Những khúc Haiku về con ếch- Lê Văn Truyền

alt

Khi nói đến những động vật bé nhỏ được dùng làm “quý ngữ” cho những khúc haiku, người ta thường nhắc đến con ếch trong phiến khúc haiku sau đây của Bashô, một trong bốn đại sư của Haiku Nhật Bản:

古池や
蛙飛び込む
水の音

furuikeya /kawazu tobikomu / mizu no oto

ao cũ

con ếch nhảy vào

vang tiếng nước xao

Nhật Chiêu dịch

alt

Trên thế giới đã có hàng ngàn bản dịch phiến khúc haiku này và thầy Nhật Chiêu tài hoa đã cũng đã dịch ra tiếng Việt như trên. Cũng về con ếch, Ryokan, một đại sư haikư khác của Nhật Bản, đã viết khúc haikư sau đây, được người đời tương truyền là để đùa giễu Basho:

新いけやかはずとびこむ音もなし
新池や蛙飛びこむ音もなし

araike ya / kawazu tobikomu / oto mo nashi

the new pond

a frog jumps in

no splashing

ao mới

con ếch nhảy vào

không tiếng nước xao

Lê văn Truyền dịch

Hai phiến khúc haiku của hai đại sư đều kiệm từ nhưng đối nhau chan chát: “ao xưa (cũ) / ao mới”, “vang tiếng nước xao / không tiếng nước xao”. Thế mới biết thành ngữ “văn ta, vợ người” phản ảnh một cách suy nghĩ phổ biến không chỉ trong giới văn nhân, nghệ sĩ nước ta.

Ở đất nước Việt Nam xa xôi, nơi chỉ gần đây thôi mới biết đến nền thơ haiku Nhật Bản, tôi đồ rằng chú bé Đặng Nhật Minh 11 tuổi, học sinh trường Trung học phổ thông cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội), có thể chưa được biết hai đại sư Basho và Ryokan đã có những khúc haiku để đời về con ếch được coi là kinh điển trong kho tàng haiku Nhật Bản. Chính vì vậy, khi tham gia cuộc thi “Sáng tác haiku trên tranh vẽ” về chủ đề “Sinh vật sống” (2017-2018) do Japan Airlines Foundation tổ chức, cậu bé mới hồn nhiên, không run tay “dám” sáng tác khúc haiku của riêng mình về chú ếch con, bạn của cậu:

chú ếch ngồi đáy giếng

chú ta thường hay hỏi tại sao

bầu trời lại bé thế

Đặng Nhật Minh, 11 tuổi

Khúc haiku độc đáo trùng với ý tưởng của một thành ngữ Việt Nam “ếch ngồi đáy giếng”. Chú bé trai hiếu động, tinh nghịch Đặng Nhật Minh hàng ngày sau giờ học, chắc vẫn bầu bạn, tâm tình với những người bạn nhỏ: chú ếch dưới đáy giếng, con cóc cụ trong góc vườn, chú ve sầu ca hát suốt mùa hè, con dế trũi đen thui trốn sâu trong hang đất … Chỉ có chú bé Đặng Nhật Minh mới có khả năng “trò chuyện” và hiểu được “tâm sự” của những động vật bé tí này. Em đã coi chú ếch là một động vật biết tư duy, biết thắc mắc về bầu trời quá nhỏ bé và biết trăn trở ngày đêm tìm câu trả lời. Khúc haiku thể hiện cách nhìn hồn nhiên, đầy cảm thông của trẻ thơ đối với thân phận con vật bé nhỏ đáng yêu đang bị “cầm tù” dưới đáy giếng với câu hỏi khắc khoải chưa được giải đáp của nó: tại sao bầu trời lại bé thế? Hoàn cảnh sống làm chú ếch không hiểu tại sao bầu trời chỉ bằng cái miệng giếng.

Trong phiến khúc haiku trên đây của Đặng Nhật Minh, chú ếch không còn là một con vật bé nhỏ chỉ biết “nhảy vào” và “nhảy ra” khỏi cái ao. Chú ếch của Đặng Nhật Minh là động vật “biết tư duy” khi quanh quẩn dưới đáy giếng đã dám đặt một câu hỏi lớn: Sao bầu trời bé thế?

Thế mới biết, có nhiều cách khác nhau để tìm đường lên một đỉnh núi.

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt