thành sương, sương đọng thành giọt mưa cho hạt nẩy mầm, cho cây cối tươi xanh … Rồi theo vòng tuần hoàn của tự nhiên nước lại thành mây… Dù là một làn mây, một hạt sương, một hạt mưa hay cả một đại dương cũng đều thuận theo vòng tuần hoàn bất diệt này.

Vậy hà cớ gì ta lại không sống tùy duyên. Tùy duyên, ta hãy là mây, là sương, là hạt mưa, là giọt nước … Tùy duyên, đừng vô vọng cưỡng lại mà hãy an nhiên thuận theo lẽ Vô Thường trong cõi thế gian Bất Toàn này.

Thượng Đình, ngày Lập Hạ

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt