Tham dự hội nghị thơ Haiku Quốc tế lần thứ 15 và liên hoan thơ Haiku tại tỉnh Hyogo

alt

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 2 năm 2018, Quỳnh Như đã đến dự Hội nghị thơ haiku quốc tế và Liên hoan thơ haiku do Hiệp hội thơ haiku truyền thống, Hiệp hội Giao lưu thơ haiku quốc tế tổ chức tại Hội quán văn học Takahama Kyoshi, tỉnh Hyogo. (Takahama Kyoshi là nhà thơ haiku thời hiện đại. Nếu Masaoka Shiki có công đặt tên haiku cho thể thơ haiku và cải cách mạnh mẽ thơ haiku, thì chính Kyoshi là người có công phát triển dòng thơ haiku). Hội nghị thơ haiku quốc tế được tổ chức hai năm một lần, được Bộ Giáo dục Khoa học Thể thao Nhật Bản công nhận và khuyến khích phát triển. Năm 2016, cũng tại Hội quán này, Quỳnh Như đã tham dự Hội nghị thơ haiku quốc tế lần thứ 14.

alt

Tại Hội nghị thơ haiku quốc tế, ngoài khoảng gần 100 chuyên gia thơ haiku Nhật Bản còn có sự tham gia diễn đàn của Giáo sư người Anh – chuyên nghiên cứu so sánh văn học Anh – Nhật và thơ haiku tại Đại học Waseda, Giáo sư nghiên cứu văn học, thơ haiku đến từ trường Đại học Hàn Quốc…và Quỳnh Như. Đến tham dự Hội nghị, người tham dự phải đóng phí 5000 Yên (tương đương một triệu VND). Các trao đổi diễn ra sôi nổi, đề tài chính của Hội nghị là về tính văn học, cách thể hiện ngôn ngữ trong thơ haiku của nhà thơ Takahama Kyoshi. Bên cạnh đó là những diễn thuyết về đặc trưng văn hóa…Nói chung là nhiều vấn đề được đặt ra trong bối cảnh thơ haiku đang phát triển rộng rãi tại nhiều nước.

Sau đó, vào ngày 18/2, cũng tại Hội quán văn học Takahama Kyoshi, đã tham dự sự kiện Liên hoan thơ haiku gồm Trao giải thưởng thi thơ haiku, diễn thuyết của Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku. Thú vị nhất là chương trình thi thơ haiku được tổ chức dành cho nhiều đối tượng khác nhau với nhiều hình thức trao giải khác nhau. Qua tham dự đã học được rất nhiều điều bổ ích trong việc cách thức tổ chức các sự kiện thơ haiku, về thi thơ, chấm giải, trao giải…vì tất cả được tổ chức rất theo tinh thần “haiku”. Tham dự sự kiện này ai cũng phải đóng 3000 Yên (khoảng 600,000 VND). Sinh hoạt thơ haiku tại Nhật không rẻ chút nào.

Sau trao giải cuộc thi thơ haiku, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku đã có diễn thuyết về sự khác biệt giữa dòng thơ Đông và Tây trong thể hiện ngôn ngữ, tính văn học, tính văn hóa, sự thể hiện thiên nhiên trong thơ haiku…

Đặc biệt, khi trao đổi với một số chuyên gia thơ haiku, mới biết tại Nhật Bản, trong thơ haiku ít khi nói về wabi, sabi mang tính Thiền tông. Thay vào đó tính karumi (nhẹ nhàng, hay có thể nói là lịch thiệp) của Basho luôn được đánh giá cao và nhắc đến nhiều hơn. Quỳnh Như có thể sẽ cho đăng bài viết về tính karumi của thơ haiku của Basho nói riêng và của các nhà thơ khác nói chung trong một bài viết khác.

Tại Hội nghị, đã trao đổi kinh nghiệm với nhiều chuyên gia đã từng giao lưu, hỗ trợ phát triển và biên soạn tài liệu, giáo trình thơ haiku tại Châu Phi, Thụy Điển, Đức, Anh, Mỹ…

Cuối chương trình, đại diện người tham dự, Quỳnh Như đã có bài phát biểu về việc nghiên cứu thơ haiku tại Nhật Bản, về thơ haiku tại Việt Nam. Mọi người rất háo hức khi được biết thêm nhiều về thơ haiku Việt.

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như, ĐHKHXH&NV-ĐHQGHCM,

Tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Quốc tế Nichibunken,

Kyoto, ngày 20/2/2018.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt