Cách đây hơn 12 năm,tại một biệt thự kiểu Pháp sang trọng,đầy đủ tiện nghi hiện đại ở Đ.C. Hà Nội,có hai nhà Thơ nổi tiếng và người viết bài này-một kẻ say thơ đang mơ về một chân trời lạ,mới nhen nhúm trong vài người ở CLB Thơ Hải Thượng,Bằng lăng,Bích câu-Hà Nội – gặp gỡ mừng Xuân.
Hồi ấy thơ Haiku chỉ mới thấp thoáng bóng hồng ở Thủ đô trong mơ tưởng mông lung của vài bạn tâm giao mê thơ như Nghiêm Xuân Đức,Nguyễn văn Đồng,Phan Hữu Cường,Lý Viễn Giao…Gặp gỡ vui xuân,câu chuyện chuyển dần sang phần thơ rôm rả phiếm đàm. Hai ông bạn thơ đàn anh đồng tọa chiều xuân ấy vốn là các đại thụ thực tài trong nhiều lĩnh vực văn chương,uyên bác không chỉ riêng thơ và đều là những cây đa,cây đề khả kính.Đến lượt ,tôi mạnh dạn trình bày để xin chỉ giáo của hai vị Sư bác bậc “Đại hòa thượng” trong nền thơ Việt Nam đương đại.Mãi đến nay,tôi vẫn buồn cười về gan cóc tía hôm ấy của mình và chắc khi đọc mấy dòng ngớ ngẩn này,hai vị cao nhân ấy chẳng thể không phì cười .Vâng,tôi vẫn nhớ như in thái độ trọng thị,nghiêm túc của cử tọa gồm hai” Nhà Thơ viết hoa” Rồi chủ đề sau đó bỗng chuyển sang diễn biến có liên quan chặt chẽ không ngờ với Thơ Haiku Việt mười mấy năm sau ở Hà Nội..Số là một năm trước đó ,sau khi đọc mấy câu Haiku Nhật Bản,những câu đầu tiên tôi được biết -và bị mê hoặc luôn do nhà thơ Hoàng Xuân Họa trích từ mạng.Đó là:
“Tưởng đã mất mà không đành mất
bởi mùi hương
ngự trị cánh hoa tàn”
(Khuyết danh)
“Hằng năm vẫn mơ về hoa cúc-
Hoa cũng thế-
về ta”
(Shiki)
Nhận thức sơ đẳng thời đó của chúng tôi buổi ấy thật sự ràng buộc cố định với cấu trúc 5/7/5 kinh điển của Haiku truyền thống lưu hành từ 4 thế kỷ trước, khi chúng tôi chưa kịp phân biệt “âm tiết và từ“.Và mùa xuân năm 2005, tôi đã kỳ khu viết chẵn 40 khúc, mà khúc Haiku đầu tiên xin dành riêng dâng Mẹ,mãi sau nhiều năm tôi vẫn trân trọng giữ y nguyên:
“Vẳng tiếng chim gù trưa
lay lắt bóng tre trùm nỗi nhớ
Mẹ chân trần nắng mưa”
Xin được trích thêm vài câu trong tập SONG ĐÀO-muốn chỉ nơi gặp nhau của hoa Anh đào (Nhật Bản) và hoa Đào (VN) nghiêm cẩn theo 5/7/5:
” Như chưa hề xanh- trời
một bóng chim chuyền vui lích rích
đu ngọn trúc ngờ rơi”
“Đàn Kôtô dìu dặt
nâng ta về võng Mẹ ngày xưa
Trưa hè…à ơi đưa
Trăng suông triền cỏ áy
nỉ non nhạc dế gáy rầm rì
vô vi…vô vi…nào vô vi!
Chuông khua dẫu xé đời
kêu sao thấu tai Trời,thương chuông
Bến Mê thỉnh vô thường
Thênh thang 5 cửa ô
Vuốt rồng vội quắp gì Núi Tản
-Vua Lý trùm Vua Ngô
Hà Nội hay Hà …Lội
Tiếng quê mùa ngọng mấy trăm năm
Đêm mưa thành sấm ngữ
Đôi đỉnh núi giao nhau
Đêm Thung Mơ mây vờn bão nổi
Mưa ngập bờ…chơi vơi
“Lương y như từ mẫu”
4 chữ vàng năm tháng pha phôi
” Mẹ hiền” xưa…bai bai
Đêm láng giềng thao thức
lờ lững sương hồ trăng dát bạc
Tóc buông ngây ngất rèm
Vạc kêu mòn đêm sâu
lận đận đôi bờ sông Ngân quạnh
Sao ngời mi lệ xanh
và tự do hơn,chỉ 3 dòng lên ,xuống thang :
Mùa vẫn tầm xuân, lất phất
Nắng còn nhung lắm,
hoa cau
Mưa bóng mây
làn thơm thoảng
một đời đã mấy lần say!
Giếng Thời gian trong vắt
lọc bao đời
nước mắt-máu-mồ hôi
và danh từ “Thơ Haiku Mở”cũng xuất xứ lần đầu trong tập SONG ĐÀO sáng tác đầu năm 2006,trình bày lần đầu tiên tại bàn trà mừng Xuân mới trước 2 nhà thơ thượng thặng kể trên.
40 bài viết đầu năm 2005 ấy vẫn ở dạng bản thảo được tập hợp thành tập lấy tên “Song Đào ” hơn một nửa sáng tác nghiêm chuẩn về số lượng từ đúng tăm tắp theo 5/7/5 âm tiết của Haiku Nhật.Như được cởi tấm lòng, tôi say sưa đọc. Hai nhà thơ lão thành chăm chú lắng nghe ,gật gù: “Được,được đấy.Nhưng có nên cứ lệ thuộc cố định mãi vào số lượng từ là 5/7/5 kiểu Haiku NB mà không tự do hơn nhỉ? Nghe nhiều,đơn điệu đấy“.Tôi mau miệng vì đã sẵn phương án 2 “Vâng,tôi xin đề xuất tên thể thơ mới này là”U18W”nghĩa là “Under 18 Words”-hoặc là “Haiku Việt ” -thể thơ ngắn mỗi khúc không được vượt con số tối đa18 từ – còn tối thiểu thì hoàn toàn tự do,ngắn mấy cũng được ạ, nhưng không nên dưới 5 từ.Cấu trúc một câu chia thành 3 dòng như Haiku Nhật Bản,không cần đầu đề.” Vấn đề quá mới nhưng 2 nhà thơ vốn khoái ủng hộ những đề xuất lạ của lớp hậu tiến nên Nhà thơ trẻ hơn khuyến khích “Thế này nhá! Theo tôi chỉ cần đặt chuẩn mực số lượng từ cho một bài thơ kiểu mới ấy là 14 – tổng số từ của một đôi LỤC BÁT- con số thiêng các Cụ truyền lại là chuẩn tối đa ,còn tối thiều ta sẽ tính tiếp nhé.Cứ trong phạm vi 14 ấy mà tung tẩy.Bác Hạnh cứ nghiên cứu đi ,ta sẽ còn bàn dài dài sauTết” Tiểu hội trà dư tửu hậu đầu Xuân lần ấy kết thúc vui vẻ khi chuyển sang đật tên cho loại thơ mới cực ngắn đó- thì còn để lửng mục”Nên gọi là Haiku Việt hay không”, nhà thơ đàn anh cương quyết không đồng tình nếu định danh là Haiku Việt.Theo ông nghĩ ” Này nhé!Giả dụ có người Pháp làm thơ LỤC BÁT bằng tiếng nước họ, nếu gọi đó là thơ LỤC BÁT PHÁP liệu ta có thể chấp nhận hay không? ” Lập luận ấy quả là quá đúng.Ông nói thêm: “Tôi đồng ý ai thích cứ sáng tác Kiểu Haiku NB ở Việt Nam ,nhưng định danh là gì chứ gọi là Haiku Việt thì e không ổn” và cao kiến ấy cho mãi đến nay,hơn 12 năm sau buổi tọa đàm rôm rả ấy-việc đặt tên sao cho thỏa đáng vẫn là một dấu hỏi chắc không có hồi kết .Thực tình,hình như ông không phản bác đưa thể thơ Haiku vào VN- chứng cứ là sau đó, trên số Xuân tạp chí THƠ (Hội nhà văn VN) đã đăng 3 bài thơ ngắn,mỗi bài chia thành 3 dòng của ông rất trân trọng mà xin hẹn có dịp đăng lại.
Câu chuyện tưởng dừng lại loại phiếm đàm trên ai ngờ lại là một điểm nhấn thú vị trên bước đường phát triển tốt đẹp bước đầu của nền “Haiku ở Việt Nam” xin tạm gọi tắt là “Haiku Việt” .Đề xuất ” U18W” ngồ ngộ ấy cũng đã xuất hiện lần cuối trong buổi trà xuân kể trên.
Mừng 12 năm nhập môn thể thơ cực ngắn Haiku và 9 mùa Xuân thành lập Haiku Việt năm nay,xin chân thành cảm ơn 2 nhà thơ lớn đã bất ngờ góp phần quan trọng trong bước sơ khai hình thành thơ Haiku ở Việt Nam những buổi đầu bỡ ngỡ.Xin phép được lộ danh tính của nhà thơ -hình như trẻ hơn qua tác phong nghệ sĩ- xin thưa đó là”Khôi nguyên cuộc thi thơ trên Báo Văn Nghệ HNV năm đầu tiên- bạn chí thân của chúng tôi- các Hội viên CLB Thơ Hải Thượng của Y-Dược Việt Nam-nhà thơ Trần Ninh Hồ”.
Ngõ Bằng lăng Tiết lập xuân
Hà Nội 2018
Đinh Nhật Hạnh