Khúc tam tấu haiku- Nguyễn Thánh Ngã

Bất chợt đọc chùm Haiku của Haijin Đinh Nhật Hạnh gởi, như một nghệ sĩ già bật lên tấu khúc về “tiếng lòng” rất đỗi thâm sâu.

alt

Nghe câu “thức đêm mới biết đêm dài” chính là tấu khúc thứ nhất khiến cảm giác tôi rờn rợn:

1.

“Khuya

mỏi mòn

cánh vạc”

Chỉ với năm từ tối giản, nhà thơ đã vẽ ra một bầu trời đen thẳm, cũng là bóng tối vô minh của cuộc đời. Con người, kẻ đã đến thế giới này và gánh vác trên vai mình bao thứ nghiệp nặng nề, cũng không thoát khỏi màn đêm ấy. Như cánh vạc kia bay “mỏi”, bay “mòn” cả đêm khuya chỉ để kêu lên một tiếng kêu sương sầu thảm! Và nỗi vô vọng là cảm thức thẩm mỹ của tấu khúc Haiku cô độc này, chiều hướng của nó dẫn ta đến cuộc hội ngộ thứ hai:

2.

“Thủy triều tùy trăng

sóng lòng

trăng nào rọi?”

Đây là bản sonate về ánh trăng, mà nhà thơ là kẻ đứng sau khung cửa của căn nhà hoang trên bãi biển. Chúng ta biết rằng, sự thay đổi lực hấp dẫn từ mặt trăng đã tạo ra hiện tượng thủy triều lên xuống, cho nên nhà thơ mới viết “thủy triều tùy trăng”, là cái tùy thuộc về khách thể mà nhân vật trữ tình đã được ẩn giấu sau tiếng sóng. Phải rồi, dùng tiếng sóng thực để ám chỉ tiếng sóng vô hình, là một gợi mở rất lý thú, cho nên nhà thơ tự hỏi:“trăng nào rọi” được đây…? Quả là câu hỏi vô cùng kỳ bí!

Vâng, bởi mang vẻ kỳ bí, tấu khúc ấy đã đưa người thưởng ngoạn đến câu trả lời. Tấu khúc thứ ba:

3.

“Quỹ thời gian vơi

như giọt lệ đá

rơi trong hang đời”

Hóa ra tiếng sóng dội trong lòng chính là cái lo toan về “thời gian”. Tiếng sóng như tiếng kêu, tiếng thét gào trong biển tối, rằng thời gian như một loại quỹ để dành cho đời người, lại có nguy cơ biến mất bất cứ lúc nào, con người không thể đo đoán được… Nó như giọt lệ chắt lọc từ trong nhũ đá của hang động “đời người”… Hai chữ “hang đời” được sử dụng ở đây như một từ đắc địa, nó logic với bầu trời đêm mỏi mòn cánh vạc, và tiếng sóng lòng gào thét. Từ đây, người đọc có thể hình dung phạm trù sống của đời người tùy thuộc vào môi trường nhận thức, tức thứ ánh sáng trí tuệ đem lại cho mỗi loài linh trưởng.

Tôi cho đây là khúc tam tấu Haiku rất hay, hay không đại ngôn, hay không xảo thuật mới kỳ tài. Bởi sự dung dị là sau khi đã bí hiểm, xa vời cuộc sống…

Thật vậy, khúc tam tấu này chỉ như một khúc ca huyền ảo, được tấu lên bởi bàn tay kẻ lãng du dạn dày kinh nghiệm. Nó ngân lên rồi biến mất, nhưng người am hiểu sẽ thấy nó còn đang dội vào những hang động thăm thẳm mênh mông của đời người…

Sài Gòn tháng 2.2020

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt