1
Xe đâm lăn ra đường
cô gái cố ngóc đầu selfie
trước khi nhắm mắt
2
Cắm mặt vào smart-phone
cậu trai vập đầu vào cột điện
nhăn nhở cười selfie
3
Trên xe buýt
đám đông cô đơn
dán mắt vào màn hình điện thoại
4
Ôm chiếc smart phone
truy lùng Pokemon
không chơi với người, chơi với thú ảo
5
Bọn trẻ lục lọi ngôi nhà
reo hò bắt Pokemon
ông im lặng bên cửa sổ
Smart phone là một trong những sản phẩm công nghệ cao được nhân loại cuồng nhiệt chào đón trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Với những tính năng “vô tiền khoáng hậu”, smart phone đã đưa con người đến một thế giới kỳ ảo vô cùng thú vị mà trước đó chưa có một sản phẩm công nghệ nào có khả năng tạo ra. Hàng ngàn năm, ông cha ta đã khổ sở, trăn trở vì nỗi niềm “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” thì nay với công nghệ của smartphone ta vừa được nghe thấy tiếng vừa được trông thấy mặt. Nguyện vọng ấp ủ ngàn đời của loài người là có được đôi mắt “thiên lý nhãn” thì một thời gian ngắn nữa thôi smartphone sẽ giúp chúng ta ở trên mặt đất có thể nói chuyện và chiêm ngưỡng khuôn mặt của người đứng trên mặt trăng …
Từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, smart phone đã có mặt khắp nơi, từ những siêu đô thị (mega city) cho đến chốn hang cùng ngõ hẽm phủ sóng internet và lan truyền rất nhanh còn hơn tốc độ lan truyền của bệnh dịch hạch thời Trung Cổ.ÂÂ Smart phone có mặt từ những thánh đường trang nghiêm của Đạo Hồi cho đến những lễ quốc tang u buồn, từ những sự kiện chính trị quốc tế quan trọng của các nguyên thủ quốc gia, mà mỗi cái bắt tay liên quan đến số phận của nhiều dân tộc, đến sự chết chóc của triệu triệu con người, cho đến từng khoảnh khắc riêng tư, say đắm của những đôi tình nhân trên giường ngủ. Smart phone đã tạo ra những cuộc gặp mặt, những bữa ăn tối, những cuộc hẹn hò … mà không ai nói chuyện với ai. Smart phone đã biến cả một xe bus, một chuyến tầu điện, một toa tầu hỏa, một chuyến máy bay, một phòng chờ ở phi trường… thành một chốn đông người im lặng và không ai thiết nhìn mặt ai. Tất cả đều cắm mặt vào màn hình tinh thể lỏng. Hàng ngàn người quay lưng lại trước những chính trị gia, những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ thế giới để “selfie”. Và ở nước ta mới đây, người ta đã vui vẻ “selfie” với các nghệ sỹ nổi tiếng khi viếng đám tang của một nghệ sỹ khác, cũng không kém nổi tiếng. Người ta sướng vui và đau khổ, bất hạnh và hạnh phúc … với smart phone. Người ta sẵn sàng ra tay hạ độc người thân trong gia đình vì không xin được tiền để “lên đời” chiếc smart phone. Người ta sẵn sàng trở thành tên giết người cướp của để thay chiếc “điện thoại cục gạch” của mình bằng một chiếc smart phone đời mới. Người ta quên “cuộc sống thực” tầm thường, nhạt nhẽo, khổ sở, tủi nhục, hèn hạ … hàng ngày để sống cuộc “sống ảo” với smart phone. Trong “thời đại smart phone” mọi chuẩn giá trị của con người gần như đã thay đổi. Đẳng cấp một cá nhân được khẳng định qua “đẳng cấp” của smat phone mà người đó sở hữu. Vì vậy, người ta gắn thêm “giá trị gia tăng” cho smart phone bằng kim cương đen, kim cương hồng, bằng vàng ròng và đá quý…
Cuộc sống hiện đại bận rộn làm cho chúng ta ít khi dành chút thời gian để tự đặt câu hỏi: Liệu smart phone có làm con người thông minh (smart) hơn như cái tên hoành tráng mà những công ty công nghệ khai sinh ra smart phone đã gán cho chúng để huyễn hoặc người dùng và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ? Hơn nửa thế kỷ trước, nhà bác học Einstein đã từng cảnh báo: “Tôi sợ cái ngày mà công nghệ sẽ lấn át sự giao tiếp giữa con người với con người. Thế giới lúc đó sẽ có một thế hệ hoàn toàn đần độn”. Tôi không cho rằng dự đoán bi quan của Einstein đã thành hiện thực nhưng chắc chắn trước cái ngày mà công nghệ hiện đại cho ra đời các “thế hệ đần độn” như Einstein tiên đoán, trên thực tế, chắc chắn smart phone đang từng giờ từng phút góp phần quyết định tạo ra những “thế hệ cúi đầu, cắm mặt” trên màn hình smart phone để quên đi cuộc sống thật, những “thế hệ quay lưng” để “selfie” khuôn mặt của mình trong những thời khắc bi thảm của nhân loại và những “thế hệ vô cảm” trước nỗi đau của đồng loại trên toàn thế giới, bất kể ở quốc gia giầu hay nghèo, phát triển hay kém phát triển, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, khi chủ nhân những chiếc smart phone vui vẻ, cười đùa “selfie” trong đám tang, lạnh lùng quay “video clip” nạn nhân một vụ tai nạn giao thông, một vụ tự tử để cố “post” lên mạng xã hội sớm nhất nhằm “câu like” mà chẳng mảy may quan tâm đến số phận của con người …
Đến đây, tự dưng tôi thầm ngưỡng mộ “mắt xanh” của Ban Tổ Chức cuộc thi Haiku lần thứ nhất của WHA năm 2015 khi đã quyết định trao tặng giải nhất cho khúc haiku sau đây của tác giả Kei Kinjo (Nhật Bản):
White fingertip
killing a man
a smartphone
Đầu ngón tay trắng muốt
đang giết chết một người
từ chiếc smartphone
Đinh Nhật Hạnh dịch
Lê Văn Truyền