Lòng bao dung- Hồ An Thạch

alt

alt

Chú chó bị đánh

Quay đầu

Liếm chân người

(Nguyễn Thánh Ngã)

Đọc bài thơ Haiku nhỏ nhắn này của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, tôi cứ bâng khuâng tự hỏi:” Có phải con vật cũng có “tính bản thiện” như người hay không?”.

Kể từ khi được thuần hóa, chó là vật nuôi để giữ nhà. Ai cũng biết loài chó rất trung thành. Nhiều câu chuyện cảm động về chó lan truyền khắp Đông Tây kim cổ, như có con chó nằm canh mộ chủ mấy tháng ròng mà không ăn uống gì cho đến chết. Hoặc có chú chó đợi chủ trên bến tàu suốt bao năm…Có rất nhiều những câu chuyện cảm động như vậy về chó.

Đọc Ông già bến Ngự, ta không khỏi ngạc nhiên khi Cụ Phan cho chôn hai chú chó Ky và Vá dưới chân mộ mình. Và Cụ làm thơ ca ngợi hai chú chó trung thành, có đầy đủ “trí, đức” hơn người đó. Thế mà chúng ta, những con người, luôn ra tay đánh đập chúng không hề thương tiếc! Dù bị đánh đau đớn khôn cùng, nhưng như chúng ta thấy đó, chú chó vẫn quay đầu lại, vẫy đuôi mừng, liếm chân người chủ.

Nhà thơ Haiku Nguyễn Thánh Ngã đã có dụng ý khi dùng “chú chó”. Từ chú đã nâng chó lên thành người bạn. Vâng, “người bạn” luôn bị đối xử tồi tệ vì bất cứ lý do gì, đã không hề giận bạn, không hề cắn trả bạn, mà ngược lại, quay đầu liếm chân “bạn”!

Hành động này là gì vậy? Nếu không nói đó là lòng bao dung…!?

Nhà thơ nổi tiếng Gibran viết: “Trong con người vĩ đại có hai trái tim: một trái tim chảy máu, và một trái tim bao dung”. Tôi nghĩ trái tim bao dung ấy không dành hết cho con người. Có thể trong đó, có phần của con chó! Nhà văn nào đó viết không ngoa rằng, bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí tuệ, thì chú chó trong thơ có đủ. Nhà yêu nước Phan Bội Châu từng nói về hai con chó yêu quý của mình: “đức trí có đủ”!

Bài thơ Haiku này, gợi cho ta những nỗi buồn, nhưng cũng gợi cho ta những niềm vui làm tan cái ác trong cuộc sống. Thú thật, trước đây thơ Haiku làm tôi khó hiểu, nhưng Nguyễn Thánh Ngã đã cho tôi yêu thích nó hơn, nhờ những bài viết có tính nhân văn cao.

Ngẫm ngợi và thích thú trước sự kiệm lời của Haiku. Độc đáo và kín đáo khiến tôi vô cùng khâm phục. Dư âm của thơ còn vọng mãi trong tâm trí tôi: không nên đối xử ác với loài vật. Nó cũng biết đau đớn, biết thương xót như con người. Tác giả dùng từ rất sâu sắc, khi cho chú chó liếm chân người, thay vì liếm chân chủ để cho ta đối sánh con chó con người, là những người bạn, không phân biệt chủ tớ. Thật cao thâm!

Từ bài thơ này, có thể sẽ làm thay đổi hành vi của bạn:“Yêu thương tất cả muôn loài”.

Ý nghĩa của thơ sẽ đem lại cho tâm tôi và tâm bạn niềm an hòa. Từ nay tôi sẽ luôn đối xử tốt với những chú chó thân yêu!

Đó là lòng bao dung mà tôi học được từ bài thơ nhỏ này vậy!

H.A.T

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt