Thơ Haiku ngày càng được nhiều người tìm đến có lẽ bởi đặc điểm ngắn gọn của nó. Trong thời đại mà mọi lĩnh vực đời sống đều vận hành với tốc độ cao, ít ai có điều kiện và nghị lực để thưởng thức những tác phẩm dài, dẫu cho đó là văn chương. Ngắn gọn nhưng không gây nhàm chán, nhạt nhèo thì hẳn nhiên phải hàm súc rồi. Những con chữ tích hợp trong một khúc thơ càng gợi nhiều, gợi đa chiều, sẽ nâng tầm giá trị của thơ lên càng cao. Với một số lượng từ rất hạn chế, người làm thơ tài ba có thể gửi vào đấy ý tưởng lớn mang tính định hướng cho đời sống xã hội và tình cảm con người trong mọi ngõ ngách của suy tư. Là thế, nhưng thơ Haiku không răn dậy, rao giảng mà chỉ nêu lên thông qua ý tứ hay hình ảnh để người đọc chiêm nghiệm. Bài thơ không đề xuất triết lý nhưng độc giả có thể rút ra từ đó, nhào nặn nên châm ngôn cho riêng mình.
Hãy đọc khúc thơ này của tác giả Lê Đình Công :
“Tôi đi về phía hoàng hôn
Ráng chiều rực rỡ
Bình minh đợi phía bên kia”
Ta có thấy anh nói gì đâu. Chỉ là ba ngắt ý dưới dạng hình ảnh để tạo nên bức tranh toàn cảnh về một người hướng bước phía trời tây tràn đầy ánh sáng , cả ánh sáng hiển hiện và ánh sáng còn đang ẩn mình đợi phía bên kia. Ấy vậy mà anh nói với ta nhiều đấy. Nói về sự tự tin, tự tại đón nhận cái quy luật chắng của riêng ai, chẳng của thứ gì, Vô Thường. Nhưng không chỉ thế mà còn vẽ lên cái bản lĩnh của con người đã đủ nhận chân được quy luật sinh tồn này. Đoạn cuối của con đường không u ám mà sáng đến diệu kỳ cho cả hiện tại và tương lai.
Lại cũng có thể hiểu khúc thơ này gợi mở cho ta nhớ ra những điều tất yếu khác. Nó như tìm ra ánh sáng cuối đường hầm. Nó như niềm vui của Bĩ cực thái lai hay Khổ tận cam lai…
Cùng sử dụng hình ảnh buổi cuối ngày để nói về cuộc đời. Cùng thể hiện sự bình thản, tự tin dẫu đã trải nhiều dâu bể. Thạch Lựu lại viết:
“Đường đời
Chân mỏi
Nắng hoàng hôn”
Cái nắng của hoàng hôn dẫu chẳng chói chang gì, nó không được như cái nắng quái chiều hôm nhưng nhiều khi lại tạo nên vẻ đẹp say lòng.
Đọc khúc Haiku này :
“Tiếng mưa
Rơi trên chiếc lá
Xuyên thủng màu xanh”
(Nguyễn Thánh Ngã)
Tôi sực nhớ tới hai câu luận trong bài thơ Sơn Trà của nhà thơ Nguyễn Khuyến :
Người tự dịch nghĩa :
“Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp
Tiêu sắt thần phong oán lạc dà” và dịch thơ :
“Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi già”
Dân gian có câu “Mưa dầm ra nước” với hàm ý cả tốt lẫn xấu cho mưa. Mưa đem nước về tưới nhuần để vạn vật sinh sôi nhưng nếu mưa dầm dài dài nước lại biến thành thủy họa. Nguyễn Ngã không trực ngôn như cụ Tam Nguyên nhưng “xuyên thủng màu xanh” thì khác gì “xuyên diệp”. Cách nói này làm ý tứ mềm đi, hình ảnh thơ hơn, nhưng cũng vẫn là cái e ngại về sự đời đen bạc, tình người trắc ẩn mà thôi .
Hai jin Lương Thị Đậm mượn hình ảnh con thuyền thúng để nói về phận người. Chị không gán cho phận con người bằng một từ mặc định nào cả mà chỉ đưa ra hai ngắt ý bằng hình ảnh Thuyền thúng và Phận người. Ngắt ý thứ ba là một hình ảnh động chung cho cả hai ý trên,Tròng trành ! Người quen lái, ngồi thuyền thúng đã ngắc ngư, chao đảo cùng con sóng và bước chèo. Người non tay, sự tròng trành ấy lại càng là những thử thách không nhỏ, khôn lường. Ấy cũng chính là phận người trước sóng gió cuộc đới đấy “Thuyền thúng xoay xoay/ Phận người/ Tròng trành”
Khi nói về bài học đường đời, dân gian có những câu “Chim sợ cành cong” hay “Sợ như gà phải cáo”. Con chim đã một lần gặp bẫy sẽ cứ thấy cành cây có dạng cong cong là dè chừng. Còn chú gà nào một lần được giáp mặt cáo thì chỉ thấp thoáng một cái gì đó cũng đủ giật mình. Người xưa mượn hiện tượng về con vật để nói thay mình như thế. Giản dị thôi nhưng cũng sâu sắc đấy. Khúc Haiku sau đã khiến ta liên tưởng đến tiền nhân :
“Em sợ ngọt
Vì đã say
Bởi mật”
(Kiều Lam)
Cũng là bài học đường đời nhưng óng ả hơn, văn chương hơn và cũng uyên thâm hơn. Không phải chỉ vì nó nói về người. Cái làm ta sợ không khô cứng như cành cây, không dữ dằn như loài cáo. Cái bẫy gài lại là mật để ta đã không phải chỉ thích , mà say. Dân gian có nói một câu răn na ná : “Mật ngọt thì ruồi chét tươi / Những nơi cay đắng là nơi thật thà”, có phải hơi lộ quá không ? Kiều Lam tự sự thôi, cứ như chẳng bảo ai cái gì thế mà như nói với tất cả. Nhẹ nhàng, tế nhị mà sâu sắc.
Đạo Phât dậy con người biết buông, biết xả. Nhủ nhau về điều này người làm thơ lại viết :
“Buông câu
Vẩy chuyện đời
Vào quên”
(Thiện Niệm)
Chỉ cần buông câu đã nói lên động thái của người tìm sự quên lãng bằng một thú vui thanh thản. Ai đã từng một lần tựa gối ôm cần hẳn biết động tác trước lúc buông câu là hất nhẹ đầu cần để mồi rơi đúng vào nơi bỏ thính. Động tác nhẹ ấy mà tác giả so với việc vẩy chuyện đời thì quả là tinh tế. Mồi câu vẩy vào ổ thính còn chuyện đời anh vẩy vào quên. Mượn việc nhỏ gửi gắm ý lớn quả là tài tình. Điều này cũng không lạ lắm bởi anh vốn là một điếu ngư thủ mà.
Người ta tìm đến cửa hàng gỗ để mua sắm, để tìm tòi những nét trạm trổ tinh tế của nghệ nhân làng mộc. Ngọc Căn thì khác, qua khúc thơ :
“Cửa hàng gỗ
Nghĩa địa
Rừng”
Ta thấy anh không phải thế. Thay vì bị thu hút bởi vẻ đẹp của các sản phẩm để vui, anh lại đau lòng nhìn mỗi đồ vật như một nấm mồ của cây, cửa hàng là nghĩa địa của rừng. Nỗi niềm đau đáu này là cách phản ứng tế nhị nạn phá rừng, là hình thức gián tiếp truyền cảm ứng bảo vệ môi trường cho mọi người bằng thơ.
Có hay không hiện tượng hiền tài chịu đìu hiu ẩn giật? Có hay không chuyện ếch nhái nhẩy lên làm người? Nhiều đấy! Suy tư về những chuyện này của cả xưa và nay, Lê Đăng Hoan chỉ nhẹ nhàng :
“Lúa hết thời
Cỏ lên ngôi
Đời lộn ngược”
đủ cho ta chiêm nghiệm về ta, về đời trong cuộc người.
Đọc đến ngắt ý thứ ba trong khúc Haiku này :
“Đau khổ về đây
Ta sẽ trả thù
Bằng nụ cười độ lượng”
(Lê Vũ)
chắc nhiều người phải ngạc nhiên về cách trả thù của tác giả. Nó nâng ý nghĩa của lòng khoan dung lên tới tầm, nâng tính nhân văn đạt đủ độ. Đức Phật nêu tình huống cho các đồ đệ rằng nếu có người làm điều không tốt với mình thì nên chọn động thái dừng lại, tiến tới hay bước qua? Dừng lại là để tìm cách đối phó. Tiến tới là để hành động đáp trả. Còn bước qua là coi như không có gì. Và Phật khuyên nên hành sử theo cách thứ ba ! Khúc thơ trên cho thấy chẳng phải chỉ bước qua mà còn vui vẻ bước qua nữa kia. Quả là một cách hóa giải sự việc thật cao thượng phải không ?
Những uẩn khúc, những nỗi niềm hàm súc trong một bài thơ đôi khi không bình nổi thành lời mà chỉ biết nó rồi để suy ngẫm mà thôi. Một vài phiến khúc Haiku sau đây là những bài thơ như thế :
“Giọt thời gian
Những vì sao cũ
Rưng rưng con người”
(Đinh Trần Phương)
“Tự nguồn
Đáy mắt
Mùa xuân”
(Phùng Gia Viên)
Người viết gieo suy tư vào thơ. Người đọc cảm nhận thơ để suy tư. Thường hai luồng đó là đồng nhất nhưng đôi khi cũng có sự vênh lệch. Hay gặp nhất là suy tư của độc giả rộng hơn hay hẹp hơn tác giả. Mức độ rộng hẹp, nông sâu của suy tư lệ thuộc nhiều yếu tố, trong đó bao gồm nhân sinh quan, thế giới quan … và cả cá tính, năng lực nữa. Với thơ Haiku, đặc tính súc tích của nó lại càng dễ tạo ra khả năng thiếu đồng nhất giữa đôi bên. Với cách hiểu này, xin các tác giả có trong bài viết hãy bước qua nếu có chuyện đó xẩy ra.
LVG