Khúc “Rượu” của Lý Viễn Giao- Huỳnh Xuân Sơn

alt

Thơ ca có nhiều thể loại, nhiều hình thái biểu đạt ngôn ngữ và ý nghĩa khác nhau. Có tác phẩm dài dằng dặc mà ta gọi đó là Trường ca, có tác phẩm thì lại ngắn chỉ có vài từ. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa và hồn cốt ẩn chứa trong nó lại không hề ngắn như khuôn khổ của bài thơ.

alt

Một trong những bài thơ ngắn như thế mà tôi đã gặp là bài thơ Haiku viết về Rượu của tác giả Lý Viễn Giao.

Rượu đầy

Lời bay

Dạ cạn

Chỉ vỏn vẹn 6 từ cho ba ngắt ý, bài thơ Haiku không quý ngữ đã gieo vào lòng tôi một dòng suy tư về Rượu và những gì liên quan đến nó.

Ngắt ý thứ nhất Rượu đầy, với người dân Việt từ cổ chí kim rượu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Dịp lễ tết, ngày vui, ngày buồn, người ta khi vui và ngay cả lúc buồn thậm chí không vui không buồn cũng uống rượu. Rượu luôn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Nhưng khi mà “Rượu đầy” thì lại dẫn tới chiều hướng sẽ uống nhiều. Sau khi uống nhiều không chỉ say xỉn ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn bao hệ lụy kéo theo sau. Ca dao xưa các cụ đã nói:

Rượu nhạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm (Ca dao)

Câu ca dao thứ hai cũng là một phần của ngắt ý thứ hai mà tác giả muốn nói trong Rượu :

Lời bay.

Tục ngữ đã có câu “rượu vào lời ra”. Hệ lụy của “Lời ra” này mới là điều mà mỗi người chúng ta cần nghĩ tới và có lẽ cũng là suy nghĩ của tác giả khi nghĩ đến hệ lụy của “Rượu đầy” dẫn tới “Lời bay”

Ca dao ông bà ta đã đúc kết

Ở đời chẳng biết sợ ai

Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày (ca dao)

Hệ lụy của Rượu không hẳn xấu với những người có nợ với văn chương. Đường Thi cổ có câu “Đấu tửu thi bách thiên” (Rượu vào hàng trăm bài thơ ra). Điển hình của mối duyên nợ Thơ và Rượu là Lý Bạch nhà thơ lớn đời Đường .Với thi sĩ họ Bạch phải có rượu vào mới có thơ ra, những áng thơ Đường bất hủ của ông còn lưu danh tới nay cũng xuất phát từ những lúc ngấm men cay nồng của rượu. Để rồi ngày nay bên xứ ấy vẫn còn một Tróc Nguyệt Đài (Đài bắt trăng)…Tích xưa kể rằng khi Lý Bạch rời kinh thành ngao du khắp chốn, mang theo lệnh vua ban uống rượu miễn phí ở bất kể đâu, cũng được ngân khố triều đình chi trả . Một lần Lý Bạch say rượu nằm bên bờ sông Thái Trạch, huyện Đang Hồ vào đêm trăng rằm, thấy bóng chị Hằng lấp lánh dưới sông, Lý Bạch liền lội ra để vớt trăng, dẫn đến mất mạng. Tích ấy đúng sai hẳn nhiên đời sau không dám, và không có ý phán xét, chỉ biết rằng Đài Bắt Trăng vẫn còn tồn tại cùng những áng thơ bất hủ gắn liền với thi sĩ họ Bạch và gắn liền với mối lương duyên Thơ Và Rượu..

Ca dao truyền lại và thi sĩ xứ người là vậy còn các thi sĩ của chúng ta thì sao?

Sinh thời Tản Đà đã gửi gắm tâm tư về Thơ và Rượu thế này

Rượu thơ mình lại với mình

Khi say quên cả cái hình phù du

Trăm năm thơ túi rượu vò

Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai? (Thơ Về Rượu)

Gần đây nữa ta có thể kể đến cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng bài thơ Rượu của ông.

Trong mâm rượu

Nếu nói xấu người vắng mặt

Rượu sẽ thành thuốc độc

Trong mâm rượu

Nhắc nhớ người vắng mặt

Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh

Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương (Nguyễn Quang Sáng).

Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có câu đúc kết về Rượu với Thơ rằng

Rượu có mùi thơm nên uống mãi

Thơ là thuốc bổ cứ ngâm chơi”(Bảy mươi tuổi tự thuật)

Trở lại với Rượu .“Rượu đầy”! Cạn hết sẽ say, khi có chất men kích thích lập tức “Lời bay”. Đó chính là những gợi mở trong ngắt ý thứ hai và Lời Bay cũng chính là điểm nhấn của bài thơ . Rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng ngắt ý Lời bay trong Rượu của tác giả Lý Viễn Giao, hẳn họ muốn nhắc nhớ tới văn hóa ứng xử trong giao tiếp của mỗi người khi ngồi trong mâm rượu!

Mang theo suy nghĩ về Lời bay ta đến với ngắt ý thứ ba của Rượu

Dạ cạn.

Một vế đối đắt giá với ngắt ý thứ nhất Rượu đầy. Rượu đầy nghĩa là  có nhiều, mà nhiều rượu sẽ dẫn tới uống nhiều. Còn dạ cạn thật khó định lượng đây, khi mà ông bà ta đã có câu

Sông sâu biển rộng dễ dò

Nào ai lấy thước mà đo lòng người. ( ca dao).

Nhưng có lẽ câu ca dao ấy vốn nói về những người bình thường, tỉnh táo. Còn mấy người mà khi đã say tới mức lời bay không kiểm soát thì ắt chẳng cần đo cũng thấy Dạ Cạn.

Thông thường con người ta,bất kể già trẻ gái trai, khi uống nhiều nếu không biết kiềm chế sẽ dẫn đến nói nhiều. Kéo theo nhiều hệ lụy, mà đa phần trong đó là hệ lụy xấu. Và,với ngắt ý thứ ba “Dạ cạn” của tác giả Lý Viễn Giao, phải chăng ông còn muốn nhắc nhở những người uống “Rượu đầy” hãy tỉnh táo kìm chế. Đó đây nhan nhản trên các mặt báo biết bao vụ án từ say Rượu mà ra. Chỉ một cái nhìn, mà người say cho là “nhìn đểu” trong quán rượu, dẫn đến lời ra tiếng vào xô xát và hậu quả rất nhiều vụ án là người bị trọng thương hoặc mất mạng, kẻ tỉnh rượu thì vào tù hoặc lãnh án tử hình.

Vẫn biết rằng Rượu không thể thiếu trong đời sống bất kể thể chế, xã hội nào. Nhưng xin hãy nghĩ tới mặt trái của hậu cuộc “rượu đầy” sau những “lời bay” không chỉ là “Dạ cạn” mà nhiều rất nhiều từ cạn đi theo, cạn tình, cạn nghĩa, cạn luôn cả cuộc sống này.

Từ cổ chí kim. Xưa có Lý Bạch sinh thời cao ngạo tới mức

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh

Lý Hữu Phước dịch rằng

Xưa nay lặng tiếng thánh hiền

Chỉ người uống rượu còn truyền lưu danh.

Nhưng rồi ông lại mất mạng chỉ vì say rượu. Tên ông và thơ ông quả đã lưu danh thiên cổ thật , Nhưng thử hỏi có mấy người rượu vào lời ra được như Lý Bạch.

Thời cận đại Việt Nam có Phạm Thái tức Chiêu Lỳ. Tác giả Chiến Tụng Tây Hồ Phú, Sơ Kính Tân Trang. Văn Tế Trương Quỳnh Như… Một người tài hoa vậy mà khi ở tuổi hai mươi vì chán nản tìm đến Rượu nên đã có những suy nghĩ bi quan trong Tự Trào:

Bầu giốc càn khôn giọng bét be

Miễn được ngày nào ngang dọc đã

Sống thì nuôi lấy chết chôn đi. (Tự Trào- Phạm Thái).

Cho đến tuổi Tam thập Nhi Lập ông vẫn Tự Thuật:

Một tập thơ sầu ngâm đã chán

Vài be ruột lạt uống ra gì

Chết về Tiên Phật cho xong nợ

Cái kiếp trần gian sống mãi chi (Tự Thuật- Phạm Thái).

Phạm Thái mất đi ở tuổi 36. Kết thúc chuỗi ngày li bì say rượu và kết thúc những bài thơ văn bi quan và yếm thế. mới thấy Rượu và hệ lụy của rượu không chỉ có Lời Bay và Dạ Cạn.

Thơ Haiku vốn không tả mà chỉ gợi. Tác giả Lý Viễn Giao với Rượu của mình đã khơi gợi trong tôi một dòng suy nghĩ và tôi đã viết ra những suy nghĩ của riêng cá nhân mình. Rất mong nhận được sự lượng thứ từ bạn đọc và tác giả nếu như có thiếu sót.


Dáng Xuân


Mây trắng nhấp nhô

Nắng sớm xòe ô

Ngựa hồng lối đá


Nắng mai gội vòm xanh

Gió sớm xô nghiêng mành

Thướt tha soi bóng nước


Chùm lan nào

Giậu cao

Tay với


Hoa rơi hết rồi

Đào về thôi

Vườn cũ


Tóc xõa vai mềm

Chân xải bước êm

Căng tràn nhựa sống.


H.X.S


Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt