Một vài nhận diện so sánh thơ truyền thống Việt Nam- Nhật Bản và Hàn Quốc

T.S. Lê Đăng Hoan. CLB Haiku Việt Hà Nội

Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu về thơ truyền thống của nhiều nước, nhưng có tiếp xúc với thơ của một số nước, như Hàn Quốc (Thơ Sijo- Thời điệu), Nhật Bản ( thơ Haiku) và tôi yêu thơ lục bát của Việt Nam, nên tôi mạnh dạn nêu một số suy nghĩ so sánh của mình về 3 loại thơ này theo hiểu biết của mình. Bài viết tập trung so sánh sơ lược một số đặc điểm của 3 loại thơ này.

  1. Thơ truyền thống là bảo vật, mang trong mình văn hóa và tâm hồn của dân tộc.

Mỗi một dân tộc đều có thơ truyền thống, biểu hiện văn hóa tâm hồn dân tộc mình, mang hình thức, nội dung riêng mà không pha lẫn với nhau. Đó cũng là niềm tự hào của dân tộc

Thơ Lục bát Việt Nam Việt Nam chưa được xác định chính xác về thời gian, tác giả sáng tạo ra, nhưng từ xưa, từ khi có ca dao tục ngữ, từ khi những truyện thơ viết bẵng chữ Nôm thơ lục bát dã được truyền bá rộng rãi, rồi đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du”, các nhà “thơ mới”, , Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính, Huy Cận, cho đến Tố Hữu…, thơ lục bát đã là quốc bảo của nước ta. Như có nhà nghiên cứu đã nói “Khi đi ra “đấu trường” thơ ca thế giới, lục bát mang “Điệu hồn” dân tộc, trở thành “đại sứ” lan tỏa giá trị văn hóa Việt, giá trị văn chương Việt ra khắp năm châu.

Là thể thơ truyền thống, lục bát đã tạo nên nhiều thành tựu trong lịch sử văn học Việt Nam

Là người Việt Nam, không ai không thuộc một ít câu thơ lục bát, lời ru, điệu hát. Nhiều người không biết chữ vẫn sáng tác thơ lục bát bằng trí nhớ, sự tưởng tượng của họ.

Trong văn học Việt Nam có rất nhiều bài thơ lục bát nổi tiếng, nhưng nổi tiếng và đi vào lòng người nhất là “ Truyện Kiều” và sau này có thơ  Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Văn Bốn, và tiếp tục rất nhiều nhà thơ hiện nay đang theo kịp bước Ông Cha.

Trên cả nước có hàng trăm CLB thơ Lục bát là nơi tập trung những người yêu thơ và bảo tồn thơ lục bát cho dân tộc.

  Thơ Haiku Nhật Bản, theo tác giả Lê Thị Bình thì “Thơ haiku (bài cú) thuộc dòng thơ truyền thống của Nhật Bản. Đây là một loại thơ cận đại, vốn loại thơ giải trí, khôi hài, phát triển từ cuối thời đại Muromachi (cuối thế kỷ 14).Người xây dựng nền tảng cho haikai cận đại là Matsunaga Teikoku (1571-1653).Nhưng người có công đưa haikai trở thành nghệ thuật, được coi như “quốc hồn, quốc túy” của Nhật Bản, chính là Matsuo Basho, một nhà văn hóa lớn của nước Nhật.”

Trải qua nhiều thăng trầm cho đến nay, haiku vẫn phát triển mạnh mẽ và vẫn là thể loại thơ được nhiều người Nhật yêu thích và sáng tác, thậm chí nó đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới với sự hấp dẫn bởi sự ngắn gọn mà sâu sắc của nó. Trong nền văn học Nhật Bản, thơ Haiku được xem như tâm hồn của con người Nhật.

Ở Nhật Bản, hoạt động sáng tác haiku rất rầm rộ trong toàn quốc. Những người sáng tác haiku thường liên kết với nhau thành các tổ chức sáng tác haiku. Các tổ chức này có tên gọi, trụ sở và ban lãnh đạo điều hành rõ ràng, các hội viên tham gia đều đóng tiền hội phí để xây dựng tổ chức của mình và triển khai các hoạt động.

Mấy năm trở lại đây, ở Việt nam phong trào sáng tác haiku tiếng Việt phát triển âm thầm nhưng khá mạnh mẽ, lượng người yêu thích thể thơ này đang tăng dần. Tuy nhiên việc Việt Nam hóa thơ Haiku là cả một quá trình, tuy đã được thành lập 15 năm nay, CLb thơ Hai ku Việt đã có nhiều thành công nhất định, nhưng vãn có nhiều vấn đề về lí luận và áp dụng giữa haiku truyến thống và haiku hiện đại, giũa văn hóa Nhật Bản và văn hóa Viẹt Nam thế nào cho phù hợp vẫn là vấn đề cần nghiên cứu nhiều.

Thơ truyền thống Hàn Quốc là thơ Sijo. Thơ sijo đã có lịch sử tồn tại và phát triển suốt tám thế kỷ. Bất chấp sự xâm lấn của các thể thơ ngoại lai như thơ Đường luật thời trung đại, thơ phương Tây đầu thời hiện đại và thơ tự do hiện nay, sijo vẫn luôn có một vị thế quan trọng trong văn học và văn hóa Korea, đó là do sức hấp dẫn nội tại của thể thơ này.

Đến nay, sijo vẫn còn được sáng tác và thưởng thức, thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới Korea. Ờ phương Tây, trong những năm gần đây, đã có một số cuộc thi sáng tác thơ sijo bằng tiếng Anh. Thơ Sijo là nơi người Hàn Quốc gửi Tình và Hận, Đạo và đời. Từ khi ra đời loại thơ này đã được lưu hành bằng bài hát, bài ca của các giai tầng từ các kĩ nữ đến các nhà quý tộc.

Thơ Sijo chưa được biết nhiều ở Việt Nam, chỉ giới hạn ở trong chương trình dạy văn học Hàn Quốc ở các trường đại học khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, hoặc Hàn Quốc học. Một tập thơ Sijo đầu tiên của Hàn Quốc do Lê Đăng Hoan dịch ra mắt bạn đọc vào cuối thành 10 năm 2022.

  1. Thơ truyền thống có cấu trúc gọn, ngắn súc tích phù hợp với tập quán sinh hoạt của dân tộc.

     Cấu trúc thơ Lục bát có lẽ là loại đơn giản nhất, chỉ cần 2 dòng cho một câu có vần có điệu, nên rất dễ thuộc, dễ sáng tác. Từ các nhà thơ đến người dân bình thường, nhiều khi lời nói đã thành thơ.

Tuy nhiên khi phân tích yêu cầu cấu trúc chuẩn của thơ lục bát thì thực ra dễ mà khó

Ai cũng biết, một câu lục bát được coi là hoàn chỉnh khi gồm ít nhất một cặp lục bát gồm 14 âm tiết (câu đầu 6, câu sau 8 âm tiết) và âm tiết thứ 6 câu đầu vần với âm tiết thứ 6 của câu sau, tiếp theo (nếu trong một bài lục bát có trên 2 câu) âm tiết thứ 8 của câu đó lại vần với âm tiết thứ 6 của câu sau, theo luật như sau :                 B B T T B B  (B; bằn; T: trắc)

B B T T B B T B

Trong đó cần chú ý nếu âm tiết thứ 6 của câu tám không dấu thì bắt buộc âm tiết thứ 8 của câu tám phải là dấu huyền và ngược lại. Cách ngắt nhịp khá uyển chuyển tùy thuộc nhịp bài thơ: Với câu sáu thường là nhịp 2/  4; Nhịp 3/3, nhịp 2/2/2. Câu tám có thể ngắt nhịp 4/4.

Tuy nhiên trong khi sáng tác thơ nhiều tác giả đã vận dụng uyển chuyến quy tắc “ Nhất, tam bất luận; Nhị ,tứ, lục phân minh” ( nghĩa là âm tiết 1,3,5 có thể thay đổi; còn 2,4,6 luôn tuân theo luật thơ bằng trắc như trên), nên có nhiều câu thay đổi bằng trắc theo sự vận dụng của từng trường hợp cụ thể, và thơ lục bát trở nên đa dạng thành nhiều loại, và hiện nay nhiều tác giả thơ lục bát còn dùng cách xuống dòng, ngắt nhịp khác nhau, tạo nên những câu (bài) thơ lục bát mang sắc thái khác biệt, linh hoạt và sáng tạo.

   Thơ Haiku Nhật cũng có cấu trúc nhẹ nhàng, ngắn gọn, mà có người cho rằng  “đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới” bởi mỗi bài haiku, mặc dù đôi khi ta vẫn thấy có những hình thức khác, nhưng thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 (17 âm tiết) tiếng Nhật có khi chỉ vài ba từ ít ỏi ( 3 câu trong cú pháp haiku cũng thường được viết thành một dòng).

Hiện nay haiku ở Nhật có một số trường phái, phần đông vẫn thích giữ qui tắc sáng tác haiku truyền thống là có cấu trúc 5-7-5 âm tiết, có quí ngữ (kigo) hoặc quí đề (kidai) và có từ ngắt (kireji). Tuy vậy cũng có nhiều người thích trường phái sáng tác haiku tự do không theo các qui ước truyền thống, cơ bản chỉ giữ cấu trúc 5-7-5 thôi hoặc thậm chí không cần giữ đúng cấu trúc này mà lại ưa dùng khẩu ngữ hiện đại…

Chẳng hạn bài thơ con ếch nổi tiếng sau đây của Matsuo Bashō trong tập Xuân nhật (Haru no hi, 1686) viết chung với đồ đệ, có cú pháp 5+7+5 âm tiết:

古池や (fu-ru-i-ke ya) (5 âm tiết

蛙飛込む (ka-wa-zu to-bi-ko-mu) ( 7 âm tiết)

水の音 (mi-zu no o-to) (5 âm tiết)

(Tổng cộng 17 âm tiết)

Ao xưa;

con ếch nhảy vào –

tiếng nước xao.

(Lê Thị Bình)

 

Về cấu trúc một bài thơ Sijo có từ 43 đến 45 âm tiết, được phân thành ba chương, mỗi chương gồm 2 câu có nghĩa về ngữ pháp. Mỗi chương có 4  tiết nhịp, mỗi tiết nhịp thường có từ 3 đến 4 âm tiết, nhưng cũng có thể ít hoặc nhiều hơn thế, chỉ trừ một số vị trí cố định, đó là:

– Nhịp đầu chương 3 không quá 3 âm tiết

– Nhịp 2 chương 3 không dưới 5 âm tiết”

Xin giới thiệu một bài thơ như sau:

오우가

(윤선도)

Chương 1: 3,4,3(4),4 : 내 벗이 /몇인가 하니/ 수석과/ 송죽이라.

Chương 2: 3,4,3(4),4 :동산에/ 달 오르니 /그 더욱/ 반갑구나

Chương 3: 3,5,4,3(4) :두어라 /이 다섯 밖에/ 또 더하여 /무엇하리

Bài ca về năm người bạn

Yoon Seon-do(*)

Bạn tôi có mấy người ư!

nước, đá, trúc, tùng

Thêm có trăng lên

mọc ở Núi Đông càng vui thêm

Còn gì hơn nữa,

ngoài năm bạn ấy.

(Khi dịch ra tiếng Việt thường được trình bày thành 3 câu ,6 dòng) (Lê Đăng Hoan dịch)

Cấu trúc này (3 chương)của si-jo, tương tự thơ 3 dòng Haiku(Nhật) (17 âm tiết); thơ tứ tuyệt của Trung Quốc, nhưng Si-jo không bắt nguồn từ 2 loại thơ này, mà nó có tính độc lập- thể thơ đặc biệt của người Hàn (bằng Hangeul).

Tuy nhiên luật thơ sijo không quá gò bó. Những bài thơ tuân theo quy tắc trên đây gọi là “pyeong sijo” (bình thời điệu- tức là loại sijo bình thường, phổ biến), ngoài ra còn có hai loại sijo biến thể là “eot sijo” (thơ sijo dạng trung, có một trong ba chương được mở rộng thêm) và saseol sijo (sijo dài, có hai hoặc thậm chí là ba chương đều mở rộng). Một hình thức khác nữa của sijo là “yeon sijo” (liên thời điệu”, tức là các bài sijo được sáng tác nối tiếp theo nhau, dưới cùng một tiêu đề).

Điều này thể hiện rõ bản chất thuần Hàn của Sijo, bởi nhịp thơ sijo chính là nhịp điệu trong lời ăn tiếng nói của người Hàn, thứ nhịp điệu tự nhiên mà tiếng nói của các quốc gia khác không có được.

Một bài thơ Sijo giống như vẽ một bức tranh:” Chương 1 khai mở, miêu tả một khung cảnh nào đó, chương 2 tiếp tục tô vẽ cho bức tranh theo tông màu và phong cách của chương đầu. Đến nhịp 1 chương 3, một đường nét, màu sắc thật mới lạ được điểm vào làm thay đổi toàn bộ diện mạo bức tranh, khuấy lên một cảm giác mạnh mẽ, đầy kích thích, hưng phấn. Rồi sau đó các nhịp sau của chương này tiếp tục thêm vào những màu sắc theo hướng mà nhịp 1 đã thêm, khiến những màu sắc trở nên cân bằng, bức tranh được hoàn thiện một cách hài hòa”.

“Hoặc, đúng nhất là nói về sijo như là một bản nhạc. Các chương đầu dần được tấu lên một cách hài hòa, đến chương 3, nhịp 1, có một nốt nhạc mạnh mẽ trỗi lên, rồi nhạc luật thay đổi hẳn, các nhịp còn lại phải làm nhiệm vụ cân bằng và kết thúc bản nhạc này”.

  1. Nội dung của loại thơ truyền thống Viêt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy có phần nào đó khác nhau nhưng điểm chung nhất trong 3 loại thơ truyền thống là nói nhiều về thiên nhiên sông núi, trăng tuyết, các mùa trong năm, những cảnh và vật luôn thường trực trong cuộc sống con người, nhưng càng phát triển, sang thời hiện đại các loại thơ đều mở rộng nội dung có tính xã hội, con người ngày càng nhiều.

  • Nội dung thơ lục bát vô cùng phong phú, không gò bó bất cứ một chủ đề nào. Một câu thơ lục bát (2 dòng, 14 âm tiết)đã có thể thành một bài trọn nghĩa. Nhất là trong ca dao, bài hát ru… Vì vậy nó chân chất, giản dị, diễn tả đúng tâm trạng và các cung bậc cảm xúc trong tâm hồn người dân lao động. Thể loại thơ này còn có nguồn gốc từ những câu ru hời của bà, của mẹ nồng nàn tình cảm thương yêu; những bài đồng dao đi vào lòng người.

Nó có thể là tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, mối quan hệ xã hội, gia đình, cho đến các tập quán sinh hoạt hàng ngày, cách đối nhân xử thế, đạo đức xã hội. Đó có thể là những câu thơ đơn giản khuyên nhắc nhở, bảo ban nhau, trách nhau, cũng có thể là những câu hờn giỗi, so sánh v.v.. làm cho cuộc sống đa dạng phong phú trong khuôn khổ nền tảng của xã hội mà con người đang sinh tồn và phát triển.

  • Nội dung thơ Haiku có luật cơ bản sau: “Không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diễn tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại.Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và tính tương quan hai hình anh.Trong thơ bắt buộc phải có “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ xuân, hạ, thu, đông) nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng,tuyết trắng… để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).

Một bài haiku thường chỉ “gợi” chứ không “tả”, và kết thúc thường không có gì rõ ràng, vậy nên hình ảnh và cảm nhận sau khi đọc thơ hoàn toàn phụ thuộc người đọc.

Khi sáng tác, nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh này, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó. Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới. Một bài thơ Haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn, cảm nhận.

Kỷ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc.Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.

  • Nội dung, chủ đề chính của thơ Sijo từ tự sự đến trữ tình, giáo huấn. Nội dung tập trung 3 chủ đề sau:

+ Phản ánh những vấn đề Nho giáo

+ Ca ngợi thiên nhiên, cuộc sống của con người trong thiên nhiên, tình yêu đất nước.

+ Ca ngợi tình yêu nam-nữ.

  1. Vài suy nghĩ.

 

Qua các nội dung so sánh sơ bộ trên đây, có thể đưa đến những suy nghĩ như sau:

  1. Mỗi nước đều có một thể thơ truyền thống, biểu hiện văn hóa tâm hồn dân tộc của dân tộc mình, mang hình thức, nội dung riêng mà không pha lẫn với nhau. Đó cũng là niềm tự hào của dân tộc.
  2. Nói về cấu trúc của 3 loại thơ truyền thống của 3 nước đều ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn diễn tả sâu sắc tâm hồn của nhà thơ. Nếu một câu (2 dòng) của thơ lục bát chỉ có 14 âm tiết đã có ý nghĩa trọn vẹn của một bài thơ, thì ta có thể xem thơ lục bát là loại thơ ngắn nhất, uyển chuyển nhất, vì nó luôn có vần điệu, trầm bổng, so với thơ Haiku 17 âm tiết và thơ Sijo 45 âm tiết.
  3. Thơ lục bát và thơ Sijo là loại thơ có thể mở rộng kéo dài theo ý nhà thơ để diễn tả một ý nghĩ, hoặc cả một câu chuyện dài, có đầu có cuối. Thơ Haiku là loại thơ gợi mở, “mờ” chỉ nêu lên hiện tượng có tính thời điểm, không bình luận, nên cho cho người đọc phải suy nghĩ thẩm thơ sâu sắc và hiểu theo cách giải thích của từng người.
  4. Hiện nay trong 3 loại thơ trên đây, có thể nói thơ Haiku được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Điều này đưa đến cho chúng ta, những người Việt Nam đang sở hữu một bảo vật trong tay cần làm gì để thơ lục bát Việt Nam đi ra thế giới như thơ Haiku Nhật Bản. Thơ Haiku Nhật Bản, có trong sách giáo khoa Việt Nam, học sinh tiểu học đã tham gia thi thơ Haiku của Nhật Bản, hay hành năm ĐSQ Nhật Bản đã và đang mở các cuộc thi Haiku cho mọi tầng lớp người Việt. Không biết thơ lục bát của ta đã đưa vào SGK của nước nào hay chưa! Ta có kế hoạch đưa thơ lục bát ra thế giới hay không?

Không những thế, trên thế giới rất nhiều nước, lớn nhỏ đều có người làm thơ Haiku bằng tiếng nước họ, có cả Hiệp hội Haiku thế giới! Thơ lục bát của ta không biết có ai trên thế giới làm bằng tiếng nước họ như ta làm thơ Haiku Việt?

  1. Về thơ Sijo, một nhà thơ Hàn Quốc, bà Kim Min-jeong, Chủ tịch Phân ban thơ Sijo của Hội nhà văn Hàn Quốc còn có khát vọng thế này ““ Nếu Hàn Quốc muốn giành được giải Nobel thì phải xuất phát từ suy nghĩ về thơ Sijo truyền thống của Hàn Quốc, và tôi đang thực hiện công việc giới thiệu một cách nhiệt tâm loại thơ này ra thế giới.” Điều này cho ta một suy nghĩ về tính giá trị của thơ truyền thống của mỗi nước. Có thể lắm chứ, ít ra cũng cố gắng để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới của một nước, kể cả thơ lục bát Việt Nam.
  2. Nhà thơ Nhật Chiêu, trăn trở, sáng tạo, và ông đã phát kiến ra một phương thức rất mới, đó là sáng tác loại thơ song song “Haiku-lục bát”.

Sáng kiến này cần được hoàn chỉnh, nghiên cứu để có thể đưa thành một loại thơ “Hữu nghị” giữa hai dòng thơ truyền thống. Cần có định nghĩa, có nội dung, tiêu chí, hướng dẫn có tính khoa học. Mong các nhà nghiên cứu cùng nhà thơ Nhật Chiêu và các nhà thơ Haiku Việt sớm hoàn chỉnh để đưa vào lí luận chính thống cho các nhà thơ và độc giả có thể sáng tác và thưởng thức loại thơ này.

Những ngày cuối thu 2022.

L.Đ.H

Tài liệu tham khảo:

  1. Thơ lục bát Việt Nam (Google. Com)
  2. Lê Thị Bình: Haiku là gì.
  3. Website HakuViet.com
  4. Phan Thu Hiền, Nguyến Thanh Tâm, Nguyễn thị Thơm Thắm; Thơ Sijo tâm tình dân tộc Korea.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *