Năng lượng tỉnh thức- Nguyễn Thánh Ngã

alt

alt

Mưa

Vỗ mặt bùn

Sen thức

(Phan Vũ Khánh)


Chúng ta có thể hiểu, Thiền Phật giáo là đưa tới nhận thức giác ngộ. Vì vậy, từ lâu thiền đã mang lại cho con người những tri kiến thâm sâu, khả năng đạt tới trí huệ tối thượng. Thơ thiền như mảnh vỡ của vô thức, đánh động chúng ta giữa hoài nghi cuộc sống. Haiku thời trước, cũng có lúc mang tính thiền rất cao, là thể thơ kiệt ngắn, có công năng thâm nhập mọi tầng trí tuệ, đánh thức cuộc đời. Với dáng vóc siêu nhỏ, Haiku như con chíp luồn lách và lóe sáng. Chính lúc đó, “con chíp thơ” vực thức nơi ta cảm thức về thế giới.

Điều đó cho chúng ta năng lượng tỉnh thức!

Thức là ý nghĩa cao nhất mà thơ mang lại, như mưa, thơ mang lại sự hồi sinh các tính giác, làm đâm chồi khả năng tư duy.

Đọc bài Haiku của Phan Vũ Khánh, tôi đang tắm trong nguồn mưa (mưa pháp). Nước mưa vỗ vào mặt bùn “tí tách”… Cơn khát của loài ếch nhái, vi sinh dưới bùn đã được (hay bị) đánh thức. Thối nát thì vỡ ra, héo rủ thì nhuần lại. Có tiếng kêu vô thanh từ mặt bùn thao thức. Không phải tiếng kêu của mưa va chạm bùn…

Đó là tiếng kêu của sinh linh bùn đen!

Chúng ta có thể nghe rất rõ trong tạng thức mỗi người.

Thơ Phan Vũ Khánh là gì? Là sen. Và loài sen đã thức trong tiếng kêu ấy. Vô thanh mà đầy hương vị.

Đọc bài thơ sáu từ thôi, “con chíp thơ” ấy có thể làm lóe sáng vạn vật trong “mặt bùn” chúng sinh, “mặt bùn” cuộc sống!

Nói như Thiền phiền muộn (bùn) là Bồ đề. Phần thơ là chất liệu tạo nên cuộc sống mới. Ngôn ngữ thơ làm từ chất liệu “bùn” ấy mà tỏa hương!

Dalat 2/2017

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt