Một mối nhân duyên đẹp giữa nhà thơ Haiku Việt và họa sĩ Bresil- TS Lê Đăng Hoan

Thơ-Họa là mối quan hệ khăng khít, nâng tầm nhau lên. Điều này từ xưa đến nay ai cũng làm và ai cũng biết.

Thơ- Nhạc, cũngvậy. Bài thơ nổi tiếng nhờ nhạc sĩ đưa đến cho công chúng những bài hát vang danh.

Haiku  vào Việt Nam khoảng 15 năm nay, đã đưa quan hệ thơ Haiku-Thư pháp thành một cặp đôi như tiền định. Nhiều họa sĩ- thư pháp xứ mình đã đưa thơ Haiku Việt thành những tuyệt phẩm thư-họa tồn tại cùng thời gian. Có lẽ các nhà thơ Haiku Việt, không ai không có vài bức thư pháp treo trong nhà, phòng sách hay đầu giường. Nhưng nhiều nhất nước,có lẽ là nhà thơ Haiku TS. Vũ Tam Huề (HCM). Anh hiện có hàng trăm (nếu không  nói là hàng ngàn) bài thơ Haiku của mình đã được bạn bè mến mộ viết bằng thư pháp. Có lẽ nếu đưa ra trưng bày(rất hi vọng anh sẽ mở một triển lãm thư pháp Haiku Việt) thì phải một viện bảo tàng lớn, không hàng chục thì cũng dăm ba phòng tranh mới hết.

Tôi không theo dõi hết, nhưng trong Nam có nhà thư họa nổi tiếng Thiện Niệm viết – hay nói đúng hơn là vẽ tranh bằng thư pháp mà mỗi bức tranh của anh không những bằng nét chữ tài ba mà còn là một bức họa với đầy đủ nội dung của bài thơ. Ở Miền Bắc, nhà thư pháp trẻ nhất Thanh Tùng  nhiều năm miệt mài luyện chữ đã thành tài, mở nhiều lớp truyền bá nghệ thuật thư pháp Việt, nhà thư pháp độc đáo Lại Văn Bến, đã sáng tạo cách viết ngược các chữ, muốn đọc phải dùng tấm gương soi. Anh đã dày công viết tặng hầu hết các nhà thơ Haiku Việt ở Hà Nội. Đặc biệt kết hợp THƠ-HỌA  nhuần nhị, tài hoa là Họa sỹ Unesco Phan Vũ Khánh (Hà Nội) đã mở nhiều triển lãm mỹ thuật hoành tráng chuyên đề :SEN,N ĂM CỬA Ô,TRĂNG…thể hiện sáng tạo nội dung những khúc Haiku nổi tiếng Nhật Bản và Việt Nam. Haiku Việt Nha Trang có Nghệ sĩ Lê Vũ, đa tài, đa năng Vũ-Nhạc-Họa  lại dùng thủ pháp độc đáo chỉ lấy nét chữ để vừa thể hiện bài  thơ vừa thể hiện chân dung của tác giả qua vài nét chấm phá biến hóa tài tình .

Nói như vậy để điểm qua một chút ít, rất không đầy đủ, để chứng minh thơ Haiku và Thư pháp tuy hai cách thể hiện, nhưng cùng một mục đích chung là đưa nét đẹp của  Haiku Việt cho người đọc và người xem gần gũi hơn, cảm thụ  được  cái đẹp của Thơ trong Họa, của Họa trong Thơ. Thư pháp đúng là những bức họa muôn màu nâng thơ Haiku lên tầm cao!

Còn bây giờ, chúng ta hãy ngắm bức tranh sau đây:

Một chiếc thuyền neo giữa giòng nước như đang chờ, đang đợi và trên đó là trăng. Vầng  trăng ở giữa tròn như trăng Rằm tỏa sáng, rồi mờ dần, khuyết dần về hai phía như sự mỏi mòn của thời gian. Sự man mác, sự tĩnh lặng pha chút ánh sáng mờ ảo, sáng tối minh họa tuần trăng tròn khuyết trên cho ta cảm giác cô đơn trống trải mòn mỏi của sự đợi chờ vô vọng! Đợi đến mòn trăng!…Mùa này qua mùa khác…

Đó là một tuyệt phẩm của một Nữ họa sĩ tài ba ở Bresil: Ana VAZ về Thuyền-trăng-nước, về thời gian-đợi chờ vô vọng cô đơn

Ta hãy đọc tiếp những lời giải thích về bức tranh này qua lá thư Nữ họa sĩ gửi  cho nhà thơ Đinh Nhật Hạnh- Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Haiku Việt Hà Nội.

Bresil ngày 8 tháng 3 năm 2022,

“ Thưa ông, tôi là Ana VAZ- Nữ Họa sỹ Brésil.Trong mùa Đại dịch Covid, hầu như hoàn toàn phải cách  ly trong  xưởng vẽ, tôi đành mải  mê tìm đọc thơ Haiku.Chính  nhờ đó mà đã sáng tác được một số tranh sẽ trình bày tại Triển lãm tháng 11 năm nay ở thành phố Recife  tỉnh Pernambuco. Cũng chính nhờ  sự tìm tòi đó mà may mắn tôi có dịp được thấu hiểu và thưởng thức công trình sáng tác phong phú của ông. Và tôi đã thử chuyển điều huyền diệu từ một khúc Haikư dưới đây của ông vào một  bức tranh trong số sẽ dự Triển lãm. Đó là khúc Haikư tiếng Việt:            

                  « Bên  xưa / con đò vẫn đợi / Mòn trăng »**

Nguyên tắc của triển lãm quy định mỗi bức tranh tham gia cần ghi theo lời từ của nguồn cảm hứng. Sau triển lãm sẽ phát hành catalogue tập hợp số tác phẩm đã tham gia cùng những ghi chú về xuất xứ của những  bức tranh .Tôi mong tác giả cho phép sử dụng khúc Haiku đã truyền cho tôi cảm hứngnói trên. Nếu ông cần, tôi sẽ sớm gửi bản in sao họa phẩm này. Trong khi chờ đợi phúc đáp ngắn gọn của ông, xin gửi những thông số vi tính để ông biết thêm quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi…

(Ngày 8/3/2022)(Theo lời dịch từ tiếng Pháp của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh)

Sau khi nhận được sự đồng ý của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, tác giả đã gửi bức họa trên với lời giới thiệu ngắn gọn như sau:

“Tiện đây tôi xin gửi ông bức ảnh chụp bức tranh xuấ t xứ từ khúc Haiku thú vị kể trên –dù chưa hẳn đã giống với bản gốc, tuy tác giả vốn là nghệ sĩ nhiếp ảnh”

   Trên đây là toàn bộ câu chuyện về duyên THƠ-HỌA của hai tác giả- một nhà thơ Haiku Việt có tiếng ở Việt Nam và một hoạ sĩ danh tiếng của Bresil. Hai người vốn chưa từng gặp nhau, chưa từng giao tiếp. Nhưng  mối tương đồng trong tư duy nghệ thuật, sự tương đồng trong Thơ-Họa, đã đưa họ đến gần nhau và có sự đồng cảm đẹp đẽ với nhau trong sáng tác nghệ thuật.

Có thể  xem đây như là một hướng đi độc đáo, tiếp nối những phương pháp làm đẹp cho Haiku Việt để đi vào lòng độc giả, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới phẳng bao la.

Xin chúc mừng nhà thơ Đinh Nhật Hạnh thân mến, nữ Họa sỹ Brésil Ana VAZ và chúc cho mối nhân duyên này sẽ tiếp nối cho nhiều bức họa được sáng tạo ra từ những bài thơ Haiku Việt.

Hà Nội  22/6/2022.

Lê Đăng Hoan

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt