Thơ Haiku trong cõi thơ Việt- Nhật Chiêu

alt

Thơ Haiku tuyệt ngắn, ca dao trong hình thức lục bát hai câu cũng rất ngắn. Cả hai thể thơ này (Haiku và lục bát) đều thích ca hát về cái bình thường chứ không phải những đại tự sự. Cả hai đều long lanh những hình ảnh của cỏ hoa vô thường chứ không phải những thần tượng bất tử. Và cả hai đều ca hát bằng giọng điệu nhỏ nhẹ thanh thoát với một tâm hồn bình dị (bình thường tâm).

alt

Cả hai đều không ca tụng quyền lực hay danh vọng. Chỉ ca ngợi thiên nhiên với trăng, hoa, mây, núi, cỏ dại, đom đóm, côn trùng, nắng sớm mưa chiều… Thế thôi.

Cả hai đều biết rằng con người vừa hướng vọng “cái thiêng” nhưng cũng ham mê “cái phàm”. Tâm hồn con người vừa muốn đi tới bờ bên kia lại vừa muốn giữ lấy bờ bên này. Tâm hồn ấy thường rất trẻ dại, trẻ thơ, trẻ mãi.

Thể hiện điều đó, thơ Haiku nói như sau:

ちょうちょうや・巡礼の子・遅れ勝ち

Chôchô ya– Mê bướm

junrei no ko– đứa bé hành hương

okure ga chi– lùi lại cuối đường

SHIKI

Đứa bé thì ngây thơ, chỉ thích chơi. Với bướm, với hoa, với dế… Hành hương thì từ từ cũng được, vội gì! Không phải chỉ “đứa bé” mà nhiều người lớn cũng “bé” như thế, thật mà! Lục bát hai câu thì nói như thế này:

Đêm rằm nghe vạc trở canh

Nghe sư gõ mõ nghe anh dỗ nàng

Ca dao Việt Nam

Để các bạn Nhật dễ nắm bắt ý tứ, thử mạo muội sắp xếp bài lục bát này theo hình thức Haiku xem sao:

Tiếng vạc trở canh

nghe sư gõ mõ

nghe anh dỗ nàng

Tiếng vạc kêu như đẩy thời gian vào canh thâu, vào đêm thiêng khi hòa với nó là tiếng gõ mõ tụng kinh từ ngôi chùa nào đó nhắc nhở rằng đời là một cuộc hành hương. Thế nhưng “anh” thì đang làm gì? A, anh đang “dỗ” nàng, dỗ, từ này mới tuyệt diệu làm sao. Nó có lắm nghĩa. Ví dụ, anh muốn lôi cuốn nàng vào cực lạc ngay giữa đêm đời này, ngay tại đây. Và tiếng gõ mõ sẽ là nhịp điệu thiêng liêng hòa với nhịp điệu trần thế giao hoan. Khi Haiku nói về cô đơn của tình yêu thì:

芙蓉咲いて・古い池の鷺・やもめなり

Fuyou saite– Phù dung nở

Furuike no sagi– cái vạc cô đơn

Yamome nari– bên đầm nước cũ

SHIKI

“Cái vạc cô đơn” trong nguyên ý là cái vạc góa phụ (sagi yamome nari), cái vạc còn lại một mình bên bờ ao cũ khi bạn tình đã ra đi mà đời thì vẫn nở rộ phù dung.

Lục bát hai câu thì nói:

Ai như con nhạn bơ phờ

Sớm ăn tối đậu cành tơ một mình

Ca dao Việt Nam

Phải, con nhạn ấy cũng chỉ một mình và xơ xác, buồn phiền. Mà cành đời thì vẫn cứ “tơ” cứ chồi xanh lộc biếc.

Qua đó, có thể thấy Haiku và lục bát có thể bắt nhịp với nhau, hòa âm với nhau.

Cả hai đều nhỏ như những giọt sương. Mà có thể phản ánh bao nhiêu là tia nắng của thiên nhiên và tình.

N.C

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt